Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO

******

Số : 01/2004/LPQT

 

 

Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2004

 

Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ấn Độ bước vào thế kỷ 21 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2003.

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Anh

TUYÊN BỐ CHUNG

VỀ KHUÔN KHỔ HỢP TÁC TOÀN DIỆN GIỮA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ NƯỚC CỘNG HÒA ẤN ĐỘ BƯỚC VÀO THẾ KỶ 21.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ấn Độ (sau đây gọi tắt là hai Bên) là hai nước bạn bè truyền thống, có mối quan hệ hữu nghị lâu đời, được các nhà lãnh đạo tiền bối Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Gia-oa-hác-lan Nê-ru cũng như các thế hệ lãnh đạo sau này của hai nước dầy công vun đắp. Các chuyến thăm lịch sử của Pan-đít Gia-oa-hác-lan Nê-ru tới Hà Nội tháng 10 năm 1954, ngay sau khi Hà Nội được giải phóng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Ấn Độ tháng 02 năm 1958 đã mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ gần gũi lâu đời giữa hai nước và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ nhân dân hai nước chúng ta trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do xây dựng cuộc sống mới của mỗi nước, góp phần gìn giữ hòa bình ở Châu Á và trên thế giới.

Kế tục truyền thống đó, các nhà lãnh đạo hai nước đã tiến hành nhiều cuộc thăm viếng chính thức và thiết lập được nền tảng vững chắc cho sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và hợp tác toàn diện giữa nhân dân hai nước. Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ ngày 07 tháng 01 năm 1972 và nhất là sau khi Việt Nam thống nhất, hai nước đã hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài và toàn diện. Quan hệ song phương ngày càng được tăng cường vì lợi ích của mỗi nước cũng như vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Thông qua sự ủng hộ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, mối quan hệ giữa hai nước đã trở thành nhân tố gắn kết hai dân tộc trong lúc tình hình quốc tế có nhiều thay đổi phức tạp.

Bước vào thế kỷ 21, hai Bên quyết tâm phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và nâng quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới nhằm ứng phó với các thách thức mới của toàn cầu hóa, mối đe dọa của khủng bố quốc tế và những thách thức to lớn đối với hệ thống quốc tế. Hai Bên phấn đấu phát triển khía cạnh chiến lược trong quan hệ đối tác vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, và góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và sự thịnh vượng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.

Hai Bên khẳng định tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là những nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, không làm ảnh hưởng tới quan hệ của mỗi nước với nước thứ ba, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trên tình anh em.

Trong bối cảnh đó, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò truyền thống của Ấn Độ trong Liên Hợp Quốc và ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được mở rộng.

Trên cơ sở các mục tiêu, phương châm và nguyên tắc trên, hai Bên thỏa thuận thực hiện trong 15 năm tới một Chương trình Hợp tác Toàn diện với nội dung chủ yếu sau:

(i) Hai Bên sẽ tiến hành thường xuyên các cuộc gặp gỡ cấp cao nhằm củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp vốn có và tạo động lực mới cho sự hợp tác về mọi mặt giữa hai nước. Trên cơ sở quan triệt tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, các Bộ, ngành, các nghị sĩ Quốc hội, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức quần chúng hai nước sẽ tăng cường trao đổi, giao lưu và tiếp xúc hữu nghị, để củng cố hơn nữa quan hệ đối tác với nhau.

(ii) Hai Bên nhất trí hợp tác chặt chẽ tại Liên Hợp Quốc và các diễn đàn quốc tế khác. Với ý thức về tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong quan hệ song phương, hai Bên khẳng định mong muốn phối hợp lập trường với nhau tại các tổ chức khu vực và tiểu vùng, đặc biệt là Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN(ARF), và Hợp tác Sông Hằng – Sông Mê-kông.

(iii) Hai Bên cũng cam kết trợ giúp nhau bảo vệ lợi ích của mỗi nước trên trường quốc tế và góp phần vào nỗ lực chung nhằm dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Hai Bên lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện và nhất trí tăng cường hợp tác trong việc thực hiện các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chống khủng bố và trong việc chống mọi hình thức bạo lực và khủng bố, mọi âm mưu áp đặt hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Nhằm mục đích này, Bộ Ngoại giao hai nước sẽ tiến hành tham khảo chính trị thường niên về các diễn biến của chính trị quốc tế, các biện pháp giúp nhau hội nhập đầy đủ vào các thể chế hợp tác khu vực và quốc tế và những biện pháp phối hợp khác trên các diễn đàn quốc tế.

(iv) Hai Bên sẽ cố gắng duy trì và nâng cao hơn nữa hiệu quả của các cuộc họp thường kỳ hai năm một lần của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Ấn Độ nhằm làm cho cơ chế này đáp ứng tốt hơn tiến trình cải cách kinh tế ở hai nước và định ra những phương hướng mới phù hợp với các mục tiêu và yêu cầu phát triển của từng nước.

(v) Hai Bên quyết tâm nâng cao tầm hợp tác kinh tế, cụ thể trong các lĩnh vực sau :

1. Trong lĩnh vực thương mại, hai Bên cam kết đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất - nhập khẩu, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đạt kim ngạch thương mại 1 tỷ USD vào năm 2015. Hai Bên cũng nhất trí thực hiện các biện pháp ưu đãi thuế quan cho nhau phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của mình, nhằm thúc đẩy cân bằng thương mại giữa hai nước;

2. Trong lĩnh vực đầu tư và tư vấn quản lý, hai Bên cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và tư vấn của hai nước, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng đầu tư và quản lý kinh doanh cũng như các hoạt động tư vấn sang các lĩnh vực như dầu khí, hóa chất, hóa dầu, phân bón, điện lực, dược phẩm, công nghệ thông tin, chế biến nông sản, các ngành công nghiệp nhẹ, viễn thông, đóng tầu và cảng biển, đường sắt, thép và khai khoáng;

3. Nhằm hỗ trợ cho sự hợp tác về thương mại và đầu tư giữa hai nước, trên tinh thần anh em, nước Cộng hòa Ấn Độ cam kết tiếp tục cung cấp, ở mức cao nhất có thể được, tín dụng ưu đãi và viện trợ không hoàn lại cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để nhập các thiết bị của nước Cộng hòa Ấn Độ. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cam kết sử dụng có hiệu quả các khoản tín dụng và viện trợ này ưu tiên nhập của Ấn Độ các thiết bị tương tự trên cơ sở giá cạnh tranh đối với những khoản không phải là tín dụng cho vay hoặc viện trợ không hoàn lại.

(vi) Hai Bên coi hợp tác khoa học – công nghệ là động lực của sự hợp tác giữa hai nước. Hai Bên sẽ đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu – phát triển trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin, viễn thám và những ứng dụng vũ trụ khác, khí tượng, thủy văn, hải dương học, sử dụng điện hạt nhân vào các mục đích hòa bình và các ngành công nghệ mũi nhọn khác.

(vii) Hai Bên thỏa thuận từng bước mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng, các biện pháp chống cướp biển, ngăn chặn các hành động khủng bố nhằm vào mỗi nước và sớm ký hiệp định song phương về chống tội phạm. Hai Bên sẽ khuyến khích việc trao đổi đoàn, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm chống khủng bố quốc tế và những cơ chế ủng hộ khủng bố, đặc biệt là tội phạm có tổ chức và việc buôn lậu vũ khí và ma túy.

(viii) Hai Bên coi hợp tác phát triển nguồn nhân lực là một trụ cột trong hợp tác song phương và cam kết tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa loại hình hợp tác này. Nước Cộng hòa Ấn Độ cam kết duy trì số lượng mỗi năm 120 học bổng dài hạn và ngắn hạn cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tại nước Cộng hòa Ấn Độ. Hai Bên sẽ phối hợp tạo điều kiện cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tại nước Cộng hòa Ấn Độ theo học bổng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và theo chế độ tự túc. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập chi nhánh các tổ chức đào tạo cao học của Ấn Độ ở Việt Nam và cho các sinh viên, nghiên cứu sinh Ấn Độ sang học tập tại Việt Nam.

(ix) Hai Bên cam kết tăng cường trao đổi và hợp tác về hóa văn hóa – thông tin, khảo cổ học, bảo tồn, bảo tàng, du lịch, y tế, thể dục thể thao, giữa các cấp trung ương cũng như địa phương. Hai Bên cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội và thanh niên hai nước phát triển các mối quan hệ nhân dân với nhân dân và củng cố sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị lâu dài.

Tuyên bố chung này được làm thành ba thứ tiếng Việt Nam, tiếng Hin-đi và tiếng Anh. Ba văn bản có giá trị pháp lý như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, sẽ lấy bản tiếng Anh làm gốc.

Làm tại Niu Đê – li, ngày 01 tháng 5 năm 2003.

 

THAY MẶT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO




Nguyễn Dy Niên

THAY MẶT NƯỚC CỘNG HÒA ẤN ĐỘ
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO




Yashwant Sinha

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Tuyên bố chung số 01/2004/LPQT về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ấn Độ

  • Số hiệu: 01/2004/LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 01/05/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Ngoại giao
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Anh
  • Ngày công báo: 29/02/2004
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 01/05/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản