Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VÀ
BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 85-BGTVT-BD/TTLT

Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 1959 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG SÔNG

Điều 1: - Nay ban hành bản Quy tắc giao thông đường sông kèm theo thông tư này.

Điều 2: - Những quy tắc cũ trái với bản quy tắc giao thông này đều bãi bỏ.

 

Nguyễn Văn Trân

(Đã ký)

 

QUY TẮC

GIAO THÔNG ĐƯỜNG SÔNG

Chương 1:

QUY TẮC VỀ ĐI, TRÁNH, VƯỢT, ĐỖ

Điều 1: Phía đi trên luồng sông.

Các phương tiện vận tải cơ giới cũng như thô sơ đi ở các luồng sông đều phải đi hẳn về một bên của luồng đi.

Điều 2: Phương tiện vận tải đi nghịch hướng tránh nhau.

a) Quy tắc chung: trừ những trường hợp dưới đây, theo quy tắc chung, phương tiện vận tải, đi nghịch hướng gặp nhau phải tránh nhau về phía tay phải của mình.

b) Phương tiện vận tải cơ giới tránh nhau ở những luồng sông rộng: nếu luồng sông rộng, phương tiện vận tải cơ giới không bắt buộc phải tránh theo quy tắc chung. Phương tiện đi xuôi nước có quyền ưu tiên chọn phía tránh thuận lợi cho sự điều động của mình: nếu định tránh sang bên phải thì phát âm hiệu một tiếng còi ngắn rồi lái sang bên phải, nếu định tránh sang bên trái thì phát âm hiệu hai tiếng còi ngắn rồi lái sang bên trái. Phương tiện đi ngược nước bắt buộc phải tránh phương tiện đi xuôi nước và nhắc lại âm hiệu điều động của phương tiện ấy. Trường hợp phương tiện đi ngược nước phát âm hiệu xin đường trước, phương tiện đi xuôi nước, nếu vì lý do nào không thể chấp nhận được thì phải phát ngay âm hiệu báo phía mình định tránh rồi lái ngay sang phía ấy, phương tiện đi ngược nước bắt buộc phải tuân theo. Vì có quyền ưu tiên như thế, nên phương tiện đi xuôi nước bao giờ cũng phải chủ động phát âm hiệu trước. Trường hợp nước đứng thì phương tiện nào phát âm hiệu trước được tránh về phía mình đã báo, phương tiện kia bắt buộc phải tuân theo.

c) Phương tiện vận tải tránh nhau ở những luồng sông hẹp: Trường hợp luồng hẹp, tránh nhau khó khăn, thì phương tiện đi ngược nước phải giảm tốc độ, đi hẳn về bên luồng đang đi và nếu cần thì phải đậu lại, chờ cho phương tiện đi xuôi đi khỏi rồi mới tiếp tục đi. Nếu nước đứng thì phương tiện nào phát âm hiệu trước được đi, phương tiện kia phải giảm tốc độ và nhường đường.

d) Phương tiện lai áp mạn tránh nhau ở những luồng sông hẹp:

d1: Phương tiện lai đi ngược nước, phương tiện không lai đi xuôi nước: cả hai phương tiện đều phải giảm tốc độ, phương tiện lai đi thật sát vào một bên luồng và nếu cần thì phải dồn các phương tiện bị lai ra đằng sau để phương tiện không lai đi xuôi nước có đủ trớn (đà trôi) để lai.

d2: Phương tiện lai đi xuôi nước, phương tiện không lai đi ngược nước: Cả hai phương tiện đều phải giảm tốc độ, phương tiện không lai đi thật sát vào một bên luồng và nếu cần thì phải đậu lại, phương tiện lai nếu cần thì phải dồn các phương tiện bị lai ra đằng sau.

d3: Cả hai phương tiện đều lai: cả hai phương tiện đều giảm tốc độ, nếu cần thì phương tiện đi ngược nước phải dồn các phương tiện bị lai ra đằng sau và nếu cần nữa thì phương tiện đi xuôi nước cũng phải làm như thế.

d4: Trường hợp nước đứng thì phương tiện không lai phải nhường đường cho phương tiện có lai và nếu cần thì phương tiện có lai phải dồn phương tiện bị lai ra đằng sau.

e) Thuyền có giây kéo trên bờ tránh nhau.

e1. Thuyền có giây kéo gặp thuyền không có giây kéo: thuyền có giây kéo tránh về phía giây kéo.

e2. Hai thuyền đều có giây kéo gặp nhau, giây kéo ở hai bên bờ: cả hai tránh về phía giây kéo của mình.

e3. Hai thuyền đều có giây kéo, giây kéo cùng ở một bên bờ một chiếc chở nặng, một chiếc chở nhẹ hay đi không: thuyền chở nhẹ và thuyền đi không tránh thuyền chở nặng về phía giây kéo.

e4. Hai thuyền có giây kéo, giây kéo cùng ở một bên bờ cả hai thuyền đều chở nặng hoặc đều chở nhẹ hoặc đều đi không như nhau: thuyền đi ngược nước tránh thuyền đi xuôi nước về phía giây kéo. Nếu nước đứng thì tránh nhau theo quy tắc chung.

f) Thuyền bè tránh nhau ở những quảng sông miền ngược:

Ở những quảng sông miền ngược nước chảy xiết, có thác, ghềnh thì thuyền đi ngược nước nhất thiết phải nhường đường cho thuyền, bè đi xuôi nước.

g) Phương tiện vận tải cơ giới tránh nhau ở các ngã ba và quảng sông khúc khủyu: Đến gần ngã ba sông hay những quãng sông khúc khuỷu, nếu có thể trông thấy được 500m đường thì phương tiện kéo một tiếng còi dài nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, mỗi lần cách nhau một phút và phải đi sát vào một bên luồng ở những luồng sông hẹp, phương tiện đi ngược nước phải nhường đường cho phương tiện đi xuôi nước. Nếu không trông thấy được 500m thì phương tiện phải giảm tốc độ và cũng không phát âm hiệu như trên. Phương tiện đi ngược nước nghe thấy âm hiệu ấy, ngừng máy và cách 2 phút lại phát âm hiệu 2 tiếng còi dài. Phương tiện đi xuôi nước nghe thấy âm hiệu 2 tiếng còi dài phải phát ngay âm hiệu báo phía đi của mình để phương tiện đi ngược nước biết mà tránh.

Điều 3: Vượt

a) Khi một phương tiện vận tải theo kịp một phương tiện vận tải khác thì bao giờ cũng có quyền vượt, trừ những trường hợp sau đây:

- Phía trước có phương tiện đi lại hay có chướng ngại vật.

- Ở ngã ba sông, ở những quãng sông khúc khuỷu.

- Khi qua các cầu, cống.

b) Thuyền không có giây kéo vượt nhau: thuyền đi trước, lái về phía bên pảhi để thuyền đi sau vượt về phía tay trái của mình.

c) Thuyền không có giây kéo vượt thuyền có giây kéo: thuyền có giây kéo đi trước tránh về phía giây kéo.

d) Thuyền có giây kéo vượt thuyền không có giây kéo: thuyền không có giây kéo đi trước tránh sang bên bờ không có giây kéo.

e) Thuyền có giây kéo vượt nhau: thuyền đi trước tránh về phía giây kéo của mình và để trùng giây, nếu giây kéo của hai thuyền đều cùng ở một bên bờ.

f) Phương tiện cơ giới vượt nhau: khi còn cách phương tiện đi trước độ 500m, phương tiện đi sau phải phát âm hiệu xin đường (1 tiếng còi dài nhắc đi, nhắc lại nhiều lần). Phương tiện đi trước nghe thấy âm hiệu ấy, nếu không có gì cản trở thì phải lái về phía bên phải để phương tiện đi sau vượt về phía bên trái của mình. Ở những luồng sông rộng, phương tiện đi trước, nếu vì một lý do nào mà không thể tránh sang bên phải được thì có thể tránh sang bên trái để phương tiện đi sau vượt về phía tay phải của mình. Trong trường hợp này phương tiện đi trước phát âm hiệu 2 tiếng còi ngắn rồi lái ngay sang bên trái, phương tiện đi sau trả lời bằng một tiếng còi ngắn rồi tiến lên về phía tay phải để vượt.

Trong khi phương tiện đi sau đang vượt, phương tiện đi trước phải giảm tốc độ và đợi cho phương tiện đi sau vượt qua mình được ít nhất 200m rồi mới được đi theo tốc độ cũ.

Khi vượt, phương tiện đi sau không được đi sát gần phương tiện đi trước và nếu chưa vượt quá được 200m thì không được lái về phía đường đi của phương tiện vừa bị vượt.

Nếu vì luồng hẹp vì bất cứ lý do nào khác mà không thể để cho vượt được thì phương tiện đi trước phải báo cho phương tiện đi sau biết bằng âm hiệu 5 tiếng còi ngắn.

Điều 4: Phương tiện thô sơ gặp phương tiện cơ giới.

Các phương tiện thô sơ kể cả thuyền buồm gặp tàu phải tránh ngay về phiá bờ gần nhất, không được chạy cắt đường của tàu.

Tàu gặp bè, phải tránh bè.

Điều 5: Phương tiện cơ giới nhỏ gặp phương tiện cơ giới lớn.

Trong mọi trường hợp, phương tiện nhỏ phải nhường đường cho phương tiện lớn. Phương tiện lớn gặp phương tiện nhỏ phải phát âm hiệu báo phía đi của mình để phương tiện nhỏ biết mà tránh.

Điều 6: Phương tiện cơ giới chạt cắt đường nhau

Hai phương tiện chạy cắt đường nhau, nghĩa là ban ngày chỉ trông thấy một bên mạn của nhau, ban đêm chỉ trông thấy một đèn mạn (đèn xanh hoặc đèn đỏ) của nhau. Trong trường hợp này các phương tiện vận tải phải nhường đường cho các phương tiện ở bên tay phải của mình đi tới (ban đêm nhường đường cho các phương tiện mình trông thấy đèn đỏ).

Điều 7: Thuyền buồm tránh, vượt và chạy cắt đường nhau.

a) 1 chiếc giương buồm, 1 chiếc không có buồm: chiếc không có buồm phải tránh chiếc giương buồm.

b) Cả hai chiếc đều giương buồm:

- Thuyền đi thuận gió phải tránh thuyền đi ngược gió.

- Thuyền được gió bên trái phải tránh thuyền được gió bên phải.

- Thuyền đi trên gió phải tránh thuyền đi dưới gió.

- Trường hợp 1 thuyền đi xuôi nước, 1 thuyền đi ngược nước thì không tránh nhau theo quy tắc trên mà thuyền đi ngược nước nhất thiết phải tránh thuyền đi xuôi nước.

Điều 8: Quãng cách giữa hai phương tiện vận tải cùng đi một chiều.

Dù đi lẻ hay đi từng đoàn, phương tiện cơ giới (không kể xà-lan không có máy) cùng đi một chiều cũng không được đi sát nhau mà phải đi cách nhau ít nhất là 200m. Phương tiện đi sau định vượt phương tiện đi trước nếu không vượt được thì phải giảm ngay tốc độ để giữ quãng cách tối thiểu 200m.

Các bè cùng đi một chiều phải đi cách nhau ít nhất là 500m.

Điều 9: Giảm tốc độ.

Phương tiện vận tải đang đi phải giảm tốc độ mỗi khi cần thiết và trong những trường hợp sau đây:

- Tránh nhau ở những luồng sông hẹp.

- Đi tới các ngã ba sông và quãng sông khúc khuỷu, qua những luồng sông hẹp.

- Đi gần những phương tiện đang lai, những tàu cuốc, những phương tiện thả phap tiêu v.v…

- Đi gần những phương tiện bị nạn, phương tiện đang bốc dỡ hàng hóa.

- Đi gần những trạm thủy văn, những công trường như đắp đê, bỏ kè, xây cầu v.v…

- Đi trong phạm vị các bến và ở những chỗ có nhiều thuyền đậu.

- Không trông rõ đường đi, vì trời mưa to hay có sương mù.

- Chưa biết đường đi, vì còn nghi ngờ về cồn, bãi và các phao tiêu chỉ luồng.

- Đi gần những phương tiện kéo cờ hay thắp đèn đỏ sáng khắp bốn phía (360o).

Điều 10: Qua các cầu, cống (âu thuyền)

Khi đi qua các cầu và cống, người điều khiển các phương tiện vận tải phải triệt để tuân theo mệnh lệnh của nhân viên phụ trách cầu, cống.

Tới gần các cầu hay cống, phương tiện vận tải phải đi chậm và nếu phải chờ đợi chưa qua được ngay thì phải xếp hàng dưới mốc đã quy định hoặc nối đuôi sau các phương tiện đến trước.

Phương tiện cơ giới khi còn cách cầu hay cống độ 1000m phải phát âm hiệu 4 tiếng còi dài để xin mở cầu hay cống và khi còn cách 100m nếu cầu hay cống chưa mở thì phải đậu lại, đồng thời nhắc lại âm hiệu trên. Chỉ khi nào được nhân viên phụ trách ra hiệu cho đi vào, phường tiện mới được tiến vào cầu hay cống.

Khi tiến vào cầu hay cống cũng như khi đi trong cống, phương tiện phải đi chậm, nối đuôi nhau. Tuyệt đối không được đi song hàng hay vượt nhau ở trong cống.

Phương tiện vận tải chỉ được đậu trong cống trong thời gian cần thiết để đóng mở cống. Nếu vì lý do gì mà phương tiện ở trong cống không thể tiếp tục chạy được thì nhân viên phụ trách cống sẽ chỉ định chỗ cho phương tiện đậu. Phương tiện đậu trong cống phải cột lại cẩn thận, nhưng không cột vào cửa cống.

Khi đi qua các cầu hay cống thì phương tiện cơ giới đi một mình có quyền ưu tiên đối với phương tiện cơ giới đi thành đoàn và phương tiện thô sơ, phương tiện đi xuôi nước có quyền ưu tiên đối với phương tiện đi ngược nước. Khi cầu hay cống đã mở, các phương tiện có quyền ưu tiên phải phát âm hiệu để xin đường.

Điều 11: Phương tiện vận tải vào bến.

Phương tiện vận tải vào bến phải đậu đúng vào chỗ quy định cho loại mình.

Phương tiện vận tải đậu trong bến phải cột cẩn thận. Cầu bắc lên bờ cho hành khách lên xuống và để bốc dỡ hàng hóa phải vững chắc, có tay vịn hay giây căng thẳng thay cho tay vịn.

Người phụ trách các phương tiện vận tải đậu ở bến phải:

- Giúp đỡ các phương tiện đậu áp mạn ở bên ngoài đưa giây cột lên bờ.

- Để thủy thủ và tất cả những người có việc trên các phương tiện ấy đi qua phương tiện của mình.

Thuyền không được đến gần chỗ đậu của phương tiện cơ giới. Khi phương tiện cơ giới chở mình để rời hoặc cặp bến, thuyền không được đi nganh qua mũi và sau lái của phương tiện cơ giới hoặc lách vào các khe hở để đi.

Ngoài những quy định trên, các phương tiện vận tải vào đậu bến còn phải theo đúng nội quy riêng của bến.

Điều 12: Phương tiện vận tải đậu ở ngoài bến.

Ở ngoài phạm vi bến, các phương tiện cơ giới có thể neo lại những địa điểm xa bờ để hành khách lên xuống và bốc dỡ hàng hóa, nhưng không được làm cản trở sự đi lại của các phương tiện khác. Các thuyền đưa đón hành khách và chuyên tải hàng hóa (đò mành) chỉ được đến gần các phương tiện cơ giới khi các phương tiện này đã neo xong. Khi việc đưa đón hành khách và bốc xếp hàng hóa đã làm xong, trước khi chạy, phương tiện phải phát âm hiệu và chờ cho các đò mành đi xa rồi mới được nhổ neo để chạy.

Điều 13: Phương tiện vận tải đậu lâu ở trong và ngoài bên.

Nếu phương tiện vận tải đậu lâu ở bến để chờ đợi bốc dỡ hàng hóa hoặc vì bất cứ lý do nào khác thì nhân viên phụ trách bến chỉ định chỗ cho phương tiện đậu. Phương tiện phải neo, cột cho chắc chắn và lúc nào cũng phải có người trông coi để phối hợp trong mọi trường hợp cần thiết.

Nếu đậu lâu ở ngoài phạm vi bến, phía bờ có đường kéo giây thì ca-nô, tàu thủy phải gấp ống khói, thuyền buồm hạ cột buồm.

Điều 14: Các điều nghiêm cấm.

a) Trừ trường hợp đặc biệt, các phương tiện vận tải không được đậu lâu neo ở giữa luồng đi, dưới các cầu và gần các công trình khác, ở các ngã ba sông và quãng sông khúc khuỷu.

b) Cấm các phương tiện vận tải cột giây vào thành cầu, cửa cống và các phao tiêu.

c) Cấm đụng chạm đến các đường giây cáp ngầm ở dưới sông. Trong khu vực bảo vệ giây cáp (50m trên và 50m dưới đường giây) cấm cột giây, neo và cắm sào.

d) Cấm cột giây vào các cây thủy chi, các cọc và công trình thủy văn. Cấm cắm sào gần các công tình thủy văn.

e) Khi đậu cũng như khi đi, các phương tiện vận tải không được để thò ra ngoài những đồ dùng như sào, chèo, cần trục v.v… hay thả giây thòng lọng, có thể gây trở ngại cho các phương tiện vận tải khác.

f) Cấm ngặt các phương tiện vận tải vô cớ dùng những tín hiệu giao thông quy định trong bản quy tắc giao thông này.

Chương 2:

ĐÈN VÀ TÍN HIỆU 

Điều 15: Quy định chung.

Ban đêm từ lúc mặt trời lặn đến lúc mặt trời mọc, ban ngày nếu trời có sương mù hay mưa to, ngoài 300m không trông rõ, các phương tiện vận tải đường sông phải thắp đèn như quy định sau đây cho từng loại, từng trường hợp.

Các loại đèn quy định phải thắp liên tục, không được chờ khi thấy một phương tiện vận tải tới gần mới ló đèn hoặc đốt đuốc xong lại tắt. Tuyệt đối không được dọi đèn chiếu vào các phương tiện vận tải đang đi.

Điều 16: Phân loại các phương tiện vận tải đường sông chia ra làm 5 loại:

Loại A: tầu thủy, ca-nô bất luận lớn nhỏ kể cả tàu kéo.

Loại B: thuyền, sà-lan trọng tải trên 25 tấn.

Loại C: thuyền, sà-lan trọng tải từ 25 tấn trở xuống.

Loại D: bề dài trên 25m, rộng trên 5m.

Loại E: bề dài từ 25m, rộng từ 5m trở xuống.

Điều 17: Đèn đi đường của các phương tiện vận tải đi một mình.

Loại A:

- 1 đèn trắng mũi, trên trục dọc của tàu, cao ít nhất là 3m trên mặt nước khi tàu chở nặng.

- 2 đèn mạn: đỏ ở bên trái, xanh ve ở bên phải, đặt ngang nhau, sát mạn tàu và thấp hơn đèn trắng mũi, ít nhất là 1/4 chiều cao của đèn trắng mũi.

- 1 đèn trắng sau lái.

Loại B:

- 2 đèn mạn: đỏ ở bên trái, xanh ve ở bên phải.

- 1 đèn trắng sau lái.

Loại C:

- 1 đèn trắng sáng thắp 4 phía, cao ít nhất là 2m trên mạn thuyền.

Loại D:

- 1 đèn đỏ ở giữa bè, cao hơn mặt nước 1m50.

- 2 đèn trắng trên trục dọc của bè, 1 ở đầu và 1 ở cuối bè. Nếu bè rộng trên 15m thì bỏ 2 đèn trắng trên trục dọc và thắp 4 đèn trắng ở 4 góc bè.

Loại E:

- 1 đèn đỏ ở giữa bè.

Điều 18: Đặc điểm của đèn

a) Sức sáng của các loại đèn. Những đêm tối trời quang:

- Đèn trắng của phương tiện loại A phải nhìn thấy được cách xa 1.500m.

- Đèn màu của phương tiện loại A phải nhìn thấy được cách xa 1.000m.

- Đèn màu của phương tiện loại B, D và E phải nhình thấy được cách xa 800m.

b) Khoảng chiếu của các loại đèn.

b1: - Đèn đi đường của các phương tiện vận tải quy định như sau:

- Đèn trắng mũi của phương tiện loại A: 225o về phía trước phân đều ra hai bên mạn.

- Đèn đỏ của các phương tiện loại A và B: 112o30’ từ phía mũi qua mạn bên trái.

- Đèn xanh ve của các phương tiện loại A và B: 112o30’ từ phía trước mũi qua mạn bên phải.

- Đèn trắng sau lái của các phương tiện loại A và B: 135o về phía sau lái phân đều ra hai bên mạn.

- Các đèn mạn xanh và đỏ phải có giá chắn để đứng ở phía mũi bên phải không trông thấy đèn đỏ, đứng ở phía mũi bên trái không trông thấy đèn xanh ve.

b2: Ngoài những đèn đi đường quy định cho hai loại phương tiện A và B ở điều 16 và 18, tất cả các đèn khác kể cả đèn thắp trên các công trình đều là đèn sáng khắp các 4 phía (khoảng chiếu 360o).

Điều 19: Đèn và tín hiệu của tàu lai.

Ngay khi bắt dây lai, tàu lai phải thắp những đèn sau đây ngoài những đèn đi đường quy định ở điều 16 trên:

- 1 đèn trắng trên đèn trắng mũi (tổng cộng là 2 đèn trắng mũi) nếu đoàn tàu hay thuyền bị lai dài dưới 100m;

- 2 đèn trắng trên đèn trắng mũi (tổng cộng là 3 đèn trắng mũi) nếu đoàn tàu hay thuyền lai dùai từ 100m trở lên;

- Các đèn trắng thắp thêm phải cùng một kiểu với đèn trắng mũi, chiếc nọ đặt trên chiếc kia, cách nhau 1m. Ban ngày các đèn trắng mũi thay bằng những quả bóng đèn, đường kính 0m30.

Điều 20: Đèn thắp trên các phương tiện bị lai nối đuôi (loai mịn).

- Phương tiện loại A và B chỉ thắp đèn mạn, chiếc cuối cùng thắp thêm 1 đèn trắng sau lái.

- Phương tiện loại C và D thắp đèn như khi đi đường một mình (điều 16).

- Phương tiện loại E thắp một đèn trắng thay cho đèn đỏ.

Điều 21: Đèn thắp trên các phương tiện bị lai áp mạn.

- Nếu là phương tiện loại A và B thì chiếc ngoài cũng chỉ thắp đèn mạn phía ngoài và đèn trắng sau lái, các phương tiện ở giữa không thắp đèn. Phương tiện lai thắp đủ các thứ đèn đi đường của loại mình, kể cả 2 đèn mạn:

- Nếu là phương tiện loại C và bè loại E thì chiếc ngoài cũng thắp đèn như khi đi đường một mình, các chiếc ở giữa không thắp đèn.

- Nếu là bè loại D thì chỉ thắp 1 đèn đỏ ở giữa bè và 2 đèn trắng ở 2 góc phía ngoài.

Điều 22: Đèn thắp trên các thuyền nhỏ kéo sau tàu.

Các thuyền nhỏ kéo theo sau tàu phải thắp một đèn trắng sáng khắp 4 phía, cao ít nhất là 1m50 trên thành mạn thuyền. Trường hợp tàu chỉ kéo một thuyền, trên thuyền không có người và từ đằng lái của thuyền đến sau lái của tàu không quá 6m thì thuyền không phải thắp đèn.

Điều 23: Đèn và tín hiệu trên các phương tiện vận tải không làm chủ được sự điều động của mình.

Nếu vì một lý do gì mà phương tiện cơ giới (loại A) không làm chủ được sự điều động của mình thì ban đêm phải thắp 1 đèn đỏ thật cao. Trường hợp phương tiện có trớn thì phải thắp thêm đèn mạn. Ban ngày phải thay đèn đỏ bằng 1 quả bóng đèn, đường kính 0m30.

Điều 24: Đèn tín hiệu trên các phương tiện neo.

Phương tiện dài từ 45m trở xuống thắp ở đằng mũi 1 đèn trắng sáng khắp 4 phía và cao nhất là 2m trên nóc hay mũi phương tiện. Phương tiện dài trên 45m thắp thêm ở đằng lái 1 đèn trắng, cũng sáng khắp 4 phía và thấp hơn đèn mũi 1m.

Trường hợp phương tiện vận tải neo làm hẹp luồng đi thì phải thắp thêm 1 đèn trắng ở chỗ phương tiện nhô ra gần luồng nhất.

Các bè neo ở ngoài bến phải thắp 1 đèn đỏ ở giữa bè và nếu làm hẹp luồng thì cũng thắp thêm 1 đèn trắng như trên. Ở trong bến, các bè neo chỉ thắp 1 đèn trắng ở phía sông.

Điều 25: Đèn và tín hiệu trên các bè và phương tiện vận tải mắc cạn trong luồng đi.

Trong luồng đi nếu có bè neo, phương tiện vận tải bị mắc cạn và nếu một bên luồng còn có thể đi được thì phải thắp ở giữa phương tiện 1 đèn đỏ càng cao, càng hay và ở phía luồng đi được 1 đèn trắng, nếu phương tiện dài dưới 45m, 2 đèn trắng nếu phương tiện dài trên 45m. Trường hợp luồng bị chắn hết lối đi thì phải thắp 2 đèn đỏ, chiếc nọ trên chiếc kia cách nhau 1m: Ban ngày đèn đỏ thay thế bằng một quả bóng đèn, đường kính 0m30. Nếu quãng sông khúc khuỷu, các phương tiện vận tải không thể tránh kịp khi trông thấy đèn hay tín hiệu thì phải bố trí người canh gác và luôn luôn phát âm hiệu sương mù (1 tiếng còi dài tiếp theo 2 tiếng ngắn).

Những phương tiện báo hiệu trên phải được thuyền trưởng hay chủ các phương tiện thi hành ngay sau khi phương tiện bị mắc cạn để bảo đảm an toàn giao thông. Phí tổn về việc báo hiệu do chủ phương tiện chịu.

Điều 26: Đèn và tín hiệu trên các phương tiện vận tải công tác ở luồng sông.

Các phương tiện vận tải neo ở luồng đi để làm các công tác nạo vét lòng sông (tàu cuốc), thảo phao tiêu, đo lưu lượng nước v.v… phải được báo hiệu như các phương tiện bị mắc cạn (điều 25).

Điều 27: Đèn và tín hiệu trên các cầu quay và cống.

a) Cầu hay cống đóng:

- Ban ngày: 1 tấm biển tròn màu đỏ treo giữa cầu quay hay trên cửa cống.

- Ban đêm: Tấm biển đỏ thay bằng một đèn đỏ.

b) Cầu hay cống sắp mở:

- Ban ngày: 1 tấm biển tròn màu xanh ve.

- Ban đêm: Tấm biển xanh ve thay bằng 1 đèn xanh ve.

c) Cầu hay cống đã mở:

- Ban ngày: 1 tiếng còi dài và cờ trắng phất theo dọc sông.

- Ban đêm: 1 tiếng còi dài và đèn trắng đưa đi, đưa lại theo dọc sông.

Những cầu và cống lúc nào cũng qua lại được thì báo hiệu như sau:

- Cống và vày cầu dành cho phương tiện cơ giới: biển hình thoi màu trắng viền đỏ.

- Cống và vày cầu dành cho phương tiện thô sơ: biển tròn nền trắng, viền xanh.

Ban đêm thắp một đèn trắng ở giữa biển.

Điều 28: Đèn và tín hiệu trên các đáy đánh cá và đáy cấy hà.

a) Nếu đáy đóng theo dọc luồng và dài dưới 30m thì mỗi đầu đáy thắp 1 đèn đỏ. Nếu đáy dài trên 30m thì cứ 30m thắp 1 đèn đỏ. Ban ngày đèn thay bằng quả bóng đèn, đường kính 0m30. Đèn và bóng phải treo cao ít nhất là 1m50 trên mặt nước.

b) Nếu đáy đóng ngang luồng thì cũng thắp đèn và treo bóng như trên nhưng hai bên lối đi phải thắp 2 đèn trắng cao hơn đèn đỏ 1m. Ban ngày 2 đèn trắng thay bằng 2 quả bóng đèn.

Điều 29: Đèn và tín hiệu trên các thuyền đánh cá.

Ban đêm thuyền đánh cá ở những luồng sông có phương tiện cơ giới qua lại phải thắp ở đằng lái 1 đèn trắng sáng khắp 4 phía và ở phía có lưới 1 đèn đỏ thấp hơn đèn trắng. Ban ngày đèn đỏ thay bằng 1 quả bóng đèn, đường kính 0m30.

Điều 30: Đèn và tín hiệu trên các phương tiện vận tải chở chất nguy hiểm.

Phương tiện vận tải chở các chất nổ và chất bắt lửa như xăng, dầu lửa, ma dút, ngoài những đèn quy định cho loại mình, phải thắp thêm một đèn đỏ sáng khắp 4 phía ở cạnh cột buồm. Thuyền và sà-lan treo đèn đỏ ở đằng mũi, cao hơn mạn 3m. Ban ngày đèn đỏ thay bằng cờ đỏ chữ B.

Điều 31: Đèn và tín hiệu trên các phương tiện vận tải đang bốc dỡ dụng cụ máy móc nặng.

Ngoài các đèn đã quy định, tàu phải thắp thêm 1 đèn đỏ và 1 đèn trắng, đèn trắng trên đèn đỏ cách nhau 1m và treo thật cao. Ban ngày đèn trắng thay bằng một hình chóp màu trắng, đèn đỏ thay bằng một quả bóng đèn, đường kính 0m30.

Điều 32: Phương tiện vận tải có người ngã xuống nước.

Khi phương tiện có người ngã xuống nước, nếu không đủ khả năng tự cứu vớt, muốn nhờ các phương tiện khác vớt hộ thì thắp 1 đèn xanh giữa 2 đèn đỏ và cứ cách 2 phút phát âm hiệu 3 tiếng còi ngắn tiếp theo 3 tiếng còi dài và 3 tiếng còi ngắn. Ban ngày thì kéo cờ chữ O và cũng phát âm hiệu như trên.

Điều 33: Phương tiện vận tải xin cảnh sát giao thông.

Muốn xin Cảnh sát lên phương tiện của mình, thuyền trưởng treo 1 đèn xanh và 1 đèn đỏ, đèn đỏ trên đèn xanh, cách nhau 1m. Ban ngày thì kéo cờ xanh ve.

Điều 34: Tàu có người hay súc vật mắc bệnh truyền nhiệm phải kiểm dịch.

Ban ngày kéo cờ chữ Q trên cờ chữ L, ban đêm treo 1 đèn đỏ trên ngọn cột buồm.

Điều 35: Tàu bị tai nạn xin cấp cứu.

Ban ngày kéo cờ vuông trên hay dưới 1 quả bóng đen hoặc cờ chữ N trên cờ chữ C và phát 1 hoặc 2, 3 âm hiệu sau đây:

- Cách một phút, đốt 1 quả pháo;

- Thổi liền hồi tù-và hay ốc hụ;

- Đánh liền hồi chuông hay kiểng hoặc gõ vào một thùng sắt;

- Kéo những tiếng còi ngắn liên tiếp.

Ban đêm thì cũng phát âm hiệu như trên và đốt pháo bông liên tiếp hay đốt 1 thùng dầu cặn để có ánh lửa liên tục.

Điều 36: Gọi các phương tiện vận tải lại để kiểm soát.

Các nhân viên kiểm soát hàng, giang muốn gọi 1 phương tiện vận tải lại để kiểm soát thì dùng những âm hiệu sau đây:

- Ban ngày: kéo cờ chữ K, phát âm hiệu 1 tiếng còi dài tiếp theo 1 tiếng ngắn và 1 tiếng dài.

- Ban đêm: phát âm hiệu như trên và thắp 1 đèn xanh trên 1 đèn trắng cách nhau 0m60.

Các phương tiện vận tải đang đi trông thấy cờ, đèn và nghe tiếng âm hiệu trên phải ghé ngay vào bờ hoặc ngừng máy để đón nhân viên kiểm soát.

Chương 3:

ÂM HIỆU

Điều 37: Âm hiệu điều động.

Để có thể tránh nhau được dễ dàng, các phương tiện vận tải cơ giới đường sông phải báo sự điều động của mình bằng còi hơi, còi điện. Tàu lớn thấy tàu nhỏ hoặc thuyền cản lối đi của mình thì phát âm hiệu một tiếng còi dài để báo cho tàu nhỏ và thuyền phải chú ý, nhường đường cho mình.

Điều 38: Trời có sương mù hay mưa to.

Khi trời có sương mù hay mưa to không trông rõ được 300m, các phương tiện vận tải đang đi phải giảm tốc độ và đi thật chậm. Tàu đi chậm hay đã tắt máy nhưng còn trớn, cách 2 phút phát âm hiệu 1 tiếng còi dài, nếu đã tắt và không còn trớn thì cách 2 phút kéo hai tiếng còi dài cách nhau một giây.

Thuyền buồm phát âm bằng tù-và, chuông hay kiểng; cách 2 phút 1 tiếng nếu gió bên phải, 2 tiếng nếu gió bên trái, 3 tiếng nếu gió sau lại.

Phương tiện vận tải không làm chủ được sự điều động, tàu cuốc, tàu bơm nước, tàu đặt giây cấp ngầm, tàu đặt phao tiêu, phương tiện dùng vào việc đo lưu lượng nước, bè loại D, phương tiện bị mắc cạn và các chướng ngại vật khác ở luồng đi: cách hai phút kéo một tiếng còi dài tiếp theo hai tiếng ngắn.

Tàu có lai đang chạy hay đã ngừng máy: cách hai phút kéo hai tiếng còi dài tiếp theo hai tiếng ngắn, các phương tiện bị lai không phát âm hiệu.

 

BẢNG TỔNG HỢP Ý NGHĨA CÁC ÂM HIỆU

a) Hiệu còi:

- 1 tiếng ngắn: tôi sang bên phải.

- 2 tiếng ngắn: tôi sang bên trái.

- 3 tiếng ngắn: tôi chạy.

- 4 tiếng ngắn: gọi các tàu khác đến giúp đỡ.

- 5 tiếng ngắn: tôi không thể nhượng đường được.

- 1 tiếng dài: chú ý - coi chừng - xin đường.

- 3 tiếng dài: tàu rời bến, đến bến sắp cập cầu, chào nhau.

- 3 tiếng ngắn tiếp theo 3 tiếng dài và 3 tiếng ngắn: có người ngã xuống nước, xin cấp cứu

Còi sương mù mưa to:

- Cách 2 phút 1 tiếng dài: tôi đi chậm.

- Cách 2 phút 2 tiếng dài: tôi ngừng máy.

- Cách 2 phút 1 tiếng dài tiếp theo 1 tiếng ngắn: tàu không làm chủ được sự điều động, tàu cuốc, bè loại D, tàu bị mắc cạn.

- Cách 2 phút 2 tiếng dài tiếp theo 2 tiếng ngắn: tàu lai đang lại.

Tiếng còi dài lâu chừng 5 giây, tiếng còi ngắn lâu chừng 1 giây.

b) Chuông, kiểng, tù-và:

Còi sương mù, mưa to:

- Cách 1 phút 1 tiếng dài: thuyền buồm được gió bên phải.

- Cách 1 phút 2 tiếng dài: thuyền buồm được gió bên trái.

- Cách 1 phút 3 tiếng dài: thuyền buồm được gió sau lại.

 

Nguyễn Văn Trân

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 85-BGTVT-BD/TTLT năm 1959 quy tắc giao thông đường sông do Bộ Giao thông và Bưu điện ban hành

  • Số hiệu: 85-BGTVT-BD/TTLT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 27/08/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông và Bưu điện
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 35
  • Ngày hiệu lực: 11/09/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản