BỘ THƯƠNG MẠI-TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2001/TTLT-BTM-TCHQ | Hà Nội , ngày 02 tháng 10 năm 2001 |
Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20/02/1990;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo Công văn số 6275/BKH/QLDA ngày 11/10/2000;
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nhập khẩu theo thoả thuận giữa Việt Nam và nước ngoài về chế độ tối huệ quốc;
Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan thống nhất điều chỉnh một số quy định về kiểm tra xuất xứ hàng hoá nhập khẩu được quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2000/TTLT/BTM-TCHQ ngày 17/4/2000 như sau:
1. Điều chỉnh Khoản 1 Mục II về cơ quan có thẩm quyền cấp C/O của Việt Nam:
a) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) do cơ quan hoặc tổ chức được Chính phủ chỉ định cấp.
b) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) đối với hàng hoá sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất do Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất cấp theo uỷ quyền của cơ quan được Chính phủ chỉ định.
2. Huỷ bỏ Khoản 2; Khoản 4 Mục II; Khoản 3 Mục II được sửa đổi như sau:
2. Kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ
Miễn kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ đối với hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với đối tác về xuất xứ hàng hoá theo hợp đồng mua bán giữa hai bên.
3. Bổ sung Điểm f Khoản 2 Mục III về những trường hợp không phải xuất trình C/O nhập khẩu:
f) Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá (không bao gồm máy móc, thiết bị hoặc phương tiện vận chuyển) có xuất xứ từ các nước mà Việt Nam giành chế độ đãi ngộ tối huệ quốc (MFN), có hợp đồng mua bán dài hạn từ 6 tháng trở lên thì chỉ phải xuất trình với cơ quan hải quan giấy chứng nhận xuất xứ cho lần nhập khẩu đầu tiên. Các lô hàng tiếp theo cùng chủng loại thuộc hợp đồng nêu trên, doanh nghiệp không cần xuất trình giấy chứng nhận xuất xứ, nhưng phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về gian lận xuất xứ. Trường hợp Hải quan phát hiện thấy có gian lận về giấy chứng nhận xuất xứ thì toàn bộ lô hàng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Sửa đổi Điểm a Khoản 4 Mục III về thể thức và mẫu C/O:
a) C/O nộp cho cơ quan Hải quan phải là bản chính và có các nội dung cơ bản như sau:
- Tên, địa chỉ người xuất khẩu; nước xuất khẩu.
- Tên, địa chỉ người nhập khẩu; nước nhập khẩu.
- Chủng loại hàng hoá, số lượng hoặc trọng lượng.
- Xuất xứ của hàng hoá.
- Tổ chức cấp C/O (tên, ngày, tháng, năm cấp, dấu)
Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Đặng Văn Tạo (Đã ký) | Mai Văn Dâu (Đã ký) |
Thông tư liên tịch 22/2001/TTLT-BTM-TCHQ bổ sung Thông tư liên tịch 09/2000/TTLT/BTM-TCHQ hướng dẫn việc xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hoá do Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan ban hành
- Số hiệu: 22/2001/TTLT-BTM-TCHQ
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 02/10/2001
- Nơi ban hành: Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan
- Người ký: Đặng Văn Tạo, Mai Văn Dâu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 43
- Ngày hiệu lực: 17/10/2001
- Ngày hết hiệu lực: 04/02/2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực