Hệ thống pháp luật

Thuế gián thu đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu

Ngày gửi: 21/11/2020 lúc 11:03:57

Tên đầy đủ: Ngọc Anhh Phan
Số điện thoại: xxx2313201
Email: anh***@gmail.com

Mã số: HTPL5644

Câu hỏi:

Công ty chúng tôi có các hoạt động kinh doanh như sau: 1. Phát triển cây giống 2. Sản xuất, chế biến và kinh doanh trái cây tươi, nước ép cô đặc. 3. Xuất khẩu sản phẩm hoa quả đông lạnh, trái cây sấy dẻo. Công ty chúng tôi muốn được tư vấn về nghĩa vụ nộp thuế gián thu cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi theo quy định của pháp luật hiện hành.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

- Luật Thuế giá trị gia tăng 2008

Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016.

– Nghị định 134/2016 NĐ-CP Nghị định hướng dẫn luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 /12/ 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng

- Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT.

2. Nội dung tư vấn

Đối với hoạt động phát triển cây giống:

Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 thông tư 219/203/TT-BTC quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:

Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, cành giống, củ giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại. Sản phẩm giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là sản phẩm do các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thương mại có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi, giống cây trồng do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Đối với sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc loại Nhà nước ban hành tiêu chuẩn, chất lượng phải đáp ứng các điều kiện do nhà nước quy định.” Theo đó, khi kinh doanh sản phẩm là giống cây trồng, bao gồm: Cây giống, hạt giống, cành giống, củ giống, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại sẽ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Cơ sở kinh doanh phải có giấy đăng ký kinh doanh giống cây trồng theo quy định của pháp luật. Khi bán sản phẩm là giống cây trồng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, cơ sở kinh doanh lập hóa đơn đầy đủ và kê khai trên thuế giá trị gia tăng theo quy định.

Điểm e khoản 3 Điều 18 thông tư 78/2014/TT-BTC sửa đổi bổ sung bởi khoản 4 Điều 11 Thông tư 96/2015/TT-BTC như sau:

e) Thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối trừ sản xuất muối quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP, đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm.”

Căn cứ vào quy định trên, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi là 10% trong suốt thời gian hoạt động. Thời gian hưởng thuế suất ưu đãi được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế.

Doanh nghiệp có dự án sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng không được hưởng ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, chỉ được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định nêu trên.

Như vậy, khi sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động; thuế giá trị gia tăng thuộc đối tượng không chịu thuế.

Một số lưu ý khi hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp:

- Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai.

- Trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nếu doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm mức thuế suất ưu đãi, mức miễn thuế, giảm thuế) và thu nhập từ hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế để kê khai nộp thuế riêng.

- Trong cùng một kỳ tính thuế nếu có một khoản thu nhập thuộc diện áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi và thời gian miễn thuế, giảm thuế theo nhiều trường hợp khác nhau thì doanh nghiệp tự lựa chọn một trong những trường hợp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp có lợi nhất.

-Trong thời gian được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu trong năm tính thuế mà doanh nghiệp không đáp ứng đủ một trong các điều kiện ưu đãi thuế quy định tại các Khoản 7, 8 và Khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập nghiệp doanh nghiệpvà quy định tại Điều 19 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP thì doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi trong năm tính thuế đó mà phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức thuế suất phổ thông và năm đó sẽ tính trừ vào thời gian được hưởng ưu đãi thuế của doanh nghiệp.

Đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm hoa quả đông lạnh, trái cây sấy dẻo

Theo Khoản 1, Điều 4 Thông tư 219/203/TT-BTC quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:

Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.”

Như vậy, bạn kinh doanh sản phẩm là trái cây sấy sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định thì đối tượng chịu thuế bao gồm:

“1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.

2. Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.

3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.

4. Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với các trường hợp sau:

a) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;

b) Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;

c) Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;

d) Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.

5. Chính phủ quy định chi Tiết Điều này.”

Như vậy, đối với hoạt động xuất khẩu hoa quả đông lạnh, trái cây sấy dẻo phải nộp thuế xuất khẩu.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM