Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 13/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 2010

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỦ TỤC THỰC HIỆN MỘT SỐ CÔNG VIỆC CỦA THỪA PHÁT LẠI THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội Khóa XII về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự;
Căn cứ Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh;
Liên ngành Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn thủ tục thực hiện một số công việc của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh như sau:

Chương 1.

TỐNG ĐẠT VĂN BẢN CỦA TÒA ÁN VÀ CỦA CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ 

Điều 1. Các loại văn bản Thừa phát lại được tống đạt

Trên cơ sở thỏa thuận với Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự, Thừa phát lại được quyền tống đạt các văn bản, bao gồm:

1. Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời; quyết định đưa vụ án ra xét xử; bản án, quyết định trong trường hợp Tòa án xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án nhân dân các cấp tại thành phố Hồ Chí Minh (trừ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh).

2. Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập của Cục Thi hành án dân sự và của các Chi cục Thi hành án dân sự tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Ký hợp đồng dịch vụ tống đạt, giao nhận văn bản tống đạt

1. Văn phòng Thừa phát lại ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với Tòa án nhân dân và Cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ và quy định của pháp luật dân sự.

Hợp đồng dịch vụ tống đạt được lập theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành tại Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30 tháng 9 năm 2009 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.

2. Việc giao nhận các văn bản tống đạt được thực hiện hàng ngày và được ghi vào Sổ giao nhận theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án có thể thỏa thuận với Thừa phát lại thực hiện ngay việc tống đạt kể cả ngày nghỉ hoặc ngoài giờ hành chính.

Điều 3. Kết thúc tống đạt

Việc tống đạt được coi là hoàn thành khi Thừa phát lại đã được thực hiện xong các thủ tục theo quy định của pháp luật, bao gồm cả việc thực hiện niêm yết công khai trong trường hợp không thể tống đạt trực tiếp mà theo quy định của pháp luật tố tụng và thi hành án dân sự phải niêm yết công khai, trừ trường hợp hợp đồng dịch vụ giữa văn phòng Thừa phát lại và Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự có thỏa thuận khác.

Chương 2.

LẬP VI BẰNG

Điều 4. Xem xét, đánh giá giá trị pháp lý của vi bằng

Vi bằng do Thừa phát lại lập có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu xét thấy cần thiết, Tòa án có thể triệu tập Thừa phát lại để làm rõ tính xác thực của vi bằng.

Điều 5. Sửa chữa lỗi kỹ thuật vi bằng

Trong trường hợp có sai sót về kỹ thuật trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn vi bằng mà việc sửa chữa không làm ảnh hưởng đến tính xác thực của vi bằng thì Thừa phát lại được sửa lỗi đó. Nếu vi bằng đã được giao cho người yêu cầu và đăng ký tại Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh thì Thừa phát lại phải thông báo bằng văn bản việc sửa chữa lỗi kỹ thuật cho người yêu cầu và Sở Tư pháp biết.

Vi bằng có từ hai trang trở lên thì từng trang phải được đánh số thứ tự và đóng dấu giáp lai.

Chương 3.

KIỂM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI

Điều 6. Phạm vi, thẩm quyền kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại  

1. Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tống đạt các văn bản về thi hành và trong hoạt động thi hành án của Thừa phát lại theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và pháp luật về thi hành án dân sự.

2. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tống đạt các văn bản của Tòa án được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và pháp luật về tố tụng.

Điều 7. Kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân đối với hoạt động của Thừa phát lại

1. Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại có quyền kháng nghị quyết định, hành vi pháp luật của Trưởng văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện hành vi vi phạm. Trưởng văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm trả lời kháng nghị trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị. Nếu chấp nhận kháng nghị, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản trả lời kháng nghị, Trưởng văn phòng Thừa phát lại phải thực hiện nội dung kháng nghị. Nếu không đồng ý với kháng nghị, Trưởng văn phòng Thừa phát lại có quyền kiến nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh xem xét. Cục trưởng Cục thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị; văn bản trả lời của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực thi hành.

Trường hợp xét thấy văn bản trả lời kháng nghị không có căn cứ thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh.

2. Việc kiến nghị và yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân đối với hoạt động của Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và pháp luật thi hành án dân sự.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 30 tháng 8 năm 2010.

2. Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các Cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Văn phòng Thừa phát lại kịp thời báo cáo Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để có biện pháp giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đức Chính

KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN




Từ Văn Nhũ

 

KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG




Hoàng Nghĩa Mai

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 13/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Tư pháp - Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 13/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 07/07/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Nguyễn Đức Chính, Hoàng Nghĩa Mai, Từ Văn Nhũ
  • Ngày công báo: 01/08/2010
  • Số công báo: Từ số 439 đến số 440
  • Ngày hiệu lực: 30/08/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 20/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản