Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG -
BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 83/2010/TTLT-BQP-BCA

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2010

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH VỀ MẪU DẪU, KHẮC DẤU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CON DẤU CỦA BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;
Căn cứ Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu và Nghị định số 31/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ;
Liên tịch Bộ Quốc phòng - Bộ Công an quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về mẫu dấu, khắc dấu, quản lý và sử dụng con dấu của Ban Chỉ huy quân sự như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về mẫu dấu, khắc dấu, đăng ký, quản lý và sử dụng con dấu của Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ban Chỉ huy quân sự cấp xã); Ban Chỉ huy quân sự cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở) và Ban Chỉ huy quân sự bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ban của Đảng ở Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi chung là Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương.

Chương II

HÌNH THỂ, ĐƯỜNG CHỈ, NỘI DUNG CON DẤU

Điều 3. Hình thể, đường chỉ con dấu

1. Hình thể: con dấu của Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương là hình tròn.

2. Đường chỉ: con dấu của Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương được tạo bởi 3 đường tròn đồng tâm, thứ tự từ ngoài vào trong như sau: đường tròn thứ nhất có độ đậm 0,5 mm, đường tròn thứ hai có độ đậm 0,3 mm cách đường tròn thứ nhất 1 mm, đường tròn thứ ba có độ đậm 0,3 mm cách giữa đường tròn thứ hai là 4 mm.

Điều 4. Nội dung con dấu

1. Con dấu của Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương

- Đường kính: 34 mm.

- Vành ngoài: tên bộ, ngành Trung ương và có một ngôi sao năm cánh nằm cân đối ở giữa của đầu và cuối dòng chữ;

- Giữa dấu: có dòng chữ Ban Chỉ huy quân sự.

 

2. Con dấu của Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở

a) Con dấu của Ban Chỉ huy quân sự sở, ban ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Đường kính: 32 mm.

- Vành ngoài: tên sở, ban ngành, đoàn thể kèm theo tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tên bộ, ngành ở Trung ương và có một ngôi sao năm cánh nằm cân đối ở giữa của đầu và cuối dòng chữ.

Giữa dấu: có dòng chữ Ban Chỉ huy quân sự.

b) Con dấu của Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức trực thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

- Đường kính: 32 mm.

- Vành ngoài: tên cơ quan, tổ chức dùng dấu kèm theo tên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Giữa tên cơ quan, tổ chức dùng dấu và tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dấu gạch ngang (-), có một ngôi sao năm cánh nằm cân đối ở giữa của đầu và cuối dòng chữ.

- Giữa dấu: có dòng chữ Ban Chỉ huy quân sự.

c) Con dấu của Ban Chỉ huy quân sự các doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn hoặc tổng công ty

- Đường kính: 32 mm.

- Vành ngoài phía trên: tên doanh nghiệp và tên tập đoàn hoặc tổng công ty; giữa tên doanh nghiệp và tên tập đoàn hoặc tổng công ty có dấu gạch ngang (-);

- Vành ngoài phía dưới: tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở giữa hai phần tên doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở ngăn cách bằng 2 ngôi sao năm cánh.

- Giữa dấu: có dòng chữ Ban Chỉ huy quân sự.

d) Con dấu của Ban Chỉ huy quân sự các doanh nghiệp hoạt động độc lập

- Đường kính: 32 mm.

- Vành ngoài phía trên: tên doanh nghiệp.

- Vành ngoài phía dưới: tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở; giữa hai phần tên doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở ngăn cách bằng 2 ngôi sao năm cánh.

- Giữa dấu: có dòng chữ Ban Chỉ huy quân sự.

3. Con dấu của Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn

- Đường kính: 32 mm.

- Vành ngoài phía trên: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Vành ngoài phía dưới: Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; giữa hai phần tên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ngăn cách bằng 2 ngôi sao năm cánh.

- Giữa dấu: có dòng chữ Ban Chỉ huy quân sự và tên xã, phường, thị trấn dùng dấu.

Điều 5. Phông chữ trong con dấu

Chữ trong con dấu là chữ in hoa không có chân. Trường hợp tên cơ quan, tổ chức có nhiều từ thì được khắc tắt, nhưng phải dễ hiểu và được sự thống nhất giữa đơn vị dùng dấu với cơ quan Công an nơi giải quyết khắc dấu.

Chương III

THỦ TỤC KHẮC DẤU, ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CON DẤU

Điều 6. Thủ tục khắc dấu

1. Khắc mới

a) Đối với Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương phải có quyết định thành lập của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

b) Đối với Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở; Ban Chỉ huy quân sự cấp xã phải có quyết định thành lập của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Khắc đổi

a) Cơ quan, tổ chức có con dấu bị biến dạng, bị hỏng thì được đổi lại con dấu, khi đổi phải có công văn đề nghị đổi con dấu và nêu rõ lý do;

b) Trường hợp tên xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức, địa phương có thay đổi, ngoài công văn đề nghị đổi con dấu phải có bản sao hợp lệ quyết định đổi tên xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức, địa phương.

3. Khắc lại con dấu bị mất

Công văn đề nghị khắc lại con đấu nêu rõ lý do mất và có xác nhận của Công an cấp xã nơi xảy ra mất con dấu, gửi cơ quan Công an nơi đã giải quyết khắc con dấu.

4. Người trực tiếp liên hệ với cơ quan Công an để làm thủ tục khắc dấu mới, đổi, khắc lại con dấu phải có Giấy giới thiệu và Chứng minh nhân dân.

Điều 7. Thẩm quyền giải quyết khắc dấu, đăng ký, quản lý con dấu

1. Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an giải quyết khắc dấu, đăng ký lưu chiểu, cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu cho Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương.

2. Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết khắc dấu, đăng ký lưu chiểu, cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu cho Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã.

Điều 8. Quản lý và sử dụng con dấu

1. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương chịu trách nhiệm quản lý con dấu. Chỉ được sử dụng con dấu đóng vào các văn bản, giấy tờ thuộc phạm vi công tác quốc phòng, quân sự khi có chữ ký của người có thẩm quyền.

2. Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương chỉ được sử dụng con dấu sau khi đã được cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

3. Con dấu của Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương trước khi sử dụng phải thông báo bằng văn bản với các cơ quan có liên quan.

4. Con dấu của Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương thống nhất dùng mực màu đỏ.

5. Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương khi khắc đổi lại con dấu, có trách nhiệm nộp lại dấu cũ và Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu cho cơ quan Công an nơi đăng ký con dấu. Trường hợp con dấu bị mất, sau khi có thông báo mất con dấu nếu tìm lại được thì không được sử dụng lại và phải nộp con dấu, Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu đó cho cơ quan Công an nơi đăng ký để huỷ.

6. Kinh phí khắc con dấu của Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương do bộ, ngành Trung ương, cơ quan, tổ chức ở cơ sở và cấp xã bảo đảm.

Điều 9. Kiểm tra, xử lý vi phạm

1. Thẩm quyền kiểm tra

a) Cục Dân quân tự vệ thuộc Bộ Tổng Tham mưu phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội kiểm tra việc quản lý, sử dụng con dấu của Ban Chỉ huy quân sự các cấp quy định tại Điều 2 Thông tư này.

b) Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp kiểm tra việc quản lý, sử dụng con dấu của Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và Ban Chỉ huy quân sự cấp xã.

2. Nội dung kiểm tra

a) Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu, hiện trạng con dấu đang sử dụng, công tác bảo quản và sử dụng con dấu.

b) Kết quả kiểm tra việc quản lý, sử dụng con dấu phải lập biên bản theo mẫu quy định của Bộ Công an.

3. Xử lý vi phạm

Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã và cá nhân có hành vi vi phạm quy định, hướng dẫn về quản lý, sử dụng con dấu tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2010 và thay thế Thông tư liên tịch số 68/2005/TTLT-BQP-BCA ngày 30/5/2005 của Bộ Quốc phòng - Bộ Công an về hướng dẫn mẫu dấu, khắc dấu, quản lý và sử dụng con dấu của xã đội; Thông tư liên tịch số 109/2007/TTLT-BQP-BCA ngày 11/7/2007 của Bộ Quốc phòng - Bộ Công an về hướng dẫn mẫu dấu, khắc dấu, quản lý và sử dụng con dấu của Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức.

2. Con dấu xã đội và Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức trước đây trái với hướng dẫn tại Thông tư này, chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm 2010 phải khắc lại; trong khi chưa có con dấu mới vẫn được sử dụng con dấu cũ.

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Tổng Tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội thuộc Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; Bộ tư lệnh các quân khu; Bộ Tổng Tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng; Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội thuộc Bộ Công an; Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Bộ Chỉ huy quân sự và Công an cấp tỉnh; Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương; Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và 1 Ban Chỉ huy quân sự cấp xã chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN




Đại tướng Lê Hồng Anh

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG




Đại tướng Phùng Quang Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 83/2010/TTLT-BQP-BCA hướng dẫn về mẫu dấu, khắc dấu, quản lý và sử dụng con dấu của Ban Chỉ huy quân sự do Bộ Quốc phòng - Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 83/2010/TTLT-BQP-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 30/06/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Lê Hồng Anh, Phùng Quang Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 447 đến số 448
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 06/12/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản