Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 106/2002/TTLT/BTC-BCN

Hà Nội , ngày 22 tháng 11 năm 2002

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA  BỘ TÀI CHÍNH - BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 106/2002/TTLT/ BTC-BCN NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2002HƯỚNG DẪN VIỆC BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ ĐỂ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP

Căn cứ vào Pháp luật Đất đai hiện hành;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 28 tháng 10 năm 1995;
Căn cứ Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Chính phủ về việc đền bù thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;
Căn cứ Nghị định số 54/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp;
Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc bồi thường, hỗ trợ để xây dựng công trình lưới điện cao áp như sau:

I . QUY ĐỊNH CHUNG

1. Việc bồi thường, hỗ trợ để xây dựng công trình lưới điện cao áp được thực hiện như sau:

- Trường hợp Nhà nước thu hồi đất, kể cả thu hồi đất nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp, việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Chính phủ, Thông tư 145/1998/TT-BTC ngày 4 tháng 11 năm 1998 của Bộ Tài chính và Công văn 4448/TC-QLCS ngày 4 tháng 9 năm 1999 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xử lý một số vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

- Đối với đất Nhà nước không thu hồi, nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp, khi xây dựng công trình bị hạn chế khả năng sử dụng, thiệt hại về tài sản, việc bồi thường, hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II Thông tư này.

2. Chủ đầu tư (đại diện chủ đầu tư) dự án công trình lưới điện cao áp chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ theo quy định của Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Chính phủ, Thông tư 145/1998/TT-BTC ngày 4 tháng 11 năm 1998 của Bộ Tài chính, Công văn 4448/TC-QLCS ngày 04 tháng 9 năm 1999 của Bộ Tài chính và hướng dẫn tại Thông tư này.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ VIỆC BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ TRONG TRƯỜNG HỢP KHÔNG THU HỒI ĐẤT

1. Đối với đất:

Đất có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 22/1998/NĐ-CP, Nhà nước không thu hồi, nhưng nằm trong hành lang bảo vệ an toàn của đường dây dẫn điện cao áp mà bị hạn chế khả năng sử dụng, được bồi thường thiệt hại thực tế như sau:

a) Trường hợp làm thay đổi mục đích sử dụng từ đất ở (đất khu dân cư), đất xây dựng công trình (đất chuyên dùng) chuyển thành đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp được bồi thường bằng tiền theo mức chênh lệch giá giữa giá đất ở (đất khu dân cư) với giá đất theo mục đích sử dụng mới.

b) Trường hợp không thay đổi mục đích sử dụng đất (nhà ở, công trình đủ điều kiện tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn của đường dây), nhưng làm hạn chế khả năng sử dụng thì được bồi thường bằng tiền theo mức thiệt hại thực tế. Mức bồi thường bằng chênh lệch giá giữa giá đất ở thời điểm trước trừ giá đất ở thời điểm sau khi có Quyết định thu hồi đất để xây dựng công trình do UBND cấp tỉnh quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhưng mức bồi thường tối đa không quá 50% giá đất tại thời điểm trước khi có quyết định thu hồi đất để xây dựng công trình.

c) Khi hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp chiếm dụng khoảng không lớn hơn 70% diện tích đất sử dụng có nhà ở, công trình của một chủ sử dụng đất thì phần diện tích đất còn lại cũng được bồi thường theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Mục II Thông tư này.

d) Các loại đất sau đây không được bồi thường, hỗ trợ:

- Đất được Nhà nước cho thuê, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất làm muối, đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, đất chưa sử dụng, đất chuyên dùng được giao không phải nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền sử dụng đất bằng tiền có nguồn từ ngân sách nhà nước;

- Đất không có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Chính phủ.

2. Đối với tài sản:

a) Nhà ở, công trình xây dựng và các tài sản khác bị tháo dỡ, di chuyển toàn bộ được bồi thường theo quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 của Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Chính phủ, Thông tư 145/1998/TT-BTC ngày 4 tháng 11 năm 1998 của Bộ Tài chính, Công văn 4448/TC-QLCS ngày 4 tháng 9 năm 1999 của Bộ Tài chính.

b) Thiệt hại về cây trồng được bồi thường theo quy định tại Điều 23, Điều 24 của Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Chính phủ.

c) Nhà ở, công trình có trước khi xây dựng đường dây dẫn điện cao áp và các tài sản khác đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 54/1999/NĐ-CP, được tồn tại trong hành lang, không bị thiệt hại nhưng bị hạn chế khả năng sử dụng thì được hỗ trợ. Mức hỗ trợ đối với nhà cấp 1 và cấp 2 là 10%; nhà cấp 3, cấp 4 và công trình phụ độc lập là 30% giá trị phần nhà ở, công trình tính trên diện tích nằm trong hành lang bảo vệ an toàn của đường dây theo giá xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của Chính phủ.

d) Trường hợp nhà ở, công trình không đảm bảo các điều kiện an toàn, phải tháo dỡ một phần hoặc thực hiện các biện pháp sửa chữa, cải tạo để đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 54/1999/NĐ-CP để được tồn tại trong hành lang thì được bồi thường phần bị phá dỡ, kinh phí để sửa chữa, cải tạo nhà ở, công trình. Ngoài ra, nếu nhà, công trình và các tài sản khác bị hạn chế khả năng sử dụng thì còn được hỗ trợ theo quy định tại điểm c khoản 2 Mục II của Thông tư này.

e) Trường hợp phần nhà ở, công trình bị hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp chiếm dụng trên 70% tổng diện tích mặt bằng của nhà, công trình đó và các tài sản khác, bị hạn chế khả năng sử dụng thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại điểm c khoản 2 Mục II Thông tư này thì được tính cho toàn bộ diện tích của nhà, công trình.

3. Nhà ở, công trình mới xây dựng, cây mới trồng có sau thời điểm công bố quyết định phê duyệt dự án xây dựng công trình đường dây của cấp có thẩm quyền cho mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhà, đất trong phạm vi dự án biết, nếu vi phạm các điều kiện về an toàn quy định tại Nghị định số 54/1999/NĐ-CP thì phải phá dỡ và không được bồi thường, hỗ trợ.

4. Nhà ở và công trình sau khi chủ đầu tư đã thực hiện chính sách bồi thường và hỗ trợ mà có đủ điều kiện tồn tại (ở lại) trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 54/1999/NĐ-CP, nếu chủ nhà, công trình có nguyện vọng di chuyển ra khỏi hành lang an toàn thì tự thực hiện việc di chuyển mà không được nhận thêm khoản chi phí bồi thường, hỗ trợ nào khác.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính - Vật giá chủ trì phối hợp với Sở Địa chính, Sở Xây dựng, Sở Công nghiệp và các ngành có liên quan hướng dẫn việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi xây dựng công trình lưới điện cao áp theo đúng quy định của Nghị định 22/1998/NĐ-CP, Nghị định 54/1999/NĐ-CP, Thông tư 145/1998/TT-BTC ngày 04 tháng 11 năm 1998 của Bộ Tài chính, Công văn 4448/TC-QLCS ngày 04 tháng 9 năm 1999 của Bộ Tài chính và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình lưới điện cao áp có trách nhiệm phối hợp với Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng lập phương án bồi thường, hỗ trợ trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được hưởng bồi thường, hỗ trợ khi xây dựng công trình lưới điện cao áp trong trường hợp thu hồi đất và không thu hồi đất theo quy định tại Nghị định 22/1998/NĐ-CP, Thông tư 145/1998/TT-BTC ngày 04 tháng 11 năm 1998 của Bộ Tài chính, Công văn 4448/TC-QLCS ngày 04 tháng 9 năm 1999 của Bộ Tài chính và Thông tư này.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Đối với những dự án công trình lưới điện cao áp đã xây dựng xong và đóng điện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng việc bồi thường, hỗ trợ theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề mới cần xử lý, đề nghị các cơ quan, đơn vị, ủy ban nhân dân các cấp phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp để phối hợp xử lý.

Bùi Xuân Khu

(Đã ký)

Trần Văn Tá

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 106/2002/TTLT/BTC-BCN hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ để xây dựng công trình lưới điện cao áp do Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 106/2002/TTLT/BTC-BCN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 22/11/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính
  • Người ký: Bùi Xuân Khu, Trần Văn Tá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 64
  • Ngày hiệu lực: 07/12/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 10/01/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản