Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/VBHN-BXD

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2018

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ CHIẾU SÁNG ĐÔ THỊ

Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về Quản lý chiếu sáng đô thị có hiệu lực kể từ ngày 19 tháng 11 năm 2009 được sửa đổi, bổ sung bởi: Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2018.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng1,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về hoạt động chiếu sáng tại các đô thị và khuyến khích áp dụng đối với các khu vực ngoài đô thị trên phạm vi toàn quốc.

2. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến chiếu sáng đô thị trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ theo quy định của Nghị định này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ, khái niệm được hiểu như sau:

1. Hoạt động chiếu sáng đô thị bao gồm: quy hoạch, đầu tư phát triển và tổ chức chiếu sáng đô thị; quản lý và vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị.

2. Chiếu sáng đô thị bao gồm: chiếu sáng các công trình giao thông; chiếu sáng không gian công cộng; chiếu sáng mặt ngoài công trình; chiếu sáng quảng cáo, trang trí và chiếu sáng khu vực phục vụ lễ hội; chiếu sáng trong khuôn viên công trình do các tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý và sử dụng.

3. Hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị bao gồm chiếu sáng các công trình giao thông, chiếu sáng không gian công cộng trong đô thị.

4. Quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị là những hoạt động về đầu tư, nâng cấp, cải tạo, duy trì, bảo dưỡng, phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị;

5. Chính quyền đô thị là Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và thị trấn thuộc huyện.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý và chính sách phát triển chiếu sáng đô thị

1. Chiếu sáng đô thị là một nguyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị được quản lý thống nhất và có phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể theo quy định của pháp luật.

2. Chiếu sáng đô thị phải sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, an toàn, bảo vệ môi trường và tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật.

3. Chiếu sáng đô thị phải được quy hoạch; việc phát triển và đầu tư chiếu sáng đô thị phải theo quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch chiếu sáng đô thị được phê duyệt.

4. Nhà nước có trách nhiệm trong việc xây dựng chiến lược phát triển chiếu sáng đô thị nhằm đầu tư xây dựng và không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm chất lượng chiếu sáng đô thị, từng bước hiện đại và phát triển đô thị bền vững.

5. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư, sản xuất và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện.

6. Khi sửa chữa, thay thế, lắp đặt mới nguồn sáng và các thiết bị chiếu sáng tại các công trình xây dựng và công trình chiếu sáng đô thị có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải sử dụng nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng hoặc dán nhãn tiết kiệm năng lượng của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Yêu cầu chung về thiết kế, xây dựng, duy trì chiếu sáng đô thị

1. Thiết kế chiếu sáng đô thị:

a) Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về chiếu sáng đô thị đối với từng loại công trình hoặc từng khu vực được chiếu sáng;

b) Bảo đảm các yếu tố trang trí, mỹ quan và phù hợp với chức năng của công trình hoặc từng khu vực được chiếu sáng;

c) Có các giải pháp sử dụng nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện trong thiết kế từng công trình hoặc từng khu vực được chiếu sáng.

2. Xây dựng, lắp đặt các công trình chiếu sáng đô thị phải thực hiện theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, trong quá trình thi công phải bảo đảm an toàn, thuận tiện và tuân thủ các quy định về quản lý xây dựng công trình.

3. Công tác duy trì, bảo dưỡng phải bảo đảm cho hệ thống chiếu sáng đô thị hoạt động ổn định; đạt hiệu quả chiếu sáng cao, tiết kiệm điệm và an toàn cho người quản lý, vận hành và sử dụng.

Điều 5. Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về chiếu sáng đô thị

1. Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; ban hành quy chuẩn kỹ thuật về chiếu sáng đô thị.

2. Các Bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao nghiên cứu, đề xuất các tiêu chuẩn quốc gia, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến chiếu sáng đô thị.

3. Các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị áp dụng tiêu chuẩn quốc gia và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về chiếu sáng đô thị do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Điều 6. Bảo vệ hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị

1. Đơn vị quản lý, vận hành có trách nhiệm bảo vệ tài sản của hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị (nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng, đường dây, cột điện, tủ điện, hệ thống điều khiển và các thiết bị điện khác) trên địa bàn được giao.

2. Mọi tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và báo cho cơ quan có thẩm quyền các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ, sử dụng hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị.

Điều 7. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chiếu sáng đô thị

Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động nhân dân sử dụng điện chiếu sáng an toàn, đúng mục đích; sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao - tiết kiệm điện và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về chiếu sáng đô thị.

Điều 8. Các hành vi bị cấm

1. Thiết kế, xây dựng công trình chiếu sáng đô thị không tuân thủ quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch chiếu sáng đô thị, thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tổ chức chiếu sáng đô thị không đúng quy định.

3. Sử dụng nguồn điện cấp cho hệ thống chiếu sáng đô thị vào mục đích khác.

4. Trộm cắp các thiết bị chiếu sáng đô thị

5. Lạm dụng chiếu sáng làm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, an toàn và mỹ quan đô thị.

6. Sản xuất, nhập khẩu nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng không đúng với các quy chuẩn kỹ thuật quy định.

7. Quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị không đúng quy định.

8. Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Chương 2

QUY HOẠCH CHIẾU SÁNG ĐÔ THỊ

Điều 9. Quy định chung về quy hoạch chiếu sáng đô thị

1. Quy hoạch chiếu sáng đô thị là một nội dung của quy hoạch đô thị được lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị.

2. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức lập quy hoạch chiếu sáng đô thị. Đối với các đô thị khác đã có quy hoạch đô thị được phê duyệt, việc tiến hành lập bổ sung quy hoạch chiếu sáng đô thị khi chưa đến thời điểm điều chỉnh quy hoạch đô thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 10. Yêu cầu đối với quy hoạch chiếu sáng đô thị

1. Phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của quy hoạch đô thị và phát triển đô thị.

2. Phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế, xã hội, tính chất, chức năng và đặc thù của mỗi đô thị.

3. Bảo đảm đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật và phù hợp với các công trình và khu vực được chiếu sáng.

4. Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về chiếu sáng đô thị.

5. Bảo đảm mục đích chiếu sáng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Điều 11. Nội dung và hồ sơ quy hoạch chiếu sáng đô thị

1. Nội dung cơ bản của quy hoạch chiếu sáng đô thị:

a) Điều tra, đánh giá hiện trạng hệ thống chiếu sáng đô thị;

b) Xác định các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật về chiếu sáng đô thị;

c) Dự thảo nhu cầu về chiếu sáng đô thị;

d) Đề xuất phương án quy hoạch chiếu sáng đô thị;

đ) Đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư; các giải pháp tổ chức và thực hiện quy hoạch chiếu sáng đô thị.

2. Hồ sơ quy hoạch bao gồm các bản vẽ và thuyết minh tổng hợp.

3. Bộ Xây dựng quy định cụ thể nội dung và hồ sơ quy hoạch chiếu sáng đô thị.

Chương 3

TỔ CHỨC CHIẾU SÁNG ĐÔ THỊ

Điều 12. Yêu cầu về tổ chức chiếu sáng đô thị

1. Tuân thủ theo quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch chiếu sáng đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tuân thủ các quy định về quản lý chiếu sáng đô thị.

3. Bảo đảm các chức năng chiếu sáng cho các hoạt động của đô thị về ban đêm, góp phần tôn tạo diện mạo, mỹ quan đô thị và bảo đảm tiết kiệm điện, hiệu quả.

Điều 13. Chiếu sáng các công trình giao thông đô thị

1. Bảo đảm các chức năng về chiếu sáng, định vị, dẫn hướng cho các đối tượng tham gia giao thông hoạt động an toàn về ban đêm. Các chỉ tiêu định lượng, chất lượng chiếu sáng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về chiếu sáng đô thị quy định cho từng loại công trình giao thông.

2. Việc xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông phải được xây dựng đồng bộ với các công trình chiếu sáng đô thị.

3. Việc chiếu sáng đường, đường phố, hè phố, cầu, nút giao thông, bến, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe buýt công cộng trong đô thị phải phù hợp yêu cầu của quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch chiếu sáng đô thị, có tính thẩm mỹ, phù hợp với không gian kiến trúc và cảnh quan môi trường xung quanh.

4. Việc chiếu sáng tại các ngõ, hẻm phải phù hợp với điều kiện thực tế; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, văn minh tại khu vực dân cư.

5. Việc chiếu sáng hầm đường bộ, hầm cho người đi bộ phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu chỉ dẫn và khả năng phát hiện kịp thời chướng ngại vật trong hầm, bảo đảm an toàn, phòng, chống cháy nổ và có nguồn sáng dự phòng.

Điều 14. Chiếu sáng không gian công cộng trong đô thị

1. Công viên, vườn hoa, quảng trường, các khu vực ven hồ nước, ven hai bên bờ sông, ven bờ biển và các không gian công cộng có ý nghĩa về chính trị, lịch sử, văn hóa trong đô thị được tổ chức chiếu sáng theo quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch chiếu sáng đô thị được phê duyệt.

2. Giải pháp chiếu sáng không gian công cộng phải góp phần tăng tính thẩm mỹ không gian đô thị, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố cảnh quan như cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, mặt nước với các công trình kiến trúc, tượng đài, đài phun nước và các công trình khác.

3. Đơn vị được giao quản lý, vận hành hoặc các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng, khai thác khu vực công cộng trong đô thị phải có trách nhiệm tổ chức chiếu sáng theo quy định của chính quyền đô thị.

Điều 15. Chiếu sáng mặt ngoài các công trình trong đô thị

1. Các công trình kiến trúc, xây dựng; các công trình di tích lịch sử, văn hóa, thể thao; tháp truyền hình; ăng ten thu, phát sóng có kiểu dáng, hình ảnh và vị trí tạo điểm nhấn của đô thị hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến bộ mặt kiến trúc và cảnh quan đô thị phải được chiếu sáng mặt ngoài hoặc một phần mặt ngoài của công trình.

2. Tùy theo chức năng, quy mô, đặc điểm kiến trúc, độ cao và yêu cầu thẩm mỹ, việc chiếu sáng mặt ngoài công trình phải tạo nên những điểm nhấn, hình ảnh đặc trưng của công trình, đồng thời đảm bảo hài hòa với chiếu sáng các công trình giao thông; không gian công cộng và các công trình xung quanh.

3. Chủ sở hữu hoặc chủ quản lý, sử dụng các công trình nêu tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm tổ chức chiếu sáng theo quy định của chính quyền đô thị.

Điều 16. Chiếu sáng khuôn viên công trình do các tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý và sử dụng

1. Tùy theo vị trí, chiếu sáng khuôn viên công trình phải đảm bảo các yêu cầu về thẩm mỹ, an ninh, tiết kiệm và hiệu quả, kết hợp chiếu sáng khuôn viên với chiếu sáng các công trình trong khuôn viên hoặc với các khu vực lân cận.

2. Khuôn viên của các trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, khuôn viên công trình do các tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý và sử dụng ở tại các vị trí quan trọng trong đô thị được tổ chức chiếu sáng theo quy định của chính quyền đô thị.

Điều 17. Chiếu sáng quảng cáo, trang trí và chiếu sáng khu vực phục vụ lễ hội

1. Đối với chiếu sáng quảng cáo, trang trí:

a) Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, các quy định của Pháp lệnh quảng cáo và các quy định khác về quản lý chiếu sáng đô thị có liên quan;

b) Bảo đảm an toàn, tính thẩm mỹ đô thị, cấm lạm dụng chiếu sáng quảng cáo, trang trí làm ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông và các hoạt động khác của đô thị.

2. Đối với chiếu sáng các khu vực phục vụ lễ hội:

a) Bảo đảm sự phù hợp đa dạng, độc đáo và tính thẩm mỹ cao của các khu vực được tổ chức chiếu sáng;

b) Bảo đảm an toàn cho người và không gian nơi sử dụng, phòng, chống cháy nổ;

c) Bảo đảm dễ dàng, thuận tiện trong quá trình thi công, lắp đặt và tháo dỡ.

3. Việc chiếu sáng quảng cáo, trang trí và chiếu sáng khu vực phục vụ lễ hội phải sử dụng nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả.

4. Thực hiện việc xã hội hóa trong tổ chức chiếu sáng quảng cáo, trang trí và chiếu sáng khu vực phục vụ lễ hội.

5. Chính quyền đô thị theo phân cấp quản lý cho phép chiếu sáng quảng cáo, trang trí, chiếu sáng khu vực phục vụ lễ hội phù hợp vị trí, quy mô của mỗi công trình hoặc khu vực cụ thể trong đô thị.

Chương 4

ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CHIẾU SÁNG ĐÔ THỊ

Điều 18. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển chiếu sáng đô thị

1. Chương trình, dự án chiếu sáng đô thị được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, vốn tín dụng, vốn tài trợ nước ngoài và các nguồn vốn khác của các tổ chức và cá nhân.

2. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển toàn bộ hoặc một phần hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị phù hợp với quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch chiếu sáng đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 19. Kế hoạch đầu tư phát triển chiếu sáng công cộng đô thị

1. Kế hoạch đầu tư phát triển chiếu sáng công cộng đô thị phải phù hợp với quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch chiếu sáng đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Kế hoạch đầu tư phát triển chiếu sáng công cộng đô thị hàng năm bao gồm: các giải pháp, phương án đầu tư cho các nhiệm vụ xây mới, cải tạo, thay thế, duy trì, bảo dưỡng, nâng cấp chất lượng chiếu sáng và phát triển nguồn nhân lực.

3. Kế hoạch đầu tư phát triển chiếu sáng công cộng đô thị và kinh phí thực hiện phải được đưa vào chương trình hoặc kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm của đô thị.

Điều 20. Ưu đãi và hỗ trợ để phát triển chiếu sáng đô thị

1. Ưu tiên sử dụng các nguồn tài chính ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất cho việc đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao - tiết kiệm điện.

2. Ưu đãi về thuế đối với các nguyên vật liệu nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được để sản xuất các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao - tiết kiệm năng lượng.

3. Hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và có cơ chế huy động vốn đóng góp từ cộng đồng dân cư vào việc xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp chiếu sáng ngõ, hẻm trong đô thị.

4. Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến về chiếu sáng đô thị; đào tạo, nâng cao năng lực về quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị;

5. Các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Chủ sở hữu hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị

1. Chính quyền đô thị theo phân cấp quản lý là chủ sở hữu hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị bao gồm:

a) Hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước;

b) Nhận bàn giao lại từ các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình hoặc hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị sau khi hết thời hạn sử dụng, khai thác theo quy định.

2. Các tổ chức kinh doanh, phát triển khu đô thị mới là chủ sở hữu, quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trên địa bàn do mình quản lý đến khi bàn giao theo quy định.

3. Các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị tự bỏ vốn đầu tư đến khi bàn giao theo quy định.

4. Các chủ sở hữu hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị phải tuân thủ các quy định về quản lý chiếu sáng đô thị do chính quyền đô thị ban hành.

Chương 5

QUẢN LÝ, VẬN HÀNH HỆ THỐNG CHIẾU SÁNG CÔNG CỘNG ĐÔ THỊ

 

Điều 22. (Được bãi bỏ)

Điều 23. Nội dung quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị

1. Thực hiện tổ chức chiếu sáng công cộng đô thị theo đúng các quy trình kỹ thuật về chiếu sáng, bảo đảm an toàn và tiết kiệm điện, phòng, chống cháy nổ và thời gian vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị theo quy định.

2. Lập kế hoạch hàng năm về xây dựng mới, thay thế, cải tạo, duy trì bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị và tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt.

3. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng nguồn sáng và các thiết bị của hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị để đề xuất phương án sửa chữa và thay thế kịp thời.

4. Bảo vệ hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị.

Điều 24. Quyền và trách nhiệm đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị

1. Quyền của đơn vị quản lý, vận hành:

a) Được thanh toán đúng và đủ các chi phí theo quy định trong hợp đồng;

b) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn có liên quan đến chiếu sáng công cộng đô thị;

c) Được quyền tham gia ý kiến vào việc lập quy hoạch chiếu sáng đô thị trên địa bàn được giao quản lý; tham gia nghiên cứu khoa học; thực hiện các dịch vụ về tư vấn, thiết kế, xây dựng chiếu sáng đô thị; nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong chiếu sáng công cộng, trong quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị.

2. Trách nhiệm của đơn vị quản lý, vận hành:

a) Đảm bảo thực hiện đúng nhiệm vụ; các quy định về quản lý, vận hành đã cam kết trong hợp đồng;

b) Báo cáo định kỳ tới chính quyền đô thị và cơ quan chuyên môn về quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị do mình được giao;

c) Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển chiếu sáng công cộng đô thị đã được phê duyệt;

d) Quản lý tài sản được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hợp đồng ký kết với chính quyền đô thị;

đ) Bảo vệ hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trên địa bàn được giao quản lý.

Chương 6

TRÁCH NHIỆM VỀ QUẢN LÝ CHIẾU SÁNG ĐÔ THỊ

Điều 25. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Quản lý thống nhất về chiếu sáng đô thị trên địa bàn của tỉnh. Phân công trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn và phân cấp quản lý cho chính quyền đô thị về quản lý chiếu sáng đô thị trên địa bàn.

2. Ban hành hoặc phân cấp cho chính quyền đô thị ban hành các văn bản quy định cụ thể về quản lý chiếu sáng đô thị.

3. Căn cứ vào quy định, hướng dẫn của Nhà nước và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển chiếu sáng đô thị trên địa bàn do mình quản lý cho phù hợp.

4. Tổ chức phổ biến và thực hiện các văn bản của Chính phủ về quản lý chiếu sáng đô thị.

Điều 26. Trách nhiệm của chính quyền đô thị

1. Tổ chức thực hiện quản lý chiếu sáng đô thị trên địa bàn theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Ban hành các quy định cụ thể về quản lý chiếu sáng đô thị theo phân cấp, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân tham gia tổ chức chiếu sáng tại đô thị; quy định về quản lý và vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trên địa bàn được giao quản lý và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định này.

3. Xây dựng cơ sở dữ liệu về chiếu sáng đô thị phục vụ công tác quản lý chiếu sáng trên địa bàn.

 

Chương 7

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 27. Hiệu lực thi hành 3

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 11 năm 2009.

Điều 28. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đình Toàn

 



1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2018, có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư ngày 22 tháng 11 năm 2016;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật kinh doanh bất động sản ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

2 Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1, Điều 3 của Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2018

3 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2018 quy định như sau:

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2018.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BXD năm 2018 hợp nhất Nghị định về quản lý chiếu sáng đô thị do Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 04/VBHN-BXD
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 13/09/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Đình Toàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 943 đến số 944
  • Ngày hiệu lực: 13/09/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản