Hệ thống pháp luật

BỘ LƯƠNG THỰC-BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-BTS-LT/TTLT

Hà Nội , ngày 27 tháng 3 năm 1984

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ THUỶ SẢN - LƯƠNG THỰC SỐ 02-BTS-LT/TTLT NGÀY 27-3-1984 QUY ĐỊNH VIỆC CUNG ỨNG LƯƠNG THỰC CHO NGƯ DÂN THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 187-HĐBT CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ HAI CHIỀU

Trong năm qua, việc cung ứng lương thực cho khu vực nghề cá nhân dân (tập thể, cá thể) theo Thông tư liên bộ Thuỷ sản - Lương thực số 1- TS-LT/TT ngày 15 tháng 6 năm 1982, bước đầu có chuyển biến tốt, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Tuy nhiên có nơi, có lúc việc cung ứng lương thực chưa kịp thời, chưa đáp ứng tốt cho công tác thu mua thuỷ sản, hoặc lương thực bán ra nhiều nhưng thuỷ sản mua được không tương ứng.

Để cải tiến một bước việc quản lý quỹ lương thực nghề cá theo Nghị quyết số 187-HĐBT ngày 22 tháng 11 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng về đẩy mạnh thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều, liên Bộ quy định việc cung ứng lương thực cho ngư dân như sau:

A. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Nhà nước cung ứng lương thực cho ngư dân có quan hệ kinh tế với Nhà nước thông qua việc thực hiện hợp đồng kinh tế hai chiều và chỉ cung ứng cho những nơi làm nghề cá không sản xuất lương thực hoặc thiếu lương thực.

2. Nhà nước cung ứng lương thực với giá chỉ đạo mới, theo đầu tấn sản phẩm bán cho Nhà nước (với giá chỉ đạo) căn cứ vào định mức cung ứng lương thực đối lưu thu mua thuỷ sản do Bộ Thuỷ sản quy định (sau khi đã trao đổi thống nhất với Bộ Lương thực). Đối với phần sản phẩm thu mua theo các phương thức khác, Nhà nước không dùng lương thực để đối lưu mà tuỳ khả năng, có thể bán lương thực theo giá kinh doanh thương nghiệp, mức cung ứng tối đa không vượt quá nhu cầu tiêu dùng của bản thân người lao động và gia đình họ.

3. Hàng năm, Bộ Thuỷ sản chịu trách nhiệm lập kế hoạch quỹ lương thực cho nghề cá gửi Bộ Lương thực trình Hội đồng Bộ trưởng duyệt. Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch lương thực do Bộ Lương thực thông báo, Bộ Thuỷ sản quản lý kế hoạch lương thực này và phân phối cho các tỉnh. ở địa phương, Sở Thuỷ sản cùng Sở Lương thực chịu trách nhiệm quản lý quỹ lương thực và cấp phiếu phân phối lương thực cho các đơn vị sản xuất (tập thể và cá thể). Ngành lương thực có trách nhiệm cung ứng cho đơn vị sản xuất theo kế hoạch và phiếu phân phối của ngành thuỷ sản. Hàng quý, năm ngành thuỷ sản các tỉnh quyết toán với ngành lương thực về số sản phẩm đã mua (theo giá chỉ đạo), và số lương thực đã cung ứng. Cuối năm, nếu đơn vị sản xuất đã mua quá lương thực so với số sản phẩm bán cho Nhà nước theo định mức đối lưu thì phải thanh toán theo giá kinh doanh thương nghiệp.

B. QUẢN LÝ VÀ CUNG ỨNG LƯƠNG THỰC CHO NGHỀ CÁ

I. NHỮNG CĂN CỨ ĐỂ XÁC ĐỊNH NHU CẦU LƯƠNG THỰC CHO ĐƠN VỊ SẢN XUẤT.

1. Lao động trực tiếp đánh cá trên cơ sở định biên của đơn vị thuyền nghề ban hành tại Công văn số 557-HS/LĐTL ngày 2-3-1979 của Bộ Thuỷ sản để ấn định tổng số lao động cần thiết. Tiêu chuẩn 21 kg/tháng.

2. Lao động gián tiếp bao gồm chủ nhiệm, kế toán... chiếm không quá 7% tổng số lao động trực tiếp đánh cá. Tiêu chuẩn 13 kg/tháng.

3. Lao động phục vụ gồm những người sửa chữa tầu thuyền cung ứng vật tư, cô dậy mẫu giáo, giữ trẻ... phục vụ trong nội bộ hợp tác xã chiếm không quá 10% tổng số lao động trực tiếp đánh cá. Tiêu chuẩn lương thực của những người này áp dụng như tiêu chuẩn lương thực của công nhân quốc doanh cùng nghề.

4. Người ăn theo của lao động trên bao gồm những người chưa đến tuổi lao động còn đi học phổ thông, những người già yếu không còn khả năng lao động. Số người ăn theo căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương nhưng tối đa không quá 2 ăn theo trên 1 lao động. Tiêu chuẩn bình quân 10 kg/tháng.

Như vậy tổng số lương thực của 4 đối tượng trên (1 2 3 4) là nhu cầu lương thực chung cho cả đơn vị sản xuất.

II. PHƯƠNG THỨC CUNG ỨNG LƯƠNG THỰC

1. Căn cứ vào kế hoạch thu mua thuỷ sản của từng đơn vị và định mức cung ứng lương thực, cơ quan thu mua thuỷ sản địa phương tiến hành ký hợp đồng kinh tế hai chiều với từng đơn vị sản xuất. Trong đó xác định rõ số lượng, chủng loại thuỷ sản bán cho Nhà nước và số lương thực được Nhà nước cung ứng. Tổng số lương thực được cung ứng không quá nhu cầu đã xác định.

2. Ngư dân cá thể bán thuỷ sản cho Nhà nước theo giá chỉ đạo cũng được đối lưu lương thực theo định mức như hợp tác xã ở địa phương.

3. Các tỉnh có thu mua sản phẩm chế biến, phải quy đổi ra thuỷ sản tươi theo quy định hiện hành của Bộ Thuỷ sản và cùng được đối lưu theo định mức

4. Trong những tháng trái vụ, theo đề nghị của ngành thuỷ sản, ngành lương thực sẽ bán tạm ứng trước. Đến mùa vụ đánh bắt, ngư dân phải bán thuỷ sản cho Nhà nước để thanh toán phần tạm ứng. Hết năm nếu đơn vị sản xuất còn nợ lại lương thực phải thanh toán với ngành lương thực theo giá kinh doanh thương nghiệp.

5. Những đơn vị nuôi, hoặc đánh bắt thuỷ sản nước ngọt, bán sản phẩm cho Nhà nước theo hợp đồng kinh tế hai chiều (với giá chỉ đạo) thì được cung ứng lương thực theo định mức do Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định. Số lương thực này nằm trong chỉ tiêu mà Bộ Thuỷ sản và Bộ Lương thực đã phân bổ.

6. Khi mua lương thực, đơn vị sản xuất phải có phiếu phân phối lương thực của ngành thuỷ sản do Công ty Thuỷ sản (hoặc Trạm thuỷ sản được uỷ quyền) cấp, ghi rõ số lượng, chủng loại thuỷ sản thu mua được thể hiện bằng giá trị theo giá chỉ đạo và số lương thực được cung ứng (mẫu hướng dẫn kèm theo).

7. Cung ứng lương thực cho các đối tượng khác:

a) Đối với thương binh gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng, hợp tác xã phải tạo điều kiện thuận lợi để họ có việc làm và được phân phối lương thực. Nếu sản xuất khó khăn không đủ sản phẩm bán cho Nhà nước, vì thế lương thực cũng không đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản, sẽ được Nhà nước bán thêm theo chính sách chung.

b) Những hợp tác xã, tổ sản xuất chuyên làm các nghề: vận tải, đóng sửa tầu thuyền, chế biến thuỷ sản, gia công cho Nhà nước... sẽ được cung ứng lương thực theo quy định hiện hành riêng cho nghề đó.

8. Những đơn vị sản xuất gặp thiên tai, nên không thực hiện được hợp đồng bán thuỷ sản thì Phòng, Sở Thuỷ sản trình Uỷ ban nhân dân xét giải quyết bằng quỹ cứu tế địa phương.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong ngư dân, và chỉ đạo các ngành liên quan (Uỷ ban kế hoạch, tài chính, ngân hàng...) phối hợp đồng bộ với ngành Thuỷ sản và Lương thực để triển khai thực hiện tốt Thông tư này.

2. Sở Thuỷ sản, Sở Lương thực các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cần chuẩn bị đầy đủ lương thực, có kế hoạch thống nhất để thực hiện.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Mọi quy định trước đây trái với văn bản này đều bãi bỏ.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu gặp khó khăn, cần báo cáo về hai Bộ để giải quyết.

Đặng Văn Lân

(Đã ký)

Võ Văn Trác

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 2-LBTT/TS/LT năm 1984 về việc cung ứng lương thực cho ngư dân theo Nghị quyết 187-HĐBT về đẩy mạnh thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều do Bộ Thủy sản- Lương Thực ban hành

  • Số hiệu: 2-LBTT/TS/LT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 27/03/1984
  • Nơi ban hành: Bộ Lương thực, Bộ Thuỷ sản
  • Người ký: Đặng Văn Lân, Võ Văn Trác
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 27/03/1984
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản