Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-89/TTLN

Hà Nội , ngày 07 tháng 12 năm 1989

 

THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ BỘ TƯ PHÁP SỐ 06-89/TTLN NGÀY 7 THÁNG 12 NĂM 1989 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LỆNH THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Để thi hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn các Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp áp dụng thống nhất một số quy định sau đây:

I. THẨM QUYỀN RA QUYẾT ĐỊNH THI HÀNH ÁN (Điều 4 Pháp lệnh)

1. Theo Điều 4 Pháp lệnh thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đến Chánh án Toà án đã xét xử vụ án theo thủ tục sơ thẩm hoặc sơ thẩm đồng thời là chung thẩm để yêu cầu thi hành án. Theo Điều 4 Pháp lệnh thì Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm vụ án hoặc Chánh án Toà án đã được uỷ thác việc thi hành án ra quyết định thi hành án. Chánh án Toà án cấp tỉnh cũng có thể ra quyết định thi hành án khi được Chánh án Toà án tối cao ra quyết định giao cho việc thi hành bản án, quyết định sơ thẩm đồng thời là chung thẩm. Do đó, khi thực hiện Điều 4 Pháp lệnh cần chú ý một số điểm sau đây:

a. Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án trong trường hợp Toà án này trực tiếp thi hành án. Nếu Toà án đã xử sơ thẩm không có điều kiện trực tiếp thi hành án thì Chánh án Toà án này uỷ thác việc thi hành án cho Chánh án Toà án nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc hoặc có tài sản liên quan đến thi hành án để Chánh án Toà án nhận được uỷ thác ra quyết định thi hành án và giao cho chấp hành viên của Toà án mình thi hành.

b. Khi được Chánh án Toà án nhân dân tối cao giao cho việc thi hành bản án hoặc quyết định sơ thẩm đồng thời là chung thẩm, nếu Toà án cấp tỉnh trực tiếp thi hành án thì Chánh án Toà án cấp tỉnh ra quyết định thi hành án và giao cho chấp hành viên của Toà án mình thi hành. Nếu Toà án cấp tỉnh không có điều kiện trực tiếp thi hành án thì Chánh án Toà án cấp tỉnh uỷ thác việc thi hành án cho Chánh án Toà án nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc hoặc có tài sản liên quan đến việc thi hành án để Chánh án Toà án nhận được uỷ thác ra quyết định thi hành án và giao cho chấp hành viên của Toà án mình thi hành.

c. Sau khi đã ra quyết định thi hành án mà thấy không có điều kiện thi hành thì Chánh án của Toà án đã ra quyết định thi hành án rút quyết định đó và uỷ thác việc thi hành án cho Chánh án Toà án nơi có điều kiện thi hành để Chánh án Toà án nhận được uỷ thác ra quyết định thi hành án cho chấp hành viên của Toà án mình thi hành.

d. Nếu trong quá trình thi hành án người phải thi hành án chuyển đến cư trú, làm việc ở địa hạt của Toà án khác hoặc tài sản có thể khấu trừ ở nơi đang thi hành án không còn, thì chấp hành viên đề nghị Chánh án Toà án ra quyết định uỷ thác việc thi hành án cho Chánh án Toà án nơi thi hành án mới để Chánh án Toà án nơi nhận được uỷ thác ra quyết định thi hành phần bản án quyết định còn lại.

2. Các Toà án cấp tỉnh có thể uỷ thác việc thi hành án thẳng cho Toà án cấp huyện của tỉnh khác. Toà án cấp huyện của tỉnh này có thể uỷ thác việc thi hành án cho Toà án cấp tỉnh hoặc Toà án cấp huyện của tỉnh khác. Sau khi nhận được uỷ thác, nếu thấy việc thi hành án thuộc thẩm quyền của Toà án khác, Toà án nhận được uỷ thác có nhiệm vụ chuyển tiếp cho Toà án có thẩm quyền và báo cho Toà án đã uỷ thác biết và nếu không biết Toà án nào có thẩm quyền thì trả lại cho Toà án đã uỷ thác.

Chấp hành viên phải báo cho Viện kiểm sát cùng cấp và người được thi hành án biết việc uỷ thác thi hành án đến nơi thi hành án mới.

3. Nếu có tranh chấp về thẩm quyền thi hành án thì Chánh án Toà án cấp tỉnh giải quyết tranh chấp giữa các Toà án thuộc cùng một tỉnh; các Chánh án Toà án cấp tỉnh hoặc Chánh án Toà án cấp quân khu phối hợp giải quyết tranh chấp giữa hai Toà án khác tỉnh hoặc giữa Toà án nhân dân và Toà án quân sự.

II. THỜI HIỆU THI HÀNH ÁN (Điều 16 Pháp lệnh)

1. Pháp lệnh quyết định thời hiệu thi hành án là thời hạn bản án hoặc quyết định của Toà án có hiệu lực thi hành, hết thời hạn đó, nếu không có những căn cứ theo quy định của Pháp lệnh thì bản án hoặc quyết định hết hiệu lực thi hành. Điều đó có nghĩa là:

a. Đối với trường hợp người được thi hành án là công dân: nếu trong thời hạn ba năm kể từ ngày bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật mà họ không yêu cầu Toà án thi hành án thì sau đó họ không có quyền yêu cầu Toà án và người phải thi hành án thi hành nữa.

b. Đối với trường hợp người được thi hành án là cơ quan, tổ chức: nếu trong thời hạn một năm kể từ ngày bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật mà họ không yêu cầu Toà án thi hành án, thì sau đó họ cũng không có quyền yêu cầu Toà án và người phải thi hành án thi hành nữa. Theo quy định tại khoản 2, Điều 15 Pháp lệnh thì Chánh án Toà án phải chủ động ra quyết định thi hành án đối với các bản án hoặc quyết định của Toà án về trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa, phạt tiền, tịch thu tài sản và án phí. Do đó, nếu cơ quan, tổ chức được trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại không yêu cầu Toà án thi hành án trong thời hạn nói trên, nhưng Toà án đã chủ động thi hành thì Toà án nộp tài sản thi hành được vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó (bỏ quên, thất lạc hoặc cố ý không đưa bản án ra thi hành...) mà cơ quan, tổ chức được thi hành án không yêu cầu thi hành án và Toà án cũng không chủ động đưa ra bản án, quyết định của Toà án ra thi hành, thì sau thời hạn một năm Toà án cũng không được đưa ra bản án, quyết định ra thi hành nữa. Đối với người có lỗi làm việc không đưa bản án, quyết định của Toà án ra thi hành trong thời hạn nói trên gây thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, buộc bồi thường thiệt hại theo chế độ trách nhiệm vật chất, trách nhiệm dân sự hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Đối với trường hợp trong bản án hoặc quyết định của Toà án có quy định việc thi hành theo định kỳ, mà người phải thi hành án đã thi hành được một phần, nhưng sau đó ngừng thi hành, thì người được thi hành án là công dân có quyền yêu cầu Toà án thi hành án trong thời hạn 3 năm; đối với cơ quan, tổ chức thì thời hạn là 1 năm kể từ ngày người phải thi hành án ngừng thi hành.

III. HOÃN THI HÀNH ÁN, TẠM ĐÌNH CHỈ THI HÀNH ÁN (Các Điều 18, 19 Pháp lệnh)

1. Theo khoản 2 Điều 18 Pháp lệnh thì khi cần thiết, Chánh án Toà án hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền yêu cầu Toà án nơi thi hành án hoãn thi hành án để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. khi thực hiện quy định này cần chú ý là chỉ trong những trường hợp qua báo cáo của Chánh án Toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới hoặc qua các nguồn thông tin khác mà Chánh án Toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên thấy bản án, quyết định của Toà án có vi phạm hoặc có khả năng là có vi phạm pháp luật, cho nên cần phải hoãn ngay việc thi hành để tránh những hậu quả không thể khắc phục được hoặc khó khắc phục như buộc phải dỡ nhà, trả nhà..., thì mới yêu cầu hoãn thi hành án. Văn bản yêu cầu hoãn thi hành án do Chánh án Toà án hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát ký hoặc do Phó Chánh án Toà án, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát ký thay. Người có thẩm quyền yêu cầu hoãn thi hành án không được uỷ quyền cho người khác yêu cầu hoãn thi hành án.

Yêu cầu hoãn thi hành án có thể được thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản, nhưng nếu thông báo trực tiếp quan điện thoại, điện tín. .., thì sau đó cũng phải có văn bản gửi cho Toà án nơi thi hành án. Khi chưa có văn bản mà cần thông báo ngay thì phải do Chánh án, Phó Chánh án Toà án, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp thông báo. Nếu đã có văn bản mà cần thông báo ngay bằng điện thoại, điện tín thì người được giao nhiệm vụ thông báo phải nói rõ họ, tên và chức vụ của mình, số của văn bản, ngày ra văn bản, nội dung chủ yếu của văn bản, người đã ký văn bản. Người nhận thông báo cũng phải cho người thông báo biết họ, tên và chức vụ của mình để xác định trách nhiệm khi cần thiết.

Người yêu cầu cần hoãn thi hành án phải nêu rõ thời gian hoãn thi hành án. Dù yêu cầu hoãn một lần hoặc nhiều lần thì tổng số hoãn thi hành án cũng không được vượt quá ba tháng.

Khi nhận được thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản yêu cầu hoãn thi hành án, Chánh án Toà án nơi thi hành án phải ra ngay quyết định hoãn thi hành án theo thời hạn do người có thẩm quyền yêu cầu hoãn thi hành án ấn định và tổng số thời gian hoãn thi hành án trong trường hợp này không được vượt quá ba tháng. Hết thời hạn đó, nếu không có các căn cứ để hoãn thi hành án, tạm đình chỉ thi hành án hoặc đình chỉ thi hành án, theo quy định của Pháp lệnh, thì Chánh án Toà án nơi thi hành án phải đưa ngay bản án ra thi hành.

2. Theo khoản 1 Điều 19 Pháp lệnh thì người đã kháng nghị bản án hoặc quyết định của Toà án có quyền tạm đình chỉ việc thi hành bản án hoặc quyết định đó. Do đó, chỉ có thể quyết định việc tạm đình chỉ thi hành án trong bản kháng nghị hoặc sau khi đã kháng nghị, không được quyết định tạm đình chỉ thi hành án trước khi kháng nghị.

IV. VIỆC TRẢ LẠI ĐƠN YÊU CẦU THI HÀNH ÁN VÀ TRỪ VÀO THU NHẬP CỦA NGƯỜI PHẢI THI HÀNH ÁN (Các Điều 21, 32 Pháp lệnh)

1. Theo tinh thần của Điều 21 Pháp lệnh thì khi có căn cứ xác định là người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án, Chánh án Toà án nơi thi hành án quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho người được thi hành án. Khi áp dụng điều này cần chú ý là Chánh án Toà án nơi thi hành án chỉ ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án khi có căn cứ xác định là người phải thi hành án thật sự không có tài sản có thể kê biên hoặc thu nhập có thể khấu trừ để thi hành án.

2. Theo khoản 2 Điều 32 Pháp lệnh thì "việc trừ vào thu nhập" được áp dụng khi thi hành án về cấp dưỡng hoặc khi đã kê biên tài sản khác của người phải thi hành án, nhưng tài sản đó không đủ để thi hành án. Tuy nhiên, cần chú ý là nếu người phải thi hành án không có tài sản để kê biên, nhưng có thu nhập, thì Toà án cũng có thể trừ vào thu nhập của họ để thi hành án.

V. VIỆC ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN BỊ KÊ BIÊN (Điều 25 Pháp lệnh)

Theo khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh thì khi kê biên tài sản, nếu các bên đương sự không thoả thuận được về giá hoặc việc định giá có khó khăn, chấp hành viên mời Hội đồng định giá để định giá sơ bộ tài sản đã kê biên. Quy định này nhằm giúp Chấp hành viên ước lượng số tài sản cần kê biên tương ứng với mức đủ để thi hành án và thanh toán các chi phí về thi hành án; đồng thời, nhằm xác định trách nhiệm của người được giao bảo quản tài sản đã kê biên. Do đó, khi kê biên tài sản, nếu các bên đương sự không thoả thuận được về giá thì chấp hành viên cần dựa vào ý kiến của đại diện chính quyền địa phương, người chứng kiến và các bên đương sự để sơ bộ định giá các tài sản bị kê biên. Chấp hành viên chỉ mời Hội đồng định giá tài sản trong những trường hợp người được thi hành án đồng ý nhận tài sản kê biên để thi hành án theo giá do hội đồng định giá quyết định hoặc do tính chất đặc biệt của tài sản mà chấp hành viên không thể ước giá được. Đối với những trường hợp này, Hội đồng định giá cần định giá chính thức tất cả các tài sản đã kê biên của người phải thi hành án để khi bán đấu giá không phải định giá lại, trừ trường hợp có biến động đáng kể về giá.

VI. BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN ĐÃ KÊ BIÊN (Các Điều 28, 30 Pháp lệnh)

1. Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày Hội đồng định giá quyết định giá, chấp hành viên phải tổ chức bán đấu giá. Việc bán đấu giá nhà được tiến hành tại nơi có nhà. Đối với các tài sản khác chấp hành viên có thể tiến hành bán đấu giá tại nơi có tài sản hoặc tại một địa điểm thuận lợi khác. Nếu bán đấu giá tại trụ sở Toà án thì không để ảnh hưởng đến sự hoạt động của cơ quan.

2. Chậm nhất là 7 ngày trước ngày bán đấu giá, chấp hành viên phải niêm yết công khai tại trụ sở Toà án, Uỷ ban nhân dân nơi có tài sản và thông báo rộng rãi danh mục tài sản, giá đã định, thời gian và địa điểm bán đấu giá. Đồng thời phải báo cho các bên đương sự biết. Trong thông báo có thể nêu rõ những yêu cầu đối với người tham gia đấu giá.

3. Trước khi bán đấu giá, người phải chịu thi hành án có thể nộp tiền thi hành án để lấy lại tài sản bị kê biên và người được thi hành án có thể nhận tài sản đã kê biên để thi hành án theo giá đã định.

4. Khi tổ chức bán đấu giá, chấp hành viên cần phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng cảnh sát nhân dân để bảo vệ tài sản và giữ gìn trật tự. Tài sản bán đấu giá được trưng bày công khai, có ghi rõ số thứ tự và giá đã định. Chấp hành viên khai mạc cuộc bán đấu giá; giới thiệu đại diện chính quyền, đoàn thể được mời tham gia chứng kiến việc bán đấu giá, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (nếu có) và công bố thể thức bán đấu giá.

Chấp hành viên lần lượt bán tài sản của từng người phải thi hành án và công bố giá đã định của từng tài sản để người mua trả giá. Tài sản được bán cho người trả giá cao nhất. Nếu không có ai trả giá cao hơn giá đã định thì bán cho người mua theo giá đã định. Khi số tiền bán tài sản đã đủ để thi hành án và thanh toán các chi phí về thi hành án thì chấp hành viên ngừng bán và số tài sản còn lại sẽ được trả cho người phải thi hành án.

Đối với tài sản không phải là nhà, người mua được tài sản trả tiền ngay tại nơi bán đấu giá; nhưng nếu tài sản trị giá từ một triệu đồng trở lên thì người mua phải trả ít nhất là 10% trị giá của tài sản và trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày bán đấu giá họ phải trả đủ tại Toà án số tiền còn thiếu. Người mua được nhận tài sản ngay sau khi đã trả đủ tiền. Nếu người mua không trả đủ tiền trong thời hạn này, thì số tiền nộp trước không được trả lại mà được nộp vào ngân sách nhà nước, trừ trường hợp có lý do chính đáng được chấp hành viên chấp nhận. Việc bán đấu giá nhà thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh và thủ tục tổ chức bán đấu giá trong Thông tư này.

Đối với những tài sản phải làm thủ tục chuyển dịch quyền sở hữu thì chậm nhất là 3 ngày sau khi người mua trả đủ tiền, chấp hành viên phải giao cho người mua các giấy tờ cần thiết để làm thủ tục chuyển dịch quyền sở hữu. Chấp hành viên phải lập biên bản về việc bán đấu giá tài sản của từng người phải thi hành án, trong đó cần ghi rõ danh mục tài sản, các giá đã được trả, họ và tên, địa chỉ của người mua được tài sản... trong biên bản phải có chữ ký của chấp hành viên, những người chứng kiến và các bên đương sự tham dự cuộc bán đấu giá (nếu có). Trong những trường hợp không có người mua, người mua trả giá thấp hơn giá đã định hoặc không trả đủ tiền trong thời hạn quy định, chấp hành viên lập biên bản về việc bán đấu giá không thành và thông báo cho các đương sự biết.

VII. CÁC CHI PHÍ VỀ VIỆC CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh thì người phải thi hành án phải chịu các chi phí về cưỡng chế thi hành án. Các chi phí này bao gồm: tiền công chuyên chở, bảo quản tài sản, tiền giám định tài sản bị kê biên để gửi giữ, định giá, tiền thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá... mức chi phí dựa trên cơ sở thực tế, hợp lý và do chấp hành viên ấn định.

Các chi phí vào việc tổ chức các cuộc họp với các cơ quan, tổ chức hữu quan để hỗ trợ Toà án cưỡng chế thi hành án, chi phí hoạt động của Hội đồng thi hành án và việc bồi dưỡng cho những người tham gia cưỡng chế thi hành án do ngân sách cấp theo chế độ chung, nên chấp hành viên không được tính vào các chi phí buộc người phải thi hành án thanh toán.

Chấp hành viên không được yêu cầu hoặc gợi ý người được thi hành án chịu các chi phí về cưỡng chế thi hành án thay cho người phải thi hành án. Tuy nhiên, nếu người phải thi hành án thực sự có khó khăn và người được thi hành án tự nguyện tạo các điều kiện giúp cho việc thi hành án được tiến hành thuận lợi (như cung cấp nhân lực, phương tiện vận chuyển...) thì chấp hành viên có thể chấp nhận, nhưng không được chấp nhận các khoản bồi dưỡng cho những người tham gia cưỡng chế thi hành án.

VIII. VỀ HIỆU LỰC THI HÀNH CỦA PHÁP LỆNH

Theo quy định tại Điều 42 thì Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1990. Do đó, kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1990 trở đi, việc tiến hành các thủ tục thi hành án đối với các bản án hoặc quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1990 trở đi, cũng như các bản án hoặc quyết định có hiệu lực thi hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1990, đều phải theo các quy định của Pháp lệnh này.

Lê Thanh Đạo

(Đã ký)

Trần Đông

(Đã ký)

Trịnh Hồng Dương

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 06-89/TTLN năm 1989 hướng dẫn Pháp lệnh thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp- Toà án nhân dân tối cao- Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 06-89/TTLN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 07/12/1989
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Lê Thanh Đạo, Trần Đông, Trịnh Hồng Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 01/06/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản