BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TƯ PHÁP - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC | Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2013 |
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;
Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);
Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.
Trong Thông tư liên tịch này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phương tiện giao thông gồm: phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện giao thông đường thủy, phương tiện giao thông đường không.
2. Phương tiện giao thông đường bộ gồm: phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ và xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
3. Phương tiện giao thông đường sắt gồm: tàu, đầu máy, toa xe, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.
4. Phương tiện giao thông đường thủy gồm: tàu, thuyền, các cấu trúc nổi khác có động cơ hoặc không có động cơ tham gia giao thông đường thủy.
Đường thủy bao gồm đường thủy nội địa và những tuyến đường thủy được khai thác dưới dạng tự nhiên, chưa được tổ chức quản lý nhưng có hoạt động giao thông vận tải.
5. Phương tiện giao thông đường không gồm: máy bay, trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị bay khác.
6. Điều động người không có giấy phép hoặc bằng lái hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật chỉ huy hoặc điều khiển các phương tiện giao thông là việc người có thẩm quyền đưa ra mệnh lệnh, quyết định (bằng lời nói, bằng văn bản…) để yêu cầu người mà mình biết là không có giấy phép, bằng lái hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật chỉ huy hoặc điều khiển phương tiện giao thông.
7. Giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật chỉ huy hoặc điều khiển các phương tiện giao thông là việc người có quyền quản lý phương tiện giao thông biết một người không có giấy phép hoặc bằng lái hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật nhưng vẫn giao cho người đó chỉ huy hoặc điều khiển phương tiện giao thông.
8. Không có giấy phép hoặc bằng (hoặc bằng lái, bằng lái xe) hoặc chứng chỉ chuyên môn quy định tại điểm a khoản 2 các điều 202, 208, 212; khoản 1 các điều 205, 211, 215, 219 Bộ luật Hình sự là một trong những trường hợp sau đây:
a) Chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với loại phương tiện đang chỉ huy, điều khiển mà theo quy định của pháp luật, khi chỉ huy, điều khiển loại phương tiện đó phải có giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
b) Chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông trong thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với loại phương tiện đang chỉ huy, điều khiển mà theo quy định của pháp luật, khi chỉ huy, điều khiển loại phương tiện đó phải có giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
c) Chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông trong thời hạn bị cơ quan có thẩm quyền cấm chỉ huy, điều khiển phương tiện đó.
* Cần chú ý khi áp dụng tình tiết không có giấy phép hoặc bằng (hoặc bằng lái, bằng lái xe) hoặc chứng chỉ chuyên môn:
- Thời hạn sử dụng của giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp được tính từ ngày cấp phép đến khi hết hạn ghi trên giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn đó (hoặc theo quy định của pháp luật về thời hạn của giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn đó).
- Trường hợp người chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đã bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn mà cần tiếp tục chỉ huy, điều khiển phương tiện nốt hành trình còn lại thì trên hành trình đó không bị coi là không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Điều 2. Một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt
1. Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 202 đến Điều 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220; khoản 2 các điều 206, 207, 216, 218, 219, 222, 223 Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết một người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản với giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;
e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ bảy mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
2. Gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 202 đến Điều 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220; khoản 3 các điều 206, 207, 216, 218, 219, 222, 223 Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết hai người;
b) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này là từ trên 100% đến 200%;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của một hoặc hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.
3. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 204; khoản 3 các điều 202, 203, 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220, Điều 222, Điều 223; khoản 4 các điều 206, 207, 216, 218, 219 Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết từ ba người trở lên;
b) Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
c) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;
g) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.
Điều 3. Về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 Bộ luật Hình sự)
1. Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản.
Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ di chuyển, hoạt động nhưng không tham gia giao thông đường bộ (như di chuyển, hoạt động trong trường học, công trường đang thi công hoặc đang khai thác) mà gây tai nạn thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng khác nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm đó như tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 98 Bộ luật Hình sự, tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính quy định tại Điều 99 Bộ luật Hình sự hoặc tội vi phạm quy định về an toàn lao động, về an toàn ở những nơi đông người quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.
2. Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự được hiểu là một trong những trường hợp sau đây:
a) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc đang trong tình trạng say do sử dụng các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia;
b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;
c) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Điều 4. Về tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 203 Bộ luật Hình sự)
1. Các thiết bị an toàn giao thông đường bộ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 203 Bộ luật Hình sự bao gồm đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, tường bảo vệ, đảo giao thông, dải phân cách, gương cầu và các thiết bị phụ trợ khác nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
2. Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 203 Bộ luật Hình sự là hành vi sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.
3. Lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 203 Bộ luật Hình sự là hành vi sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.
4. Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 203 Bộ luật Hình sự là hành vi không đặt biển báo, rào chắn hoặc đặt biển báo, rào chắn không đúng quy định khi thi công trên đường bộ; không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện thi công, các vật liệu khác hoặc không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong.
5. Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 203 Bộ luật Hình sự là hành vi đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ hoặc di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ; phá hoại hệ thống thoát nước thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; căng dây ngang đường và các hành vi tương tự khác.
Điều 5. Về tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ (Điều 205 Bộ luật Hình sự)
1. Người không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 205 Bộ luật Hình sự là người không am hiểu các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; người không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện; người do tình trạng sức khỏe không thể tự chủ điều khiển được tốc độ; người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia.
2. Khi áp dụng Điều luật này cần chú ý:
Trường hợp người được điều động biết mình không có đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vẫn thực hiện theo sự điều động thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này. Trường hợp người được điều động đã đề đạt, từ chối thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng vẫn phải chấp hành sự điều động đó thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự.
Điều 6. Về tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 206 Bộ luật Hình sự)
1. Người tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ quy định tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy cuộc đua xe trái phép. Người tổ chức có thể tham gia hoặc không tham gia cuộc đua xe trái phép.
2. Tổ chức đua xe có quy mô lớn quy định tại điểm a khoản 2 Điều 206 Bộ luật Hình sự là tổ chức cuộc đua xe trái phép có từ 10 xe tham gia trở lên hoặc cùng một lúc tổ chức 2 cuộc đua xe trở lên.
3. Tổ chức cá cược quy định tại điểm b khoản 2 Điều 206 Bộ luật Hình sự là tổ chức cho người khác đánh cuộc thắng thua bằng tiền, hiện vật hoặc các lợi ích khác dựa vào kết quả của cuộc đua xe trái phép.
4. Tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép quy định tại điểm c khoản 2 Điều 206 Bộ luật Hình sự là hành vi của người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, vạch kế hoạch, kêu gọi, rủ rê, lôi kéo người khác tham gia vào việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép.
5. Tổ chức đua xe nơi tập trung đông dân cư quy định tại điểm d khoản 2 Điều 206 Bộ luật Hình sự là tổ chức đua xe trái phép ở những đường có mật độ đông người tham gia giao thông, ở khu vực có nhiều người sinh sống, ở trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn, ở nơi đang diễn ra các sự kiện (như lễ hội, mít tinh, hội nghị, thi đấu thể thao…).
6. Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 206 Bộ luật Hình sự là tháo dỡ phanh hãm xe, đèn chiếu sáng hoặc các thiết bị an toàn khác của xe dùng để đua trái phép.
7. Khi áp dụng điều luật này cần chú ý: Thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác được hiểu là cuộc đua xe trái phép do người phạm tội tổ chức đã dẫn đến hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho bất kỳ người nào, kể cả người đua xe trái phép.
Điều 7. Về tội đua xe trái phép (Điều 207 Bộ luật Hình sự)
1. Gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác quy định tại khoản 1 Điều 207 Bộ luật Hình sự là một trong những trường hợp sau đây:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31%;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 11%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 21% đến dưới 41%;
c) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng.
2. Tham gia cá cược quy định tại điểm c khoản 2 Điều 207 Bộ luật Hình sự là đánh cuộc thắng thua bằng tiền, hiện vật hoặc các lợi ích khác dựa vào kết quả của cuộc đua xe trái phép.
3. Đua xe nơi tập trung đông dân cư quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 207 Bộ luật Hình sự là đua xe trái phép ở những nơi có mật độ đông người tham gia giao thông, ở khu vực có nhiều người sinh sống, ở trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn, ở nơi đang diễn ra các sự kiện (như lễ hội, mít tinh, hội nghị, thi đấu thể thao…).
4. Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua quy định tại điểm e khoản 2 Điều 207 Bộ luật Hình sự là tháo dỡ phanh hãm xe, đèn chiếu sáng hoặc các thiết bị an toàn khác của xe dùng để đua trái phép.
5. Khi áp dụng Điều luật này cần chú ý:
a) Thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác được hiểu là người đua xe trái phép gây hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho bất kỳ người nào, kể cả người tham gia đua xe trái phép cùng người đó.
b) Người phạm tội đua xe trái phép gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 2 Điều 207 Bộ luật Hình sự mà không phải chịu trách nhiệm hình sự thêm về "tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự. Trường hợp người đua xe trái phép gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác với lỗi cố ý thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 207 Bộ luật Hình sự thì còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật tương ứng (Điều 93, Điều 104, Điều 143) của Bộ luật Hình sự.
c) Đối với người sau khi ngồi lên xe vẫn không biết người điều khiển xe sẽ thực hiện việc đua xe, nhưng trên đường đi người điều khiển xe đã thực hiện việc đua mà người ngồi sau xe buộc phải ngồi lại trên xe, không có hành vi cổ vũ, reo hò và các hành vi khác hưởng ứng việc đua xe thì họ không bị coi là người đua xe trái phép.
Điều 8. Về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 208 Bộ luật Hình sự)
1. Người chỉ huy phương tiện giao thông đường sắt quy định tại khoản 1 Điều 208 Bộ luật Hình sự bao gồm:
a) Trưởng tàu;
b) Nhân viên điều độ chạy tàu;
c) Trực ban chạy tàu ga;
d) Trưởng dồn;
đ) Nhân viên gác ghi;
e) Nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe;
g) Nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm;
h) Nhân viên gác đường ngang, cầu chung.
2. Người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt quy định tại khoản 1 Điều 208 Bộ luật Hình sự là người trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường sắt.
3. Vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường sắt quy định tại khoản 1 Điều 208 Bộ luật Hình sự là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường sắt và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản.
4. Trong tình trạng dùng rượu bia quá nồng độ quy định quy định tại điểm b khoản 2 Điều 208 Bộ luật Hình sự là trường hợp người chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 miligam/1lít khí thở.
5. Say do dùng các chất kích thích mạnh khác quy định tại điểm b khoản 2 Điều 208 Bộ luật Hình sự là trường hợp người chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia.
Điều 9. Về tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường sắt (Điều 211 Bộ luật Hình sự)
1. Người không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự là người không đủ sức khỏe (do ốm đau, làm việc quá sức) để chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt; người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia.
2. Khi áp dụng Điều luật này cần chú ý:
Trường hợp người được điều động biết mình không có đủ điều kiện để chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà vẫn thực hiện theo sự điều động thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt theo Điều 208 Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này. Trường hợp người được điều động đã đề đạt, từ chối thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng vẫn phải chấp hành sự điều động đó thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm theo quy định tại Điều 208 Bộ luật Hình sự.
Điều 10. Về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 212 Bộ luật Hình sự)
1. Người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy quy định tại khoản 1 Điều 212 Bộ luật Hình sự là người có quan hệ trực tiếp (thuyền trưởng, thuyền phó, hoa tiêu, người lái phương tiện) đến việc bảo đảm an toàn của phương tiện giao thông đường thủy.
2. Vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy quy định tại khoản 1 Điều 212 Bộ luật Hình sự là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về an toàn giao thông đường thủy (vi phạm quy tắc giao thông đường thủy; vi phạm quy định về tín hiệu của phương tiện; vi phạm quy định về hoạt động của phương tiện trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa; vi phạm quy định về vận chuyển hành khách; vi phạm quy định về xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện; vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện; vi phạm quy định về vận tải hàng hóa nguy hiểm; vi phạm quy định về hoa tiêu) và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản.
3. Trong tình trạng dùng rượu, bia quá nồng độ quy định quy định tại điểm b khoản 2 Điều 212 Bộ luật Hình sự là trường hợp điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 miligam/1lít khí thở.
4. Say do dùng các chất kích thích mạnh khác quy định tại điểm b khoản 2 Điều 212 Bộ luật Hình sự là trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia.
Điều 11. Về tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy (Điều 215 Bộ luật Hình sự)
1. Người không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 215 Bộ luật Hình sự là người không thông hiểu các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy; người không đủ sức khỏe, tuổi để điều khiển phương tiện; người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia.
2. Khi áp dụng Điều luật này cần chú ý:
Trường hợp người được điều động biết mình không có đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà vẫn thực hiện theo sự điều động thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo Điều 212 Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này. Trường hợp người được điều động đã đề đạt, từ chối thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng vẫn phải chấp hành sự điều động đó thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm theo quy định tại Điều 212 Bộ luật Hình sự.
Điều 12. Về tội vi phạm các quy định về điều khiển tàu bay (Điều 216 Bộ luật Hình sự)
1. Người điều khiển tàu bay quy định tại khoản 1 Điều 216 Bộ luật hình sự là thành viên tổ lái, gồm: lái chính, lái phụ và nhân viên hàng không khác phù hợp với loại tàu bay.
2. Người chỉ huy tàu bay quy định tại khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự là thành viên tổ lái được người khai thác tàu bay chỉ định cho một chuyến bay; đối với hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại thì do chủ sở hữu tàu bay chỉ định.
3. Hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường không quy định tại khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự là hành vi điều khiển tàu bay vi phạm quy tắc bay, phương thức bay; bay vào, bay ra hoặc bay trong vùng trời thuộc lãnh thổ Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; bay vào khu vực cấm hoặc hạn chế khi không được phép; hạ cánh ngoài các nơi quy định; sử dụng sai hoặc làm nhiễu các tần số thông tin liên lạc; điều khiển tàu bay bay trên khu vực đông dân không đúng quy định; xả, thả trái phép nhiên liệu, hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay xuống; bay không đúng đường bay, độ cao quy định; sử dụng thiết bị điện tử, thiết bị thu phát sóng trên tàu bay khi không được phép; thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình theo quy định ảnh hưởng đến hoạt động hàng không dân dụng uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không.
Điều 13. Về tội cản trở giao thông đường không (Điều 217 Bộ luật Hình sự)
Hành vi khác cản trở giao thông đường không quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật Hình sự là hành vi như không đặt, sơn, gắn các dấu hiệu tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay theo quy định; vận chuyển hàng hóa có tính từ cao, có chất phóng xạ, có chất ăn mòn hay làm gỉ kim loại mà không được phép hoặc không thực hiện các biện pháp bảo đảm cần thiết; nuôi thả gia súc, gia cầm trong khu vực cảng hàng không hoặc thả diều, vật thể bay trong và ngoài cảng hàng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bay; sử dụng đài trạm thông tin liên lạc hoặc thiết bị khác gây cản trở, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đài, trạm vô tuyến điện hàng không.
Điều 14. Về tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường không (Điều 219 Bộ luật Hình sự)
Không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường không quy định tại khoản 1 Điều 219 Bộ luật Hình sự được hiểu là không đủ các điều kiện về sức khỏe, trình độ chuyên môn như người lái tàu bay không đủ điều kiện về sức khỏe (do ốm đau, làm việc quá sức), người sử dụng các trang thiết bị phụ trợ giao thông đường không không đủ điều kiện về trình độ chuyên môn, khả năng; người đang trong tình trạng sử dụng ma túy hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện như người sử dụng ma túy, rượu, bia.
Điều 15. Về tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông (Điều 220 Bộ luật Hình sự)
Hành vi vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không quy định tại khoản 1 Điều 220 Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi sau:
1. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình (như: không bảo đảm hệ thống cọc tiêu, biển báo, biển chỉ dẫn, biểu hiệu…) liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông;
2. Không xử lý kịp thời đối với các công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông;
3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn… ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa;
4. Không thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên các đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông;
5. Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng;
6. Các vi phạm khác về duy tu, bảo dưỡng, quản lý công trình giao thông như không đặt hoặc đặt không đủ các tín hiệu phòng vệ theo quy định thi công, sửa chữa công trình giao thông; không thu dọn, thanh thải các biển phòng vệ, rào chắn, phương tiện, các vật liệu khi thi công xong và các hành vi tương tự khác.
Điều 16. Về tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221 Bộ luật Hình sự)
1. Các thủ đoạn khác quy định tại khoản 1 Điều 221 Bộ luật Hình sự như lén lút, lừa dối, lợi dụng lòng tin, cưỡng ép, gây sức ép, uy hiếp tinh thần, đánh thuốc mê nhằm chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy.
2. Vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 221 Bộ luật Hình sự là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (sửa đổi, bổ sung năm 2013); các công cụ, dụng cụ nguy hiểm như búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt); vật mà người phạm tội chế tạo ra (như thanh sắt mài nhọn, côn gỗ) hoặc vật có sẵn trong tự nhiên (như gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt) mà việc sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công.
3. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại điểm c khoản 2 Điều 221 Bộ luật Hình sự được hiểu là gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 11%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 21% đến dưới 41%.
4. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự được hiểu là gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người khác trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại điểm a, b khoản 3 Điều này và còn gây thiệt hại về tài sản của người khác với giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản của người khác có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.
Điều 17. Về tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 222 Bộ luật Hình sự)
Khi áp dụng Điều luật này cần chú ý: Cấu thành tội phạm điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự cơ bản giống cấu thành tội phạm vi phạm các quy định về điều khiển tàu bay quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên cần chú ý, khách thể của tội phạm quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự ngoài xâm phạm vào những quy định về an toàn giao thông đường không còn đe dọa xâm phạm đến an ninh quốc gia.
Điều 18. Về tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 223 Bộ luật Hình sự)
Vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 223 Bộ luật Hình sự được hiểu là một trong những hành vi sau đây:
1. Chạy quá tốc độ cho phép trong vùng nước cảng biển, chạy không đúng vùng được phép hoạt động theo quy định;
2. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các thủ tục vào cảng, rời cảng, chế độ hoa tiêu, thủ tục neo, đậu, cập cầu, cập mạn, trật tự - vệ sinh, an toàn cháy nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do phương tiện hàng hải gây ra;
3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về đi, tránh nhau, vượt nhau, nhường đường trong hoạt động giao thông hàng hải;
4. Phương tiện giao thông hàng hải không có hoặc không bảo đảm về còi, chuông, kẻng theo âm lượng quy định; không bảo đảm về đèn hành trình, đèn hiệu theo tiêu chuẩn quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng về phát tín hiệu về âm hiệu, tín hiệu ánh sáng;
5. Các vi phạm khác về an toàn giao thông hàng hải Việt Nam.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 11 năm 2013.
Điều 20. Các quy định chuyển tiếp
1. Các hướng dẫn trong Thông tư liên tịch này nếu làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với trước đây thì được áp dụng khi điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành.
2. Đối với các trường hợp mà người phạm tội đã bị kết án đúng theo các văn bản trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không áp dụng hướng dẫn của Thông tư liên tịch này để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Nếu theo Thông tư liên tịch này, họ không phải chịu trách nhiệm hình sự thì giải quyết theo thủ tục miễn chấp hành hình phạt.
3. Đối với các trường hợp đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà được áp dụng hướng dẫn của Thông tư liên tịch này để tuyên bố miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cần giải thích cho họ rõ về trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự này không phải là cơ sở của việc bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.
Các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị liên quan phản ánh về Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để có hướng dẫn kịp thời./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
| KT. VIỆN TRƯỞNG |
Nơi nhận: |
- 1Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Chương XV "Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình" của Bộ luật hình sự năm 1999 do Bộ Tư pháp- Bộ Công an- Toà án nhân dân tối cao- Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn áp dụng chương XIV "Các tội phạm xâm phạm sở hữu" của Bộ luật Hình sự năm 1999 do Bộ Công An; Bộ Tư pháp; Toà án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3Thông tư liên tịch 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP hướng dẫn áp dụng Chương XXII "Các tội xâm phạm nghĩa vụ trách nhiệm của quân nhân" của Bộ luật Hình sự năm 1999 do Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Quốc phòng ban hành
- 4Công văn 988/KSDT-TA năm 2002 xin ý kiến về định lượng Điều 253 Bộ luật hình sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 5Công văn 276/TANDTC-PC năm 2016 hướng dẫn áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 6Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 1Bộ Luật Hình sự 1999
- 2Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Chương XV "Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình" của Bộ luật hình sự năm 1999 do Bộ Tư pháp- Bộ Công an- Toà án nhân dân tối cao- Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn áp dụng chương XIV "Các tội phạm xâm phạm sở hữu" của Bộ luật Hình sự năm 1999 do Bộ Công An; Bộ Tư pháp; Toà án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 4Thông tư liên tịch 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP hướng dẫn áp dụng Chương XXII "Các tội xâm phạm nghĩa vụ trách nhiệm của quân nhân" của Bộ luật Hình sự năm 1999 do Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Quốc phòng ban hành
- 5Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008
- 6Bộ luật hình sự sửa đổi 2009
- 7Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 8Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2013
- 9Công văn 988/KSDT-TA năm 2002 xin ý kiến về định lượng Điều 253 Bộ luật hình sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 10Công văn 276/TANDTC-PC năm 2016 hướng dẫn áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 11Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 28/08/2013
- Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: Hoàng Thế Liên, Lê Quý Vương, Nguyễn Thành Cung, Nguyễn Hải Phong
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 703 đến số 704
- Ngày hiệu lực: 06/11/2013
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực