Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/LB-TT

Hà Nội , ngày 16 tháng 6 năm 1989

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ  TÀI CHÍNH - LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 22/LB-TT NGÀY 16 THÁNG 6 NĂM 1989 SỬA ĐỔI PHƯƠNG THỨC NỘP BHXH DO NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI QUẢN LÝ

Sau một thời gian thực hiện Thông tư số 11/TT-LB ngày 9-6-1986 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 40/HĐBT ngày 16-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng, về phương thức nộp bảo hiểm xã hội còn nhiều điểm không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Sau khi trao đổi với một số Bộ liên quan, Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi phương thức nộp BHXH do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý như sau:

I. NGUYÊN TẮC

1. Việc nộp bảo hiểm xã hội cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội theo mức quy định hiện nay mới chỉ áp dụng một phần kinh phí để trả lương hưu, trợ cấp mất sức, tuất cho công nhân viên chức; do có các cơ quan, xí nghiệp phải có trách nhiệm và nghĩa vụ nộp đầy đủ và đúng kỳ hạn khoản bảo hiểm xã hội cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để đảm bảo chi chế độ cho công nhân, viên chức khi về nghỉ.

2. Theo Quyết định số 40/HĐBT khoản thu Quỹ Bảo hiểm xã hội do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện. Nay theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, từ 01/7/1989 trở đi, việc tổ chức thu Quỹ bảo hiểm xã hội do ngành Lao động - Thương binh và xã hội quản lý sẽ giao cho ngành Tài chính thực hiện theo phương thức sau:

- Đối với khu vực sản xuất kinh doanh và các đơn vị sự nghiệp hạch toán kinh tế độc lập trực tiếp nộp cho cơ quan Tài chính để chuyển vào Quỹ Bảo hiểm xã hội do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

- Đối với khu vực hành chính - sự nghiệp hưởng nguồn kinh phí do cơ quan Tài chính các cấp cấp phát sẽ do cơ quan Tài chính các cấp chuyển thẳng khoản nộp Bảo hiểm xã hội cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, không cấp cho cơ quan hành chính - sự nghiệp để nộp cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội như quy định trước đây.

3. Quỹ tiền lương để trích nộp và Quỹ Bảo hiểm xã hội vẫn theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 40/HĐBT ngày 16/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng, Thông tư số 11/TT-LB ngày 9/6/1988 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính về Thông tư số 01/TT-LB ngày 12/01/1989 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính.

II. PHƯƠNG THỨC TRÍCH NỘP

Quỹ Bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý theo Quyết định số 40/HĐBT là 10% so với tổng quỹ tiền lương của công nhân, viên chức. Theo quy định tại Thông tư số 06/LB-TT ngày 24/3/1989 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì trong số 10% giành 2% để làm nguồn kinh phí trợ cấp khó khăn cho công nhân viên chức, còn lại 8% thuộc Quỹ Bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý được nộp theo phương thức sau đây:

1. Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp hưởng kinh phí do Ngân sách Nhà nước cấp phát:

Hàng quý (ngày đầu các tháng trong quý) cơ quan Tài chính các cấp chuyển thẳng khoản nộp Quỹ Bảo hiểm xã hội vào tài khoản tiền gửi Quỹ Bảo hiểm xã hội của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, cụ thể là:

a. Ở quận, huyện, thị xã, phòng Tài chính chuyển thẳng khoản 8% Quỹ tiền lương công nhân viên chức của cơ quan hành chính - sự nghiệp thuộc đơn vị dự toán cấp mình quản lý vào tài khoản tiền gửi Quỹ Bảo hiểm xã hội của phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (hoặc phòng tổ chức Lao động - Thương binh và Xã hội).

b. Ở tỉnh, thành phố, đặc khu: Sở Tài chính chuyển thẳng khoản 8% Quỹ tiền lương công nhân viên chức thuộc cơ quan hành chính - sự nghiệp thuộc được dự toán cấp mình quản lý vào tài khoản tiền gửi Quỹ Bảo hiểm xã hội của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

c. Bộ Tài chính chuyển thẳng khoản 8% Quỹ tiền lương của cơ quan hành chính - sự nghiệp thuộc đơn vị dự toán cấp mình quản lý vào tài khoản Quỹ Bảo hiểm xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Đối với đơn vị sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp hạch toán kinh tế độc lập.

Từ 01/07/1989 trở đi, cơ quan Tài chính các cấp (tổ chức thu quốc doanh và quản lý, Tài chính xí nghiệp quốc doanh) sẽ thực hiện việc thu khoản Bảo hiểm xã hội theo phương thức sau:

Căn cứ vào chỉ tiêu thu Quỹ Bảo hiểm xã hội đã được cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt; các đơn vị sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp hạch toán kinh tế độc lập đóng trên địa bàn quận, huyện, thị xã, hàng tháng phải nộp tiền Quỹ Bảo hiểm xã hội cùng với kỳ phát lương mỗi tháng cho cơ quan Tài chính cấp quận, huyện, thị xã; sau đó cơ quan Tài chính sẽ chuyển vào Quỹ Bảo hiểm xã hội cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp để trả Bảo hiểm xã hội cho công nhân viên chức theo chế độ hiện hành. Riêng đối với đơn vị sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp hạch toán, kinh tế độc lập thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ sẽ nộp cho Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ; sau đó Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ nộp cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Việc mở tài khoản tiền gửi để theo dõi khoản nộp và Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ do cơ quan Tài chính cấp quận, huyện, thị bàn bạc với cơ quan Ngân hàng.

Trường hợp các đơn vị nói trên nộp thiếu, nộp chậm số tiền vào Quỹ Bảo hiểm xã hội so với thời gian quy định thì phải trả lãi suất về số tiền nộp thiếu, nộp chậm theo mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trong từng thời điểm. Nếu chậm nộp quá 01 tháng (sau khi có lệnh thu của cơ quan Tài chính) thì cơ quan Ngân hàng sẽ trích tài khoản tiền gửi của đơn vị về số tiền nộp chậm để nộp cho cơ quan Tài chính.

3. Vào đầu Quý sau, chậm nhất là ngày 5 tháng đầu quý cơ quan Tài chính cấp quận, huyện, thị xã phải báo cáo bằng điện (hoặc công văn về số tiền thực nộp vào Quỹ Bảo hiểm xã hội của các đơn vị sản xuất kinh doanh... đóng trên địa bàn của mình và số cấp thẳng Quỹ Bảo hiểm xã hội cho cơ quan Thương binh Xã hội cung cấp cho Sở Tài chính, đồng thời thông báo cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp biết.

Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp số thu nộp và số đã cấp thẳng cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội (kể cả sổ cấp thẳng của Sở Tài chính cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để điện báo cho Bộ Tài chính trước ngày 10 của tháng đầu Quý, đồng thời thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội biết.

4. Để khuyến khích cơ quan Tài chính kiểm tra, đôn đốc thu nộp Quỹ bảo hiểm xã hội của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp hạch toán kinh tế độc lập bảo đảm kịp thời, đầy đủ; Liên Bộ tạm thời quy định mức trả lệ phí cho cơ quan Tài chính các cấp bằng 0,5% số thu Quỹ Bảo hiểm xã hội của các đơn vị sản xuất kinh doanh, sự nghiệp hạch toán kinh tế độc lập thực nộp vào tài khoản tiền gửi Quỹ Bảo hiểm xã hội của phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp quận, huyện, thị xã.

Nguồn tính lệ phí và sử dụng khoản lệ phí nói trên sẽ do Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn riêng.

III. CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU HOÀ KINH PHÍ CHI VỀ CHÍNH SÁCH THƯƠNG BINH - XÃ HỘI

1. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp căn cứ vào mục II nói trong Thông tư này để tính toán kế hoạch thu Bảo hiểm xã hội hàng tháng, quý, năm bảo đảm tính đúng, tính đủ, thể hiện rõ 2 khoản:

- Khoản 8% Quỹ tiền lương do cơ quan Tài chính các cấp chuyển thẳng cho các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp.

- Khoản 8% Quỹ tiền lương do đơn vị sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp hạch toán kinh tế độc lập đóng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã nộp vào Quỹ Bảo hiểm xã hội.

- Kế hoạch thu Quỹ Bảo hiểm xã hội phải được Uỷ ban Nhân dân các cấp xét duyệt chính thức để làm căn cứ đôn đốc thu nộp.

2. Căn cứ vào kế hoạch nộp Bảo hiểm xã hội, kế hoạch trợ cấp hàng quý, hàng năm của Ngân sách Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ địa phương thừa cho địa phương thiếu trên phạm vi cả nước.

Trong khi tính số kinh phí điều hoà hàng quý, hàng năm cho các địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ không tính toán các khoản bù giá, các khoản chi bổ sung thêm theo chính sách địa phương.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 01/7/1989. Những nội dung tại Thông tư số 11/TT-LB ngày 9/6/1988 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính không bổ sung, sửa đổi trong Thông tư này vẫn còn hiệu lực thi hành.

2. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn chịu trách nhiệm đôn đốc thu nộp khoản Quỹ Bảo hiểm xã hội của các cơ quan hành chính - sự nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, sự nghiệp hạch toán kinh tế độc lập còn tồn đọng trong năm 1988 và 6 tháng đầu năm 1989; có những biện pháp để đôn đốc nộp kịp thời và dứt điểm khoản quỹ Bảo hiểm xã hội của các cơ quan đơn vị nói trên.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu còn những vướng mắc, đề nghị các ngành, các địa phương phản ánh kịp thời để Liên bộ nghiên cứu giải quyết.

Lý Tài Luận

(Đã ký)

Nguyễn Thị Hằng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 22/LB-TT năm 1989 sửa đổi phương thức nộp BHXH do ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý do Bộ Tài chính - Lao động, Thương binh và xã hội ban hành

  • Số hiệu: 22/LB-TT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 16/06/1989
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính
  • Người ký: Lý Tài Luận, Nguyễn Thị Hằng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản