Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-YT/TC/TT

Hà Nội , ngày 17 tháng 7 năm 1982

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ Y TẾ - TÀI CHÍNH SỐ 11-YT/TC/TT NGÀY 17 THÁNG 7 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 252-CT NGÀY 13-11-1981 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC SỬA ĐỔI CHẾ ĐỘ ĂN CỦA NGƯỜI BỆNH ĐIỀU TRỊ Ở CÁC BỆNH VIỆN, TRẠM Y TẾ CƠ SỞ CÓ GIƯỜNG BỆNH VÀ VIỆN ĐIỀU DƯỠNG

Căn cứ Quyết định số 252-CT ngày 13-11-1981 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi chế độ ăn của người bệnh điều trị ở các bệnh viện, trạm y tế cơ sở có giường bệnh và viện điều dưỡng, liên quan Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. MỨC TIỀN ĂN VÀ MỨC ĐÓNG GÓP CỦA NGƯỜI BỆNH

1. Đối với cán bộ, công nhân, viên chức đang cong tác, cán bộ, công nhân, viên chức và quân nhân đã về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động.

Căn cứ vào tình trạng bệnh và sức khỏe của từng người bệnh, các y bác sĩ điều trị chỉ định chế độ ăn bệnh lý kết hợp với bậc lương như sau:

Đối tượng

Mức ăn tại bệnh viện

Mức ăn tại viện điều dưỡng

Mức đóng góp của người bệnh

 

Theo bậc lương

Theo bệnh lý

 

 

a. Người có mức lương chính dưới 90 đồng

9đ; 12đ

1,00đ

b. Người có mức lương từ 90 đồng đến 114 đồng

9 đ

12đ; 15đ

12đ

1,50đ

c. Người có mức lương chính từ 115 đồng đến dưới 160 đồng

12đ

15đ; 20đ

15đ

2,00đ

d. Người có mức lương từ 160 đồng đến 180 đồng

15đ

20,0đ

20

3,00đ

e. Người có mức lương chính trên 180 đồng

20đ

 

20 đ

4,00đ

Đối với những bệnh nhân đang điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu, bệnh nhân sau mổ (phẫu thuật lớn) đang trong thời gian chăm sóc đặc biệt thì được ăn theo bệnh lý không lệ thuộc vào mức lương. Những bệnh nhân nặng khác xét thấy cần thiết phải ăn theo chế độ bệnh lý thì phải do trưởng khoa (đối với bệnh viện trung ương) hoặc bệnh viện trưởng (đối với bệnh viện địa phương) quyết định. Mức đóng góp của những người bệnh này vẫn dựa trên cơ sở mức lương theo quy định ở bảng trên.

Cán bộ xã, phường hưởng phụ cấp sinh hoạt phí theo Quyết định số 111-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng được áp dụng mức ăn và mức đóng góp như cán bộ, công nhân viên có mức lương dưới 90 đồng bao gồm:

- Bí thư đảng ủy xã, phường hoặc bí thư chi bộ xã, phường nơi chưa có đảng ủy.

- Chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã phường.

- Ủy viên quân sự, ủy viên thư ký ủy ban nhân dân xã phường.

- Cán bộ mặt trận tổ quốc và cán bộ các đoàn thể quần chúng được hưởng sinh hoạt phí hàng tháng.

- Cán bộ, nhân viên chuyên môn, nghiệp vụ của đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, phường và cán bộ phụ trách các ấp, bản, buôn, làng, được hưởng sinh hoạt phí hàng tháng.

- Cán bộ, nhân viên y tế và cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ được đào tạo có trình độ đại học, trung cấp và sơ cấp chuyên nghiệp nếu được sử dụng đúng ngành nghề, làm việc theo quy chế chung của Nhà nước ở xã, phường được hưởng sinh hoạt phí hàng tháng.

Cán bộ xã, phường công tác lâu năm đã nghỉ việc được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 60% của mức sinh hoạt phí khi đang công tác theo quy định tại Quyết định số 130-CP ngày 20-6-1975 của Hội đồng Chính phủ.

Các anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các đại biểu Quốc hội đương nhiệm có mức lương dưới 160 đồng hoặc không phải là công nhân viên chức được áp dụng mức ăn và mức đóng góp thống nhất theo quy định ở điểm c trong bảng trên.

Thương binh, bệnh binh đã về địa phương, trong thời gian điều trị tại bệnh viện (kể cả trường hợp chữa vết thương cũ, bệnh cũ tái phát) được áp dụng mức ăn và mức đóng góp thống nhất theo quy định ở điểm a trong bảng trên.

2. Đối với nhân dân và trẻ em.

a) Nhân dân và trẻ em điều trị ở các bệnh viện áp dụng mức ăn 4 đồng/ngày. Nếu người bệnh có yêu cầu ăn trên mức này và tự trả phần ăn thêm thì tùy theo khả năng của từng địa phương mà bệnh viện cố gắng phục vụ, người bệnh trả tiền ăn toàn bộ theo mức ăn được phục vụ.

b) Những người bệnh sau đây chỉ phải trả tiền ăn 1 đồng/ ngày.

- Cha, mẹ, vợ, hoặc chồng liệt sĩ hết tuổi lao động.

- Con liệt sĩ chưa đến tuổi lao động hoặc đến tuổi lao động nhưng chưa có việc làm,

- Người có công với cách mạng.

- Cha, mẹ, vợ, hoặc chồng không còn sức lao động, con chưa đến tuổi lao động hoặc chưa có việc làm kể từ con thứ 3 mà công nhân viên chức phải nuôi dưỡng,

- Học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường học nghề.

c) Những người sau đây nếu được chính quyền cấp xã, phường hoặc cơ quan, xí nghiệp (đối với con công nhân viên chức Nhà nước) xác nhận thì được miễn trả tiền ăn và được quỹ bảo hiểm xã hội của Nhà nước đài thọ (ghi vào mục 6, tiết 6 mục lục ngân sách Nhà nước):

- Người tàn tật thực sự có khó khăn về kinh tế,

- Người già yếu, trẻ mồ côi không nơi lương tựa,

- Con (hai đưa con đầu) chưa đến tuổi lao động mà công nhân viên chức phải nuôi dưỡng,

- Những người mắc bệnh tâm thần, bệnh lao, bệnh phong nằm điều trị trên 1 tháng, nếu hoàn cảnh gia đình thực sự có khó khăn thì từ tháng thứ 2 trở đi được miễn trả tiền ăn.

d) Những người lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới trong 3 năm đầu nếu ốm đau vào nằm điều trị ở các bệnh viện được miễn trả tiền ăn theo Quyết định số 95-CP ngày 27-3-1980 và Quyết định số 254-CP ngày 16-6-1981 của Hội đồng Chính phủ.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trong khi thực hiện việc nuôi dưỡng người bệnh theo chế độ bệnh lý, đối với trường hợp người bệnh nặng, bệnh viện cần thay đổi món ăn cho thích hợp để bảo đảm tiêu chuẩn được hưởng, nếu ăn không hết tiêu chuẩn hoặc vì bệnh quá nặng không ăn được hoặc người bệnh mới mổ chưa có chỉ định ăn, bệnh viện không được trả lại tiêu chuẩn bằng tiền hay bằng hiện vật cho người bệnh.

2. Để bảo đảm việc nuôi dưỡng người bệnh nằm điều trị tại các cơ sở chữa bệnh và điều dưỡng theo các mức ăn nói trên, cơ quan nội thương cần bảo đảm cung cấp hàng hóa đủ tiêu chuẩn và phẩm chất tốt theo định lượng cho các loại bệnh, giường điều dưỡng như đã quy định tại Thông tư số 20-TT/LB ngày 18-8-1981 của liên Bộ Y tế - Nội thương và Công văn số 142-NT/CS ngày 15-1-1982 của Bộ Nội thương.

Riêng về lương thực, người bệnh ăn tại nhà ăn của bệnh viện và viện điều dưỡng đều phải nộp tem lương thực. Trường hợp không có tem lương thực thì nộp bằng hiện vật theo tỷ lệ giữa gạo và màu do Nhà nước quy định hoặc nộp tiền chênh lệch mua lương thực theo giá chỉ đạo bán lẻ của Nhà nước hoặc theo giá ở thị trường tự do của từng nơi.

3. Người ở địa phương này khi ốm đau nằm điều trị ở bệnh viện thuộc địa phương khác hoặc bệnh viện trung ương thì khoản trợ cấp tiền ăn hàng ngày của người bệnh do ngân sách nơi nhận bệnh nhân đài thọ, không phải thanh toán qua lại giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương hoặc không phải thanh toán giữa ngân sách địa phương này với ngân sách địa phương khác.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 7 năm 1982, những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong khi thi hành, nếu gặp khó khăn và vướng mắc, đề nghị các địa phương phản ảnh cho liên bộ để nghiên cứu giải quyết.

Nguyễn Duy Cương

(Đã ký)

Trần Tiêu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 11-YT/TC/TT 1982 hướng dẫn Quyết định 252-CT năm 1981 về việc sửa đổi chế độ ăn của người bệnh điều trị ở các bệnh viện, trạm y tế cơ sở có giường bệnh và viện điều dưỡng do Bộ Y tế-Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 11-YT/TC/TT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 17/07/1982
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Duy Cương, Trần Tiêu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản