Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ TƯ PHÁP - BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH | Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2018 |
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội liên tịch quy định về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.
1. Thông tư liên tịch này quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
2. Việc xét xử vụ án có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan tham gia hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Điều 3. Các cụm từ được sử dụng trong Thông tư liên tịch
Trong Thông tư liên tịch này, các cụm từ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định tại các điều 134, 135 và 136 Bộ luật Dân sự.
Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được xác định theo thứ tự sau đây:
a) Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi;
b) Người giám hộ;
c) Người do Tòa án chỉ định.
2. Người giám hộ của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi là người giám hộ đương nhiên hoặc người được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người dưới 18 tuổi cư trú cử hoặc Tòa án chỉ định theo quy định tại các điều 46, 47, 48, 52 và 54 Mục 4 Chương III Bộ luật Dân sự.
3. Lý do bất khả kháng là những việc, tình huống, sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
4. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.
1. Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Chương XXVIII và các quy định khác của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng thân thiện đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp những thông tin cần thiết về quá trình tố tụng, về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi và người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng, bảo vệ lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.
3. Người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi; đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải có mặt và tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng theo quyết định hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 5. Phân công người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
1. Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải có ít nhất một trong các điều kiện sau đây:
a) Có kinh nghiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;
b) Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi;
c) Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
2. Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải có người là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi; người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
Điều 6. Phối hợp trong việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi
1. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
a) Giấy chứng sinh;
b) Giấy khai sinh;
c) Chứng minh nhân dân;
d) Thẻ căn cước công dân;
đ) Sổ hộ khẩu;
e) Hộ chiếu.
2. Trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu tại khoản 1 Điều này có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.
Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được khoảng thời gian tháng, quý, nửa đầu hoặc nửa cuối của năm hoặc năm sinh thì tùy từng trường hợp cụ thể cần căn cứ khoản 2 Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự để xác định tuổi của họ.
3. Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.
Ví dụ: Kết luận giám định A có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của A là 13 tuổi 6 tháng.
Điều 7. Thông báo về hoạt động tố tụng
1. Trước khi lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước trong thời gian hợp lý cho người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ biết về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung để những người này tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Việc thông báo cho gia đình của người dưới 18 tuổi bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được thực hiện theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Tố tụng hình sự; việc thông báo cho người đại diện của người dưới 18 tuổi trong trường hợp họ bị bắt, tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Việc thông báo các hoạt động tố tụng khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Việc thông báo phải bằng văn bản, trong đó phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, điện thoại liên lạc của người ra thông báo và người được thông báo. Trường hợp cần bảo đảm sự có mặt kịp thời của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể thông báo trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử khác nhưng ngay sau đó phải gửi thông báo bằng văn bản.
3. Người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi khi nhận được thông báo phải thông tin kịp thời về việc có mặt và tham gia tố tụng của họ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng biết.
Điều 8. Phối hợp trong việc cử người để tham gia tố tụng
1. Khi tiến hành các hoạt động tố tụng đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức sau đây cử người giám hộ, người đại diện, người thực hiện trợ giúp pháp lý, người bào chữa, Bào chữa viên nhân dân để tham gia tố tụng:
a) Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi cư trú cử người giám hộ nếu họ không có người giám hộ đương nhiên;
b) Yêu cầu Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, cơ quan, tổ chức có liên quan nơi bắt giữ, nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi có thẩm quyền điều tra cử người đại diện cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi trong trường hợp họ không có nơi cư trú rõ ràng, không xác định được lý lịch hoặc có người đại diện nhưng họ cố ý vắng mặt hoặc từ chối tham gia tố tụng;
c) Yêu cầu Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi nếu họ là người được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng;
d) Yêu cầu hoặc đề nghị Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức là thành viên của Mặt trận cử Bào chữa viên nhân dân cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Việc yêu cầu hoặc đề nghị phải bằng văn bản theo quy định tại
3. Cơ quan, tổ chức nhận được yêu cầu hoặc đề nghị phải cử người và thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã yêu cầu hoặc đề nghị biết về họ tên, thông tin, địa chỉ người được cử để tham gia tố tụng theo quy định tại
1. Sau khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý giải quyết vụ án, vụ việc có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi về việc có mặt và tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi thì người đại diện, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt của họ phải có văn bản trả lời cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về họ tên, thông tin, địa chỉ liên lạc của người được cử để tham gia tố tụng; trường hợp cần thiết có thể báo tin trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử khác nhưng ngay sau đó phải gửi bằng văn bản.
2. Người đại diện, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan, tổ chức khác phải có mặt đúng thời gian, địa điểm nêu trong thông báo. Trường hợp vắng mặt có lý do chính đáng hoặc do trở ngại khách quan thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể hoãn việc thực hiện hoạt động tố tụng hoặc yêu cầu đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan, tổ chức khác cử ngay người khác tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi.
Điều 10. Bảo đảm việc tham gia tố tụng của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo cho người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi, người đại diện hoặc người thân thích của họ về việc mời người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ khi tham gia tố tụng; trường hợp những người này không mời thì tùy từng trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết như sau:
a) Chỉ định người bào chữa nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự;
b) Yêu cầu Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước cử người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại
2. Người bào chữa cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi phải tham gia trong các giai đoạn tố tụng của vụ án, trừ các trường hợp sau:
a) Người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa;
b) Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hủy bỏ việc đăng ký bào chữa theo quy định tại khoản 7 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự;
c) Người bào chữa có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không thể bào chữa.
3. Trường hợp đã thay đổi người bào chữa được chỉ định mà người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn từ chối người bào chữa quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối, đưa vào hồ sơ vụ án và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.
Trường hợp hủy bỏ việc đăng ký bào chữa quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu hoặc đề nghị Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử Bào chữa viên nhân dân khác cho người bị buộc tội.
Trường hợp người bào chữa không thể tham gia các hoạt động tố tụng quy định tại điểm c khoản 2 Điều này, thì tùy từng trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định tại các điều 251, 291, 421, các điều luật khác có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc yêu cầu, đề nghị các tổ chức có liên quan cử người bào chữa, người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc Bào chữa viên nhân dân khác cho người bị buộc tội.
4. Ngoài sự tham gia của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể đề nghị Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Trung tâm trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức khác nơi tiến hành tố tụng cử người tham gia tố tụng để hỗ trợ, bảo vệ cho người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi không có gia đình, không có nơi cư trú ổn định, người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán khi có đề nghị của người bị buộc tội, người bị hại, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ hoặc khi Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết.
Điều 11. Phối hợp thực hiện việc giám sát đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi
1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể ra quyết định giao người bị buộc tội dưới 18 tuổi không bị áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam cho người đại diện của họ giám sát theo quy định tại Điều 418 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Quyết định giao người bị buộc tội dưới 18 tuổi để giám sát phải được gửi ngay cho người đại diện được giao nhiệm vụ giám sát.
2. Người đại diện được giao nhiệm vụ giám sát có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc giám sát người bị buộc tội dưới 18 tuổi; nếu phát hiện người bị buộc tội dưới 18 tuổi có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có các hành vi khác quy định tại khoản 2 Điều 418 Bộ luật Tố tụng hình sự thì phải kịp thời ngăn chặn và thông báo ngay bằng điện thoại hoặc hình thức khác nhanh nhất cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để phối hợp xử lý.
Trường hợp người đại diện được giao nhiệm vụ giám sát vi phạm nghĩa vụ giám sát mà để người bị buộc tội dưới 18 tuổi bỏ trốn hoặc thực hiện các hành vi khác quy định tại khoản 2 Điều 418 Bộ luật Tố tụng hình sự thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị thay đổi hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải
1. Trước khi quyết định áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, cân nhắc áp dụng biện pháp giám sát, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 123, Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trường hợp sau khi quyết định tạm giam bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi mà có đủ căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần thay thế ngay biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm.
2. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam theo quy định tại khoản 1 Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự trong trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi đã được áp dụng biện pháp giám sát, biện pháp ngăn chặn khác quy định tại khoản 1 Điều này nhưng bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã, có dấu hiệu bỏ trốn, tiếp tục phạm tội, có dấu hiệu tiếp tục phạm tội hoặc có các hành vi khác quy định tại khoản 2 Điều 418 Bộ luật Tố tụng hình sự.
3. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thường xuyên theo dõi, rà soát, kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam đối với người dưới 18 tuổi bị tạm giữ, tạm giam; nếu phát hiện không còn căn cứ hoặc không cần thiết tạm giữ, tạm giam thì phải kịp thời ra quyết định hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.
4. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải đối với người dưới 18 tuổi trong các trường hợp sau đây:
a) Bị can, bị cáo đã có giấy triệu tập đến lần thứ hai nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;
b) Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị can, bị cáo đang bị tạm giam từ nơi bị giam, giữ đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử vụ án.
Đối với vụ án, vụ việc có người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp chặt chẽ với nhau và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan ngay từ khi phát hiện nguồn tin về tội phạm; khẩn trương kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm giải quyết vụ án, vụ việc nhanh chóng, kịp thời, trong thời gian ngắn nhất.
Điều 14. Lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi
1. Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi học tập, lao động và sinh hoạt của người đó hoặc nơi tiến hành điều tra. Việc hỏi cung bị can dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi cư trú của người đó hoặc nơi tiến hành điều tra. Trường hợp lấy lời khai, hỏi cung tại nơi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử thì phải sắp xếp, bố trí phòng lấy lời khai, hỏi cung bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý người dưới 18 tuổi.
Trường hợp lấy lời khai người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì phải ưu tiên địa điểm lấy lời khai tại nơi cư trú của người đó; nếu không có nơi cư trú thì phải tiến hành tại cơ sở chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật.
2. Việc lấy lời khai, hỏi cung phải theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, bảo đảm sự tham gia của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 183, Điều 421, các điều luật khác có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/01/2018 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Trường hợp vụ án có người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì việc lấy lời khai của họ phải được tiến hành ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm.
3. Khi tiến hành lấy lời khai, hỏi cung, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức của họ; xem xét áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thời gian, số lượng lần lấy lời khai, hỏi cung và phải tạm dừng ngay việc lấy lời khai, hỏi cung khi người dưới 18 tuổi có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.
4. Người đại diện, người bào chữa của người dưới 18 tuổi được tham gia hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuổi. Điều tra viên, Kiểm sát viên yêu cầu không được hỏi và phải dừng ngay việc hỏi trong trường hợp câu hỏi của người đại diện, người bào chữa có tính chất gợi ý, định hướng hoặc có tính chất khẳng định, phủ định liên quan đến vụ án. Trường hợp phát hiện người đại diện, người bào chữa có dấu hiệu thông cung, mớm cung phải lập tức yêu cầu họ dừng ngay việc hỏi và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
1. Khi xét thấy người dưới 18 tuổi có đủ điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ luật Hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thông báo cho người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện của họ, người bị hại và người đại diện của người bị hại về khả năng miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục.
2. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện của họ có văn bản đề nghị áp dụng.
Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện của họ có văn bản đề nghị áp dụng; người bị hại và người đại diện của họ tự nguyện hòa giải và có văn bản đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Kết quả hòa giải thành là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định miễn trách nhiệm hình sự.
3. Việc giao các quyết định giám sát, giáo dục được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 427, khoản 3 Điều 428 và khoản 3 Điều 429 Bộ luật Tố tụng hình sự. Các quyết định giám sát, giáo dục của Cơ quan điều tra phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn cư trú có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, gia đình, nhà trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan tổ chức thi hành quyết định về áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Việc tổ chức thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 37/2018/NĐ- CP ngày 10/3/2018 quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
Điều 16. Phối hợp trong việc áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng
1. Ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng của người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện của họ, văn bản đề nghị hòa giải và miễn trách nhiệm hình sự của người bị hại hoặc người đại diện của họ thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ra quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng.
2. Chậm nhất 03 ngày trước khi tiến hành hòa giải, cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án phải thông báo bằng văn bản về việc áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người dưới 18 tuổi phạm tội cư trú chủ trì, phối hợp bố trí thời gian, địa điểm hòa giải, mời người tham gia hòa giải và chuẩn bị các vấn đề khác liên quan đến việc tổ chức hòa giải tại địa phương.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này và thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng biết chậm nhất 01 ngày trước khi tiến hành hòa giải; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời thông báo với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng để thống nhất thực hiện.
4. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải phải lập, giao biên bản hòa giải theo quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 428 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Kết thúc hòa giải, nếu kết quả hòa giải thành, người dưới 18 tuổi phạm tội, cha, mẹ hoặc người đại diện của họ xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại (nếu có), người bị hại, người đại diện của họ đã tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự (nếu có) thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng. Người dưới 18 tuổi phạm tội chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại
Khi nhận được khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định tố tụng trái pháp luật của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền giải quyết, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền phải phân loại, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan giải quyết kịp thời và gửi văn bản giải quyết cho người đã khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT--VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo.
Trường hợp khiếu nại, tố cáo đối với lệnh, quyết định bắt, giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử thì Viện kiểm sát, Tòa án phải giải quyết ngay trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại, tố cáo. Nếu cần phải có thời gian để xác minh làm rõ thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 03 ngày kể từ khi nhận được khiếu nại, tố cáo.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2019, thay thế Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên.
1. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh xã hội có trách nhiệm triển khai, đôn đốc thực hiện Thông tư liên tịch này; chủ trì, phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực các chức danh tư pháp về kỹ năng điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch về nâng cao năng lực công tác xã hội cho tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng, biên soạn các tài liệu nghiên cứu, giảng dạy, hướng dẫn phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
3. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy trình đặc biệt trong điều tra, truy tố, xét xử, bảo vệ và hỗ trợ người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán.
4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm phản ánh với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, hướng dẫn thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
KT. CHÁNH ÁN
| KT. VIỆN TRƯỞNG
| ||
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG | |
Nơi nhận: | |||
|
|
|
|
- 1Thông tư liên tịch 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH hướng dẫn quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành
- 2Nghị định 30/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự
- 3Thông tư 43/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 30/2018/NĐ-CP hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Quyết định 304/QĐ-VKSTC năm 2018 quy định về quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành
- 5Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 6Thông tư 53/2020/TT-BTC về hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện việc giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự do Bộ Tài chính ban hành
- 1Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 2Bộ luật dân sự 2015
- 3Bộ luật hình sự 2015
- 4Bộ luật tố tụng hình sự 2015
- 5Luật Trợ giúp pháp lý 2017
- 6Thông tư liên tịch 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử do Bộ trưởng Bộ Công an - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 7Nghị định 30/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự
- 8Nghị định 37/2018/NĐ-CP về hướng dẫn biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự
- 9Thông tư 43/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 30/2018/NĐ-CP hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 10Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 11Quyết định 304/QĐ-VKSTC năm 2018 quy định về quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành
- 12Thông tư liên tịch 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 13Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 14Thông tư 53/2020/TT-BTC về hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện việc giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự do Bộ Tài chính ban hành
Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH về phối hợp thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành
- Số hiệu: 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 21/12/2018
- Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Người ký: Trần Công Phàn, Lê Quý Vương, Trần Tiến Dũng, Lê Tấn Dũng, Nguyễn Trí Tuệ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 35 đến số 36
- Ngày hiệu lực: 05/02/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra