Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-UỶ BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EM VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-LB/TT

Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 1994

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH VÀ UỶ BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EMVIỆT NAM SỐ 16-LB/TT NGÀY 5 THÁNG 3 NĂM 1994 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, CẤP PHÁT KINH PHÍ CHO CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG SUY DINH DƯỠNG Ở TRẺ EM VÀ CHĂM SÓCTRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

Thi hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam chủ trì hai chương trình quốc gia: Phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em và Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (Thông báo số 122/TB ngày 26-4-1993 của Văn phòng Chính phủ); Liên Bộ Tài chính - Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam hướng dẫn quản lý, cấp phát kinh phí đối với hai chương trình nói trên như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Hàng năm, ngân sách Nhà nước sẽ bố trí một khoản kinh phí để thực hiện hai chương trình quốc gia: Phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em và Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

2. Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam chủ trì cùng Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện chương trình "Phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em" và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chương trình "Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn".

3. Việc quản lý chi tiêu cho hai chương trình trên thực hiện đúng các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của Nhà nước.

4. Cơ quan Tài chính các cấp phải phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em đồng cấp để kiểm tra chặt chẽ các khoản kinh phí chi cho hai chương trình nói trên.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Kinh phí của hai chương trình quốc gia Phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em và Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chỉ hỗ trợ cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương theo các nội dung sau đây:

- Chi cho các bà mẹ mang thai không tăng cân.

- Chi tiền thuốc, tiền ăn cho trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng và vừa mà gia đình nghèo không nuôi được.

- Chi nuôi các cháu mồ côi không nơi nương tựa tại gia đình và cộng đồng.

- Chi tiền ăn, tiền công chăm sóc, tiền sách, bút và mua sắm phương tiện, sửa chữa cơ sở vật chất để tổ chức nhà "tình thương" cho trẻ em lang thang.

- Chi khám bệnh, chữa bệnh, học nghề cho trẻ em bị lợi dụng tình dục, hỗ trợ tạo việc làm cho trẻ em phạm pháp luật sau cải tạo.

- Chi tiền thuốc, tiền ăn, phục hồi chức năng cho trẻ em bị khuyết tật mà gia đình gặp khó khăn không có điều kiện chạy chữa.

- Chi giám sát, đánh giá, tổng kết, tuyên truyền, vận động, huấn luyện để thực hiện hai chương trình nói trên.

2. Kinh phí thuộc ngân sách các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương và các nguồn kinh phí khác như quyên góp, ủng hộ của tập thể, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện cho hai chương trình trên cũng chi theo các nội dung ở điểm 1 mục II nói trên và chi cho bộ máy quản lý ở các địa phương.

3. Hàng năm, căn cứ vào các thông tư hướng dẫn lập kế hoạch thu, chi ngân sách của Bộ Tài chính, hướng dẫn kế hoạch kinh tế - xã hội của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, hướng dẫn lập kế hoạch của Liên Bộ Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam và Bộ Y tế về "Chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em", hướng dẫn của Liên Bộ Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam - Lao động - Thương binh và Xã hội về chương trình "Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn", các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh thành phố thuộc Trung ương lập kế hoạch chi gửi cho Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam xét duyệt, tổng hợp gửi Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xem xét cân đối, tổng hợp trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt. Căn cứ vào kế hoạch chi cho hai chương trình quốc gia nói trên được Chính phủ thông báo chính thức hàng năm, Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế tiến hành phân bổ kinh phí của hai chương trình quốc gia nói trên cho các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương theo tiêu chuẩn, định mức chi tiêu và thống nhất với Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để trình Chính phủ thông báo chính thức cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện.

4. Căn cứ vào kế hoạch chi cho hai chương trình quốc gia nói trên đã được thông báo chính thức, việc cấp phát kinh phí được thực hiện như sau:

a) Đối với các địa phương, Bộ Tài chính cấp phát kinh phí qua Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố theo quy định tại Thông tư số 80/TC/NSNN ngày 24-9-1993 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn cấp phát và quản lý khoản kinh phí uỷ quyền của ngân sách Nhà nước chuyển về địa phương". Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương căn cứ vào dự toán chi tiêu cụ thể được duyệt và nhiệm vụ, mục tiêu chương trình đã thông báo để cấp phát kinh phí cho Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em các địa phương, các cơ quan, ngành ở địa phương theo tiến độ thực hiện và dự toán được duyệt.

b) Bộ Tài chính thực hiện cấp phát kinh phí trực tiếp cho các Bộ, cơ quan Trung ương theo kế hoạch kinh phí được phân bổ theo tiến độ thực hiện và dự toán được duyệt.

5. Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành ở Trung ương có trách nhiệm quyết toán đầy đủ, kịp thời khoản kinh phí được sử dụng phục vụ 2 chương trình theo đúng chế độ báo cáo quyết toán hiện hành gửi Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, cụ thể như sau:

a) Các Bộ, cơ quan Trung ương được phân bổ kinh phí cho hai chương trình có trách nhiệm lập và gửi quyết toán chi tiêu theo quy định hiện hành gửi Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam thẩm tra, xét duyệt quyết toán để tổng hợp gửi Bộ Tài chính.

b) Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em các cấp có trách nhiệm lập và gửi quyết toán chi tiêu cho hai chương trình nói trên theo quy định hiện hành gửi Sở Tài chính - Vật giá xét duyệt theo quy định tại Thông tư số 80/TC/NSNN ngày 24-9-1993 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn cấp phát và quản lý khoản kinh phí uỷ quyền của ngân sách Nhà nước chuyển về địa phương" trước khi gửi cho Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam để thẩm tra tổng hợp gửi Bộ Tài chính.

6. Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành kiểm tra xét duyệt quyết toán chi cho hai chương trình nói trên nhằm chấn chỉnh kịp thời việc sử dụng kinh phí sai mục đích, không có hiệu quả thiết thực.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1994. Trong quá trình thực hiện nếu có gì khó khăn vướng mắc đề nghị phản ánh về Liên bộ Bộ Tài chính, Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em để xem xét sửa đổi cho phù hợp.

Phùng Ngọc Hùng

(Đã ký)

Tào Hữu Phùng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 16-LB/TT năm 1994 hướng dẫn quản lý, cấp phát kinh phí cho chương trình quốc gia phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do Bộ Tài chính- Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 16-LB/TT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 05/03/1994
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam
  • Người ký: Phùng Ngọc Hùng, Tào Hữu Phùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản