Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 32-TTg | Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 1963 |
Hội đồng Chính phủ trong phiên họp toàn thể ngày 2 tháng 4 năm 1963 đã nhận định về tình hình sản xuất và công tác lương thực từ năm 1960 đến nay, và đề ra chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Các Bộ, các ngành có liên quan ở trung ương và Ủy ban hành chính các cấp cần nghiên cứu kỹ nghị quyết số 55-CP của Hội đồng Chính phủ và đặt kế hoạch thi hành nghiêm chỉnh.
Trong thông tư này, Thủ tướng Chính phủ giải thích rõ thêm những điểm mới trong nội dung chính sách và nêu lên những việc cụ thể mà các ngành, các ngành, các cấp cần làm để việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt được kết quả tốt.
VỀ MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA. – Vấn đề này được đặt ra xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của hợp tác xã nông nghiệp và nông dân, từ yêu cầu phát triển sản xuất và cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp và từ yêu cầu tăng cường công tác quản lý lương thực của Nhà nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, mấy năm qua nông dân ta đã hăng hái sản xuất và sẵn sàng làm tròn nghĩa vụ lương thực của mình, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và cải thiện đời sống của toàn dân. Đồng thời các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân rất mong được biết rõ mức nghĩa vụ nộp thuế bán thóc, ngô trong thời gian dài để có thểchủđộng bố trí kế hoạch sản xuất và tiêu dùng và yên tâm là nếu tích cực sản xuất được nhiều hơn thì sẽ có thêm lương thực để cải thiện dần đời sống của mình và bán thêm ngoài nghĩa vụ cho Nhà nước với giá khuyến khích, tăng thêm thu nhập.
Về phía Nhà nước, để chủ động bố trí kế hoạch phân phối lương thực cho các nhu cầu của xã hội, cũng cần ổn định được kế hoạch huy động lương thực, trước hết ở nguồn chủ yều là thuế nông nghiệp và mua thóc, ngô, theo nghĩa vụ. Mặt khác, khi hợp tác xã và nông dân đã thông suốt và hưởng ứng chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực, thi đua phát triển sản xuất thì Nhà nước không những có cơ sở để hoàn thành mức huy động lương thực theo nghĩa vụ mà còn có điều kiện để vận động các hợp tác xã và nông dân bán thêm thóc, ngô ngoài nghĩa vụ theo giá khuyến khích.
Trước đây trong thời kỳ khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn chưa được xác lập thì chưa có điều kiện để ổn định mức nghĩa vụ lương thực. Kế hoạch phân phối lương thực phải dựa trên kết quả sản xuấttừng năm,từng vụ. Vụ mùa năm 1960, khi đặt nghĩa vụ cho nông dân bán một phần lương thực cho Nhà nước, chúng ta cũng chưa có cơ sở để ổn định ngay mức nghĩa vụ đó trong một thời gian đầu, nhất là trong điều kiện vụ chiêm 1960 vừa bị mất mùa nặng. Đến nay, sau năm vụ thi hành chế độ thu thuế và mua thóc, ngô theo nghĩa vụ, chúng ta đã có thể bước đầu nêu lên mức huy động cần thiết và vừa phải theo tinh thần chiếu cố đúng mức đến khả năng sản xuất, nhu cầu của Nhà nước và đời sống của nông dân. Đó là cơ sở thực tiễn để ổn định mức nghĩa vụ lương thục từ nay đến cuối năm 1965.
VỀ NỘI DUNG CHÍNH SÁCH. - Nội dung của vấn đề ổn định mức nghĩa vụ lương thực gồm những điểm chính sau đây:
1. Đối tượng thi hành nghĩa vụ lương thực là các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và hộ nông dân cá thể. Nghĩa vụ lương thực hiện nay đặt ra với thóc và ngô, bao gồm thuế nông nghiệp và phần thóc, ngô bán theo giá chỉ đạo thu mua trong nghĩa vụ; mà không kể phí thủy lợi và thuế máy kéo vẫn thu bằng lương thực.
2. Mức nghĩa vụ lương thực ổn định sẽ giao theo số lượng tuyệt đối căn cứ vào diện tích, sản lượng, vào nhu cầu chi dùng lương thực của từng địa phương, từng hợp tác xã từng nông hộ, và tham khảo kết quả huy động trong 3 năm qua (1960 -1961 - 1962) là những năm mà quan hệ sản xuất mới ở nông thôn đã được xác lập và bước đầu được củng cố và sản xuất có nhiều vụ thu hoạch bình thường.
3. Mức nghĩa vụ lương thực sẽ ổn định từ nay đến hết kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, để cho khớp với các mặt kinh tế quốc dân khác. Đến cuối năm1965, chúng ta sẽ xuất phát từ tình hình mới và phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch của 5 năm lần thứ hai, để đề ra kế hoạch sản xuất và phân phối lương thực thích hợp.
4. Mức nghĩa vụ lương thực sẽ giao cho cả năm nhưng có chia ra từng vụ chiêm, mùa và chi điều chỉnh trong những trường hợp thật cần thiết, cụ thể như khi mùa màng bị thiệt hại nặng, không bảo đảm nhu cầu tối thiểu của nông dân; hoặc khi tình hình sản xuất có thay đổi lớn (lấy đất làm công trình thủy lợi, xây dựng cơ bản, thay đổi quy mô của tổ của hợp tác xã…)
5. Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế nông nghiệp và bán thóc, ngô theo nghĩa vụ, hợp tác xã và nông dân được sử dụng số thóc, ngô thừa để dự trữ, tiêu dùng thêm, hoặc bán cho Nhà nước theo giá khuyến khích (cao hơn giá bán trong nghĩa vụ tối đa là 50%) hoặc bán ra ở thị trường nông thôn gần nhất.
6. Với số lương thực huy động được trong nghĩa vụ theo mức ổn định, Nhà nước chưa đủ lực lượng để bảođảmnhu cầu tối thiểu của Nhà nước và nhân dân hàng năm tăng lên. Vì vậy cần tích cực bổ sung lực lượng lương thực của Nhà nước bằng các nguồn sau đây:
a) Các nông trường quốc doanh có nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất lương thực giao nộp cho Nhà nước mỗi năm một nhiều hơn.
b) Tích cực thu phí thủy lợi và phí cho thuê máy kéo bằng lương thực. Hai loại phí này không tính vào nghĩa vụ vì công tác thủy lợi và cơ giới hóa đang còn ở bước đầu phát triển, chưa ổn định được và không phải nơi nào cũng trả bằng lương thực. Hơn nữa đây là một hình thức trao đổi trực tiếp giữa công nghiệp và nông nghiệp và hai khoản chi này về thực chất nằm trong chí phí sản xuất của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân.
c) Hội đồng Chính phủ nhấn mạnh cần đặt biệt coi trọng việc vận động các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân bán thêm thóc, ngô ngoài nghĩa vụ với giá khuyến khích. Chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực khi đã thâm nhập vào quần chúng sẽ có tác dụng đẩy mạnh sản xuất phát triển, đời sống xã viên và nông dân sẽ được cải thiện từng bước và Nhà nước càng có khả năng vận động bán ngoài nghĩa vụ. Mua ngoài nghĩa vụ là một nguồn bổ sung quan trọng cho lực lượng của Nhà nước; nó mở rộng thị trường lương thực xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối liên minh công nông.
Cần nhận thức hết ý nghĩa kinh tế chính trị trên đây để nâng cao ý thức trách nhiệm, theo dõi sát tình hình sản xuất từng vụ và có kế hoạch chu đáo tích cực vận động nông dân ở những nơi mùa màng thu hoạch khá, tiết kiệm tiêu dùng một phần, bán thêm ngoài nghĩa vụ theo giá khuyến khích, tăng thêm thu nhập của nông dân đồng thời cũng tăng thêm lực lượng lương thực của Nhà nước.
d) Hết sức coi trọng việc mua sắn, khoai và hoa màu có chất bột khác. Đây là một nguồn lương thực quan trọng. Nhà nước không đưa khoai sắn vào nghĩa vụ lương thực vì sản xuất chưa ổn định, đang phát triển mạnh, và như thế tuyệt đối không có nghĩa là coi nhẹ việc mua sắn, khoai. Phương hướng để giải quyết vững chắc vấn đề lương thực ở miền Bắc là sản xuất lương thực phải được đẩy mạnh toàn diện đặt biệt chú trọng lúa đồng thời hết sức phát triển hoa màu có chất bột, nhất là các loại hoa màu có sản lượng cao, như khoai riềng, khoai nước. Trước mắt hoa màu phục vụ cho nhu cầu địa phương là chính, vừa dùng làm lương thực bổ sung cho gạo, ngô, vừa làm thức ăn phát triển chăn nuôi gia súc. Mặt khác trên cơ sở phát triển sản xuất, Nhà nước sẽ mở rộng việc thu mua, chế biến hoa màu để bổ sung lực lượng lương thực cung cấp cho nhân dân và kích thích sản xuất phát triển.
c) Cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào sản xuất tự túc một phần lương thực và thực phẩm của các cơ quan , xí nghiệp, công trường, trường học, các đơn vị vũ trang và nhân dân không sản xuất nông nghiệp theo hoàn cảnh thích hợp của mỗi nơi để giảm bớt một phần lương thực Nhà nước phải cung cấp.
VỀ CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN. – Trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực, khâu quan trọng nhất là phải định mức, giao mức cho các hợp tác xã và hộ nông dân cho sát đúng và mỗi khi tình hình sản xuất có thay đổi lớn, cần điều chỉnh mức kịp thời hợp lý. Muốn thế:
1. Việc có ý nghĩa quyết định là phải giáo dục cho cán bộ, xã viên, trước hết là cán bộ xã, Ban quản trị hợp tác xã, đội trưởng sản xuất thấm nhuần chính sách ổn định, quán triệt cả hai mặt yêu cầu của nông dân và của Nhà nước; động viên mọi người phấn khởi đẩy mạnh sản xuất vì đời sống của mình, của toàn dân và vì yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Cần bàn bạc cặn kẽ, có tình có lý, bền bỉ thuyết phục cán bộ và xã viên hết sức tránh hiện tượng kéo tụt năng suất, giấu diện tích, sản lượng, để yêu cầu hạ thấp mức nghĩa vụ ổn định.
Cán bộ các cấp cần khắc phục khuynh hướng một chiều, hoặc chỉ nặng về đời sống nông dân, hoặc chỉ nặng về yêu cầu của Nhà nước, đề cao ý thức bảo đảm cả hai mặt yêu cầu của chính sách
2. Căn cứ để tính toán mức ổn định nghĩa vụ lương thực là diện tích, sản lượng, nhu cầu chi dùng lương thực của từng địa phương, từng hợp tác xã, từng nông hộ và tham khảo kết quả huy động trong ba năm 1960 - 1961 - 1962. Khi vận dụng trên toàn miền Bắc cũng như ở từng địa phương, nên căn cứ vào sự đánh giá tổng hợp về kết quả thu thuế nông nghiệp và mua thóc, ngô trong từng năm để có hướng sử dụng tài liệu cũ cho tốt; không nên máy móc lấy mức chia bình quân của ba năm làm mức ổn định, cũng không nên lấy mức huy động cao nhất hoặc thấp nhất làm cơ sở. Đối với hợp tác xã và hộ nông dân, càng không nên tính toán quá chi li, “sa lầy ” vào năng suất, mức ăn như nhiều nơi đã mắc phải.
Thực tiễn công tác lương thực trong ba năm 1960 – 1961 – 1962 cho phép rút ra một số nhận xét chung sau đây:
- Vụ chiêm 1960 bị thất bát nặng, nhà nước huy động được ít; nhưng phần bán ra rất nhiều. Đó là một tình hình không bình thường.
Vụ mùa năm 1960, mức huy động tương đối cao, do yêu cầu thực tế bức thiết đòi hỏi phải cung cấp không những cho khu vực không sản xuất nông nghiệp, mà một phần khá lớn cho những vùng bị thiệt hại nặng trong vụ chiêm năm 1960: vùng trồng cây công nghiệp tập trung và những hộ nông dân thiếu ăn chưa được hợp tác xã điều hòa lương thực.
Nhưng trong hai năm 1961 – 1962, trừ vụ mùa 1961 mà kết quả huy động có phần thấp so với tình hình sản xuất và yêu cầu của Nhà nước, còn nói chung mức huy động các vụ khác là vừa phải và công tác lương thực tiến hành tương đối nhanh, gọn, tốt hơn trước.
Vì vậy, trong việc tính toán ổn định mức nghĩa vụ lương thực, các tỉnh, huyện, xã nên dựa vào tình hình sản xuất và thu mua của hai năm 1961 – 1962 là chủ yếu, đồng thời tham khảo thêm kết quả của năm 1960, mang đối chiếu với hai yêu cầu của chính sách, cân nhắc kỹ các mặt, có nhận xét, phê phán công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong từng vụ, từng năm để rút ra kết luận xác đáng về kết quả sản xuất và huy động làm cơ sở xét mức ổn định.
Đối với các địa phương, hợp tác xã và nông hộ xét ra mức huy động mấy vụ vừa qua đã tương đối hợp lý thì không nên điều chỉnh, mà nên tuyên bố ổn định ngay, để tránh những xáo lộn không cần thiết. Đối với các nơi mà mức huy động còn có vụ quá cao hoặc quá thấp; thì cần bàn bạc cụ thể với từng đơn vị để điều chỉnh lại cho hợp lý rồi mới tuyên bố ổn định.
3. Việc điều chỉnh mức nghĩa vụ lương thực đã ổn định trong những trường hợp cần thiết như nghị quyết của Hội đồng Chính phủ đã nêu ra sẽ tiến hành như sau:
Đối với thuế nông nghiệp, việc điều chỉnh vẫn theo chế độ hiện hành. Còn việc điều chỉnh mức mua theo nghĩa vụ sẽ làm dứt khoát cho từng vụ, không lấy vụ được bù vụ mất. Để không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch lương thực của Nhà nước, việc thực hiện điều chỉnh mức nghĩa vụ lương thực cần tiến hành thận trọng, có lãnh đạo chặt chẽ:
- Nếu thiệt hại thực tế không nhiều, không ảnh hưởng lớn đến đời sống của nông dân thì không đặt vấn đề điều chỉnh. Nếu mùa màng thất bát nặng, mức sống tối thiểu cần thiết của nông dân địa phương không được bảo đảm, thì sẽ căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của từng hợp tác xã, từng nông hộ để xét điều chỉnh.
Nhà nước không quy định một cách đồng loạt tỷ lệ thiệt hại bao nhiêu thì được điều chỉnh mức, vì trên thực tế tình hình nông thôn mỗi nơi một khác, nơi bình quân ruộng đất ít, nơi nhiều, nơi có nhiều khả năng trồng hoa màu, nơi có ít… Do đó cần phải xét cụ thể từng trường hợp, trên nguyên tắc chiếu cố đúng mức cả hai yêu cầu.
Ở những nơi bị thiệt hại nhiều và được điều chỉnh mức cần hết sức khuyến khích giúp đỡ phát triển nhanh rau, màu ngắn ngày và tích cực sản xuất lúa vụ sau để vừa bảo đảm có lương thực ăn để đẩy mạnh sản xuất; vừa bảo đảm được nghĩa vụ bán lương thực trong vụ sau. Ở những nơi được mùa cần vận động tiết kiệm tiêu dung, để có dự trữ đề phòng bất chắc và có thêm khả năng bán ngoài nghĩa vụ cho Nhà nước với giá khuyến khích, bù một phần vào số lương thực phải rút mức cho những nơi mất mùa nặng.
4. Trong việc định mức, giao mức và điều chỉnh mức nghĩa vụ lương thực, sự phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương như sau:
Trung ương quản lý về chính sách và kế hoạch chung, giao mức cho tỉnh, thành, khu và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện. Tỉnh, thành chịu trách nhiệm chung về chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở địa phương. Tỉnh, thành giao mức cho huyện, huyện cùng xã giao mức cho hợp tác xã và nông hộ cá thể, tỉnh cử cán bộ về giúp trực tiếp ở xã và hợp tác xã nông nghiệp.
Việc điều chỉnh mức cho từng xã do huyện đề nghị. Tỉnh, thành quyết định tong phạm vi mức đã được trung ương duyệt y, xã đề nghị điều chỉnh mức cho hợp tác xã và nông hộ, huyện quyết định trong phạm vi mức đã được tỉnh duyệt y.
II. VẤN ĐỀ PHÂN PHỐI TIÊU DÙNG
1. Đối với khu vực không sản xuất nông nghiệp do Nhà nước cung cấp lương thực: Trong tình hình lương thực còn khó khăn lâu dài, Nhà nước chỉ mới có điều kiện xét điều chỉnh tiêu chuẩn cung cấp cho một số trường hợp cần thiết, như đối với một số loại lao động nặng nhọc, đối với sinh viên và học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp. Mặt khác sẽ cố gắng cung cấp thêm một phần lương thực ăn sáng cho cán bộ, công nhân, nhân dân trước hết ở các thành phố và khu công nghiệp tập trung; ăn ca đêm cho cán bộ, công nhân trong các xí nghiệp, công trường; ăn bồi dưỡng trong thời gian đầu cho các sản phụ. Ngành lương thực cần cải tiến tổ chức, củng cố đội ngũ cán bộ, nhân viên, bố trí hợp lý màng lưới cung cấp, tích cực chế biến hoa màu để phục vụ đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn.
Cần tăng cường quản lý cung cấp lương thực đi đôi với cải tiến chế độ cấp phiếu, số lương thực; triệt để ngăn chặn tình trạng kê khai không đúng nhân số, vận dụng sai tiêu chuẩn cung cấp trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học, công trường… nhất là các công trường, gây lãng phí lương thực không ít. Hiện nay thủ truởng các đơn vị và công đoàn cơ sở chưa đề cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách lương thực của Đảng và Chính phủ. CácỦy ban hành chính thành, tỉnh cần đặt biệt lưu ý khắc phục thiếu sót đó. Trongđợt kê khai, phát phiếu, sổ mới, cần tổ chức kiểm tra ở những đơn vị quan trọng và có thái độ xử trí thích đáng những đơn vị, cá nhân cố tình làm trái chính sách.
Cần tích cực và khẩn trương hạn chế sự phát triển không hợp lý số nhân khẩu không sản xuất nông nghiệp, nhất là ở các thành phố. Cụ thể là quản lý thật chặt biên chế trong các khu vực hành chính, sự nghiệp; tăng cường quản lý hộ khẩu kết hợp với quản lý thị trường ở các thành phố, thị xã, thị trấn, không thể phát triển người buôn mới, không để nông dân bỏ sản xuất nông nghiệp ra các thành phố buôn bán hoặc làm nghề linh tinh khác, tích cực chuyển dần tiểu thương sang sản xuất; vận động đưa một số người có sức lao động ở các thành phố, thị xã, thị trấn đi khai hoang, hạn chế việc lấy nhân lực nông thôn vào làm ở các công trường nếu có điều kiện sử dụng nhân lực sẵn có ở thành thị; tích cực vận động tổ chức hướng dẫn vợ, con công nhân ở các khu công nghiệp mới đi vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thực phẩm vào sản xuất thủ công phục vụ nhu cầu của nhân dân ở các khu đó; hết sức giảm bớtnhững hội nghị xét ra không cần thiết; hợp lý hóa việc mở các lớp huấn luyện tập trung đông người và lâu ngày, phải tốn nhiều lương thực.
a) Trước hết năm nay cần giải quyết tốt việc cung cấp lương thực trong những tháng thiếu ăn cho các vùng, các hợp tác xã, trồng cây công nghiệp tập trung và ký hợp đồng bán sản phẩm cho Nhà nước; các hợp tác xã và nông dân chuyên trồng rau và chăn nuôi gia súc theo kế hoạch Nhà nước để cung cấp thực phẩm cho thành phố và khu công nghiệp. Đây là một vấn đề rất quan trọng có ảnh huởng trực tiếp đến nguyên liệu cho công nghiệp, đời sống của nhân dân các thành phố và khu công nghiệp và vật tư xuất khẩu.
Mấy năm qua mức bán lương thực cho hợp tác xã và hộ trồng cây công nghiệp còn thấp, một phần là do lực lượng Nhà nước có hạn, nhưng chủ yếu là do thiếu những quy định cụ thể về việc cung cấp lương thực, nên các địa phương thường phân phối bình quân, không phân biệt những hộ trồng cây công nghiệp tập trung bán sản phẩm cho Nhà nước với những hộ thiếu ăn khác; một số huyện, xã còn dùng lương thực dành cho các hộ trồng cây công nghiệp thiếu ăn vào việc khác (hội nghị, lớp học…).
Từ nay để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước về sản xuất và thu mua cây công nghiệp, rau, quả, gia súc…, các ngành có liên quan ở trung ương và các Uỷ ban hành chính địa phương cần làm tốt việc cung cấp lương thực cho những vùng nói trên theo đúng tinh thần nghị quyết số 55-CP của Hội đồng Chính phủ như sau:
- Cần nhận rõ chính sách cung cấp lương thực áp dụng cho các hợp tác xã trồng các loại cây công nghiệp quan trọng theo kế hoạch Nhà nước ở những vùng sản xuất tập trung và bán sản phẩm cho Nhà nước; còn đối với những người trồng lương thực thiếu ăn thìchủ yếu là dựa vào sự phân phối điều hoà trong hợp tác xã. Trường hợp hợp tác xã không thể giải quyết hết, Nhà nước sẽ tuỳ theo khả năng bán một phần số lương thực mà họ còn thiếu.
- Các ngành có trách nhiệm phải bàn bạc, tính toán kỹ với các địa phương, các hợp tác xã; giúp đỡ hướng dẫn các hợp tác xã để một mặt bảo đảm các chỉ tiêu sản xuất, ký hợp đồng bán sản phẩm cho Nhà nước, mặt khác tự giải quyết vấn đề lương thực, đề Nhà nước chỉ phải cung cấp phần mà các hợp tác xã thật sự không thể tự giải quyết được. Không nhất thiết cung cấp đồng loạt bằng khoảng 10kg gạo, mà phải căn cứ vào tình hình sản xuất, bán sản phẩm, vào nhu cầu lương thực của từng hợp tác xã, có nơi phải trên 10kg một ít, có nơi từ 7 đến 9kg tuỳ theo tình hình cụ thể của mỗi nơi mà định cho hợp lý;
- Những hợp tác xã trồng mía, đay, bông, lạc, cói, thuốc lá, chè, thuốc lào ở những vùng sản xuất tập trung theo kế hoạch Nhà nước và bán tất cả hoặc phần lớn sản phẩm hàng hoá cho Nhà nước thì bình quân mỗi tháng thiếu ăn, mỗi nhân khẩu sẽ được cung cấp bằng khoảng 10kg gạo. Những hợp tác xã mà thời gian thiếu ăn dài như hợp tác xã trồng mía ở vùng sản xuất tập trung để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường thì có thể được bán hơn 10kg một ít;
- Những hợp tác xã chuyên trồng rau và chăn nuôi theo kế hoạch Nhà nước để cung cấp thưc phẩm cho thành phố, khu công nghiệp lớn cũng được cung cấp như trên;
- Những hợp tác xã tuy ở ngoài vùng sản xuất tập trung nhưng trồng mía, đay, bong, lạc theo kế hoạch Nhà nước trên một tỷ lệ diện tích lớn để bán sản phẩm cho Nhà nước, nếu thiếu ăn thì Nhà nước cũng cung cấp lương thực như vùng sản xuất tập trung;
- Trong vùng sản xuất tập trung, hợp tác xã trồng cây công nghiệp mà ruộng đất ít, người đông mà nếu sử dụng tất cả ruộng đất vào sản xuất lương thực cũng vẫn thiếu ăn, thì sẽ được cung cấp một số lương thực tương đương với sản lượng lương thực trên diện tích trồng cây công nghiệp của hợp tác xã. Truờng hợp đã cung cấp như vậy mà vẫn còn thiếu thì phải tích cực đưa bớt nguời đi khai hoang, xây dựng những vùng kinh tế mới;
- Hợp tác xã trồng các loại cây khác hoặc ở ngoài vùng quy định thì do lực lượng của Nhà nước có hạn, chỉ được bán như người trồng cây lương thực thiếu ăn như hiện nay;
- Cần kết hợp chặt chẽ việc cung cấp lương thực với việc ký hợp đồng mua bán nông sản, thực phẩm. Có thể ký hợp ký hợp đồng tay ba giữa hợp tác xã nông nghiệp, cơ quan thu mua và cơ quan lương thực.
Việc lên cân đối lương thực của từng hợp xã để định mức cung cấp lương thực cần phải giản đơn, tránh tính toán quá chi li, phức tạp. Tùy tình hình sản xuất từng nơi mà lên cân đối từng vụ, hoặc cả năm. Ở vùng có trồng hoa màu, lúc lên cân đối phải tính cả mức khoai, sắn ăn thay gạo.
- Việc quy định vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung cần nhắm vào những nơi có các loại cây quan trọng chiếm diện tích lớn, nơi có tập quán và điều kiện thuận lợi trồng, nơi thuận tiện cho việc chế biến, vận chuyển sản phẩm. Việc cung cấp lương thực cần có tác dụng góp phần hình thành nên các vùng chuyên trồng cây công nghiệp.
- Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Nông nghiệp, Bộ Nội thương, Bộ Công nghiệp nhẹ và Tổng cục Lương thực cần phối hợp giúp đỡ các tỉnh, thành trong việc quy vùng, đề phòng xa hướng quy vùng quá rộng, không tập trung vào trọng điểm.
Các cơ quan trung ương nói trên sẽ bàn bạcđể phân phối cho các tỉnh và thành số lương thực cần thiết cả năm và từng quý cho vùng trồng cây công nghiệp, trồng rau và chăn nuôi tập trung và phối hợp cử cán bộ về giúp các địa phương trọng điểm. Ủy ban hành chính tỉnh, thành cần có kế hoạch sử dụng tốt số lương thực được phân phối, bảo đảm bán đúng đối tượng, tăng cường kiểm tra việc thực hiện ở huyện, xã, không để sử dụng vào các nhu cầu khác.
Bộ Nội thương, Bộ Công nghiệp nhẹ và Tổng cục Lương thực cần theo dõi chặt chẽ để qua năm 1963 có thể tổng kết việc cung cấp lương thực kết hợp với thu mua nông phẩm.
b) Đối với những người làm nghề thủ công ở lẻ tẻ trong nông thôn, cần vận động họ tham gia vào các hợp tác xã, nếu là xã viên hợp tác xã nông nghiệp thì do hợp tác xã bảo đảm nhu cầu lương thực; nếu là xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp có nhận gia côngchoNhà nước thì sẽ được cung cấp theo chế độ hiện hành; trường hợp vẫn làm ăn cá thể thì tùy theo khả năng, Nhà nước sẽ bán cho một phần lương thực. Đối với tiểu thương ở lẻ tẻ trong nông thôn, cần vận động chuyển họ về sản xuất. Những người có điều kiện mà cố tình không chịu tham gia sản xuất, thì Nhà nước không bán lương thực. Trường hợp chưa có điều kiện chuyển về sản xuất, thì Nhà nước tùy theo khả năng sẽ bán cho họ một phần lương thực.
c) Việc phân phối, điều hòa lưong thực trong nội bộ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp mấy năm qua có nhiều tiến bộ và thu được kết quả tốt. Tuy nhiên ở nhiều hợp tác xã, việc phân phối còn mang tính chất bình quân, việc hợp tác xã giữ lại một số lương thực tương đối nhiều để điều hòa cho hộ thiếu ăn đã ảnh hưởng đến phần lương thực chia theo lao động cho các xã viên đóng góp nhiều công điểm.
Từ nay, việc phân phối lương thực trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp cần dựa trên nguyên tắc phân phối theo lao động; đồng thời đề cao tinh thần hợp tác tương trợ trong các xã viên: trước hết phải bảo đảm cho người làm nhiều, làm giỏi được hưởng nhều lương thực hơn, đồng thời có sự chiếu cố thích đáng đến nhu cầu của hộ thiếu ăn trên cơ sở sắp xếp hợp lý khả năng lao động của họ.
Hợp tác xã phải căn cứ vào điều kiện cụ thể về ruộng đất và nhân lực để định phương hướng sản xuất lương thực cho thích hợp, bảo đảm nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước và nhu cầu đời sống của toàn thể xã viên. Việc chăm lo đến đời sống cho những hộ xã viên thường thiếu lương ăn phải được giải quyết từ khâu sản xuất, chứ không phải chỉ trong khâu phân phối. Trong việc bố trí lao động, cần hướng dẫn cho các đội sản xuất chú ý điều động hợp lý số nhân lực của cán bộ thường bị thiếu ăn để họ có thêm công điểm và được chia phần lương thực tương đối đủ ăn; hạn chế bớt diện thiếu ăn trong hợp tác xã. Đối với những hộ neo đơn, đông người nhưng ít sức lao động, sau khi đã được điều công mà vẫn thiếu ăn, cũng như đối với những người già yếu, tàn tật, mất sức lao động thì hợp tác xã vẫn có trách nhiệm giải quyết bằng cách tùy hoàn cảnh cụ thể mà vận động bà con xã viên có điều kiện giúp đỡ thêm và điều hòa cho một phần lương thực theo giá do hai bên thỏa thuận. Ngoài ra hợp tác xã có thể sử dụng số lưong thực trong quỹ xã hội để giúp đỡ, nhất là đối với những gia đình không còn sức lao động, hoặc vì ốm đau mà không lao động được nhiều, thu nhập lương thực quá ít.
Trên đây là phương hướng và biện pháp giải quyết lâu dài vấn đề phân phối, điều hòa lương thực trong nội bộ các hợp tác xã. Tuy nhiên trong vụ thu hoạch chiêm sắp tới, ở những hợp tác xã chưa thực hiện việc điều công lao động hợp lý ngay từ đầu vụ sản xuất, thì tỉnh và huyện có thể giúp xã căn cứ vào tình hình cụ thể để hướng dẫn lãnh đạo các hợp tác xã tiến hành phối hợp điều hòa lương thực trong nội bộ như đã làm trong vụ mùa vừa qua. Nhưng chú ý phải làm tốt công tác tư tưởng và chiếu cố đúng mức người lao động giỏi để tăng cường thêm tình đoàn kết tương trợ giữa các xã viên.
III TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG LƯƠNG THỰC
Chủ trương và biện pháp quản lý thị trường lương thực nói chung vẫn áp dụng như hiện nay. Chú ý quản lý chặt chẽ việc lưu thông thóc, ngô, khoai khô, sắn khô, bột sắn, không cho thương nhân được buôn.
Chỉ để cho xã viên và nông dân cá thể được bán thóc và ngô sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ lương thực, và khoai, sắn chế biến ở nông thôn gần nhất.
Khoai tươi, sắn tươi lưu thông giữa các vùng phải đặt dưới sự quản lý, hướng dẫn của cơ quan thương nghiệp địa phương về luồng hàng và giá cả.
Cần dựa vào hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã thủ công nghiệp hướng dẫn chuyển số đông tiểu thương hàng sáo ở nông thôn sang sản xuất.
Có kế hoạch tích cực hạn chế bớt hàng quà, bún bánh. Một mặt các cơ quan lương thực, nội thương cần phối hợp tổ chức sản xuất hoặc gia công bún bánh để đáp ứng nhu cầu của nhân dân ăn thay gạo. Mặt khác, cần dựa vào hợp tác xã nông nghiệp, mà tiến hành quản lý tận gốc, chỉ để một số cần thiết các nhà sản xuất bún bánh được tiếp tục kinh doanh dưới sự quản lý của Ủy ban hành chính huyện, xã
Phải kiên quyết chống nạn nấu rượu lậu ở các địa phương, thi hành đúng chế độ thống nhất quản lý kinh doanh rượu để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo đảm nguồn thu của Nhà nước và chủ yếu là để tránh tiêu hao một số thóc gạo khá lớn,mỗi năm tốn hành vạn tấn lương thực. Về mặt biện pháp, đi đôi với việc tăng cường giáo dục tư tưởng, chính sách, cần cải tiến sản xuất và phân phối rượu quốc doanh (tăng sản lượng; ưu tiên phân phối rượu cho người nghiện rượu lâu năm, cho đối tượng lao động nặng nhọc cần rượu, cho sản xuất thuốc, cho cầu ngày tết, ngày lễ của nhân dân). Đối với những người cố tình tiếp tục nấu rượu trái phép cần có thái độ xử trí nghiêm khắc theo những thể lệ hiện hành. Cán bộ nhân viên chính quyền, phải chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, tuyệt đối không được nấu rượu lậu. Riêng đối với miền núi, nhất là vùng cao, cần có sự chiếu cố nhưng không được nấu rượu đem bán và phải tích cực hướng dẫn chuyển dần việc nấu rượu bằng gạo, ngô sang bằng khoai, sắn, quả rừng, và vận động đồng bào giảm bớt uống rượu.
IV. TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HỆN
Tình hình lương thực miền Bắc còn khó khăn lâu dài, đòi hỏi cán bộ và nhân dân ta phải phấn đấu trong nhiều năm với quyết tâm cao nhất và cố gắng lớn nhất mới giải quyết vững chắc được. Các cấp lãnh đạo phải luôn luôn nắm thật vững, thật chặt công tác lương thực từ khâu sản xuất đến khâu phân phối tiêu dùng.
Để thực hiện tốt chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực của Đảng và Chính phủ, nhất là trong tình hình sản xuất đông xuân 1962 – 1963 gặp thiên tai không bình thường. Ủy ban hành chính các khu thành, tỉnh cần làm tốt những việc sau đây:
1. Việc quan trọng trướchết là phải tổ chức chu đáo việc nghiên cứu, phổ biến chính sách đến tận cán bộ xã, hợp tác xã, xã viên và nông dân, bào đảm làm cho mọi người nắm được tinh thần và nội dung chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực để thi hành cho đúng.
Cần gắn liền chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực với các mặt ổn định khác trong hợp tác xã, với cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật; gắn liền việc giải quyết vấn đề lương thực với công cuộc công ngiệp hóa xã hội chủ nghĩa, nêu rõ sự nhất trí giữa lợi ích (cả lợi ích trước mắt và lâu dài) của Nhà nước và lợi ích của hợp tác xã và nông dân.
2. Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành, cần tăng cường sự chỉ đạo thực hiện để có thể kịp xác định mức nghĩa vụ lương thực ổn định từ nay đến hết1965 cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và hộ nông dân cá thể và vụ tuyên bố ngay từ vụ chiêm này. Nhưng nếu xét việc tuyên truyền giáo dục chính sách, khả năng lãnh đạo của tỉnh và huyện và tình hình trong tỉnh chưa cho phép làm thống nhất khắp nơi thì tỉnh, thành sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của từng vùng, từng hợp tác xã để định rõ thời gian thích hợp. Nhưng phải nhận rõ chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực cần phải làm một cách thật khẩn trương và thật chu đáo. Làm tốt chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực, nhất định nông dân sẽ yên tâm và đẩy mạnh sản xuất. Trường hợp chưa ổn định được ngay, cũng phải tích cực tuyên tuyền, giải thích chính sách, điều tra, nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu cần thiết để có cơ sở xác định mức nghĩa vụ lương thực và tuyên bố ổn định vào vụ mùa năm 1963.
3. Cần kết hợp chặt chẽ việc thi hành chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực với cuộc vận động đẩy mạnh sản xuất đông xuân, hè thu và chuẩn bị vụ mùa. Đó là cơ sở tốt bảo đảm công tác lương thực vụ chiêm sắp tới làm được nhanh, gọn, tốt.
Công tác lương thực năm nay có nhiều khó khăn phức tạp mới, đòi hỏi sự chỉ đạo từ trung ương đến địa phương phải thật cụ thể, tích cực, nghiêm chỉnh, kịp thời. Các cấp lãnh đạo tỉnh, thành, huyện cần hết sức coi trọng việc kiểm tra, giúp đỡ xã, hợp tác xã để kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt, phổ biến kinh nghiệm, uốn nắn lệch lạc. Mặt khác, cần chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo thỉnh thị đối với trung ương để giúp trung ương nắm vững tình hình và chỉ đạo kịp thời.
Tổng cục lương thực có trách nhiệm tổng hợp tình hình chung để báo cáo với Hội đồng Chính phủ và phối hợp với Văn phòng Tài chính Thương nghiệp Phủ Thủ tướng nghiên cứu đề nghị ý kiến giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy ra trong quá trình thực hiện chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực.
Nhận được thông tư này, mong các Bộ, Tổng cục có liên quan, Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành nghiên cứu kỹ và thi hành đúng.
Thông tư này phổ biến toàn văn đến cấp huyện.
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Thông tư số 32-TTg năm 1963 hướng dẫn Nghị quyết 55-CP về chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 32-TTg
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 24/04/1963
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 13
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra