Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG -
BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 29/2011/TTLT-BCT-BTC

Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 2011

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC PHỐI HỢP KIỂM TRA GIỮA CƠ QUAN QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG VÀ CƠ QUAN QUẢN LÝ GIÁ

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thống nhất hướng dẫn tổ chức phối hợp kiểm tra giữa cơ quan Quản lý thị trường và cơ quan Quản lý giá như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc tổ chức phối hợp kiểm tra, nội dung kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và lĩnh vực giá giữa cơ quan Quản lý thị trường và cơ quan Quản lý giá từ Trung ương đến địa phương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Cơ quan Quản lý thị trường gồm: Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường - Sở Công Thương và Đội Quản lý thị trường hoạt động trên địa bàn quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Cơ quan Quản lý giá gồm: Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, Sở Tài chính, Phòng Tài chính quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Việc phối hợp tổ chức kiểm tra giữa cơ quan Quản lý thị trường và cơ quan Quản lý giá trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của từng cơ quan từ trung ương đến địa phương.

2. Đảm bảo sự thống nhất, kịp thời hỗ trợ nhau trong công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và lĩnh vực giá.

3. Những vướng mắc trong quá trình phối hợp, hai bên bàn bạc, thống nhất giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Yêu cầu khi tiến hành phối hợp kiểm tra

1. Kiểm tra đúng nội dung, đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, không gây phiền hà, trở ngại cho người sản xuất, kinh doanh hợp pháp, tránh tình trạng kiểm tra chồng chéo.

2. Kiểm tra, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại và lĩnh vực giá. Trong quá trình kiểm tra, xử lý phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Ngăn chặn có hiệu quả những hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại và lĩnh vực giá.

3. Kết hợp kiểm tra, xử lý vi phạm với tuyên truyền, giáo dục để người sản xuất, kinh doanh tự giác chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý giá.

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Các trường hợp tổ chức phối hợp kiểm tra

Cơ quan Quản lý thị trường và Cơ quan Quản lý giá tổ chức các cuộc kiểm tra được thực hiện trong các trường hợp sau:

1. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền:

- Bộ trưởng Bộ Công Thương;

- Bộ trưởng Bộ Tài chính;

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương;

- Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính;

- Chi cục Quản lý thị trường (đối với Đội Quản lý thị trường).

2. Kiểm tra theo kế hoạch

Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa cơ quan Quản lý thị trường và cơ quan Quản lý giá đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

3. Tổ chức kiểm tra đột xuất

- Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại và lĩnh vực giá cần phải ngăn chặn kịp thời mà nội dung kiểm tra yêu cầu phải có nghiệp vụ chuyên môn của mỗi bên.

- Khi thị trường có biến động bất thường về cung cầu, giá cả thay đổi đột biến do thiên tai, địch hoạ, dịch bệnh, hỏa hoạn, khủng hoảng kinh tế, hoặc trong các trường hợp bất thường khác.

Điều 6. Thực hiện phối hợp kiểm tra

1. Cung cấp thông tin: Cơ quan Quản lý thị trường và cơ quan Quản lý giá thường xuyên cung cấp cho nhau thông tin phục vụ công tác phối hợp kiểm tra như sau:

a) Cơ quan Quản lý giá có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan Quản lý thị trường về lĩnh vực quản lý giá, như: Chính sách giá; Quyết định giá; Các báo cáo định kỳ về tình hình giá thị trường và các vấn đề khác có liên quan đến lĩnh vực quản lý giá; Các biện pháp bình ổn giá của Trung ương và địa phương.

b) Cơ quan Quản lý thị trường có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan Quản lý giá về: Tình hình thị trường, giá cả hàng hoá, dịch vụ; Các báo cáo định kỳ về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm và các vấn đề khác có liên quan đến hoạt động kiểm tra giá.

2. Tổ chức lực lượng phối hợp

Khi phát hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại và lĩnh vực giá, nếu xét thấy cần thiết trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm cần có nghiệp vụ chuyên môn của mỗi bên thì cơ quan Quản lý thị trường có quyền yêu cầu cơ quan Quản lý giá và ngược lại cơ quan Quản lý giá có quyền yêu cầu cơ quan Quản lý thị trường (cả Trung ương và địa phương) phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm. Cơ quan được yêu cầu phải có trách nhiệm phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn pháp luật quy định.

3. Trách nhiệm các bên

Trong quá trình phối hợp kiểm tra, căn cứ tình hình và vụ việc cụ thể, cơ quan nào chủ trì thì cơ quan đó ra quyết định kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Những nội dung cần phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm:

a) Quyết định giá, lập phương án tính giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá;

b) Niêm yết giá, công khai thông tin về giá;

c) Thực hiện đăng ký giá, kê khai giá đối với hàng hoá thuộc Danh mục phải kê khai giá, đăng ký giá;

d) Chấp hành mức giá cụ thể, khung giá, giá chuẩn, giá giới hạn do cơ quan có thẩm quyền quy định;

đ) Lợi dụng thiên tai, địch hoạ, diễn biến bất thường hoặc khó khăn đặc biệt khác của xã hội để găm hàng, đầu cơ nâng giá, ép giá, tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người sản xuất, người tiêu dùng và lợi ích của nhà nước;

e) Không thực hiện theo quy định của pháp luật về báo cáo giá mua; Giá bán; Giá xuất khẩu; Giá nhập khẩu; Lượng hàng hóa tồn kho dự trữ của tổ chức, cá nhân kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

g) Chấp hành những quy định về giá khuyến mại hàng hóa, dịch vụ thương mại trong thời gian khuyến mại;

h) Đưa tin thất thiệt về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường;

i) Gian lận thương mại về đóng gói, đo lường, chất lượng hàng hóa, dịch vụ;

k) Cắt giảm địa điểm bán hàng; Cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ); Quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng; Cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa đối với hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá khi các cơ quan có thẩm quyền đã công bố các biện pháp bình ổn giá khác với thời gian trước khi công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá mà không có lý do chính đáng;

l) Vi phạm quy định về bình ổn giá và các hành vi vi phạm pháp luật khác thuộc thẩm quyền của cơ quan Quản lý thị trường hoặc cơ quan Quản lý giá.

Điều 7. Xử lý vi phạm

Căn cứ hành vi vi phạm, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà cơ quan Quản lý thị trường và cơ quan Quản lý giá áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các quy định khác có liên quan trong hoạt động thương mại và lĩnh vực giá theo thẩm quyền; Kiến nghị các biện pháp kinh tế, hành chính với cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Điều 8. Chế độ giao ban, hội họp, báo cáo

1. Trung ương

Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương phối hợp với Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính thường xuyên trao đổi thông tin; 6 tháng một lần tổ chức họp đánh giá kết quả phối hợp giữa hai đơn vị; Hàng năm tổng kết đánh giá kết quả phối hợp trong năm, phương hướng hoạt động của năm sau và báo cáo Lãnh đạo hai Bộ.

2. Địa phương

Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Tài chính thường xuyên trao đổi thông tin; 3 tháng một lần tổ chức họp đánh giá kết quả phối hợp giữa hai đơn vị; Hàng năm tổng kết đánh giá kết quả phối hợp trong năm, phương hướng hoạt động của năm sau và báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý giá.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương giao Cục Quản lý thị trường phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này đối với cơ quan Quản lý thị trường.

2. Bộ Tài chính giao Cục Quản lý giá phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này đối với cơ quan Quản lý Giá.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 9 năm 2011

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, yêu cầu báo cáo về Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để bổ sung, sửa đổi Thông tư liên tịch này cho phù hợp.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Hiếu

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Cẩm Tú

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Văn phòng Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng;
- Kiểm toán nhà nước;
- Sở Công Thương;
- Sở Tài chính;
- Chi cục QLTT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Công báo Chính phủ;
- Website Chính phủ, Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, QLTT, QLG.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 29/2011/TTLT-BCT-BTC hướng dẫn tổ chức phối hợp kiểm tra giữa Cơ quan Quản lý thị trường và giá do Bộ Công thương - Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 29/2011/TTLT-BCT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 04/08/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Công thương
  • Người ký: Nguyễn Cẩm Tú, Trần Văn Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 463 đến số 464
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản