Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO -
BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2016/TTLT-BGDĐT-BQP

Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2016

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ VÀ ĐÀO TẠO NHÂN VIÊN CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT CHO QUÂN ĐỘI

Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch Hướng dẫn thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự và đào tạo nhân viên kỹ thuật cho quân đội.

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư liên tịch này hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (không bao gồm các cơ sở giáo dục do Bộ Quốc phòng quản lý) thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự và đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội.

2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Học sinh, sinh viên, học viên là hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và không tại ngũ được quân đội tuyển chọn đang được đào tạo tại các cơ sở giáo dục; học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục ngoài quân đội; các đơn vị quân đội, Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ban chỉ huy quân sự cấp huyện) có liên quan trong thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự và đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội.

Điều 2. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích:

a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quân sự cho các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch này, trong độ tuổi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Luật Nghĩa vụ quân sự;

b) Hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Thông tư liên tịch này đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Yêu cầu:

a) Các cơ sở giáo dục xây dựng nội dung chuyên đề tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quân sự. Đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quân sự vào chương trình giảng dạy, tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho phù hợp với từng đối tượng;

b) Các cơ sở được giao nhiệm vụ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xây dựng chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Quốc phòng về kiến thức chuyên ngành, nghề cho nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng.

Điều 3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quân sự

1. Nội dung:

a) Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 19 tháng 6 năm 2015;

b) Các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi Tiết, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự.

2. Hình thức:

Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức giáo dục lồng ghép trong hoạt động văn hóa, tủ sách pháp luật; tổ chức nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm, diễn đàn để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quân sự.

3. Thời gian:

Chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quân sự trong các cơ sở giáo dục được thực hiện trong năm học.

Điều 4. Đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội

1. Điều kiện để các cơ sở giáo dục tổ chức đào tạo:

a) Có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ cho cơ sở tổ chức đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội;

b) Được cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu đào tạo, có chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với ngành, nghề và khả năng tiếp nhận đào tạo.

2. Đối tượng đào tạo:

a) Hạ sĩ quan, binh sĩ đã qua thời gian huấn luyện chiến sĩ mới hoặc các đối tượng thuộc quân đội quản lý đã được lựa chọn đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, phẩm chất đạo đức, có nhu cầu tuyển chọn chuyển sang phục vụ theo chế độ quân nhân chuyên nghiệp hoặc công nhân, viên chức quốc phòng theo quy định của pháp luật;

b) Học sinh, sinh viên, học viên có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, sức khỏe đã được tuyển chọn.

3. Trình độ đào tạo:

Đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội có các trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng.

4. Thời gian đào tạo:

Thời gian đào tạo cho các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng được quy định tại Điều 32 của Luật Giáo dục năm 2005, Điều 33 của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; theo quy định tại Quyết định của Chính phủ và Kế hoạch của Bộ Quốc phòng.

5. Nội dung, chương trình đào tạo:

a) Đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn ngành, nghề hiện đang được cơ sở giáo dục triển khai đào tạo theo quy định;

b) Chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng được thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với trình độ sơ cấp).

Chương trình đào tạo có thể được thay đổi về nội dung, thời gian đào tạo cho phù hợp với từng ngành, nghề, chuyên ngành và yêu cầu của quân đội với từng đối tượng.

Điều 5. Chế độ quy định

Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và học sinh, sinh viên, học viên được tuyển chọn đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật tại các cơ sở giáo dục:

a) Được hưởng chế độ, chính sách đối với quân nhân tại ngũ và học sinh, sinh viên, học viên theo quy định;

b) Chấp hành quy định của cơ sở giáo dục và quy định theo Điều lệnh quản lý bộ đội của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo được sắp xếp công tác theo ngành, nghề, chuyên ngành đào tạo và chấp hành sự phân công Điều động của Bộ Quốc phòng.

Điều 6. Kinh phí

1. Kinh phí tuyên truyền pháp luật về nghĩa vụ quân sự sử dụng từ ngân sách hằng năm, trích từ quỹ hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của cơ sở giáo dục theo quy định.

2. Kinh phí đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật thực hiện theo Quyết định giao nhiệm vụ đào tạo của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quân sự hằng năm, tổ chức đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Bộ Quốc phòng; phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này theo đúng quy định.

2. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn các đơn vị quân đội, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ sở giáo dục tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quân sự hằng năm; xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong các cơ sở giáo dục và dự toán kinh phí bảo đảm, báo cáo theo quy định.

Các quân khu, quân chủng, binh chủng và Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi chỉ đạo, hướng dẫn Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức thực hiện các quy định tại Thông tư liên tịch này.

3. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Thông tư liên tịch này chịu trách nhiệm xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quân sự; xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch tổ chức đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong cơ sở giáo dục theo nội dung, thời gian, yêu cầu quy định tại Thông tư liên tịch này.

4. Các đơn vị quân đội được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện phối hợp với các cơ sở giáo dục có trụ sở trên địa bàn xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch; tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quân sự và đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 8. Điều Khoản thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2016.

2. Trong quá trình thực hiện các quy định tại Thông tư liên tịch này, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để phối hợp với Bộ Quốc phòng xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG




Trung tướng Phan Văn Giang

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Bùi Văn Ga


Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ và cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban VHGDTTN&NĐ của Quốc hội;
- Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ QP: BCHQS các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các đại học, học viện, trường ĐH, CĐ, TC;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL/Bộ Tư pháp;
- Công báo Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo, cổng TTĐT Bộ Quốc phòng;
- Lưu VT: Bộ QP, Bộ GDĐT.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 20/2016/TTLT-BGDĐT-BQP hướng dẫn thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự và đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 20/2016/TTLT-BGDĐT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 22/06/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Bùi Văn Ga, Phan Văn Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 903 đến số 904
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản