Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG,THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-
BỘ QUỐC PHÒNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/TT-LB

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 1986

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ QUỐC PHÒNG - LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 08/TT-LB NGÀY 25 THÁNG 8 NĂM 1986 GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM VÀ THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 236/HĐBT CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Ngày 30-9-1985 Bộ Thương binh và Xã hội đã có Thông tư 48/TBXH và ngày 10-12-1985, Bộ Quốc phòng đã có Thông tư số: 2123/QP hướng dẫn thực hiện Nghị định số 236/HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng về bỏ, sửa đổi một số chế độ, chính sách về Thương binh và Xã hội.

Qua thời gian thực hiện và ý kiến phản ánh của các địa phương, đơn vị, Liên Bộ QP - TBXH giải thích và hướng dẫn bổ sung một số điểm cụ thể như sau:

1. Cách tính quy đổi thời gian công tác theo hệ số

(áp dụng đối với người nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, tính trợ cấp quân nhân phục viên từ ngày 1-9-1985 trở về sau và cho những người đã về nghỉ trước ngày 1-9-1985 còn đang hưởng trợ cấp).

a. Những quân nhân đã phục vụ tại ngũ trong thời gian từ ngày 5-8-1964 đến ngày 28-1-1975 (thời gian chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở các tỉnh miền Bắc) thì thời gian này được thống nhất quy đổi một năm bằng 1 năm 6 tháng).

Những cán bộ, công nhân, nhân viên chức quốc phòng có thời gian tham gia phục vụ các đơn vị chiến đấu, hoặc các đơn vị trực tiếp phục vụ chiến đấu trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở các tỉnh miền Bắc từ 5-8-1964 đến 28-1-1973 thì thời gian này được tính quy đổi 1 năm bằng 1 năm 6 tháng.

b. Do tính chất đặc điểm quân đội trong nhiệm vụ quốc tế, thời gian quân nhân làm chuyên gia đại sứ quán ở nước bạn (không thực hiện đối với quân nhân đi học, đi công tác hoặc đi theo chế độ ngoại giao) từ sau ngày 30-4-1975, cũng được tính quy đổi theo hệ số 1 năm 6 tháng.

c. Đối với công nhân viên quốc phòng trong những thời gian làm thường trực cổng cơ quan, vườn hoa cây cảnh, làm cô nuôi dạy trẻ thì thời gian công tác trước ngày 30-4-1975 được quy đổi bằng 1 năm 2 tháng, còn thời gian sau 30-4-1975 tính theo thời gian thực tế (không quy đổi theo hệ số).

Ngoài việc tính quy đổi thời gian theo các tiết a, b, c, trên đây, các thời gian công tác khác của quân nhân, công nhân viên quốc phòng vẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 2123/QP ngày 10-12-1985 của Bộ Quốc phòng.

2. Quân nhân, chuyển ngành cũng được áp dụng điều kiện về tuổi đời (nam 55 tuổi, nữ 50 tuổi) để nghỉ hưu như quân tại ngũ; thời gian phục vụ tại ngũ được quy đổi theo hệ số như quy định tại Thông tư số 212 ngày 10-12-1985 của Bộ Quốc phòng và bổ sung tại điểm 1 nói trên của Thông tư Liên Bộ này.

3. Đối với những quân nhân đã có đủ điều kiện về thời gian công tác sau khi đã quy đổi (nam đủ 30 năm, nữ đủ 25 năm) mà chưa đủ điều kiện về tuổi đời nhưng vì bị thương, bị tai nạn, vì ốm đau mà sức khoẻ giảm sút không đủ điều kiện tiếp tục phục vụ trong quân đội, thì cũng được nghỉ hưu, không cần phải ra hội đồng giám định y khoa giám định sức khoẻ.

4. Đối với những quân nhân chưa có đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định 236/HĐBT ngày 18-9-1985 của HĐBT, mà có đủ điều kiện theo Điều 2 Nghị định 189/HĐBT ngày 29-11-1982 của Hội đồng Bộ trưởng thi hành Luật về sĩ quan hoặc điểm 1 Thông tư số 20/TT-LB ngày 2-5-1983 của Liên Bộ Thương binh và Xã hội và Quốc phòng thì cũng được hưởng chế độ nghỉ hưu. Cách tính lương hưu như sau:

a. Tiền lương làm cơ sở để tính lương hưu bao gồm: Lương chính và phụ cấp thâm niên.

b. Thời gian công tác tính theo thời gian công tác thực tế (không quy đổi hệ số).

c. Tỷ lệ % để hưởng lương hưu được tính như sau: Có thời gian công tác đủ 5 năm được hưởng bằng 45% lương chính và phụ cấp thâm niên từ năm thứ 5 đến năm thứ 10, cứ mỗi năm công tác thêm 1%; từ năm thứ 11 trở đi, mỗi năm công tác thêm 2; tối đa không quá 75% lương chính và phụ cấp thâm niên.

d. Được trợ cấp 1 lần bằng 1 tháng lương chính và các khoản phụ cấp đang hưởng của tháng cuối cùng trước khi nghỉ hưu, do đơn vị quân đội cấp.

Không hưởng khoản trợ cấp hàng tháng từ 10% đến 20% lương chính theo quy định tại Điều 6 Quyết định 21/HĐBT ngày 8-8-1981 của Hội đồng Bộ trưởng quy định trên được áp dụng cho cả số đã nghỉ hưu trước ngày 1-9.

5. Chế độ trợ cấp đối với bệnh binh xuất ngũ:

a. Bệnh binh hạng 1, hạng 2, hạng 3, ngoài khoản trợ cấp hàng tháng như đã quy định tại Điều 12 Nghị định 236/HĐBT còn được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 1 tháng lương chính và các khoản phụ cấp của tháng lương cuối cùng (đối với quân nhân hưởng lương) hoặc bằng 250 đ/tháng (đối với quân nhân hưởng sinh hoạt phí).

Khoản trợ cấp lần đầu đối với bệnh binh do các đơn vị quân đội giải quyết cho anh em trước khi xuất ngũ.

Đối với bệnh binh đã xuất ngũ từ ngày 1-9-1985 đến ngày ban hành Thông tư này, nếu chưa được nhận khoản trợ cấp lần đầu nói trên thì cũng được hưởng, do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương căn cứ vào hồ sơ xuất ngũ của bệnh binh để giải quyết.

b. Bệnh binh hạng 2, hạng 3 theo quy định kỳ 2 năm 1 lần giám định lại sức lao động tại HĐGĐYK, nếu tỷ lệ mất sức lao động chỉ còn ở mức từ 40% trở xuống, thì tạm thời hưởng trợ cấp bệnh binh hàng tháng mà chuyển sang hưởng các khoản trợ cấp phục viên do ngành TBXH địa phương giải quyết.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-1985.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Sở TBXH, các đơn vị quân đội kịp thời phản ánh về Bộ TBXH, Bộ Quốc phòng để nghiên cứu giải quyết.

Trần Hiếu

(Đã ký)

Trần Văn Quang

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 08/TT-LB năm 1986 giải thích và bổ sung một số điểm và thực hiện Nghị định 236/HĐBT về bỏ, sửa đổi một số chế độ, chính sách về Thương binh và Xã hội do Bộ Quốc phòng - Lao động - Thương binh và xã hội ban hành

  • Số hiệu: 08/TT-LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 25/08/1986
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Trần Hiếu, Trần Văn Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản