Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO -
BỘ TÀI CHÍNH
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2016/TTLT-BGDĐT-BTC

Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 2016

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG VÀ MỨC CHI ĐẶC THÙ DỰ ÁN “HỖ TRỢ ĐỔI MỚI GIÁO DỤC PHỔ THÔNG”, VAY VỐN WB

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Thực hiện Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục Dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông”, vay vốn WB;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn nội dung và mức chỉ đặc thù Dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông”, vay vốn WB

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn nội dung và mức chi đặc thù Dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông”, vay vốn WB (sau đây gọi tắt là Dự án) được phê duyệt tại Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý và thực hiện Dự án.

3. Nội dung và mức chi đối với các hoạt động khác của Dự án được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 2. Thông tin về Dự án

1. Tên Dự án: Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông. Tên tiếng Anh: Renovation of General Education Project (RGEP).

2. Cơ quan chủ quản Dự án (đồng thời là chủ Dự án): Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Tên nhà tài trợ: Ngân hàng Thế giới.

4. Thời gian hoạt động của Dự án: Từ năm 2015 đến năm 2020.

5. Các thành phần Dự án:

Dự án gồm 4 thành phần:

a) Thành phần 1: Hỗ trợ phát triển chương trình giáo dục phổ thông (sau đây gọi tắt là chương trình)

Kết quả chủ yếu: Hoàn thành việc lựa chọn và tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia xây dựng, thẩm định chương trình; xây dựng, tổ chức góp ý kiến, phản biện, thẩm định, thực nghiệm và phê duyệt chương trình; biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và tài liệu hướng dẫn nhà xuất bản biên soạn sách giáo khoa theo chương trình (sau đây gọi chung là tài liệu); tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

b) Thành phần 2: Hỗ trợ biên soạn sách giáo khoa theo chương trình

Kết quả chủ yếu: Hoàn thành việc biên soạn một bộ sách giáo khoa (do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện), gồm: Lựa chọn và tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; biên soạn, tổ chức góp ý kiến, phản biện, thực nghiệm và phê duyệt cho phép sử dụng sách giáo khoa; biên soạn một số sách giáo khoa điện tử; biên soạn một số sách giáo khoa song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người) ở cấp tiểu học; cấp phát sách giáo khoa cho thư viện các trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật; thẩm định các sách giáo khoa (gồm một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn và sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân biên soạn).

c) Thành phần 3: Hỗ trợ phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông và khảo thí ngoại ngữ

Kết quả chủ yếu: Hoàn thành việc thành lập và xây dựng nhà làm việc, mua sắm thiết bị văn phòng, sách và tài liệu nghiên cứu Trung tâm phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia và Trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc gia; hỗ trợ nghiên cứu cơ sở khoa học về phát triển chương trình; đào tạo, bồi dưỡng- nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển chương trình; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phát triển chương trình; tập huấn, bồi dưỡng về đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, khảo thí ngoại ngữ; xây dựng, thử nghiệm và đưa vào sử dụng hệ thống đánh giá trên diện rộng; đánh giá diện rộng đối với các lớp 3, 8, 11 trước và sau khi triển khai chương trình mới; tổ chức truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và chương trình, sách giáo khoa mới.

d) Thành phần 4: Quản lý, giám sát, đánh giá Dự án

Kết quả chủ yếu: Dự án được quản lý đúng quy định, đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, hiệu quả và bền vững; thực hiện giám sát, đánh giá Dự án thường xuyên và định kỳ với sự tham gia, phối hợp của các bên liên quan; kiểm toán công khai, minh bạch và kịp thời báo cáo các cơ quan quản lý theo quy định.

6. Tổng vốn của Dự án: 80 triệu đô la Mĩ, trong đó vốn vay ODA của WB là 77 triệu đô la và vốn đối ứng trong nước là 3 triệu đô la (do ngân sách nhà nước cấp qua cơ quan chủ Dự án là Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Điều 3. Nội dung và mức chi đặc thù của Dự án

1. Dạy học thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa:

a) Giáo viên dạy thực nghiệm được thanh toán thù lao theo số tiết dạy thực nghiệm thực tế, đơn giá giờ dạy thực nghiệm:

- Tiểu học: 100.000 đồng/tiết;

- Trung học cơ sở: 120.000 đồng/tiết;

- Trung học phổ thông: 135.000 đồng/tiết.

b) Trường phổ thông có dạy học thực nghiệm được hỗ trợ công tác quản lý dạy học thực nghiệm, bao gồm: Thù lao cho người phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu, quản lý học sinh, tổ chức lấy ý kiến góp ý; các khoản chi hành chính phát sinh (như tiền điện, nước, điện thoại, mạng internet, văn phòng phẩm).

Kinh phí chi hỗ trợ công tác quản lý dạy học thực nghiệm của nhà trường được tính bằng 5% tổng kinh phí thù lao cho giáo viên dạy thực nghiệm tại trường và được thanh toán theo phương thức khoán gọn; Ban quản lý Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông ký hợp đồng và thanh lý hợp đồng với các trường theo số giờ dạy thực nghiệm thực tế.

2. Tổ chức trại xây dựng chương trình, trại biên soạn sách giáo khoa, trại thẩm định chương trình, trại thẩm định sách giáo khoa (sau đây gọi chung là trại):

a) Thời gian trại làm việc tập trung do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định nhưng không quá 5 ngày/một lần tổ chức trại.

b) Chi tổ chức trại: Nội dung chi, mức chi được thực hiện theo quy định về tổ chức hội nghị, hội thảo tại Thông tư số 219/2009/TT-BTC ngày 19 tháng 11 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án/chương trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và Thông tư số 192/2011/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2009/TT-BTC.

c) Chi thù lao cho thành viên các Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa trong thời gian tham gia trại thẩm định:

- Chủ tịch Hội đồng: Tối đa 200.000 đồng/buổi;

- Phó Chủ tịch Hội đồng, ủy viên, thư ký: Tối đa 150.000 đồng/buổi.

3. Đọc thẩm định:

Chi thù lao đọc thẩm định cho các thành viên Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa, Hội đồng thẩm định tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình:

- Đọc thẩm định chương trình: Tối đa 25.000 đồng/tiết/người;

- Đọc thẩm định sách giáo khoa: Tối đa 35.000 đồng/tiết/người;

- Đọc thẩm định tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình: Tối đa 30.000 đồng/tiết/người.

Điều 4. Lập, phân bổ dự toán, quản lý và thanh, quyết toán

Việc lập dự toán, phân bổ và giao dự toán, cấp phát, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước, Thông tư số 218/2013/TT- BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính về quản lý tài chính đối với chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và vay ưu đãi nước ngoài, các quy định của nhà tài trợ, theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2016.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng trong Thông tư liên tịch này được sửa đổi, bổ sung hay thay thế bằng văn bản mới thì sẽ được dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản mới.

Trường hợp có nội dung phát sinh hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ có quy định khác với Thông tư liên tịch này, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân hà

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở GDĐT, Sở Tài chính;
- Công báo, VP BCĐTW về PCTN;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính, Bộ GDĐT;
- Lưu: VT Bộ GDĐT, Bộ Tài chính.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 21/2016/TTLT-BGDĐT-BTC hướng dẫn nội dung và mức chi đặc thù Dự án "Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông", vay vốn Ngân hàng Thế giới do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 21/2016/TTLT-BGDĐT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 22/06/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Xuân Hà, Nguyễn Vinh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1141 đến số 1142
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản