Hệ thống pháp luật

TIÊU CHUẨN VIỆT NAM

TCVN 6306-5 : 2006

MÁY BIẾN ÁP ĐIỆN LỰC – PHẦN 5: KHẢ NĂNG CHỊU NGẮN MẠCH

Power transformers -

Part 5: Ability to withstand short circuit

Lời nói đầu

TCVN 6306-5 : 2006 thay thế TCVN 6306-5 : 1997 (IEC 76-5: 1994);

TCVN 6306-5 : 2006 hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn IEC 60076-5 : 2006;

TCVN 6306-5 : 2006 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC/E1 Máy điện và khí cụ điện biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

 

MÁY BIẾN ÁP ĐIỆN LỰC – PHẦN 5: KHẢ NĂNG CHỊU NGẮN MẠCH

Power transformers -

Part 5: Ability to withstand short circuit

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với máy biến áp điện lực để chịu được mà không bị hỏng do hiệu ứng quá dòng có nguồn gốc là ngắn mạch từ bên ngoài. Tiêu chuẩn này mô tả các quy trình tính toán để thể hiện khả năng chịu nhiệt của máy biến áp điện lực để chịu các quá dòng điện như vậy, đồng thời đưa ra các thử nghiệm đặc biệt và phương pháp đánh giá lý thuyết để thể hiện khả năng chịu lực điện động liên quan. Các yêu cầu này áp dụng cho các máy biến áp được định nghĩa trong phần phạm vi áp dụng của TCVN 6306-1 (IEC 60076-1).

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau đây là rất cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm ban hành thì áp dụng các bản được nêu. Đối với tài liệu viện dẫn không ghi năm ban hành thì áp dụng phiên bản mới nhất (kể cả các sửa đổi).

TCVN 6306-1 (IEC 60076-1), Máy biến áp điện lực – Phần 1: Quy định chung

TCVN 6306-3: 2006 (IEC 60076-3: 2000), Máy biến áp điện lực – Phần 3: Mức cách điện, thử nghiệm điện môi và khoảng cách ly bên ngoài trong không khí.

IEC 60076-8:1997, Power transformers – Part 8: Application guide (Máy biến áp điện lực – Phần 8: Hướng dẫn áp dụng)

IEC 60076-11:2004, Power transformers - Part 11: Dry-type transformers (Máy biến áp điện lực - Phần 11: Máy biến áp loại khô)

3. Yêu cầu liên quan đến khả năng chịu ngắn mạch

3.1. Quy định chung

Máy biến áp cùng với tất cả các thiết bị và phụ kiện phải được thiết kế và có kết cấu để chịu được các hiệu ứng nhiệt và hiệu ứng lực điện động do ngắn mạch từ bên ngoài ở các điều kiện quy định trong 3.2.

Ngắn mạch từ bên ngoài không chỉ giới hạn ở ngắn mạch ba pha; chúng bao gồm các sự cố giữa hai pha, giữa hai pha với đất và giữa pha với đất. Trong tiêu chuẩn này, dòng điện do các điều kiện này sinh ra chạy trong cuộn dây được gọi là quá dòng.

3.2. Điều kiện quá dòng

3.2.1. Xem xét chung

3.2.1.1. Các điều kiện ứng dụng đòi hỏi phải xem xét đặc biệt

Các trường hợp sau đây ảnh hưởng đến biên độ, thời gian hoặc tần suất xuất hiện quá dòng đòi hỏi phải xem xét đặc biệt và phải nhận biết được một cách rõ ràng trong quy định của máy biến áp:

- máy biến áp điều chỉnh có trở kháng rất thấp, trở kháng này phụ thuộc vào trở kháng của thiết bị nối trực tiếp để hạn chế quá dòng;

- tổ máy biến áp – máy phát dễ bị ảnh hưởng bởi quá dòng lớn do nối máy phát vào hệ thống đồng bộ bên ngoài;

- máy biến áp nối trực tiếp với máy điện quay, ví dụ động cơ điện hoặc máy bù đồng bộ hoạt động như một máy phát cung cấp dòng điện vào máy biến áp trong điều kiện sự cố hệ thống;

- máy biến áp đặc biệt và máy biến áp lắp đặt trong hệ thống đặc trưng bởi các thông số sự cố cao (xem 3.2.6);

- điện áp vận hành cao hơn điện áp danh định duy trì ở (các) đầu nối không có sự cố trong khi diễn ra một điều kiện sự cố.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6306-5:2006 (IEC 60076-5 : 2006) về máy biến áp điện lực - Phần 5: Khả năng chịu ngắn mạch do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: TCVN6306-5:2006
  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn Việt Nam
  • Ngày ban hành: 29/12/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/01/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản