Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/VBHN-BCA

Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2021

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

Thông tư số 57/2015/TT-BCA ngày 26 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 01 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 148/2020/TT-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2015/TT-BCA ngày 26/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2021.

Căn cứ Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2009 quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây viết gọn là Nghị định số 104/2009/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định số 79/2014/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ,

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn về danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm: ô tô trên 09 chỗ ngồi2. Việc trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sau đây được thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan:

a) Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyên sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

b) Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, trừ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hoạt động phục vụ mục đích kinh tế - xã hội;

c) Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định của pháp luật;

d) Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phục vụ chở lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam, khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về Cảnh vệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Chủ sở hữu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

2. Cơ quan, tổ chức quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

3. Công an các đơn vị, địa phương.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Điều 3. Nguyên tắc trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

1. Tuân thủ quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ, quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Phù hợp với yêu cầu, tính chất, đặc điểm hoạt động của phương tiện và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.

3. Bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, đúng định mức, đúng mục đích.

Điều 4. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc đối tượng trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy

1. Ô tô trên 09 chỗ ngồi2. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ thuộc các loại 1, 2, 3, 4 và 9 quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 42/2020/NĐ-CPĐiều 5. Kinh phí bảo đảm trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

1. Chủ sở hữu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tự bảo đảm kinh phí trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện thuộc phạm vi quản lý của mình.

2. Kinh phí bảo đảm trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước ở Trung ương và địa phương do ngân sách nhà nước bảo đảm và thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chương II

DANH MỤC, ĐỊNH MỨC TRANG BỊ, KIỂM ĐỊNH PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

Điều 6. Danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

1. Danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ được hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Tùy đặc điểm loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và khả năng bảo đảm kinh phí, chủ sở hữu phương tiện hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước căn cứ kinh phí được bảo đảm có thể trang bị thêm các loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc phạm vi quản lý như: Bình chữa cháy, phương tiện cứu người, quần, áo chữa cháy, mũ chữa cháy, ủng chữa cháy, hộp sơ cứu kèm theo các dụng cụ cứu thương và các loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy cần thiết khác.

4. Phương tiện phòng cháy và chữa cháy trang bị đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe.

Điều 7. Kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháyPhương tiện phòng cháy và chữa cháy trang bị đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được kiểm định theo quy định tại Điều 38 của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆNĐiều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 01 năm 2016.

2. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã được trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy bằng hoặc cao hơn hướng dẫn tại Thông tư này trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng; trường hợp chưa được trang bị hoặc trang bị thấp hơn hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo Thông tư này.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

2. Cục Cảnh sát giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm kiểm tra, xử lý hoặc hướng dẫn khắc phục vi phạm quy định về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của pháp luật.

3. Căn cứ yêu cầu và tình hình thực tế, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hướng dẫn tại Thông tư này trình Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

4. Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ vào tháng 12 hàng năm báo cáo Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) việc thực hiện hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

b) Tổng hợp đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc phạm vi quản lý báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ).

5. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

6. Đề nghị thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Công an trong việc quản lý, kiểm tra việc thực hiện các hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) để kịp thời hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo và
đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ);
- Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an;
- Lưu: VT, V03(P4).

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

BỘ TRƯỞNG




Đại tướng Tô Lâm

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC, ĐỊNH MỨC TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

STT

Loại phương tiện

Danh mục, định mức trang bị

Bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 3 lít

Bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 4 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 5 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 6 lít

Đèn pin cầm tay

1

Ô tô trên 09 chỗ ngồi

 

 

 

1.1

Ô tô từ 10 đến 30 chỗ ngồi

02 bình

 

01 chiếc

1.2

Ô tô trên 30 chỗ ngồi

02 bình

01 bình

01 chiếc

2

Rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo

01 bình

02 bình

01 chiếc

 

PHỤ LỤC II

DANH MỤC, ĐỊNH MỨC TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ

STT

Loại hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ vận chuyển bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

Danh mục, định mức trang bị

Bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 4 kg

Kìm cộng lực (Chiều dài tối thiểu 600 mm; cắt được sắt có đường kính tối thiểu Ø10 mm)

Búa (Khối lượng đầu búa tối thiểu 1,25 kg)

Xà beng (Bằng thép, bề mặt sơn tĩnh điện; có chiều dài tối thiểu 750 mm; một đầu dẹt và một đầu cong để nâng, bẩy vật nặng)

Đèn pin phòng nổ cầm tay

1

Loại 1. Chất nổ và vật phẩm dễ nổ

 

 

 

 

 

1.1

Phương tiện vận chuyển có trọng tải dưới 5 tấn

02 bình

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

1.2

Phương tiện vận chuyển có trọng tải từ 5 tấn trở lên

03 bình

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

2

Loại 2. Khí (khí dễ cháy; khí không dễ cháy, không độc hại; khí độc hại)

 

 

 

 

 

2.1

Phương tiện vận chuyển có trọng tải dưới 5 tấn

02 bình

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

2.2

Phương tiện vận chuyển có trọng tải từ 5 tấn trở lên

03 bình

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

3

Loại 3. Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy

 

 

 

 

 

3.1

Phương tiện vận chuyển có trọng tải dưới 5 tấn

02 bình

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

3.2

Phương tiện vận chuyển có trọng tải từ 5 tấn trở lên

03 bình

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

4

Loại 4. (Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy; chất có khả năng tự bốc cháy; chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy)

 

 

 

 

 

4.1

Phương tiện vận chuyển có trọng tải dưới 5 tấn

02 bình

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

4.2

Phương tiện vận chuyển có trọng tải từ 5 tấn trở lên

03 bình

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

5

Loại 9: Các chất và hàng nguy hiểm khác

 

 

 

 

 

5.1

Phương tiện vận chuyển có trọng tải dưới 5 tấn

01 bình

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

5.2

Phương tiện vận chuyển có trọng tải từ 5 tấn trở lên

02 bình

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

01 chiếc

 



“Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2015/TT-BCA ngày 26 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.”

“Điều 2. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2021.

2. Trách nhiệm thi hành:

a) Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này;

b) Lực lượng Cảnh sát giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo thẩm quyền được giao có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của pháp luật;

c) Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

Hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ vào cuối tháng 11 hằng năm báo cáo Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) việc thực hiện hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

Tổng hợp đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc phạm vi quản lý báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ);

d) Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) để có hướng dẫn kịp thời./.”