Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2011/TTLT-BCA-BGTVT

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2011

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH VỀ PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải quy định về phối hợp thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức và trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; các cơ quan, đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt

1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường sắt, quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an các đơn vị, địa phương và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải.

3. Bảo đảm sự chủ động, kịp thời và có sự trao đổi thống nhất khi phối hợp giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường sắt (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).

Điều 4. Nội dung công tác phối hợp

1. Tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt và tổ chức triển khai thực hiện. Đề xuất hoặc kiến nghị các giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông đường sắt; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

3. Đấu tranh phòng, chống và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt; bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt; điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông đường sắt; bảo vệ các chuyến tàu đặc biệt; bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; thực hiện cứu nạn, cứu hộ; khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, cháy nổ gây trở ngại giao thông đường sắt.

4. Cung cấp, trao đổi thông tin, số liệu có liên quan đến tình hình công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

5. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên đường sắt và sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân (sau đây viết gọn là cán bộ, chiến sĩ) trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Điều 5. Hình thức phối hợp

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

2. Thành lập tổ chức công tác liên ngành kiểm tra tình hình, công tác bảo đảm trật tự giao thông đường sắt và giải quyết những vấn đề liên quan.

3. Tổ chức họp giao ban liên ngành trao đổi thông tin; tham mưu cấp có thẩm quyền đề ra biện pháp, kế hoạch tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

4. Thường xuyên trao đổi thông tin; định kỳ cung cấp số liệu liên quan; tổ chức sơ kết, tổng kết các chuyên đề về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Chương 2.

TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 6. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc ngành Công an

1. Trách nhiệm của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Giao thông vận tải tham mưu các cấp có thẩm quyền xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt; các đề án về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt;

b) Phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam hoặc chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt phối hợp với lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành đường sắt, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, chính quyền địa phương, Ban An toàn giao thông, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đường sắt (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh) tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt trên các phương tiện thông tin đại chúng và cho các đối tượng tham gia hoạt động đường sắt và cộng đồng dân cư nơi có đường sắt đi qua;

c) Chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, lực lượng bảo vệ đường sắt (lực lượng bảo vệ cơ quan, xí nghiệp đường sắt và lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa) tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên địa bàn đường sắt (các đoàn tàu, nhà ga, đường ngang, cầu, đường, hầm đường sắt); đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trên địa bàn đường sắt;

d) Phối hợp với Cục Cảnh sát bảo vệ, Bộ Tư lệnh cảnh vệ, Công an các đơn vị, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với các đoàn tàu chở lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế và các đoàn tàu chở hàng đặc biệt;

đ) Phối hợp với chính quyền địa phương, Công an cấp tỉnh, Sở Giao thông vận tải, các đơn vị chức năng của ngành giao thông vận tải kiểm tra, giải tỏa, bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt; cứu nạn, cứu hộ; khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông đường sắt; thiên tai, lụt bão gây trở ngại giao thông đường sắt;

e) Chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp Giấy chứng nhận đã học nghiệp vụ bảo vệ trên tàu hỏa (theo mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 1669/2007/QĐ-BCA(C11) ngày 25/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an) cho lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa theo quy định của pháp luật;

g) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt trong việc phối hợp với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và các lực lượng có liên quan điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của Công an cấp tỉnh

a) Tham mưu cho chính quyền địa phương các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt;

b) Phối hợp với chính quyền địa phương, Ban An toàn giao thông, Sở giao thông vận tải, lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành đường sắt, các đơn vị đường sắt có liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân tại địa phương chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt;

c) Phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành đường sắt kiểm tra, giám sát và xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội tại các địa bàn đường sắt phụ trách; hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị đường sắt trong địa bàn phụ trách thực hiện các quy định của pháp luật và kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, vận chuyển hàng nguy hiểm;

d) Phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an, các đơn vị đường sắt có liên quan trong việc bảo đảm an toàn cho các chuyến tàu chở lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế và các đoàn tàu chở hàng đặc biệt;

đ) Điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông đường sắt, các vụ gây mất trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội xảy ra trên địa bàn đường sắt được giao phụ trách; kịp thời tiếp nhận đối tượng, hồ sơ, vật chứng, phương tiện có liên quan do các đơn vị, cán bộ, nhân viên đường sắt bàn giao.

3. Trách nhiệm của các lực lượng Cảnh sát khác

Các lực lượng Cảnh sát khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt; các cơ quan, đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Giao thông vận tải

1. Trách nhiệm của Vụ An toàn giao thông

Chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị có liên quan tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt; các đề án tổng thể về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt trên phạm vi toàn quốc; các cơ chế, chính sách, biện pháp liên ngành nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt thuộc chức năng của Bộ Giao thông vận tải.

2. Trách nhiệm của Cục Đường sắt Việt Nam

a) Chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an cấp tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt trên các phương tiện thông tin đại chúng và cho các đối tượng tham gia hoạt động đường sắt, cộng đồng dân cư nơi có đường sắt đi qua;

b) Chỉ đạo lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành đường sắt và các đơn vị trực thuộc chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Thanh tra giao thông, Công an cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt; tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương, Sở Giao thông vận tải, các đơn vị đường sắt có liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt, bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tại các đường ngang, cầu chung, các khu vực dân cư dọc ven đường sắt; tham gia cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông đường sắt, thiên tai, lụt bão gây trở ngại giao thông đường sắt;

c) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp trong việc điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông đường sắt theo đề nghị của cơ quan Công an có thẩm quyền;

d) Phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an cấp tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa; xây dựng nội dung chương trình huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa.

3. Trách nhiệm của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt

a) Tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt, các văn bản hướng dẫn về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của cán bộ, công nhân viên đường sắt trực thuộc;

b) Cung cấp kịp thời cho Công an các đơn vị, địa phương có liên quan công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng, biểu đồ chạy tàu; các kế hoạch sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng; các kế hoạch vận chuyển hàng đặc biệt, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, vận chuyển hàng nguy hiểm và kế hoạch vận chuyển lớn có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt;

c) Có kế hoạch cụ thể và chủ động phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn tại các địa bàn đường sắt. Chủ động tham mưu và phối hợp với cơ quan Công an, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kiểm tra, giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt;

d) Tổ chức lực lượng kiểm tra bảo vệ đường sắt, bảo đảm trật tự, an toàn trên các đoàn tàu, nhà ga và tuyến đường sắt; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt; trật tự, an toàn xã hội;

đ) Định kỳ 3 (ba) tháng hoặc đột xuất, tổ chức giao ban liên ngành (giao thông, công an, chính quyền địa phương) đánh giá tình hình công tác phối hợp và báo cáo cấp trên về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt trong phạm vi quản lý;

e) Khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt hoặc các vụ việc gây mất trật tự xã hội, trật tự, an toàn giao thông đường sắt:

- Tổ chức cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ hiện trường; bảo vệ tài sản của Nhà nước và của người bị nạn;

- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định tại Điều 8 Thông tư này. Nếu cơ quan Công an có mặt tại hiện trường thì lập hồ sơ vụ việc theo quy định của pháp luật và cử người ở lại bàn giao cho cơ quan Công an có thẩm quyền giải quyết tiếp;

- Phối hợp, hỗ trợ cơ quan Công an có thẩm quyền trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc khi có yêu cầu;

- Tổ chức công tác khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật;

- Lưu giữ kết quả ghi băng tốc độ đầu máy liên quan đến vụ tai nạn và cung cấp cho cơ quan Công an khi có yêu cầu;

g) Có kế hoạch phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ an toàn giao thông đường sắt, nghiệp vụ bảo vệ, việc sử dụng các loại công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ đường sắt; bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, công nhân viên đường sắt; kiểm tra, đôn đốc lực lượng bảo vệ đường sắt trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, các quy định về công tác quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật;

h) Phối hợp, hỗ trợ Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an cấp tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật đường sắt cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt;

i) Thông báo cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải và cơ quan Công an có liên quan kết quả thực hiện những kiến nghị về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, trật tự xã hội;

k) Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

4. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

a) Chỉ đạo, đôn đốc lực lượng Thanh tra giao thông, các đơn vị, doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường thủy tại địa phương kịp thời phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an, chính quyền địa phương, các đơn vị đường sắt có liên quan trong việc cứu nạn, cứu hộ; khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông đường sắt, thiên tai, lụt bão gây trở ngại giao thông đường sắt;

b) Chỉ đạo, đôn đốc lực lượng Thanh tra giao thông địa phương phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành đường sắt, các lực lượng Công an, các đơn vị đường sắt có liên quan thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt, các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt tại các đường ngang, cầu chung trong phạm vi địa bàn phụ trách; tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông tại các đường ngang, cầu chung theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền;

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị đường sắt có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông nơi đường bộ giao cắt hoặc chạy song song đường sắt tại địa phương theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

5. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan khác

Các cơ quan, đơn vị có liên quan khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

Điều 8. Chế độ thông tin, báo cáo, cung cấp số liệu

1. Trưởng tàu hoặc Trưởng ga thông báo ngay vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra và báo cáo vụ tai nạn (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này), các đơn vị đường sắt có liên quan thông báo ngay vụ việc gây mất trật tự, an toàn giao thông đường sắt cho cơ quan Công an nơi xảy ra vụ việc để phối hợp giải quyết.

2. Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh báo cáo Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an cấp tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Cảnh sát giao thông) các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trong phạm vi địa bàn phụ trách (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này); định kỳ hàng tháng, 6 (sáu) tháng, một năm gửi báo cáo, thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trong phạm vi địa bàn phụ trách (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).

3. Sở Giao thông vận tải cung cấp kịp thời cho Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh những thông tin, các chương trình, dự án về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ có liên quan đến an toàn giao thông đường sắt.

4. Định kỳ hàng tháng, 6 (sáu) tháng, một năm, Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh gửi báo cáo, thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trong phạm vi địa bàn phụ trách (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) cho Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt. Trường hợp xảy ra các vụ việc gây mất trật tự, an toàn giao thông đường sắt phức tạp, các vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì báo cáo ngay về Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt để chỉ đạo.

5. Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam rà soát số liệu thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông đường sắt trong phạm vi toàn quốc (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) theo định kỳ hàng tháng, 6 (sáu) tháng, một năm; cập nhật, đưa các số liệu về tai nạn giao thông đường sắt, kết quả xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đường sắt của Công an các đơn vị, địa phương và các thông tin, số liệu liên quan khác lên website của Cảnh sát giao thông (http://csgt.vn) theo định kỳ hàng ngày, hàng tháng.

6. Định kỳ hàng tháng, 6 (sáu) tháng, một năm, Cục Đường sắt Việt Nam cung cấp cho Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt số liệu liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt trong phạm vi toàn quốc (tổng số phương tiện giao thông đường sắt theo chủng loại được đăng ký mới; tổng số giấy phép lái tàu theo loại phương tiện được cấp mới, đổi, thu hồi; tổng số trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép lái tàu theo loại phương tiện …); các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án quốc gia về phát triển giao thông đường sắt trong phạm vi toàn quốc; các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực kết cấu hạ tầng, vận tải đường sắt. Định kỳ hàng ngày, hàng tháng, Cục Đường sắt Việt Nam cập nhật, đưa các số liệu về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, cấp giấy phép lái tàu, kết quả xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đường sắt của cơ quan có thẩm quyền thuộc ngành giao thông vận tải và các thông tin, số liệu liên quan khác lên website của Cục Đường sắt Việt Nam (http://vnra.gov.vn).

7. Định kỳ hàng tháng, 6 (sáu) tháng, một năm, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cung cấp cho Cục Đường sắt Việt Nam, Vụ An toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt số liệu báo cáo thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông đường sắt trong phạm vi quản lý (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này); cung cấp cho Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục Đăng kiểm Việt Nam số liệu các vụ trở ngại chạy tàu do sự cố kỹ thuật của công trình, phương tiện giao thông đường sắt; cung cấp cho Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh số liệu liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt (vi phạm hành lang đường sắt; đường ngang; trộm cắp vật tư đường sắt, hàng hóa, hành lý, của khách đi tàu; ném đất đá lên tàu …). Định kỳ hàng ngày, hàng tháng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cập nhật, đưa các số liệu về vi phạm hành lang đường sắt, đường ngang, trộm cắp vật tư đường sắt, trộm cắp tài sản của khách đi tàu, ném đất đá lên tàu và các thông tin, số liệu liên quan khác lên website của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (http://vr.com.vn).

8. Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp cho Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam thông tin, số liệu về đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt theo định kỳ hàng tháng, 6 (sáu) tháng, một năm; cập nhật, đưa số liệu về đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt lên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam (http://vr.org.vn) theo định kỳ hàng ngày, hàng tháng.

9. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp kịp thời cho Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam những thông tin, các chương trình, dự án về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có liên quan đến an toàn giao thông đường sắt (kế hoạch xây dựng cầu vượt, hầm chui qua đường sắt, hàng rào hộ lan ngăn cách đường bộ, đường sắt …).

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2012.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

1. Trách nhiệm của cơ quan Công an

a) Tổng hợp Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân thực hiện Thông tư này; chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt chủ trì, phối hợp với Vụ An toàn giao thông, Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết 5 (năm) năm một lần về việc thực hiện Thông tư này;

b) Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải

a) Vụ An toàn giao thông có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải có liên quan thực hiện Thông tư này; phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết 5 (năm) năm một lần về việc thực hiện Thông tư này;

b) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc nảy sinh cần báo cáo Bộ Công an (qua Tổng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội), Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ An toàn giao thông) để có hướng dẫn kịp thời.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI




Đinh La Thăng

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN




Trung tướng Trần Đại Quang

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Ủy ban An toàn giao thông quốc gia;
- Các Tổng cục, đơn vị thuộc Bộ Công an;
- Các cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Cảnh sát PCCC:
- Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Tổng công ty: Đường sắt Việt Nam, Thép Việt Nam, Hóa chất Việt Nam, Xi măng Việt Nam;
- Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam;
- Cục Kiểm tra văn bản thuộc Bộ Tư pháp;
- Website Bộ Công an, Website Bộ Giao thông vận tải;
- Công báo;
- Lưu: VT, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải.

 

 

Mẫu số 01

Ban hành theo TTLT số 08/TTLT-BCA-BGTVT ngày 29/11/2011

………(1)……….
………(2)……….
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BÁO CÁO VỤ TAI NẠN

1. Họ và tên người báo cáo: ..................................................................................................

Chức vụ: ...............................................................................................................................

Đơn vị công tác: ...................................................................................................................

2. Số hiệu tàu: ……… do đầu máy ……… kéo, gồm ……… xe, tổng trọng ……….. tấn, đến km ……… khu gian ………………… thuộc xã (phường) ……………… huyện (quận) ………….. tỉnh (TP) ……………., xảy ra vụ tai nạn lúc ……… giờ …….. phút, …….. ngày ……… tháng ……. năm …………………

Thời tiết lúc xảy ra tai nạn: .....................................................................................................

3. Khái quát tình hình:

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................  

4. Sơ bộ nguyên nhân, thiệt hại:

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................  

.............................................................................................................................................

5. Biện pháp giải quyết:

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

 


NGƯỜI NHẬN BÁO CÁO
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị)

………. ngày … tháng …. năm …….
NGƯỜI BÁO CÁO
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

____________

1 Tên cơ quan chủ quản.

2 Tên đơn vị báo cáo; nếu là báo cáo của trưởng tàu thì không cần ghi.


Mẫu số 02

Ban hành theo TTLT số 08/TTLT-BCA-BGTVT ngày 29/11/2011

….………(1)………….
….………(2)………….
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BÁO CÁO THỐNG KÊ, TỔNG HỢP TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

(Từ ngày ……/…../………… đến ngày …./……./…………..)

 

Địa phương

Tai nạn giao thông

Nơi xảy ra tai nạn

Khoảng thời gian xảy ra trong ngày (giờ)

Nguyên nhân

Số vụ xảy ra

Thiệt hại

ĐN có gác

ĐN có CBTĐ

ĐN có biển báo

ĐN dân sinh

Cầu ĐS

Hầm ĐS

Ga ĐS

Khác

Từ 0h đến 6h

Sau 6h đến 12h

Sau 12h đến 18h

Sau 18h đến 24h

Do chủ quan (NVĐS vi phạm; công trình, thiết bị, phương tiện giao thông ĐS không đảm bảo ATKT)

Do khách quan (Người đi bộ, người điều khiển P/T giao thông Đ.Bộ

Khác

Về người

Về tài sản

Số người chết

Số người bị thương

Đầu máy

Toa xe

Cầu đường

Ô tô

Mô tô, xe đạp

Chậm tàu

Thiệt hại khác

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

1.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

10.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

So sánh

Cùng kỳ

(+/-)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

%

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trước liền kề

(+/-)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

%

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Cán bộ thống kê
(Ký, ghi rõ họ tên)

…………. ngày ……. tháng …….. năm ……..
Lãnh đạo đơn vị
(Ký, ghi rõ họ tên)

____________

1 Tên cơ quan chủ quản.

2 Tên đơn vị báo cáo.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 08/2011/TTLT-BCA-BGTVT quy định về phối hợp thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt do Bộ Công an - Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 08/2011/TTLT-BCA-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 29/11/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Trần Đại Quang, Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 625 đến số 626
  • Ngày hiệu lực: 15/01/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản