Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TƯ PHÁP-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC-TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2000/TTLT-NHNN-BTP-BTC-TCĐC

Hà Nội , ngày 22 tháng 11 năm 2000

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC - BỘ TƯ PHÁP - BỘ TÀI CHÍNH - TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH SỐ 12/2000/TTLT-NHNN-BTP-BTC-TCĐC NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ BẢO ĐẢM TIỀN VAY CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG THEO QUI ĐỊNH TẠI NGHỊ QUYẾT SỐ 11/2000/NQ-CP NGÀY 31/7/2000

Thực hiện Nghị quyết số 11/2000/NQ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ về một số giải pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong 6 tháng cuối năm 2000;

Để tạo điều kiện cho khách hàng vay là doanh nghiệp thực hiện bảo đảm tiền vay đối với tổ chức tín dụng phù hợp với thực tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tổng cục Địa chính hướng dẫn việc bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng quy định tại điểm b, c khoản 6 mục III Nghị quyết số 11/2000/NQ-CP ngày 31/7/2000 như sau:

1. Việc tổ chức tín dụng giữ giấy tờ về tài sản thế chấp của doanh nghiệp

1.1. Việc giữ giấy tờ về quyền sử dụng đất

a. Đối với doanh nghiệp nhà nước giao đất, cho thuê đất có đủ điều kiện thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng để vay vốn theo quy định của pháp luật đất đai nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì doanh nghiệp vẫn được thế chấp quyền sử dụng đất của mình, nếu có một trong các loại giấy tờ sau đây:

- Quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng với chứng từ nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

- Quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng với hợp đồng cho thuê đất và chứng từ nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.

b. Đối với doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có đủ điều kiện thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng để vay vốn theo quy định của pháp luật đất đai nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì trình tự, thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại mục 2, mục 3, chương VI của Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999, Chương II Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 của Chính phủ và các văn bản của Tổng cục Địa chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện các nghị định này. Riêng hồ sơ thế chấp quyền sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 17/1999/NĐ-CP thì thay "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" bằng các giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1.1 mục 1 của Thông tư này. Khi thực hiện việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất ghi rõ đây là trường hợp thế chấp nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Sau khi đã hoàn thành thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất, thì doanh nghiệp phải gửi hồ sơ cho Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất nơi có đất để làm thụ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, hồ sơ gồm các giấy tờ sau đây:

- Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,

- Trích lục bản đồ thửa đất,

- Bản sao (không phải công chứng) các giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1.1 Mục 1 của Thông tư này.

Khi Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền đã ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, thì Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và gửi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tín dụng (bên nhận thế chấp) để bổ sung vào hồ sơ tín dụng.

1.2. Đối với việc đăng ký thế chấp và xoá đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất thực hiện theo quy định tại mục 2, mục 3 Chương VI Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999 của Chính phủ và mục VI Thông tư số 1417/1999/TT-TCĐC ngày 18/9/1999 của Tổng cục Địa chính, chưa thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, bất động sản gắn liền với đất theo Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm cho đến khi các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục, lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm.

1.3. Đối với máy móc, thiết bị gắn liền với nhà xưởng, công trình xây dựng, các tài sản khác gắn liền với nhà đất mà các tài sản này pháp luật chưa có quy định phải đăng ký quyền sở hữu, thì khi thế chấp, doanh nghiệp phải có các giấy tờ chứng minh tài sản đó thuộc quyền sở hữu hợp pháp hoặc thuộc quyền quản lý, sử dụng đối với doanh nghiệp nhà nước và giao bản chính giấy tờ đó cho tổ chức tín dụng giữ.

Các loại giấy tờ chứng minh tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp hoặc thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp nhà nước như: hợp đồng mua bán, tặng, cho tài sản; hoá đơn mua, bán theo quy định của Bộ Tài chính; chứng từ nộp tiền mua hàng; văn bản bàn giao tài sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với doanh nghiệp nhà nước, biên bản nghiệm thu công trình; các giấy tờ khác phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Việc tổ chức tín dụng giữ giấy tờ về tài sản cầm cố trong trường hợp doanh nghiệp giữ tài sản cầm cố.

2.1. Đối với tài sản là động sản đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu (phương tiện vận tải, tàu thuyền đánh bắt thuỷ, hải sản...), thì doanh nghiệp giao bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng giữ theo quy định tại Điều 12 Chương II Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 của Chính phủ và mục 6 Chương II Thông tư số 06/2000/TT-NHNN1 ngày 04/4/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

2.2. Đối với các động sản là máy móc, thiết bị không được lắp, đặt gắn liền nhà xưởng, công trình xây dựng, các tài sản khác không gắn liền với đất mà các tài sản này không có giấy chứng nhận quyền sở hữu, đang dùng để sản xuất, kinh doanh, nếu được tổ chức tín dụng nhận cầm cố, thì doanh nghiệp phải có các giấy tờ chứng minh tài sản đó thuộc quyền sở hữu hợp pháp hoặc thuộc quyền quản lý, sử dụng đối với doanh nghiệp nhà nước và giao cho tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy tờ này, doanh nghiệp được giữ tài sản để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Các loại giấy tờ này thực hiện theo như quy định tại khoản 1.3 mục 1 của Thông tư này. Khi cơ quan đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm được thành lập và đi vào hoạt động, thì các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với việc cầm cố các động sản này theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

2.3. Đối với máy móc, thiết bị ở trong kho hàng hoá của doanh nghiệp và chưa đưa vào sử dụng, thì thực hiện theo quy định tại Điều 12 Chương II Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 và mục 6 Chương II Thông tư số 06/2000/TT-NHNN1 ngày 04/4/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

3. Đối với tàu bay, tàu biển có tham gia hoạt động tuyến quốc tế, các tổ chức tín dụng giữ bản sao giấy chứng nhận đăng ký có chứng nhận của cơ quan công chứng nhà nước, chủ phương tiện giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký để lưu hành tàu bay, tàu biển khi cầm cố, thế chấp vay vốn các tổ chức tín dụng.

4. Đối với các thủ tục quy định tại khoản 2.2 mục 2 của thông tư này, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trứơc pháp luật về tính hợp pháp, tính trung thực đối với các giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp nhà nước và tài sản này không có tranh chấp. Các doanh nghiệp không được sử dụng các giấy tờ này để cầm cố, thế chấp ở nhiều tổ chức tín dụng để vay vốn.

5. Trường hợp tổ chức tín dụng và doanh nghiệp thoả thuận hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản phải có chứng nhận của cơ quan công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền, thì cơ quan công chứng nhà nước, Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật căn cứ vào các loại giấy tờ chứng minh tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 1.3 mục 1 Thông tư này để chứng nhận hoặc chứng thực hợp đồng cầm cố, thế chấp cho các bên.

6. Tổ chức thực hiện

6.1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

6.2. Các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức tín dụng có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Dương Thu Hương

(Đã ký)

Uông Chu Lưu

(Đã ký)

 

 

Lê Thị Băng Tâm

(Đã ký)

Triệu Văn Bé

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 12/2000/TTLT-NHNN-BTP-BTC-TCĐC một số giải pháp về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 11/2000/NQ-CP do Ngân hàng nhà nước - Bộ tài chính - Tổng cục địa chính ban hành

  • Số hiệu: 12/2000/TTLT-NHNN-BTP-BTC-TCĐC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 22/11/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Địa chính
  • Người ký: Dương Thu Hương, Lê Thị Băng Tâm, Triệu Văn Bé, Uông Chu Lưu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 48
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản