Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH – BỘ CÔNG AN -
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/2001/TTLT-BTC-BCA-NHNN

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2001

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH GIÁM SÁT TIÊU HỦY TIỀN IN HỎNG, GIẤY IN TIỀN HỎNG

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 462/VPCP-KTTH ngày 17/10/2000 của Văn phòng Chính phủ về giám sát tiêu hủy tiền, Liên Bộ Tài chính – Bộ Công an – Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn quy trình giám sát tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng tại Nhà máy như sau:

I. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC GIÁM SÁT TIÊU HỦY TIỀN IN HỎNG, GIẤY IN TIỀN HỎNG

1/ Trong Thông tư này các từ ngữ được hiểu như sau:

- Tiền in hỏng gồm các loại tiền in bị hỏng, ngân phiếu in bị hỏng.

- Giấy in tiền hỏng là các loại giấy in tiền, giấy in ngân phiếu không đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2/ Việc tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng được thực hiện dưới sự giám sát của Hội đồng giám sát tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng (gọi tắt là Hội đồng giám sát) nhằm mục đích bảo đảm cho việc tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và đảm bảo an toàn tuyệt đối về tài sản trong quá trình tiêu hủy.

3/ Thông qua giám sát tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng, Liên bộ kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước và Nhà máy hoàn thiện các quy định về quy chế tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng để đảm bảo tiêu hủy an toàn và đúng quy định.

II. TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM SÁT

1/ Thành phần Hội đồng giám sát

- Chủ tịch Hội đồng là cán bộ cấp Vụ, Cục của Bộ Tài chính

- Các thành viên của Hội đồng

+ 1 cán bộ cấp Vụ, Cục và 2 chuyên viên của Bộ Công an

+ 1 cán bộ cấp Vụ, Cục và 2 chuyên viên của Ngân hàng Nhà nước

+ 2 chuyên viên của Bộ Tài chính

2/ Hội đồng giám sát do Bộ trưởng Bộ Tài chính ra quyết định thành lập sau khi thống nhất với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và căn cứ vào kế hoạch tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng hàng năm.

III. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM SÁT

1/ Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng giám sát

- Giám sát và kiểm soát quá trình tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng của Nhà máy.

- Thông qua giám sát đề xuất kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước và Nhà máy những vấn đề cần thiết liên quan đến tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình tiêu hủy.

- Tổng hợp báo cáo Liên Bộ kết quả giám sát tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng.

2/ Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng giám sát.

- Chỉ đạo chung toàn bộ công việc giám sát tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng của Hội đồng giám sát.

- Phân công trách nhiệm hoặc ủy quyền để các thành viên trong Hội đồng trực tiếp phụ trách công tác giám sát ở các điểm tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng.

- Chịu trách nhiệm trước Liên Bộ và trước pháp luật về quá trình giám sát tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng.

- Có quyền yêu cầu Hội đồng tiêu hủy ngừng những việc làm không đúng quy định về tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng, không đảm bảo an toàn về tài sản hoặc kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đình chỉ đợt tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng.

- Đình chỉ công tác đối với cá nhân có hành vi lợi dụng tham ô, lấy cắp trong khi thực hiện nhiệm vụ tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng hoặc có hành vi vi phạm các quy định về tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng.

- Kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với các cá nhân có sai phạm trong quá trình thực hiện tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng.

3/ Nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng giám sát:

- Chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng giám sát.

- Nắm vững các quy định của Nhà nước về tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng.

Thực hiện và hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng giám sát giao, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng giám sát về mọi công việc được giao.

Trong trường hợp phát hiện những hành vi vi phạm quy định về tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng có thể gây ra sự mất an toàn về tài sản như: tham ô, lấy cắp trong quá trình tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng thì phải có những biện pháp xử lý tạm thời nhằm hạn chế tổn thất tài sản Nhà nước và thông báo cho Hội đồng tiêu hủy để lập biên bản ngay tại chỗ, đồng thời báo cáo kịp thời toàn bộ sự việc xảy ra cho Chủ tịch Hội đồng giám sát.

Nếu vi phạm nghiêm trọng thì chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng xử lý trước pháp luật.

IV. NỘI DUNG VÀ QUY TRÌNH GIÁM SÁT TIÊU HỦY TIỀN IN HỎNG, GIẤY IN TIỀN HỎNG

1/ Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm gửi đến Hội đồng giám sát kế hoạch tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng hàng năm và những tài liệu liên quan đến từng đợt tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng gồm: Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng, lịch trình tiêu hủy, danh sách thành viên Hội đồng tiêu hủy trước mỗi đợt tiêu hủy ít nhất 10 ngày.

2/ Hội đồng tiêu hủy có trách nhiệm gửi Hội đồng giám sát kế hoạch tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng từng đợt. Kết thúc đợt tiêu hủy, Hội đồng tiêu hủy phải gửi Chủ tịch Hội đồng giám sát bản báo cáo tổng kết về đợt tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng.

3/ Việc giám sát tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng được thực hiện từ khi giao nhận tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng để tiêu hủy cho đến khi tiền in hỏng, giấy in tiền in hỏng được cắt hủy thành phế liệu.

4/ Quy trình giám sát tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng được thực hiện như sau:

a/ Giám sát khâu giao nhận.

- Giám sát việc giao nhận tiền hỏng, giấy in tiền hỏng từ kho của Nhà máy xuất cho Hội đồng tiêu hủy thực hiện theo đúng quy chế tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

- Kiểm tra tính đúng đắn giữa số lượng, cơ cấu tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng nhập kho Hội đồng tiêu hủy với các quyết định tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

b/ Giám sát khâu kiểm đếm tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng.

Giám sát việc thực hiện kiểm đếm tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng theo đúng quy chế tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng, đảm bảo kiểm đếm đầy đủ chính xác số tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng thực tế được tiêu hủy.

Giám sát việc giao nhận tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng với các tổ và việc giao gửi lại kho Hội đồng tiêu hủy trong trường hợp không kiểm đếm hết hoặc đã kiểm đếm nhưng chưa giao cho khâu cắt hủy, đảm bảo theo đúng quy chế và an toàn.

Trong quá trình giám sát, nếu thấy cần thiết, cán bộ giám sát trực tiếp có quyền yêu cầu kiểm đếm lại. Tất cả các trường hợp thừa, thiếu, lẫn loại phát hiện trong khâu kiểm đếm đều phải lập thành biên bản theo quy định. Cuối ngày, cán bộ giám sát trực tiếp sẽ xác nhận biên bản ghi nhận kết quả kiểm đếm trong ngày do Hội đồng tiêu hủy lập. Những sai sót phát hiện qua kiểm đếm sẽ được tổng hợp và đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Nhà máy xử lý sau khi kết thúc đợt tiêu hủy.

c/ Giám sát khâu cắt hủy tiền in hỏng, giấy tiền in hỏng: Giám sát việc thực hiện cắt hủy theo đúng quy chế tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng, đảm bảo tiền in hỏng, giấy tiền in hỏng được cắt thành những mảnh phế liệu nhỏ không thể phục hồi sử dụng trở lại.

d/ Giám sát cán bộ làm công tác tiêu hủy khi ra, vào nơi làm việc. Thực hiện niêm phong kho, các phòng làm việc khi nghỉ giải lao và khi hết giờ làm việc.

đ/ Kiểm tra công tác kế toán tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng: Kiểm tra việc thực hiện chế độ kế toán của Hội đồng tiêu hủy, đảm bảo số tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng được phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác theo đúng chế độ quy định.

5/ Cuối mỗi đợt tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng, Hội đồng giám sát phải tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm về công việc của Hội đồng.

6/ Hội đồng giám sát có trách nhiệm báo cáo Liên Bộ kết quả của đợt giám sát chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc đợt tiêu hủy.

V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ VÀ CỦA HỘI ĐỒNG TIÊU HỦY TIỀN IN HỎNG, GIẤY IN TIỀN HỎNG

- Bộ Tài chính, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm cử cán bộ tham gia Hội đồng giám sát tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng.

- Ngân hàng Nhà nước và Nhà máy có trách nhiệm:

+ Cung cấp tài liệu và các phương tiện cần thiết cho công việc của Hội đồng giám sát.

+ Kiểm tra xác định rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm và xử lý đúng pháp luật, kịp thời những sai sót trong khâu thực hiện, báo cáo Hội đồng giám sát kết quả xử lý.

- Hội đồng tiêu hủy có trách nhiệm cung cấp tài liệu theo yêu cầu của Hội đồng giám sát và chấp hành các quyết định của Hội đồng giám sát về việc đình chỉ những việc làm không đúng quy chế tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng và quy chế giám sát tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Cán bộ tham gia giám sát tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng được hưởng chế độ phụ cấp theo quy định như đối với cán bộ tham gia tiêu hủy tiền.

Mọi chi phí hợp lý cần thiết để đảm bảo cho hoạt động giám sát của Hội đồng giám sát và phụ cấp cho Hội đồng giám sát được hạch toán vào chi phí của Nhà máy nơi tổ chức tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng theo chế độ quy định.

Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư này do Liên Bộ Tài chính – Công an – Ngân hàng Nhà nước quyết định.

 

KT. THỐNG ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC




Trần Minh Tuấn

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN




Nguyễn Khánh Toàn

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH




Lê Thị Băng Tâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 43/2001/TTLT-BTC-BCA-NHNN hướng dẫn quy trình giám sát tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng do Bộ Tài chính – Bộ Công an – Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 43/2001/TTLT-BTC-BCA-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 13/06/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Lê Thị Băng Tâm, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Minh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/06/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản