Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 0781/TM-XNK

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2003

 

TỜ TRÌNH 

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU CHÈ NĂM 2003 TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CHIẾN TRANH I-RẮC

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Nhiều năm qua, ngành chè đã đạt được bước tiến phát triển cả về sản xuất và xuất khẩu. Diện tích và năng suất chè không ngừng tăng lên, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Việc giải quyết đầu ra cho cây chè bằng con đường phát triển xuất khẩu đã có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho hàng triệu người trung du, miền núi.

Tuy nhiên, trước tình hình chiến tranh xảy ra tại i-Rắc hoạt động xuất khẩu chè cũng sẽ không tránh khỏi những tác động, bởi hàng năm Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường này một  số lượng đáng kể. Với nội dung đó, Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình xuất khẩu chè thời gian và kiến nghị một số biện pháp nhằm giữ  vững và đẩy mạnh xuất khẩu chè trong thời gian tới.

I. TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU CHÈ 2002

Năm 2002, các doanh nghiệp trong cả nước xuất khẩu được 74.812 tấn chè với  kim ngạch 82,525 triệu usd. So với năm 2001, tăng 9,7% về lượng, 5,35 % về giá trị. Chè Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và khu vực trên thế giới trong đó có 9 nước nhập khẩu lớn nhất là i-Rắc, Đài loan, Pakistan, ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Đức, Ba Lan, và Mỹ. Tỷ trọng của 9 nước này trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè là 89%. Xuất khẩu vào I-Rắc 14.368 tấn chiếm tỷ trọng 80,8% (trong đó có khoảng 10.000 tấn các nước mua của Việt Nam để tái xuất đi I-Rắc, tổng cộng xuất khẩu đi I-Rắc cả 2 kênh là khoảng 25.000 tấn).

Tham gia xuất khẩu chè có 165 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đáng chú ý là sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (hiện có 12 doanh nghiệp). Do có đầu tư giống mới cùng với công nghệ chế biến hiện đại nên giá xuất khẩu cao, kinh doanh có lãi.

II. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG TIÊU THỤ VÀ XUẤT KHẨU CHÈ NĂM 2003:

1. Tình hình sản xuất chè:

Hiện nay, nước ta mới bước vào vụ chè năm 2003, Theo dự báo của Hiệp hội chè Việt Nam. diện tích trồng chè năm nay dự kiến khoảng 112.000 triệu ha, với sản lượng chè khô khoảng gần 95-100.000 tấn, tăng 3,7% về diện tích, 7.5% về sản lượng so với năm 2002. so với năm 1997, chỉ chưa đầy 6 năm, diện tích chè cả nước đã tăng thêm được 34.000ha, sản lượng tăng thêm được hơn 40.000 tấn. Với kết quả đó, ngành chè đã phấn đấu vượt định hướng phát triển về diện tích trồng chè cho năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 43/1999/QĐ-TTg ngày 10/03/1999 về định hướng phát triển chè thời kỳ 2005-2010 (định hướng đến năm 2010 tổng diện tích trồng chè là 104.000 ha). Điều này đặt ra thách thức lớn cho vấn đề tiêu thụ mà đặc biệt là xuất khẩu.

2. Những khó khăn trong xuất khẩu chè năm 2003

Quý I/2003, cả nước xuất khẩu được 10.900 tấn chè, kim ngạch 9,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2002, tăng 9% về lượng nhưng do giá giảm 5,4% nên kim ngạch chỉ tăng 3%, nhiều thị trường được giữ vững và có tăng trưởng như Nga, Ba lan, Nhật Bản, Mỹ.

Cuối năm 2002, Tổng công ty chè Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu sang I-Rắc cho năm 2003 là 15.000 tấn nhưng chưa có giấy phép của Liên hiệp Quốc nên chưa mở được L/C. Công ty Chè Phú Đa (liên doanh giữa TCT chè VN và I-Rắc) ký hợp đồng xuất khẩu 3.000 tấn đã mở L/C.

Trước tình hình chiến sự xảy ra tại I-Rắc, số lượng đã ký hợp đồng trên khó có khả năng thực hiện được. và ngay cả sau chiến tranh, nếu chè Việt Nam có vào được I-Rắc thì cũng khó có số lượng lớn và giá bán như các năm trước (các năm trước giá bán thường cao hơn giá thế giới 15-20%). Tình hình đó sẽ tác động đến giá mua chè nguyên liệu và khả năng xuất khẩu.

3. Mục tiêu xuất khẩu:

Chiều 27/3/2003, Bộ trưởng Bộ Thương mại  đã họp với các doanh nghiệp xuất khẩu chè và Hiệp hội chè Việt Nam để bàn các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu chè trong điều kiện xuất khẩu chè vào I-Rắc không thể thực hiện được theo cách trước đây. Trên cơ sở thảo luận của Hội nghị, Bộ Thương mại xin báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ như sau:

Mục tiêu phấn đấu của ngành chè là xuất khẩu 75.000 tấn trong năm 2003. Muốn vậy, ngoài số lượng đã xuất khẩu vào thị trường ngoài I-Rắc năm 2002 cần tìm thị trường thay thế để xuất khẩu được 15.000 tấn trong điều kiện xuất khẩu chè vào I-Rắc gặp khó khăn, giữ giá mua chè nguyên liệu không thấp hơn nhiều so với giá mua của năm 2002 (bảo đảm giá bình quân 1800-2.000 đồng/kg)

Để thực hiện mục tiêu này, các doanh nghiệp xuất khẩu chè tìm cách tăng mức xuất khẩu vào các thị trường ngoài thị trường I-Rắc. Đối với những thị trường đã xuất khẩu được trong năm 2002, ngoài việc duy trì mức xuất khẩu của năm 2002, các doanh nghiệp cần phấn đấu tăng thêm 15-20% ở mỗi thị trường, bảo đảm xuất khẩu thêm 10.000 tấn. Công ty chè Phú Đa (liên doanh giữa Việt Nam-I-Rấc) tìm mọi cách xuất khẩu vào I-Rắc thêm 2.000 tấn để đạt 8.000 ( như đã xuất khẩu năm 2001)

Cố gắng khôi phục lại một số thị trường đã xuất khẩu trước đây, năng động tìm thị trường mới mà trọng tâm là vùng Trung Đông- châu Phi, châu Mỹ. đối với những thị trường truyền thống có kim ngạch lớn Nhật Bản, Đài loan, doanh nghiệp xuất khẩu phải tăng cường tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng, phương thức mua bán... để đưa thêm nhiều loại chè có chất lượng và tiêu thụ. Những thị trường có thu nhập cần nhập khẩu nhưng kim ngạch nhập khẩu bị giảm hoặc mức tiêu thụ còn thấp thì tìm nguyên nhân khắc phục, tạo khả năng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp làm chè phải phấn đấu tăng cường đầu tư thâm canh, đổi mới thiết bị, đa dạng hoá sản phẩm, hợp lý hoá sản xuất để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh.

Hiệp Hội chè thảo luận với các doanh nghiệp để có định hướng cho từng doanh nghiệp phát triển vào từng thị trường phù hợp với từng loại chè.

III. KIẾN NGHỊ MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH TIÊU THỤ VÀ XUẤT KHẨU CHÈ NĂM 2003.

Để thực hiện mục tiêu trên, ngoài việc đưa mặt hàng chè vào danh mục mặt hàng được hưởng tín dụng hỗ trợ xuất khẩu theo Quyết định số 0271/2003/QĐ-BTM ngày 13/03/2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ Thương mại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

1. Đưa mặt hàng chè vào chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tạo chỗ đứng lâu dài cho chè Việt Nam

Trong khi Bộ Thương mại chưa tập hợp đầy đủ để trình Thủ tướng Chính phủ chương trình tổng thể xúc tiến thương mại quốc gia của các Bộ, ngành và Hiệp hội... trong cả nước, Bộ Thương mại đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép đưa mặt hàng chè vào chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm. Phê duyệt hoặc uỷ quyền cho Bộ Thương mại xem xét, phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia đối với ngành chè để ngành chè được thực hiện ngay các chương trình theo những nội dung sau:

 

Đơn vị chủ trì

Tên Đề án

Quy mô (triệu đồng)

Đề nghị hỗ trợ (triệu đồng)

Hiệp hội Chè Việt Nam

1. Xây dựng mạng lưới thương mại điện tử phục vụ XK

2. Hội thi chất lượng chè XK, an toàn thực phẩm năm 2003.

3. Hội chợ triển lãm và khảo sát thị trường nước ngoài

481

 

 

300

 

1.788

255

 

 

150

 

894

Tổng công ty chè VN

1. Điều tra tổng thể thị trường chè tại Nga

2. Quảng bá thương hiệu chè VN

3. Hội chợ hàng thực phẩm Sibêri

4. Hội chợ thực phẩm MatxcơVăn phòng Chính phủ

5. Tham gia Festival QT về chè

6. Mua thông tin phục vụ XK

392

 

14.172

 

250

 

303

 

1.564

 

102

196

 

9.920

 

125

 

151

 

782

 

51

Tổng số                                                                          19.352                         12.524

Khoản tiền lần này lấy từ ngân sách hàng năm dành cho hoạt động xúc tiến thương mại. Việc đưa chè vào chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm không những tạo điều kiện tìm thị trường giải quyết khó khăn trước mắt mà còn tạo lập chỗ đứng của thương hiệu chè Việt Nam trên thị trường các nước.

2. Bù lãi suất vay vốn mua nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu chè ký hợp đồng với nông dân mua 10.000 tấn chè nguyên liệu với thời gian vay tối đa từ 6 đến 9 tháng

Việc tìm thị trường thay thế thị trường I-rắc phải được triển khai rất khẩn trương. Tuy nhiên, khác với  việc bán chè sang I-Rắc tiêu thụ thị trường  khác không lớn, khối lượng từng hợp đồng nhỏ. Trong khi đó, phải mua chè cho nông dân. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho các doanh nghiệp có hợp đồng mua chè với nông dân được bù lãi suất vay vốn mua nguyên vật liệu. Mức cho vay tương đương với số chè đã xuất khẩu sang i-rắc năm 2002 trong thời gian  từ 6 đến 9 tháng.

3. Cho phép Công ty chè Phú Đa được tham gia vay vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu tại Quỹ hỗ trợ phát triển

Theo quy định tại Điều 3 Của Quy chế tín dụng hỗ trợ xuất khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 133/2001/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ thì Công ty liên doanh không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ xuất khẩu tuy nhiên để tạo cho công ty có thể tìm phương thức xuất khẩu vào thị trường Iraq đề nghị Thủ tướng Chính phủ đặc cách Công ty chè Phú Đa được tham gia vay vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu tại Quỹ Hỗ trợ  phát triển.

Trên đây là Tờ trình của Bộ Thương mại về một số biện pháp cụ thể để đẩy mạnh xuất khẩu chè năm 2003 trước tác động của cuộc chiến tranh I rắc. Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo gấp để các doanh nghiệp chủ động triển khai, mua hết nguyên liệu cho nông dân (theo phản ánh của một số doanh nghiệp chè do tình hình xuất khẩu và Irắc khó khăn, các doanh nghiệp không dám mua nhiều có hiện tượng người trồng chè không quan tâm đến việc thâm canh chăm sóc chè).

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI




Trương Đình Tuyển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Tờ trinh số 0781/TM-XNK ngày 02/04/2003 của Bộ Thương mại về việc tờ trình về một số biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu chè năm 2003 trước tác động của cuộc chiến tranh i-rắc

  • Số hiệu: 0781/TM-XNK
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 02/04/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Trương Đình Tuyển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản