Hệ thống pháp luật

 
 

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-TT/LB

Hà Nội , ngày 11 tháng 12 năm 1996

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ  KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ, TÀI CHÍNH, NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 10-TT/LB NGÀY 11 THÁNG 12 NĂM 1996 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 556/TTG NGÀY 12 THÁNG 9 NĂM 1995 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐIỀU CHỈNH BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 327/CT NGÀY 15 THÁNG 09 NĂM 1992

Để thống nhất việc tổ chức chỉ đạo thực hiện chương trình 327 theo tinh thần, nội dung Quyết định số: 556/TTg ngày 12/9/1995 của Thủ tướng Chính phủ "Về điều chỉnh, bổ sung Quyết định 327/CT ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ)" và Thông báo số 71/TB của Văn phòng Chính phủ ngày 16/9/1996 "kết luận của Phó Thủ tướng Trần Đức Lương về thực hiện chương trình 327". Liên Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung chính sau đây:

I. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG THỨC VÀ MẬT ĐỘ TRỒNG RỪNG

1. Mục tiêu và đối tượng:

1.1. Tạo mới rừng phòng hộ và rừng đặc dụng: gồm hai nội dung là trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.

- Về trồng rừng: Chương trình 327 lấy trồng rừng là nhiệm vụ trọng tâm, phải trồng tập trung dứt điểm, để tạo thành rừng phòng hộ liền vùng, liền khoảnh. Chủ dự án bố trí kế hoạch trồng rừng hàng năm, phải theo quy hoạch của dự án, trồng tiểu khu nào dứt điểm tiểu khu đó, không rải đều trên toàn diện tích của dự án.

Trồng rừng phòng hộ phải trồng hỗn loài tạo nhiều tầng tán, không được trồng thuần loại, đối với diện tích rừng đã trồng thuần cây phụ trợ (thuần cây kèo), đang còn thời kỳ chăm sóc thì năm 1997 trở đi lập kế hoạch trồng bổ sung cây bản địa gỗ lớn.

Đối với vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thì chỉ trồng rừng ở khu phục hồi sinh thái với các loài cây bản địa tạo thành rừng trồng hỗn loài, hoặc vườn sưu tập thực vật phong phú.

- Về khoanh nuôi tái sinh rừng: Phải điều tra cụ thể, những nơi có điều kiện phục hồi, mật độ cây tái sinh trên 250 cây/ha thì chỉ cần khoanh nuôi bảo vệ giữ cho rừng tự tái sinh, nếu số cây tái sinh dưới 250 cây/ha cần phải trồng dặm cho đủ mật độ theo yêu cầu và bảo vệ thảm thực vật, như vậy mới xác định là đối tượng khoanh nuôi phục hồi rừng, nơi nào chưa có điều tra thiết kế cụ thể thì không đưa vào kế hoạch hàng năm vì sẽ tốn phí, không có hiệu quả.

1.2. Bảo vệ rừng: Nhiệm vụ bảo vệ rừng chủ yếu là chính quyền địa phương các cấp, tổ chức chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, nhân dân, lực lượng vũ trang tại chỗ thực hiện, thông qua các biện pháp kinh tế, hành chính, giáo dục, luật pháp, chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các Bộ ngành liên quan, nghiên cứu sớm trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách đối với khoán bảo vệ rừng lâu dài. Trước mắt chương trình 327 chỉ đầu tư bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vùng trọng điểm, những nơi đồng bào dân tộc ít người, còn tập quán chặt phá rừng làm nương rẫy, trước hết là các vùng xung yếu đầu nguồn các công trình lớn: thuỷ điện, thuỷ lợi, bảo vệ đê biển, chống cát bay.

2. Phương thức và mật độ trồng rừng:

Các dự án thuộc chương trình 327, chủ yếu phải thực hiện phương thức Lâm Nông kết hợp, giao đất khoán rừng cho hộ gia đình. Chỉ những vùng xa xôi không có khả năng đưa dân đến định cư, thì mới tổ chức thuê lao động trồng, chăm sóc, bảo vệ, nhưng phải chỉ đạo chặt chẽ, đảm bảo rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Tuỳ khả năng quỹ đất ở mỗi dự án mà giao cho hộ một diện tích thoả đáng, phải xác định rõ cơ cấu đất và rừng, khi giao cho từng hộ. Việc giao đất, khoán rừng tiến hành cùng một lúc và được giao lâu dài, trong đó bao gồm:

- Diện tích rừng bảo vệ.

- Diện tích để tạo rừng phòng hộ (trồng rừng mới và khoanh nuôi tái sinh).

- Diện tích đất nông nghiệp để trồng cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày khoảng 1-2 ha/hộ.

- Đất ở và vườn hộ khoảng 0,5 ha/hộ.

Ngay từ năm đầu phải vận động và tạo điều kiện cho các hộ trồng rừng tận dụng đất đai trồng cây ngắn ngày (ngô, đậu, lạc...) để có thu nhập tạo điều kiện ổn định, từng bước nâng cao cuộc sống, yên tâm sản xuất, thực hiện phương châm lấy lâm phát triển nông và lấy nông để giữ lâm lâu dài, tạo bền vững về sinh thái, môi trường kinh tế, phát huy tốt hiệu quả sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, tăng năng lực phòng hộ quốc gia.

Việc trồng rừng phòng hộ trên đất trống, đồi trọc, độ dốc lớn phải trồng rừng hỗn loài, với tập đoàn cây bản địa và cây phù trợ thích hợp tạo thành rừng nhiều tầng tán để có hiệu quả phòng hộ lâu dài, đối với vùng đất có độ dốc lớn, lượng mưa cao, xung yếu thì phải ưu tiên trồng trước để phát huy tác dụng phòng hộ nhanh.

Về mật độ và kết cấu cây trồng: Tuỳ điều kiện đất đai, địa hình, loài cây mà tỉnh quy định mật độ trồng cho phù hợp: Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn và vùng đồi núi trọc tập trung ở đồng bằng, trung du quy định chung khoảng 1600 cây/ha, trong đó khoảng 40% cây phòng hộ lâu dài: cây gỗ lớn bản địa, có tán che rậm, rễ sâu chu kỳ sinh trưởng dài, tuỳ điều kiện ở từng nơi có thể trồng xen một số cây ăn quả lâu năm, cây đặc sản như: nhãn, vải, xoài, bơ, mít, vú sữa, hồi... có tác dụng tương đương như cây gỗ lớn, được tính là cây bản địa, còn lại 60% cây phụ trợ (cây kinh tế) sinh trưởng nhanh, có tác dụng cải tạo đất, chống xói mòn tạo độ ẩm cho cây phòng hộ phát triển tốt hơn, tuỳ điều kiện cụ thể mà chọn các loài cây ăn quả, cây đặc sản, keo các loại... có thể lấy hoa, quả, dầu nhựa, gỗ... vừa là cây phụ trợ đồng thời kết hợp kinh tế tăng thu nhập cho hộ gia đình. Về mật độ và cơ cấu cây trồng quy định khung tối đa, các tỉnh tuỳ theo loài cây, đất đai... để xác định mật độ và cơ cấu cây trồng cho thích hợp, nhưng cây gỗ lớn bản địa kể cả cây ăn quả tối thiểu không dưới 400 cây/ha.

Đối với trồng rừng phòng hộ ven biển: Rừng ngập mặn, bảo vệ đê, chắn gió, chắn cát bay... tuỳ điều kiện và mục đích để xác định loài cây, coi trọng cây truyền thống với mật độ trồng thích hợp, theo quy đình của ngành lâm nghiệp.

Tóm lại để đạt được mục tiêu như trên trong quá trình tổ chức chỉ đạo của cấp tỉnh, huyện và cơ sở phải quán triệt và thực hiện:

- Chuyển từ trồng rừng phân tán trong nhiều loại dự án, sang trồng rừng tập trung liền vùng trên cơ sở sắp xếp lại dự án lâm nông nghiệp.

- Chuyển từ trồng rừng phòng hộ thuần loại sang trồng rừng hỗn loài với tập đoàn cây bản địa kết hợp cây phụ trợ (kinh tế).

- Thực hiện phương thức lâm nông kết hợp một cách sáng tạo và khôn ngoan.

- Nhất thiết phải giao đất khoán rừng đến từng hộ gia đình, lấy hộ làm động lực phát triển.

II. SẮP XẾP CÁC DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 327

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các Bộ căn cứ vào quy hoạch tổng thể xác định lâm phận các loại rừng: Rừng phòng hộ đầu nguồn các sông, công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, rừng phòng hộ xung yếu ven biển (bảo vệ đê, chống gió, chống cát bay), đồi núi trọc tập trung, có ý nghĩa môi sinh ở đồng bằng, ven đô thị, khu công nghiệp. Rừng đặc dụng chủ yếu là các vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên cơ sở đó sắp xếp, bố trí các dự án theo hướng sau đây:

- Đối với các dự án đang thực thi, cần rà soát, sắp xếp lại cho đúng đối tượng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tuỳ theo tình hình cụ thể, quy mô dự án rừng phòng hộ nên từ 10.000-50.000 ha để giảm bớt đầu mối, chỉ đạo được tập trung, lấy đơn vị huyện làm căn cứ. Huyện nào có 2 đến 3 dự án lâm nông nghiệp, kể cả dự án bảo tồn thiên nhiên, văn hoá, lịch sử với quy mô dưới 10.000 ha; dự án nằm trên các huyện khác nhau nhưng liền vùng (cùng phòng hộ một lưu vực hồ đập thuỷ điện, thuỷ lợi lớn...) thì nhập thành một và giao cho lâm trường làm chủ dự án.

- Đối với các vườn Quốc gia giữ nguyên và đầu tư theo luận chứng KT-KT đã được duyệt; Khu bảo tồn thiên nhiên tuỳ quy mô và tính chất của công trình mà xác định dự án riêng hoặc sáp nhập vào dự án lâm nông trên địa bàn.

- Các dự án chủ yếu trồng rừng do Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trực tiếp quản lý, phải rà soát, sắp xếp giảm đầu mối theo đúng đối tượng và quy mô nói trên. Đối với dự án quốc phòng gồm: Dự án trực thuộc Bộ, Quân khu, Quân binh chủng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh có liên quan chặt chẽ đến quốc phòng và an ninh, nếu trong phạm vi một tỉnh thì gộp lại thành 1 dự án còn nói chung các điểm nhỏ không gắn với quốc phòng và an ninh, đơn thuần làm kinh tế thì giao cho địa phương để tỉnh trực tiếp quản lý và đầu tư.

- Các dự án sắp xếp lại phải xác định chính xác trên thực địa, diện tích trồng rừng cần bảo vệ, diện tích khoanh nuôi tái sinh và diện tích phải trồng rừng phòng hộ, sau đó Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định phê duyệt, cử chủ dự án và ban quản lý.

- Các dự án nông lâm nghiệp chuyên trồng cây công nghiệp, cây ăn quả... theo Quyết định 556/TTg không thuộc đối tượng Chương trình 327, nhưng đã được đầu tư trồng cây công nghiệp dài ngày từ những năm trước, thì tuỳ tình hình cụ thể, đối với những hộ thực sự có khó khăn sẽ được xem xét tiếp tục cho vay không lãi, để chăm sóc hết chu kỳ xây dựng cơ bản, không cho vay tràn lan.

III. CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ, CƠ CHẾ CẤP PHÁT, CHO VAY VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

1. Chính sách đầu tư:

Ngân sách Nhà nước đầu tư cho các dự án thuộc chương trình 327 với các đối tượng công việc sau:

1.1. Vốn ngân sách cấp phát:

a) Vốn đầu tư cho các đối tượng:

- Trồng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, xây dựng vườn ươm và chuẩn bị cây giống kể cả giống cây ăn quả cho năm sau, việc chủ động tạo cây giống nhiều chủng loại, đủ tiêu chuẩn, là khâu quyết định chất lượng rừng trồng, đối với vốn tạo cây giống cho năm sau là vốn luân chuyển quay vòng, chỉ giao cho dự án có nhiệm vụ trồng rừng, chủ dự án có trách nhiệm tổ chức thực hiện, thu hồi, bảo toàn để đầu tư lại.

- Chi phí đo đạc, giao đất khoán rừng, khảo sát thiết kế (đối với diện tích để trồng, khoanh nuôi, bảo vệ) và nghiệm thu, chi phí này được tính riêng ngoài đơn giá khoán cho hộ.

Về đơn giá đầu tư khâu lâm sinh: Hàng năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có hướng dẫn, nhưng để các tỉnh và bộ chủ động, nay quy định một số điểm chung như sau:

+ Bảo vệ rừng: Khoảng 50.000 đồng/ha/năm, trực tiếp cho hộ.

+ Khoanh nuôi tái sinh có hai mức: Chỉ khoanh nuôi tái sinh (không trồng dặm) coi như giao bảo vệ rừng. Nếu diện tích phải trồng bổ sung, thì căn cứ thiết kế để tính đơn giá theo số cây phải trồng dặm.

+ Trồng và chăm sóc rừng: Ban chỉ đạo Trung ương chỉ quy định đơn giá bình quân chung, UBND tỉnh căn cứ tình hình đất đai, địa hình, loài cây trồng, mật độ, cự ly xa gần, mức độ khó khăn... trên cơ sở thiết kế cụ thể để quyết định đơn giá đầu tư cho từng loại cây, ở từng vùng. Đơn giá trồng rừng chỉ bao gồm 2 khâu: Chi phí tạo cây con, công trồng và chăm sóc năm thứ nhất.

+ Đối với giá cây con xuất vườn, UBND tỉnh cần quy định khung giá cho từng loài cây, để tránh việc tuỳ tiện tự nâng giá không hợp lý.

- Chương trình 327 chỉ hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi công cộng chủ yếu đầu tư nước sinh hoạt, tưới ẩm, đường dân sinh, ưu tiên cho những điểm tiếp nhận hộ mới, những công trình thiết yếu, nơi đồng bào dân tộc có nhiều khó khăn. Các công trình thuỷ lợi, đường giao thông, trường học... do vốn của chuyên ngành đầu tư.

- Đối với dự án rừng đặc dụng (vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...) đầu tư theo luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt, nhưng phải cân nhắc, những công trình thực sự gắn với bảo vệ rừng làm trước, công trình khác làm sau.

- Từ năm 1997, thuế tài nguyên rừng, tiền bán cây đứng (sau khi nộp các khoản nghĩa vụ) và các nguồn thu khác từ rừng (tiền phạt và tiền bán lâm sản tịch thu...) được tập trung vào ngân sách Nhà nước và điều tiết 100% cho ngân sách địa phương, nguồn thu này được đầu tư trở lại cho rừng và được quản lý cấp phát theo chế độ quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước quy định, không được sử dụng vào mục đích khác, nguồn vốn này chỉ cho làm giầu rừng, khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng. Được cân đối trong kế hoạch hàng năm.

b) Vốn sự nghiệp:

+ Vốn sự nghiệp di, dãn dân là vốn Nhà nước hỗ trợ giao cho chủ dự án để cấp cho các hộ di, dãn đến vùng dự án, chủ yếu là di dãn trong nội tỉnh, huyện và xã. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, bổ sung chế độ, theo tinh thần Thông báo số 71/TB ngày 16/9/1996 của Văn phòng Chính phủ. Riêng về vốn quản lý cho công tác di, dãn dân trích trong vốn quản lý chung 8% của chương trình, không đặt ra mức khác như Thông tư số 15/LĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

+ Vốn sự nghiệp quản lý: 8% tổng số vốn của chương trình được phân như sau:

- Các ngành Trung ương: 0,8%. Gồm Kho bạc Nhà nước, Ban chỉ đạo chương trình 327 Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. - Các cấp trên của dự án: 1,2% gồm Ban chỉ đạo chương trình 327 của Bộ, của tỉnh, huyện, Sở chuyên ngành quản lý dự án và các Sở có liên quan.

- Chủ dự án: 6% để chi trả lương (nếu có) phụ cấp cho cán bộ trực tiếp quản lý điều hành dự án, cán bộ khuyến lâm, khuyến nông, mua sắm văn phòng phẩm, phương tiện thiết bị cần thiết cho công tác chỉ đạo dự án. Ban chỉ đạo chương trình 327 các cấp căn cứ vào tình hình thực tế để xử lý đối với từng dự án, những dự án có nguồn thu bổ sung thêm, hoặc nguồn chi thường xuyên như: Lâm trường, Trạm trại, Hạt kiểm lâm, Ban quản lý vườn Quốc gia, rừng phòng hộ, đặc dụng có quỹ lương sự nghiệp thì mức độ thấp, dự án không có nguồn thu nào khác ngoài vốn quản lý dự án, hoặc ở những nơi xa xôi hẻo lánh, có nhiều khó khăn thì tỷ lệ cao hơn, không nhất thiết phân bổ bình quân, như vậy vốn quản lý, cần xem xét bố trí cụ thể để tạo điều kiện cho chủ dự án triển khai thực hiện.

1.2. Vốn vay không lãi:

Nhà nước cho vay hỗ trợ đối với các hộ gia đình trong vùng dự án, chủ yếu để mua giống cây, con, vật tư thiết bị cần thiết cho trồng, chăm sóc cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, kinh tế vườn hộ... Từ năm 1997 chỉ cho vay hỗ trợ, đối với những hộ di, dãn đến nơi sản xuất mới, có gắn với nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng, còn những hộ ở cũ, thực sự khó khăn thì được xem xét, tiếp tục cho vay chăm sóc cây công nghiệp dài ngày, với mức độ khác nhau, không cho vay dàn đều. Những hộ không nhận bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng phòng hộ (không gắn với rừng) thì không được cho vay trồng, chăm sóc cây công nghiệp hoặc kinh tế vườn...

2. Cơ chế cấp phát cho vay vốn, thu hồi và thanh quyết toán:

Vốn cấp phát và vốn cho vay vẫn thực hiện theo thông tư hướng dẫn số 80 TC/KBNN ngày 9 tháng 11 năm 1995 của Bộ Tài chính.

Việc thu hồi vốn vay và xử lý vốn vay thu hồi theo nguyên tắc:

- Vốn vay đến hạn thu hồi, các chủ dự án, hộ gia đình đã vay phải hoàn trả đầy đủ cho Kho bạc Nhà nước. Trường hợp các chủ dự án, hộ gia đình cố tình dây dưa không trả nợ, Kho bạc Nhà nước sẽ chuyển sang nợ quá hạn, phải chịu mức lãi suất quá hạn như vốn vay giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120.

- Vốn vay thu hồi, được sử dụng để cho các chủ dự án vay lại, theo kế hoạch do cơ quan cấp trên của chủ dự án đề nghị có sự thoả thuận thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

- Trường hợp chủ dự án và hộ gia đình gặp rủi ro bất khả kháng có thể được xem xét gia hạn, hoặc khoanh nợ.

Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn quy định cụ thể đối với việc xử lý vốn vay thu hồi của các dự án thuộc chương trình 327.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Rà soát sắp xếp các dự án và xây dựng các dự án mới:

Các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ Quyết định số 556/TTg ngày 12/9/1995 của Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các Bộ và tình hình thực tiễn của địa phương mà sắp xếp, sáp nhập các dự án theo đúng đối tượng phạm vi của rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Việc xây dựng dự án mới: Theo nội dung như mục II nêu trên, nhưng để đảm bảo cân đối chung, trước khi xây dựng dự án mới phải có thoả thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với dự án mô hình, phải có thẩm định về những nội dung chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Tăng cường Ban chỉ đoạ chương trình 327 cấp tỉnh, huyện và củng cố ban quản lý dự án.

2.1. Ban chỉ đạo chương trình 327 ở cấp tỉnh:

Do Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp làm Trưởng ban, thành viên gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư làm thường trực, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý trực tiếp các dự án lâm nông nghiệp và Chi cục Kho bạc nhà nước tỉnh. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các dự án chương trình 327 trên địa bàn. ở cấp tỉnh phải có tổ chuyên trách, giúp Ban chỉ đạo làm đầu mối, cùng các ngành trực tiếp xử lý nhanh chóng, kịp thời, các thủ tục cần thiết cho chủ dự án như: duyệt thiết kế, dự toán công trình... Thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời, những thiếu sót khuyết điểm của cơ sở, nắm tình hình, tổng hợp báo cáo hàng tháng, hàng quý với Uỷ ban nhân dân tỉnh và cấp trên theo quy định.

2.2. Ban chỉ đạo ở cấp huyện:

Những huyện có diện tích rừng phòng hộ lớn, có dự án 327 thì tuỳ theo tình hình cụ thể, UBND tỉnh có thể quyết định thành lập Ban chỉ đạo ở cấp huyện do Phó chủ tịch huyện phụ trách khối làm trưởng ban, Ban chỉ đạo cấp huyện, có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các dự án của tỉnh hoặc trung ương trên địa bàn.

2.3. Củng cố các Ban quản lý dự án:

Sau khi rà soát, sắp xếp lại các dự án, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ cần xem xét lựa chọn bố trí các chủ dự án và đội ngũ cán bộ có năng lực nhiệt tình, đặc biệt vai trò của chủ dự án, có tính quyết định đến thành công của dự án. UBND các tỉnh khẩn trương sắp xếp tổ chức lại các lâm trường, đối với lâm trường chủ yếu làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, tạo mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, thì chuyển thành doanh nghiệp công ích, hoặc đơn vị sự nghiệp kinh tế để bắt đầu hoạt động từ năm 1997.

3. Xây dựng, tổng hợp và giao kế hoạch:

3.1. Xây dựng và tổng hợp kế hoạch:

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ chuyên ngành căn cứ số hướng dẫn của Nhà nước, tình hình triển khai thực hiện các dự án, chịu trách nhiệm tổng hợp, xây dựng kế hoạch chương trình 327 của Bộ, địa phương mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối ngân sách cho chương trình 327 trong dự toán ngân sách năm trình Chính phủ và Quốc hội quyết định.

3.2. Giao kế hoạch:

Sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giao tổng mức vốn đầu tư của chương trình cho tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Bộ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền giao chỉ tiêu kế hoạch chi tiết cho các tỉnh, thành phố, các Bộ (phần trực tiếp quản lý gồm: Nhiệm vụ, cơ cấu vốn, danh mục dự án, đồng thời thông báo kế hoạch toàn ngành cho các Bộ liên quan để theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra. Như vậy tổng số vốn của chương trình 327 (vốn cấp, vốn vay, vốn sự nghiệp di, dãn dân, quản lý phí) chỉ tập trung một đầu mối, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh và các Bộ.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ trưởng, giao chỉ tiêu kế hoạch cho các chủ dự án (trực tiếp quản lý), có trách nhiệm lồng ghép, phối hợp nội dung các chương trình trên địa bàn, tổ chức chỉ đạo tập trung, đảm bảo sử dụng các nguồn vốn của Nhà nước và đóng góp của nhân dân có hiệu quả, gồm:

- Nhiệm vụ: Trồng rừng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc rừng, chuẩn bị giống năm sau, trồng và chăm sóc cây công nghiệp dài ngày, cây đặc sản, các công trình hạ tầng, phúc lợi công cộng...

- Số hộ di, dãn đến dự án.

- Tổng vốn và cơ cấu vốn: Ngân sách cấp, vay không lãi, sự nghiệp di dãn dân và quản lý phí.

Văn bản giao kế hoạch của Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh cho các chủ dự án (trực tiếp quản lý) gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ chuyên ngành để theo dõi, kiểm tra. Đối với các dự án trực thuộc Trung ương, các Bộ phải gửi văn bản giao kế hoạch của dự án cho tỉnh sở tại. Ban chỉ đạo chương trình 327 của tỉnh có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, quản lý về mặt nhà nước các dự án trung ương. Các chủ dự án của Trung ương trên địa bàn phải có quan hệ thường xuyên với địa phương và có báo cáo định kỳ theo quy định của tỉnh.

- Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước TW căn cứ vào văn bản giao kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đăng ký kế hoạch của các Bộ, các tỉnh để chuyển vốn, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh chủ động tổ chức việc cấp phát và cho vay vốn kịp thời vụ đến chủ dự án, hộ gia đình.

4. Chế độ báo cáo:

Để Ban chỉ đạo các cấp, nắm tình hình triển khai thực hiện kế hoạch của các dự án thường xuyên, kịp thời, nay thống nhất quy định một số điểm sau đây:

- Hàng tháng chủ dự án có báo cáo nhanh, về kết quả sơ bộ một số chỉ tiêu khối lượng và tiền vốn lên cơ quan chủ quản (Ban chỉ đạo cấp trên) từ ngày 25-30 hàng tháng.

- Cơ quan chủ quản (Ban chỉ đạo chương trình 327) tổng hợp báo cáo quý, 6 tháng, 9 tháng, tổng kết năm đến Ban chỉ đạo Trung ương, Bộ Tài chính và Bộ chuyên ngành.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thường trực Ban chỉ đạo chương trình 327 Trung ương), tổng hợp báo cáo 6 tháng và tổng kết hàng năm đến Thủ tướng Chính phủ.

5. Điều khoản chung:

- Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1997.

- Những văn bản trước đây trái với Thông tư này không còn hiệu lực thi hành.

- Các Bộ chuyên ngành, căn cứ tình hình hướng dẫn cụ thể, về những vấn đề thuộc chức năng quản lý của ngành.

Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, Uỷ ban nhân dân tỉnh có văn bản gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ chuyên ngành xem xét giải quyết.

Lê Thị Băng Tâm

(Đã ký)

Võ Hồng Phúc

(Đã ký)

Nguyễn Quang Hà

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 10-TT/LB 1996 thực hiện Quyết định 556/TTg về điều chỉnh Quyết định 327/CT về việc tổ chức chỉ đạo thực hiện chương trình 327 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 10-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 11/12/1996
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính
  • Người ký: Lê Thị Băng Tâm, Nguyễn Quang Hà, Võ Hồng Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản