Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 55/2003/TTLT-BGDĐT-BQP-BKHĐT-BTC | Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2003 |
Căn cứ Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg ngày 09/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch Hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng sinh viên giai đoạn 2001 - 2010.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất hướng dẫn thực hiện Quy hoạch Hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng sinh viên giai đoạn 2001-2010 như sau :
1. Các quy định chung:
a) Đối tượng áp dụng Thông tư liên tịch: Thông tư liên tịch này áp dụng cho các Trung tâm Giáo dục quốc phòng nằm trong Hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng sinh viên giai đoạn 2001 - 2010 theo Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg ngày 09/01/2003.
b) Nguyên tắc đầu tư các Trung tâm Giáo dục quốc phòng: trên cơ sở các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo Quy chế đầu tư và xây dựng hiện hành.
c) Nguồn vốn để xây dựng các Trung tâm Giáo dục quốc phòng: ngoài nguồn vốn từ ngân sách trung ương, các Bộ, ngành, địa phương chủ quản các Trung tâm Giáo dục quốc phòng cần có kế hoạch huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (quỹ học phí, vay tín dụng ưu đãi…) để xây dựng, tỷ lệ huy động vốn cần quy định rõ trong Quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Đối với hai Trung tâm Giáo dục quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện theo Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia của Thủ tướng Chính phủ (trong đó đã có Trung tâm Giáo dục quốc phòng). Riêng Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng dự án khả thi cho việc nâng cấp Trung tâm Giáo dục quốc phòng từ lưu lượng 10.000 học viên/năm (đã được duyệt trong dự án tổng thể) lên lưu lượng 25.000 học viên/năm (trong Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đầu tư.
d) Đề án thành lập các Trung tâm Giáo dục quốc phòng xây dựng theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục quốc phòng ban hành kèm theo Quyết định số 03/2001/QĐ-BGDĐT ngày 06/02/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công văn số 4006/GDQP ngày 22/5/2001 về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế Trung tâm Giáo dục quốc phòng. Sau khi xây dựng xong đề án, các cơ sở đào tạo có Trung tâm Giáo dục quốc phòng trình cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập. Khi đã có quyết định thành lập, các Trung tâm Giáo dục quốc phòng lập dự án khả thi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiến hành đầu tư theo tiến độ quy định trong Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg. Trang, thiết bị, mô hình học cụ phục vụ học tập tại các Trung tâm Giáo dục quốc phòng mua theo Danh mục thiết bị dạy học môn Trung tâm Giáo dục quốc phòng cho các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định số 52/2003/QĐ-BGDĐT ngày 07/11/2003.
2. Nhiệm vụ thực hiện Quy hoạch Hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng sinh viên giai đoạn 2001-2010.
Để các Trung tâm Giáo dục quốc phòng đạt được quy mô đào tạo đã được quy định trong Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị chủ quản cần tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ :
a) Đối với 7 Trung tâm Giáo dục quốc phòng hiện đang hoạt động:
- Bổ sung đội ngũ giảng viên, cán bộ khung quản lý học viên.
- Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất.
- Bổ sung trang, thiết bị phục vụ học tập.
- Lập dự án nâng cấp, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Đối với 6 Trung tâm Giáo dục quốc phòng được thành lập theo Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg giai đoạn 2003-2005.
Xác định địa điểm, xin cấp đất và khẩn trương xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập trung tâm, hình thành dần cơ cấu tổ chức để đi vào hoạt động. Lập dự án xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiến hành đầu tư xây dựng. Mua sắm trang, thiết bị, mô hình học cụ phục vụ học tập.
c) Đối với 3 Trung tâm Giáo dục quốc phòng sẽ được thành lập theo Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg giai đoạn 2006-2010:
Khảo sát thực tế, lập dự án khả thi trình cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập (có thể sớm hơn thời gian quy định).
Khi triển khai thực hiện Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg một mặt phải dựa trên cơ sở những nguyên tắc đã quy định trong Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg, đồng thời cần tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, kết hợp với sự hỗ trợ của các trường quân sự địa phương để các Trung tâm Giáo dục quốc phòng sớm hình thành và đi vào hoạt động.
Khi triển khai thực hiện Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg, có thể vừa xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng mới, vừa huấn luyện, hoàn thiện và phát triển các Trung tâm Giáo dục quốc phòng đã có. Tận dụng mặt bằng, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, quản lý, phục vụ và đội ngũ sĩ quan biệt phái sẵn có của nhà trường để hình thành cơ cấu tổ chức của trung tâm. Từng bước phát triển cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, cán bộ khung để dần hoàn thiện Trung tâm Giáo dục quốc phòng.
Các đơn vị chủ quản xây dựng đề án thành lập Trung tâm Giáo dục quốc phòng nằm trong dự án quy hoạch phát triển tổng thể của mình đến năm 2010.
HÌNH THỨC TỔ CHỨC CỦA HỆ THỐNG TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG SINH VIÊN GIAI ĐOẠN 2001-2010
1. Các Trung tâm Giáo dục quốc phòng thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Trung tâm Giáo dục quốc phòng Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Giang;
2. Các Trung tâm Giáo dục quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng: Trung tâm Giáo dục quốc phòng Đà Nẵng thuộc trường quân sự Quân khu 5 và Trung tâm Giáo dục quốc phòng Quan Trung thuộc trường quân sự Quân khu 7.
3. Các Trung tâm Giáo dục quốc phòng thuộc ngành Giáo dục và đào tạo.
a) Các Trung tâm Giáo dục quốc phòng thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo: Trung tâm Giáo dục quốc phòng Thái Nguyên (thuộc Đại học Thái Nguyên), Trung tâm Giáo dục quốc phòng Hà Nội I (thuộc Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Tây), Trung tâm Giáo dục quốc phòng Hà Nội II (thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2), Trung tâm Giáo dục quốc phòng Huế (thuộc Đại học Huế), Trung tâm Giáo dục quốc phòng Tây Nguyên (thuộc trường Đại học Tây Nguyên), Trung tâm Giáo dục quốc phòng Cần Thơ (thuộc trường Đại học Cần Thơ), Trung tâm Giáo dục quốc phòng Khánh Hòa (thuộc trường Đại học Thủy sản), Trung tâm Giáo dục quốc phòng Vinh (thuộc trường Đại học Vinh), và Trung tâm Giáo dục quốc phòng Tây Bắc (thuộc trường Đại học Tây Bắc).
b) Các Trung tâm Giáo dục quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia: Trung tâm Giáo dục quốc phòng Thủ Đức thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Giáo dục quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
1. Giai đoạn từ nay đến năm 2005:
a) Đối với 7 Trung tâm Giáo dục quốc phòng đang hoạt động: Căn cứ vào quy hoạch tổ chức biên chế của trung tâm, Bộ Quốc phòng từng bước kiện toàn đủ số lượng, chất lượng sĩ quan biệt phái để hoàn chỉnh đội ngũ giảng viên, cán bộ khung; đồng thời củng cố cơ sở vật chất sẵn có và xây dựng các hạng mục công trình còn thiếu; mua sắm thêm trang, thiết bị, mô hình học cụ phục vụ học tập đáp ứng đủ cho quy mô đào tạo mới.
Đến năm 2005, các Trung tâm Giáo dục quốc phòng này phải đạt được quy mô đào tạo đã quy định trong Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg.
b) Đối với 6 Trung tâm Giáo dục quốc phòng thành lập mới :
- Các cấp có thẩm quyền sớm ra quyết định thành lập, xây dựng cơ cấu tổ chức cơ bản theo hướng phát triển từ các Khoa, Bộ Môn Giáo dục quốc phòng của các nhà trường đã có sĩ quan biệt phái để hình thành và đi vào hoạt động.
- Lập dự án khả thi và xác định rõ những công trình trọng yếu để có thể lần lượt tiến hành đầu tư xây dựng.
- Tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của nhà trường để tiến hành giảng dạy môn học Giáo dục quốc phòng.
- Xin cấp và mua sắm trang thiết bị, mô hình học cụ phục vụ học tập.
Các Trung tâm Giáo dục quốc phòng này cần sớm đi vào hoạt động để đến năm 2004-2005 có đủ điều kiện tiếp nhận được sinh viên theo quy mô đào tạo quy định trong Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg.
2. Giai đoạn 2006-2010:
a) Đối với 13 Trung tâm Giáo dục quốc phòng đang hoạt động: cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình để các Trung tâm Giáo dục quốc phòng đạt được quy mô đào tạo đã quy định trong Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg.
b) Đối với 3 Trung tâm Giáo dục quốc phòng thành lập trong giai đoạn 2006-2010: trường Đại học Hồng Đức xây dựng đề án trình Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thành lập “Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Thanh Hóa”, trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Giang xây dựng đề án trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ra quyết định thành lập “Trung tâm Giáo dục quốc phòng Bắc Giang” và trường Đại học Tây Bắc xây dựng đề án trình Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập “Trung tâm Giáo dục quốc phòng Tây Bắc”; tiến hành khảo sát, lập dự án khả thi và thực hiện đầu tư từ năm 2006. Đến năm 2008 các trung tâm này bắt đầu tiếp nhận học viên.
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo :
a) Thành lập Ban chỉ đạo triển khai thựchiện Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự tham gia của các Bộ, ngành có liên quan.
b) Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn cần thiết trong quá trình thực hiện Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg.
c) Hướng dẫn các cơ sở đào tạo có Trung tâm Giáo dục quốc phòng nằm trong Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg lập dự án khả thi xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; trên cơ sở các dự án đã được phê duyệt, tổng hợp và lập kế hoạch triển khai Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg hàng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.
d) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tại các Trung tâm Giáo dục quốc phòng.
2. Bộ Quốc phòng :
a) Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy mô tổ chức của các Trung tâm Giáo dục quốc phòng, Bộ Quốc phòng thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo để cử sĩ quan biệt phái tới các Trung tâm Giáo dục quốc phòng.
b) Bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân dụng chuyên dùng phục vụ dạy và học môn Giáo dục quốc phòng cho các Trung tâm Giáo dục quốc phòng mới thành lập theo Nghị định số 15/2001/NĐ-CP ngày 01/05/2001 của Chính phủ về Giáo dục quốc phòng và khoản 1.2 Mục II Thông tư liên tịch số 4086/2001/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2001/NĐ-CP.
c) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tại các Trung tâm Giáo dục quốc phòng.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Hàng năm tổng hợp nhu cầu, cân đối kế hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng các Trung tâm Giáo dục quốc phòng của các Bộ, ngành, địa phương.
b) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tại các Trung tâm Giáo dục quốc phòng.
4. Bộ Tài chính :
a) Hàng năm, căn cứ vào Luật Ngân sách, hướng dẫn các Bộ, ngành địa phương lập dự toán kinh phí cho Trung tâm Giáo dục quốc phòng, xem xét tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước, phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b) Trên cơ sở kế hoạch hàng năm được giao, cấp ngân sách cho các cơ sở đào tạo có Trung tâm Giáo dục quốc phòng theo chế độ quy định hiện hành.
c) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tại các Trung tâm Giáo dục quốc phòng.
5. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.
a) Căn cứ khoản 2 Điều 2 của Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg ra quyết định thành lập và đầu tư xây dựng các Trung tâm Giáo dục quốc phòng theo thẩm quyền, đưa vào kế hoạch đầu tư và xây dựng của Bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tổng hợp cân đối trình Thủ tướng Chính phủ.
b) Hỗ trợ các Trung tâm Giáo dục quốc phòng nằm trên địa bàn quản lý tiến hành các thủ tục xin cấp, nhận đất và các thủ tục khác trong quá trình xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng.
c) Định kỳ các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì kiểm tra các cơ sở đào tạo có Trung tâm Giáo dục quốc phòng về tình hình thực hiện Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg.
6. Các cơ sở đào tạo có Trung tâm Giáo dục quốc phòng.
a) Lập dự án khả thi xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng theo Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo cơ quan quyết định đầu tư và Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt.
c) Tiếp nhận và sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng chế độ, tiết kiệm và hiệu quả.
a) Kinh phí chi cho Trung tâm Giáo dục quốc phòng thuộc Bộ, ngành, địa phương nào quản lý thì Bộ, ngành, địa phương đó chi, không dùng ngân sách cấp cho Trung tâm Giáo dục quốc phòng để chi cho đối tượng khác.
b) Các Bộ, ngành, địa phương có Trung tâm Giáo dục quốc phòng lập dự toán ngân sách gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, trong dự toán cần phân định rõ nguồn kinh phí hành chính sự nghiệp, kinh phí xây dựng cơ bản. Trên cơ sở dự toán, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp kế hoạch triển khai hàng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
c) Theo Quy hoạch Hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng sinh viên giai đoạn 2001-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, ngành, địa phương có Trung tâm Giáo dục quốc phòng giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo lập dự án và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở thực hiện và bố trí kế hoạch hàng năm, thực hiện đúng trình tự xây dựng cơ bản theo quy định tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng và các Thông tư hướng dẫn thực hiện.
d) Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ và định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo cơ quan được giao nhiệm vụ tổng hợp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả việc thực hiện Quy hoạch Hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời để liên Bộ xem xét, bổ sung, sửa đổi./.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG |
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 52/2003/QĐ-BGDĐT ban hành Danh mục thiết bị dạy học môn học Giáo dục Quốc phòng trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và Trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành
- 2Nghị định 15/2001/NĐ-CP về Giáo dục quốc phòng
- 3Thông tư liên tịch 4086/2001/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn Nghị định 15/2001/NĐ-CP về giáo dục quốc phòng do Bộ Quốc phòng- Bộ Giao dục và đào tạo- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội- Bộ Tài chính ban hành
- 4Quyết định 07/2003/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng sinh viên giai đoạn 2001-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Thông tư liên tịch 55/2003/TTLT-BGDĐT-BQP-BKHĐT-BTC hướng dẫn Quyết định 07/2003/QĐ-TTg về Quy hoạch hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng sinh viên giai đoạn 2001-2010 do Bộ Giáo dục và đào tạo - Bộ Quốc phòng - Bộ Kế hoạch và đầu tư -Bộ Tài chính cùng ban hành
- Số hiệu: 55/2003/TTLT-BGDĐT-BQP-BKHĐT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 10/12/2003
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Công Nghiệp, Nguyễn Văn Được, Nguyễn Văn Vọng, Phan Quang Trung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 214 đến số 215
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra