Hệ thống pháp luật

TIÊU CHUẨN NGÀNH

14 TCN 92-1996

VẢI ĐỊA KỸ THUẬT - PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ DÀY TIÊU CHUẨN

Geotextile - Test method for determination of normal thickness

Tiêu chuẩn này quy định phương hướng kiểm tra độ dày tiêu chuẩn của vải địa kỹ thuật khi vải chịu áp lực nhất định.

1. Nguyên tắc thử:

Độ dày tiêu chuẩn của vải địa kỹ thuật được xác định bằng cách đo khoảng cách giữa hai đĩa phẳng song song khi hai đĩa này ép lên vải với một áp lực quy định 2 kPa.

Ghi chú: Khi kiểm tra độ dày vải ở điều kiện làm việc khác nhau có thể dùng áp lực khác với quy định trên.

2. Thiết bị thử:

a) Dụng cụ đo độ dày:

Gồm 1 đế kim loại và 1 đĩa có gắn đồng hồ đo (bách phân kế). Đĩa có khả năng chuyển dịch song song với đế với độ chính xác 0,01 mm. Đế có diện tích 2.500 mm2, đường kính 66,4 mm. Đĩa ép có đường kính 56,4 mm. Dụng cụ có thể đo độ dày tới 10 mm với độ chính xác tới 0,01 mm.

b) Bàn cắt: Có đường kính tối thiểu 75 mm.

Ghi chú: Nhiều loại vải địa kỹ thuật thay đổi độ dày do bị nén khi cắt và xếp. Cần thận trọng để giảm ảnh hưởng này đến mức thấp nhất.

3. Chuẩn bị mẫu:

3.1. Lấy mẫu:

Tối thiểu lấy 10 mẫu theo 14TCN 91-1996 để thử. Mẫu thử có hình tròn, đường kính không nhỏ hơn 75 mm, sao cho mép của mẫu cách đều mép của đĩa ép về mọi phía không ít hơn 10 mm.

3.2. Điều hòa mẫu:

Mẫu được điều hòa trong điều kiện tiêu chuẩn cho đến khi đạt độ ẩm cân bằng của tủ điều hòa.

Mẫu được coi là đạt độ ẩm cân bằng khi khối lượng của nó xác định trong khoảng thời gian ít nhất 2 giờ, không chênh lệch quá 0,1 %.

Ghi chú: Nói chung nhiều loại vải địa kỹ thuật có độ ẩm thực tế cao hơn độ ẩm cân bằng trong tủ điều hóa.

4. Trình tự thử:

a) Kiểm tra để khẳng định các mẫu thử đạt được độ ẩm cân bằng theo Điều 3.2.

b) Ấn cho đĩa ép sát với đế (khi không có mẫu thử) ghi lại giá trị ban đầu trên đồng hồ đo. Nâng đĩa ép lên, đặt mẫu thử đồng tâm với đế và điều chỉnh cho đĩa ép tiếp xúc với vải. Tăng dần lực ép tới 2 kPa. Sau 5 giây kể từ lúc đạt lực ép tối đa, ghi giá trị trên đồng hồ đo chính xác tới 0,01mm.

c) Bỏ mẫu ra khỏi dụng cụ thử. Lắp lại phép thử đối với các mẫu còn lại.

d) Loại bỏ các kết quả dị thường theo quy định của 14TCN 91-1996 và thử các mẫu khác từ cùng một cuộn.

5. Tính toán:

5.1. Đối với từng mẫu:

Độ dày vải bằng trị số của đồng hồ đo trừ đi trị số ban đầu, chính xác tới 0,01 mm.

5.2. Các giá trị tiêu biểu:

Các giá trị tiêu biểu được tính theo 14TCN 91-1996 như sau:

a) Giá trị trung bình, chính xác tới 0,01 mm.

b) Độ lệch tiêu chuẩn, chính xác tới 0,001 mm.

c) Hệ số biến thiên, chính xác tới 0,1%.

Các kết quả bị loại bỏ theo Điều 4(d) sẽ không đưa vào tính toán. Tuy nhiên các kết quả này cần ghi lại vào báo cáo riêng.

5.3. Những yêu cầu đối với việc thử thêm:

5.3.1. Khả năng lặp lại các kết quả:

Khi hệ số biến thiên được tính tại Điều 5.2 (c) vượt quá 20% cần thử nhiều mẫu hơn để thu được kết quả có giới hạn sai số cho phép quy định ở 14TCN 91-1996. Số lượng các mẫu thử yêu cầu được tính theo 14TCN 91-1996.

5.3.2. Các giới hạn sai số:

Kiểm tra các kết quả thu được trong Điều 5.2 để đảm bảo cho các giới hạn sai số thực tế vượt quá giới hạn do các bên tham gia đã định ra. Sai số kết quả được coi là thỏa mãn nếu số lần thử tính theo 14TCN 91-1996 không vượt quá thực tế.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Tiêu chuẩn ngành 14TCN92:1996 về Vải địa kỹ thuật - Phương pháp xác định độ dày tiêu chuẩn

  • Số hiệu: 14TCN92:1996
  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn ngành
  • Ngày ban hành: 14/01/1996
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Không có
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực:
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản