Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2013/TTLT-BLĐTBXH-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1465/QĐ-TTG NGÀY 21 THÁNG 8 NĂM 2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM KÝ QUỸ ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC TẠI HÀN QUỐC THEO CHƯƠNG TRÌNH CẤP PHÉP VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI CỦA HÀN QUỐC

Căn cứ Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc;

Sau khi có ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Công văn số 8354/NHNN-TT ngày 08 tháng 11 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi Điều chỉnh:

Thông tư này quy định và hướng dẫn việc cho vay, ký quỹ, lãi suất tiền gửi ký quỹ, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc.

b) Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Trung tâm Lao động ngoài nước).

c) Ngân hàng Chính sách xã hội.

d) Các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho người lao động nước ngoài của Hàn Quốc.

Điều 2. Cho vay để ký quỹ đối với lao động vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội

1. Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc thuộc đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội có nhu cầu vay vốn được vay tối đa 100 (một trăm) triệu đồng để ký quỹ, không phải thế chấp tài sản.

2. Thời hạn cho vay tối đa bằng thời hạn ký quỹ của người lao động quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

3. Mức lãi suất cho vay áp dụng theo mức lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với từng đối tượng.

Điều 3. Ngân hàng ký quỹ và lãi suất tiền gửi ký quỹ

1. Người lao động thực hiện ký quỹ tại chi nhánh hoặc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn nơi người lao động cư trú hợp pháp.

2. Lãi suất tiền gửi ký quỹ:

a) Người lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ được hưởng mức lãi suất tiền gửi ký quỹ bằng mức lãi suất cho vay để ký quỹ. Trường hợp người lao động trả nợ vay trước hạn thì được hưởng mức lãi suất tiền gửi ký quỹ theo quy định tại điểm b, Khoản này cho Khoản tiền chênh lệch giữa số dư tiền ký quỹ và số dư nợ vay.

b) Người lao động không vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ được hưởng mức lãi suất tiền gửi ký quỹ phù hợp với mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từng thời kỳ của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 4. Thời điểm và thời hạn ký quỹ

1. Người lao động thực hiện ký quỹ chậm nhất là 35 ngày kể từ ngày ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc với Trung tâm Lao động ngoài nước.

2. Thời hạn ký quỹ là 5 năm 4 tháng.

Điều 5. Thực hiện ký quỹ

1. Người lao động và chi nhánh hoặc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhận ký quỹ, ký kết hợp đồng ký quỹ phù hợp với quy định của Thông tư này và các quy định hiện hành có liên quan, trong đó ghi rõ các nội dung: họ và tên người lao động, họ và tên người được ủy quyền (nếu có), nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi cư trú hợp pháp hiện tại, số tiền ký quỹ, lãi suất tiền gửi ký quỹ, mở và sử dụng tài Khoản ký quỹ, hoàn trả tiền ký quỹ, trách nhiệm của các bên và các thoả thuận hợp pháp khác.

2. Chi nhánh hoặc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhận ký quỹ có trách nhiệm xác nhận việc ký quỹ của người lao động.

Chương II

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN KÝ QUỸ

Điều 6. Quản lý, sử dụng tiền ký quỹ tại ngân hàng

1. Đối với người lao động không vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ:

a) Người lao động hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn, người lao động bị chết hoặc mất tích trong thời gian làm việc theo hợp đồng, người lao động phải về nước trước hạn do thiên tai, ốm đau, tai nạn và những lý do bất khả kháng khác, người lao động không đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi đã nộp tiền ký quỹ thì tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) được hoàn trả cho người lao động sau khi trừ các chi phí phát sinh hợp lý (nếu có).

b) Người lao động về nước trước thời hạn do vi phạm hợp đồng (trừ trường hợp bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng quy định tại điểm c, Khoản này) thì tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) được sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra cho Trung tâm lao động ngoài nước (nếu có). Số tiền còn lại được hoàn trả cho người lao động, nếu tiền ký quỹ không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung.

c) Người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng (kể cả bỏ trốn ngay sau khi đến Hàn Quốc) hoặc hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ở lại cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc thì tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) được chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người lao động cư trú hợp pháp trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc.

2. Đối với người lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ:

a) Người lao động hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn, người lao động bị chết hoặc mất tích trong thời gian làm việc theo hợp đồng, người lao động phải về nước trước hạn do thiên tai, ốm đau, tai nạn và những lý do bất khả kháng khác, người lao động không đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi đã nộp tiền ký quỹ thì tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) được dùng để trả Khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp người lao động đã hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền vay để ký quỹ trước thời hạn, số tiền còn lại được hoàn trả cho người lao động sau khi trừ các chi phí phát sinh hợp lý (nếu có).

b) Người lao động về nước trước thời hạn do vi phạm hợp đồng (trừ trường hợp bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng quy định tại điểm c, Khoản này) thì tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) được sử dụng để trả Khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp người lao động đã hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền vay để ký quỹ trước thời hạn, số tiền còn lại được hoàn trả cho người lao động sau khi trừ chi phí bồi thường thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra cho Trung tâm lao động ngoài nước (nếu có). Trường hợp tiền ký quỹ không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung.

c) Người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng (kể cả bỏ trốn ngay sau khi đến Hàn Quốc) hoặc hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ở lại cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc thì tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) được sử dụng để trả Khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp người lao động đã hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền vay để ký quỹ trước thời hạn, số tiền còn lại được chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người lao động cư trú hợp pháp trước khi đi Hàn Quốc.

Điều 7. Hoàn trả tiền ký quỹ và tất toán tài Khoản ký quỹ

1. Trường hợp người lao động không vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ:

a) Đối với các trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 6 của Thông tư này:

- Chậm nhất là 20 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động về nước, người lao động bị chết hoặc mất tích, kể từ ngày có căn cứ xác nhận người lao động không đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi đã nộp tiền ký quỹ, Trung tâm Lao động ngoài nước thông báo bằng văn bản cho Hội sở chính Ngân hàng Chính sách xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động cư trú hợp pháp trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, trong đó ghi rõ các nội dung: họ và tên người lao động, chi nhánh hoặc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhận ký quỹ, các Khoản chi phí mà người lao động phải thanh toán từ tài Khoản ký quỹ (nếu có).

- Chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho người lao động hoặc người được uỷ quyền.

- Chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước, Hội sở chính Ngân hàng Chính sách xã hội thông báo cho chi nhánh, phòng giao dịch nơi nhận ký quỹ thực hiện hoàn trả tiền ký quỹ và tất toán tài Khoản ký quỹ cho người lao động.

b) Đối với các trường hợp quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 6 của Thông tư này:

- Chậm nhất là 20 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động về nước, Trung tâm Lao động ngoài nước thanh lý hợp đồng đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc với người lao động và thông báo bằng văn bản (lập cho từng người lao động) cho Hội sở chính Ngân hàng Chính sách xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động cư trú hợp pháp trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, trong đó ghi rõ các nội dung: họ và tên người lao động, chi nhánh hoặc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhận ký quỹ, các Khoản chi phí mà người lao động phải thanh toán từ tài Khoản ký quỹ (nếu có).

- Chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước, Hội sở chính Ngân hàng Chính sách xã hội thông báo cho chi nhánh, phòng giao dịch nơi nhận ký quỹ thực hiện hoàn trả tiền ký quỹ và tất toán tài Khoản ký quỹ cho người lao động.

c) Đối với các trường hợp quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 6 của Thông tư này:

- Định kỳ hàng tháng, Trung tâm Lao động ngoài nước báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước danh sách và các thông tin liên quan đến người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng và người lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ở lại cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc.

- Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo bằng văn bản (lập cho từng người lao động) cho Hội sở chính Ngân hàng Chính sách xã hội và Sở Lao động -Thương binh và Xã hội nơi người lao động cư trú hợp pháp trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, trong đó ghi rõ các nội dung: họ và tên người lao động, chi nhánh hoặc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhận ký quỹ, lý do thu hồi tiền ký quỹ, địa chỉ chuyển tiền.

- Chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho người lao động hoặc người được uỷ quyền và gia đình người lao động.

- Chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Ngân hàng Chính sách xã hội thông báo cho chi nhánh, phòng giao dịch nơi nhận ký quỹ làm thủ tục tất toán tài Khoản ký quỹ của người lao động và chuyển toàn bộ tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) cho Quỹ giải quyết việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người lao động cư trú hợp pháp trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, đồng thời thông báo cho Cục Quản lý lao động ngoài nước và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội biết.

2. Trường hợp người lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ:

a) Đối với các trường hợp quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này: Trung tâm Lao động ngoài nước và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện như quy định đối với trường hợp nêu tại điểm a Khoản 1 Điều này; ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện việc thu hồi Khoản cho vay đối với người lao động và tất toán tài Khoản tiền ký quỹ của người lao động.

b) Đối với các trường hợp quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này: Trung tâm lao động ngoài nước và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện như quy định đối với trường hợp nêu tại điểm b Khoản 1 Điều này; ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện việc thu hồi Khoản cho vay đối với người lao động và tất toán tài Khoản tiền ký quỹ của người lao động.

c) Đối với các trường hợp quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này: Trung tâm lao động ngoài nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện như quy định đối với trường hợp nêu tại điểm c Khoản 1 Điều này; ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện việc thu hồi Khoản cho vay đối với người lao động và tất toán tài Khoản tiền ký quỹ của người lao động; Trường hợp người lao động đã hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền vay để ký quỹ trước thời hạn, số tiền còn lại được chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 8. Quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động quy định tại điểm c Khoản 1 và điểm c Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này sau khi chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Tiền ký quỹ của người lao động sau khi chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện theo quy định tại điểm a Khoản 2 mục I Thông tư số 73/2008/TT-BTC ngày 01/8/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm (do Giám đốc Sở Tài chính làm chủ tài Khoản Quỹ).

2. Nội dung và mức chi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và các hoạt động nhằm đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và giải quyết việc làm tại địa phương. Cụ thể:

a) Chi hội nghị tập huấn nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết về việc làm và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Thông tư số 97/2010/TT-BTC).

b) Chi thông tin, tuyên truyền về chính sách lao động, việc làm và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

- Chi sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí) thực hiện theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

- Chi hỗ trợ hoạt động truyền thanh tại cộng đồng: biên tập tài liệu phát thanh: 75.000 đồng/trang 350 từ; bồi dưỡng phát thanh viên: 15.000 đồng/lần. Trường hợp phát thanh bằng tiếng dân tộc: 20.000 đồng/lần.

- Chi mua, nhân bản và phát hành các ấn phẩm truyền thông. Mức chi thực hiện theo hợp đồng, giấy biên nhận hoặc hóa đơn chứng từ hợp pháp.

- Chi tổ chức buổi tuyên truyền, tư vấn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài và thân nhân người lao động để vận động người lao động về nước đúng hạn:

+ Chi thuê hội trường, phông, bạt, bàn ghế, thiết bị loa đài (nếu có): Mức chi thực hiện theo hợp đồng, giấy biên nhận hoặc hóa đơn (trong trường hợp thuê dịch vụ).

+ Chi bồi dưỡng báo cáo viên: 200.000 đồng/buổi.

+ Chi nước uống cho ban tổ chức và người tham dự: mức chi theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

c) Chi hỗ trợ người trực tiếp tư vấn tại nhà cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài: 20.000 đồng/người được tư vấn. Trường hợp tư vấn cho nhiều người tại cùng một địa điểm, mức bồi dưỡng tối đa: 100.000 đồng/người/buổi.

d) Chi tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước:

- Chi hỗ trợ phí tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 95/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 07/8/2007 hướng dẫn về phí giới thiệu việc làm. Căn cứ biên lai thu phí hoặc hóa đơn của tổ chức dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện thanh toán phí tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

- Chi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ở trong nước về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước có nhu cầu thành lập doanh nghiệp. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

đ) Chi công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC và Thông tư số 06/2007/TT-BTC ngày 26/01/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Đối với đoàn công tác kiểm tra, giám sát đánh giá liên ngành, liên cơ quan: cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác chịu trách nhiệm chi phí cho chuyến công tác theo chế độ quy định (tiền tàu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở nơi đến và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc) cho các thành viên trong đoàn. Để tránh chi trùng lắp, cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác thông báo bằng văn bản (trong giấy mời, giấy triệu tập) cho cơ quan, đơn vị cử người đi công tác không phải thanh toán các Khoản chi này.

3. Công tác lập dự toán và quyết toán:

a) Hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội căn cứ số tiền ký quỹ của người lao động được chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm của địa phương theo quy định tại điểm c Khoản 1 và điểm c Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này; tình hình thực hiện công tác xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm tại địa phương; nội dung và mức chi quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư này; lập dự toán chi gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.

b) Căn cứ Quyết định phê duyệt dự toán chi của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Tài chính cấp kinh phí từ Quỹ giải quyết việc làm của địa phương cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Kinh phí cấp từ Quỹ giải quyết việc làm của địa phương để chi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và các hoạt động nhằm đẩy mạnh xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm tại địa phương được hạch toán vào nguồn kinh phí khác và tổng hợp vào quyết toán ngân sách hàng năm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định hiện hành.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm các cơ quan, đơn vị

1. Trách nhiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội:

a) Hướng dẫn quy trình, thủ tục ký quỹ cho người lao động.

b) Quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

c) Ban hành thống nhất hợp đồng ký quỹ và giấy xác nhận ký quỹ.

d) Định kỳ sáu tháng, hàng năm báo cáo tình hình quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước.

2. Trách nhiệm của Trung tâm Lao động ngoài nước:

a) Hướng dẫn người lao động thực hiện ký quỹ theo quy định.

b) Theo dõi tình hình thực hiện hợp đồng đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc để xử lý tiền ký quỹ của người lao động theo quy định.

c) Định kỳ sáu tháng, hàng năm báo cáo tình hình thực hiện ký quỹ của người lao động gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước.

3. Trách nhiệm của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thông tin, tư vấn cho người lao động các quy định của pháp luật liên quan đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các quy định của Việt Nam và Hàn Quốc về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc và quy định của Thông tư này.

b) Hướng dẫn người lao động thực hiện ký quỹ theo quy định.

c) Đôn đốc, vận động các gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài thực hiện đúng hợp đồng về nước đúng thời hạn.

d) Sử dụng tiền ký quỹ của người lao động sau khi nộp vào Quỹ giải quyết việc làm địa phương theo hướng dẫn của Thông tư này và các quy định hiện hành.

đ) Định kỳ sáu tháng, hàng năm báo cáo tình hình sử dụng tiền ký quỹ của người lao động sau khi nộp vào Quỹ giải quyết việc làm địa phương gửi Sở Tài chính và Cục Quản lý lao động ngoài nước.

4. Trách nhiệm của Cục Quản lý lao động ngoài nước:

a) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thông tin tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các quy định của Thông tư này.

b) Kiểm tra, đề xuất xử lý những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định của Thông tư này.

c) Định kỳ sáu tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động theo quy định tại Thông tư này.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2013.

2. Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, xuất cảnh trong Khoảng thời gian từ ngày 20 tháng 11 năm 2013 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Minh

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG



Nguyễn Thanh Hòa

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTCP;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng BCĐTW về phòng chống tham nhũng;
- Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia;    
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở LĐTBXH, Sở Tài chính các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật-Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng TTĐT: Chính phủ, Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH, BTC;
- Lưu VT: Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 31/2013/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định 1465/QĐ-TTg về thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc do Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh - Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 31/2013/TTLT-BLĐTBXH-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 12/11/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thanh Hòa , Nguyễn Thị Minh
  • Ngày công báo: 01/01/2014
  • Số công báo: Từ số 3 đến số 4
  • Ngày hiệu lực: 28/12/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 15/05/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản