Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ Y TẾ-BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2013/TTLT-BNNPTNT-BYT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN PHÂN CÔNG, PHỐI HỢP GIỮA BA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN, Y TẾ, GIÁO DỤC VỀ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 của Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Y tế; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Liên tịch hướng dẫn phân công, phối hợp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 (sau đây gọi tắt là Chương trình),

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn phân công và phối hợp giữa ba ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Các cơ quan được giao nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm bảo đảm Chương trình được thực hiện có hiệu quả.

2. Bảo đảm tính chủ động, kịp thời, liên tục trong việc thực hiện Chương trình.

3. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện Chương trình tuân theo Nghị định số 144/2005/NĐ-CP ngày 16/11/2005 của Chính phủ quy định về công tác phối hợp giữa cơ quan hành chính nhà nước trong xây dựng và kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

4. Các cơ quan thống nhất quyết định những vấn đề quan trọng của Chương trình trước khi trình Ban Chủ nhiệm hoặc Ban Điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 (sau đây gọi tắt là Ban Chủ nhiệm, Ban Điều hành).

Điều 3. Nội dung phối hợp

1. Xây dựng kế hoạch.

2. Triển khai thực hiện kế hoạch.

3. Giám sát, đánh giá, kiểm tra.

4. Báo cáo kết quả thực hiện.

Chương 2.

QUY ĐỊNH VỀ NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 4. Phối hợp trong xây dựng kế hoạch

1. Ở Trung ương:

a) Hàng năm, các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch của Chương trình được phân công gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chung.

b) Sau khi có thông báo kinh phí của Chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thống nhất với các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch, phân bổ kinh phí cho các dự án. Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch, phân bổ kinh phí các dự án do Bộ quản lý cho các địa phương gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Ở địa phương:

a) Theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, các Sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch của Chương trình được phân công gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ quản lý ngành. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổng hợp và thống nhất với các ngành liên quan (Y tế, Giáo dục, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính) về kế hoạch của Chương trình trên địa bàn trình Ban Điều hành xem xét báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân tỉnh) gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các Sở, ngành liên quan thống nhất tham mưu cho Ban Điều hành trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về giao chỉ tiêu và phân bổ kinh phí các dự án của Chương trình cho các đơn vị thực hiện.

Điều 5. Phối hợp trong triển khai thực hiện kế hoạch

1. Ở Trung ương:

Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo:

a) Thường xuyên phối hợp, theo dõi, chỉ đạo để việc thực hiện đúng tiến độ, nội dung và yêu cầu của Chương trình;

b) Thống nhất ban hành các văn bản liên quan đến hướng dẫn thực hiện, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình.

2. Ở địa phương:

a) Sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao kế hoạch, Ban Điều hành Chương trình tổ chức cuộc họp để thống nhất kế hoạch triển khai của các ngành về mục tiêu, biện pháp, kinh phí thực hiện;

b) Định kỳ sáu tháng hoặc đột xuất, Ban Điều hành Chương trình tỉnh tổ chức giao ban với các ngành liên quan để đánh giá tình hình thực hiện và đề ra các biện pháp triển khai cho thời gian tiếp theo.

Điều 6. Kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình

1. Các ngành, các cấp có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình trong phạm vi quản lý của đơn vị:

a) Ở Trung ương: ít nhất mỗi năm một lần, Ban Chủ nhiệm tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá liên ngành tại một số địa phương trên cả nước;

b) Ở địa phương: Định kỳ sáu tháng một lần, Ban Điều hành Chương trình tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá liên ngành trên địa bàn của tỉnh.

2. Việc cập nhật theo Bộ chỉ số theo dõi đánh giá được thực hiện theo Quyết định số 2570/2012/QĐ-BNN ngày 22 tháng 10 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 7. Báo cáo kết quả thực hiện

1. Các cơ quan thực hiện Chương trình có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện gửi các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp, cụ thể:

a) Các Sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình do Sở quản lý báo cáo Ban Điều hành tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đồng thời báo cáo Bộ quản lý ngành để tổng hợp;

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình trên địa bàn trình Ban Điều hành xem xét báo cáo Ban Chủ nhiệm Chương trình (thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

c) Ở Trung ương, các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình được phân công gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chung trình Ban Chủ nhiệm Chương trình.

2. Thời gian gửi báo cáo cho Ban Chủ nhiệm Chương trình được quy định như sau:

a) Báo cáo sáu tháng đầu năm: được gửi trước ngày 30 tháng 7 cùng năm;

b) Báo cáo năm: được gửi trước ngày 31 tháng 3 năm sau;

c) Báo cáo kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình: Thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Y tế;

d) Báo cáo cập nhật theo Bộ chỉ số theo dõi đánh giá được gửi trước ngày 31 tháng 3 năm sau.

3. Thời gian các Sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo gửi báo cáo cho Ban Điều hành tỉnh và các Bộ quản lý ngành quy định như sau:

a) Báo cáo sáu tháng đầu năm: được gửi trước ngày 20 tháng 7 cùng năm;

b) Báo cáo năm: được gửi trước ngày 21 tháng 3 năm sau;

c) Báo cáo kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình: Thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Y tế;

d) Báo cáo cập nhật theo Bộ chỉ số theo dõi đánh giá được gửi trước ngày 21 tháng 3 năm sau.

4. Thời gian huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) gửi báo cáo cho các Sở quy định như sau:

a) Báo cáo sáu tháng đầu năm: được gửi trước ngày 10 tháng 7 cùng năm;

b) Báo cáo năm: được gửi trước ngày 11 tháng 3 năm sau;

c) Báo cáo kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình: Thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Y tế;

d) Báo cáo cập nhật theo Bộ chỉ số theo dõi đánh giá được gửi trước ngày 11 tháng 3 năm sau.

5. Thời gian xã, phường, thị trấn gửi báo cáo cho huyện quy định như sau:

a) Báo cáo sáu tháng đầu năm: được gửi trước ngày 01 tháng 7 cùng năm;

b) Báo cáo năm: được gửi trước ngày 01 tháng 3 năm sau;

c) Báo cáo kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình: Thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Y tế;

d) Báo cáo cập nhật theo Bộ chỉ số theo dõi đánh giá được gửi trước ngày 01 tháng 3 năm sau.

Chương 3.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP

Điều 8. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Xây dựng, rà soát, bổ sung và ban hành hoặc trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định về quản lý tài chính, kỹ thuật, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư xây dựng, quản lý các công trình nước sạch nông thôn, quy chuẩn kỹ thuật của công trình, hướng dẫn về quản lý, khai thác, bảo vệ công trình, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện Chương trình; rà soát, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện Chương trình có hiệu quả đúng mục tiêu.

2. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch tổng thể, kế hoạch hàng năm của Chương trình.

3. Căn cứ tổng mức đầu tư của Chương trình được thông báo, chủ trì phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo dự kiến phân bổ kinh phí của Chương trình về cơ cấu và mức phân bổ cụ thể của các dự án, tiểu dự án thành phần cho các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đã được phê duyệt.

4. Tổ chức các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thống nhất và phát triển tài liệu truyền thông phù hợp; hướng dẫn đào tạo nguồn nhân lực chung cho Chương trình; phổ biến các loại hình cấp nước sạch, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh.

5. Vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho Chương trình; thử nghiệm và nhân rộng các phương thức hoạt động mới, công nghệ mới, các mô hình cấp nước và vệ sinh thân thiện với môi trường có hiệu quả, bền vững.

6. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình; báo cáo theo quy định gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

7. Chủ trì, quản lý, thực hiện các dự án, tiểu dự án:

a) Dự án 1 về cấp nước sinh hoạt và môi trường nông thôn, bao gồm:

- Tiểu dự án 1: cấp nước sinh hoạt;

- Tiểu dự án 3: Xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh;

b) Dự án 3: Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Y tế

1. Xây dựng, rà soát, bổ sung, ban hành các qui chuẩn kỹ thuật và giám sát việc thực hiện quy chuẩn về chất lượng nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình và công trình vệ sinh trạm y tế xã. Xây dựng cơ chế chính sách về tăng tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình và trạm y tế xã. Hướng dẫn, phổ biến, chỉ đạo công tác vệ sinh và xây dựng các công trình vệ sinh trạm y tế xã, vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình ở nông thôn.

2. Chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh xây dựng kế hoạch của ngành về Vệ sinh nông thôn.

3. Xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch hàng năm của Dự án 2 về vệ sinh nông thôn và các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, nâng cao năng lực, kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt và nhà tiêu hộ gia đình thuộc Dự án 3 về nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá.

4. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về vệ sinh nông thôn; vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình bao gồm phát triển tài liệu truyền thông, các mô hình, sáng kiến truyền thông vận động cộng đồng xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực hiện hợp phần vệ sinh của Chương trình. Chỉ đạo, hướng dẫn thiết lập mạng lưới cán bộ làm công tác vệ sinh nông thôn của ngành Y tế và lựa chọn, huy động mạng lưới này vào công tác truyền thông của ngành.

5. Vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho lĩnh vực vệ sinh nông thôn, thử nghiệm và nhân rộng các phương thức hoạt động mới, các công nghệ mới về vệ sinh nông thôn bảo đảm hiệu quả và bền vững.

6. Chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh kiểm tra, triển khai giám sát chỉ tiêu về vệ sinh (nhà tiêu hộ gia đình, cấp nước và nhà tiêu trạm y tế xã) theo Bộ chỉ số giám sát đánh giá.

7. Chủ trì, quản lý, thực hiện các dự án, tiểu dự án:

a) Chủ trì, quản lý, thực hiện Dự án 2 về vệ sinh nông thôn, gồm:

- Tiểu dự án 1: Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình;

- Tiểu dự án 2: Xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trạm y tế xã;

b) Quản lý thực hiện hợp phần: Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá vệ sinh nông thôn, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt và nhà tiêu hộ gia đình thuộc Dự án 3 về nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá.

8. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình; báo cáo theo quy định gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Xây dựng, rà soát, bổ sung và ban hành các văn bản quy định, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, thiết kế mẫu công trình nước sạch và vệ sinh trong trường học phù hợp với từng           vùng, từng địa phương và từng đối tượng sử dụng cũng như việc quản lý sử dụng công trình. Hướng dẫn, phổ biến, giám sát việc thực hiện công tác xây dựng và kiểm tra sử dụng công trình cấp nước và vệ sinh trong trường học mầm non, trường học phổ thông.

2. Hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh xây dựng kế hoạch của ngành nhằm bảo đảm việc thực hiện Chương trình có hiệu quả.

3. Xây dựng kế hoạch tiểu dự án 2 thuộc Dự án 1: Xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trường học mầm non, trường học phổ thông và phân bổ kinh phí cho các Sở Giáo dục và Đào tạo sau khi được thông báo kinh phí của dự án.

4. Tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo, thông tin, giáo dục và truyền thông về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong các trường học mầm non, trường học phổ thông. Hướng dẫn quản lí, sử dụng, bảo quản và nâng cấp công trình nước sạch và vệ sinh trường học để công trình được sử dụng hiệu quả, bền vững.

5. Vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, công nghệ mới cho việc xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trường học mầm non, trường học phổ thông.

6. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình; báo cáo theo quy định gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

7. Quản lý, thực hiện các dự án, tiểu dự án:

a) Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 1: Xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trường học mầm non, trường học phổ thông;

b) Tham gia quản lý, thực hiện Dự án 3: Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện Chương trình về nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trong trường học mầm non, trường học phổ thông.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Giao Ban Điều hành chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện theo trách nhiệm quản lý được phân công như sau:

1. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tổng hợp chung mọi hoạt động của Chương trình. Thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn các Sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch hàng năm của Chương trình. Tổng hợp kế hoạch về mục tiêu, nhiệm vụ, nhu cầu kinh phí, đề xuất giải pháp thực hiện Chương trình trên địa bàn;

b) Trực tiếp quản lý, tổ chức thực hiện:

- Dự án 1: Tiểu dự án 1 về cấp nước sinh hoạt và Tiểu dự án 3 về xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh;

- Dự án 3: Hợp phần Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá Cấp nước sinh hoạt và xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh.

c) Chỉ đạo tổ chức sơ kết, tổng kết các dự án được phân công trên địa bàn tỉnh.

2. Trách nhiệm của Sở Y tế:

a) Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm đầu mối xây dựng kế hoạch Dự án 2 về vệ sinh nông thôn và các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, nâng cao năng lực, kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt và nhà tiêu hộ gia đình thuộc Dự án 3 về nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá.

Chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt và nhà tiêu hộ gia đình, trạm y tế xã. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực hiện hợp phần vệ sinh của Chương trình. Thiết lập mạng lưới cán bộ làm công tác vệ sinh nông thôn của ngành y tế; lựa chọn, huy động hệ thống y tế thôn bản tham gia công tác tuyên truyền vận động thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh;

b) Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Kiểm tra, triển khai giám sát chỉ tiêu về vệ sinh (nhà tiêu hộ gia đình, cấp nước và nhà tiêu trạm y tế xã) theo Bộ chỉ số giám sát đánh giá; trực tiếp chỉ đạo thực hiện:

- Dự án 2: Tiểu dự án 1 về xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình và Tiểu dự án 2 về xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trạm y tế xã);

- Dự án 3: Hợp phần Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá vệ sinh nông thôn; kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt và nhà tiêu hộ gia đình.

c) Chỉ đạo tổ chức sơ kết, tổng kết dự án Vệ sinh nông thôn trên địa bàn tỉnh.

3. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Xây dựng kế hoạch tiểu dự án: Xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trong các trường học mầm non, trường học phổ thông. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức cho học sinh nhằm thay đổi hành vi về nước sạch và vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân trong các trường học mầm non, trường học phổ thông;

b) Trực tiếp quản lý, tổ chức thực hiện:

- Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 1: Xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trường học mầm non, trường học phổ thông;

- Dự án 3: Hợp phần Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá nước sạch và vệ sinh trong các trường học mầm non, trường học phổ thông.

c) Chỉ đạo tổ chức sơ kết, tổng kết tiểu dự án Xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trường học mầm non, trường học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện:

a) Phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo các phòng, ban của huyện và Ủy ban nhân dân xã triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn.

b) Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc một đơn vị khác làm đầu mối phối hợp thực hiện Chương trình.

5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã:

Chỉ đạo các đơn vị, cá nhân liên quan và các hộ gia đình triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn theo hướng dẫn của các cấp, các ngành.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Ở Trung ương:

a) Ban Chủ nhiệm chỉ đạo, điều hành, tổ chức hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình;

b) Giúp việc Ban Chủ nhiệm có Văn phòng thường trực đặt tại Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) và Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) là hai cơ quan đầu mối thuộc Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Văn phòng thường trực;

c) Văn phòng thường trực cùng các cơ quan đầu mối phối hợp giao ban mỗi quý một lần để đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất biện pháp thực hiện kế hoạch trong thời gian tiếp theo, Trung tâm quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Văn phòng đối tác (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tham gia giao ban.

2. Ở địa phương:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Điều hành theo quy định tại Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 để giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn;

b) Giúp việc cho Ban Điều hành có Văn phòng thường trực là một cơ quan thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh hoặc Chi cục Thủy lợi). Sở Y tế cử Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo cử một đơn vị phù hợp làm đầu mối phối hợp với Văn phòng thường trực;

c) Văn phòng thường trực cùng các cơ quan được giao làm đầu mối giao ban mỗi quý một lần.

Điều 13. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2013.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan phản ánh kịp thời về các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo để phối hợp xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Trần Quang Quý

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Thanh Long

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Văn Thắng

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương;
- Thủ tướng, các phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Học viện chính trị Hành chính quốc gia HCM;
- Công báo;
- Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp;
- Các Sở: NN-PTNT, Y tế, GDĐT;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Lưu: VT các Bộ: NN-PTNT, Y tế, GDĐT.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 27/2013/TTLT-BNNPTNT-BYT-BGDĐT hướng dẫn phân công, phối hợp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 27/2013/TTLT-BNNPTNT-BYT-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 31/05/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế
  • Người ký: Trần Quang Quý, Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Thanh Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 333 đến số 334
  • Ngày hiệu lực: 15/07/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 15/02/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản