BỘ Y TẾ-TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14-TTLB/BĐ/YT | Hà Nội , ngày 27 tháng 7 năm 1981 |
Thi hành nghị định số 91-CP ngày 2/5/1973 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ gửi, nhận, chuyển, phát bưu phẩm, bưu kiện và nghị định số 248-TTg ngày 19/5/1958 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức kiểm dịch tại các hải cảng, sân bay, cửa khẩu quan trọng khác dọc theo biên giới nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Tổng cục Bưu điện và Bộ Y tế quy định trách nhiệm giữa hai ngành trong việc kiểm dịch và xử lý vệ sinh các bưu phẩm, bưu kiện như sau.
Để đề phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (dịch tả, dịch hạch...) lây lan giữa các vùng trong nước cũng như giữa nước ngoài và nước ta qua đường bưu chính, ngành y tế và ngành bưu điện có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm dịch, xử lý các bưu phẩm, bưu kiện bị ô nhiễm hoặc nghi bị ô nhiễm, đồng thời bảo đảm cho bưu phẩm, bưu kiện được chuyển phát nhanh chóng, an toàn đến người nhận.
Tại các vùng đang có bệnh dịch nguy hiểm (dịch tả, dịch hạch...) bưu điện không nhận chuyển những bưu phẩm, bưu kiện có các loại hàng sau đây, nếu không có giấy chứng nhận đã kiểm dịch và xử lý vệ sinh của cơ quan y tế.
1. Thực phẩm mà nguồn gốc là thuỷ sản (cá, tôm, sò, ốc, các loại mắm...), trừ những loại do các xí nghiệp sản xuất, có mang nhãn hiệu và được đóng trong hộp bằng kim loại hàn kín.
2. Quần áo, chăm màn, các loại đồ dùng khác bằng vải, các loại đồ dùng cá nhân bằng da, lông, hoặc giả da đã dùng.
3. Các đồ vật khác bị ô nhiễm hoặc nghi bị ô nhiễm, do ngành y tế quy định từng thời gian ở từng vùng có dịch.
1. Đối với bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu:
Ngành y tế có trách nhiệm kiểm dịch và khi cần thiết thì xử lý vệ sinh các bưu phẩm, bưu kiện có các loại hàng sau đây, trước khi bưu điện phát đến người nhận
a. Thực phẩm mà nguồn gốc là thuỷ sản, từ nước đang có dịch tả nhập vào nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ những loại do các xí nghiệp sản xuất, có mang nhãn hiệu và được đóng trong hộp bằng kim loại hàn kín.
b. Những đồ vật khác mà cơ quan y tế cho là bị nhiễm hoặc nghi bị nhiễm mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng...), hoặc véc-tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, bọ chét, chấy, rận, rệp, ve, mò...).
2. Đối với bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu:
Bưu điện không nhận chuyển những bưu phẩm, bưu kiện có các loại hàng như đã nêu ở các điểm 1,2,3, mục A trên đây.
C. QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA BƯU ĐIỆN VÀ Y TẾ:
1. Ngành y tế có nhiệm vụ thông báo kịp thời cho ngành bưu điện biết những vùng ở trong nước và ở ngoài nước có bệnh dịch nguy hiểm.
2. Ngành bưu điện, mỗi khi nhận được thông báo của ngành y tế, phải kịp thời chỉ đạo các cơ sở bưu điện nơi có dịch hoặc bưu cục ngoại dịch, phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức thực hiện việc kiểm dịch hoặc xử lý vệ sinh.
3. Tại các bưu cục ngoại dịch có trao đổi chuyến thư với nước ngoài, ngành bưu điện cần bố trí nơi làm việc thuận tiện, để ngành y tế đặt các thiết bị cần thiết dùng để xử lý vệ sinh các bưu phẩm, bưu kiện xuất, nhập khẩu phải kiểm dịch.
Việc trang bị các phương tiện và thiết bị kiểm dịch, xử lý vệ sinh bưu phẩm, bưu kiện, do ngành y tế chịu trách nhiệm.
4. Trong trường hợp cơ quan y tế chưa đủ điều kiện xử lý vệ sinh bưu phẩm, bưu kiện, tại bưu cục ngoại dịch, cán bộ bưu điện làm thủ tục giao cho cán bộ y tế để xử lý ở nơi khác.
Thời hạn ngành y tế giữ để xử lý một bưu phẩm hoặc bưu kiện không quá 48 giờ (hoặc không quá 96 giờ đối với các trường hợp cần xác định vi sinh vật học) kể từ khi cán bộ y tế ký nhận với bưu điện.
Khi giao cũng như khi nhận, hai bên đều phải ghi vào sổ số lượng, khối lượng các loại hàng trong từng bưu phẩm hoặc bưu kiện. Khi hoàn trả, nếu số lượng, khối lượng các loại hàng bị thiếu hụt so với lúc giao, thì cơ quan y tế nhận xử lý bưu phẩm hoặc bưu kiện đó phải chịu trách nhiệm vật chất đối với số hàng bị thiếu hụt. Trường hợp phải lấy mẫu để kiểm tra xét nghiệm, cơ quan kiểm dịch hoặc vệ sinh phòng dịch địa phương lấy đúng khối lượng hoặc số lượng quy định và có giấy biên nhận đính kèm theo bưu phẩm hoặc bưu điện đó.
5. Nếu những bưu phẩm, bưu kiện không đủ điểu kiện vệ sinh để phát đến người nhận, thì cán bộ y tế và bưu điện phối hợp xử lý những phần bị ô nhiễm, có cán bộ hải quan chứng kiến. Trong trường hợp này, phải lập biên bản thành ba bản để gửi đến người nhận một bản, bưu điện và y tế mỗi ngành giữ một bản.
6. Mọi phí tổn về xử lý vệ sinh bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu do người nhận đài thọ. Đối với bưu phẩm, bưu kiện gửi trong nước hoặc gửi ra nước ngoài phí tổn trên được thu ở người gửi. Khoản phí tổn này do Bộ Y tế quy định. Nếu người nhận ở xa bưu cục ngoại dịch, phí tổn trên do bưu cục phát thu và chuyển trả bằng thư chuyển tiền có cước đến cơ quan y tế kiểm dịch.
7. Cán bộ hai ngành khi tiếp xúc với nhân dân phải thực hiện đúng các quy định về chế độ phục vụ nhân dân. Cán bộ y tế cũng như cán bộ bưu điện trong khi làm nhiệm vụ tại các bưu cục cần chấp hành tốt nội quy nơi làm việc.
Trong quá trình làm việc nếu có ý kiến khác nhau thì hai bên kịp thời báo cáo lên cấp trên trực tiếp của minh để xin ý kiến giải quyết.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế thông tư liên bộ Y tế - Bưu điện số 7-LB/BĐ/YT ngày 28 tháng 3 năm 1962 về kiểm dịch bưu phẩm, bưu kiện và thông tư số 8-LB/BĐ/YT ngày 7/4/1964 bổ sung thông tư 7 nói trên.
Hoàng Đình Cầu (Đã ký) | Trương Văn Thoan (Đã ký) |
Thông tư liên tịch 14-TTLB/BĐ/YT năm 1981 quy định trách nhiệm giữa hai ngành trong việc kiểm dịch và xử lý vệ sinh các bưu phẩm, bưu kiện do Tổng cục Bưu điện - Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 14-TTLB/BĐ/YT
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 27/07/1981
- Nơi ban hành: Bộ Y tế, Tổng cục Bưu điện
- Người ký: Hoàng Đình Cầu, Trương Văn Thoan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 15
- Ngày hiệu lực: 27/07/1981
- Ngày hết hiệu lực: 13/08/2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực