Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TƯ PHÁP - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 06/2012/TTLT/BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNTC-TANDTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2012

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ TỘI KHỦNG BỐ VÀ TỘI TÀI TRỢ KHỦNG BỐ

Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây viết tắt là Bộ luật Hình sự) về tội khủng bố (Điều 230a) và tội tài trợ khủng bố (Điều 230b), Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn như sau:

Điều 1. Về tội khủng bố (Điều 230a)

1. Về mặt chủ quan, tội khủng bố được thực hiện với lỗi cố ý; mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội là nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng.

2. Tình trạng hoảng sợ trong công chúng là trạng thái tâm lý lo lắng của người dân về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ.

Để gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, các hành vi khủng bố quy định tại Điều 230a có thể được thực hiện ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người như quảng trường, ngã ba, ngã tư đường giao thông, tại các bến, nhà ga các phương tiện giao thông, trên các phương tiện giao thông, tại trụ sở các cơ quan, tổ chức, tại các nơi vui chơi, giải trí, du lịch, trường học, bệnh viện, khu dân cư, tại các tòa nhà, cơ sở hạ tầng khác mà người dân có thể đến với nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ: hành vi gây nổ ở một khu vực ga xe lửa làm cho người dân lo lắng về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của họ khi tham gia giao thông trên các phương tiện giao thông công cộng. Hành vi được thực hiện ở những địa điểm có tính biệt lập, không phải nơi công cộng, ví dụ: tại gia đình hoặc trong trụ sở cơ quan nhưng nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo Điều 230a nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.

3. Hành vi phá hủy tài sản quy định tại khoản 1 Điều 230a là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được. Chiếm giữ tài sản quy định tại khoản 2 Điều 230a là hành vi chiếm giữ một cách trái pháp luật tài sản thuộc quyền nắm giữ, quản lý của cá nhân, tổ chức khác; hành vi làm hư hại tài sản quy định tại khoản 2 Điều 230a là cố ý làm hư hỏng hoặc giảm giá trị sử dụng của tài sản nhưng có thể khôi phục lại được. Hành vi này được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: đốt, đập, phá, dùng thuốc nổ, dùng chất hóa học… Đe dọa phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân là hành vi bằng lời nói, gửi tin nhắn, hình ảnh hoặc bằng các hành vi khác làm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân biết được và lo sợ rằng tài sản của mình có thể bị phá hủy.

4. Hành vi khác uy hiếp tinh thần quy định tại khoản 3 Điều 230a là đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị uy hiếp hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm của thân nhân người bị uy hiếp hoặc các hành vi khác nhằm làm cho người bị uy hiếp lo sợ, cản trở khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ một cách bình thường.

5. Trường hợp người thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức, công dân, người nước ngoài, nếu gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo quy định tại Điều 84 Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này; nếu xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức, công dân, người nước ngoài, gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân và hành vi đó được thực hiện ở vùng rừng núi; vùng biển, vùng hiểm yếu khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hoạt động phỉ theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này; nếu xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức, công dân, người nước ngoài, gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân thông qua hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bạo loạn quy định tại Điều 82 Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này.

6. Trường hợp người thực hiện một trong các hành vi xâm phạm tính mạng, đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần; xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của người khác, nhưng không nhằm gây sự hoảng sợ trong công chúng, không nhằm chống chính quyền nhân dân thì tùy trường hợp cụ thể, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng như tội giết người quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự, tội đe dọa giết người quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự, tội bắt giữ hoặc giam giữ người trái pháp luật quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự …nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng.

7. Trường hợp người thực hiện hành vi phá hoại, nếu nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp theo quy định tại Điều 80 Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này. Trường hợp người thực hiện hành vi phá hủy tài sản, nếu nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân và tài sản bị phá hủy là cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, xã hội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại Điều 85 Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này; nếu phá hủy tài sản, nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, không có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân, nhưng tài sản đó là công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin – liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hóa và xã hội, hoặc tài sản là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo quy định tại Điều 230a Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.

8. Trường hợp nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà thực hiện hành vi chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo quy định tại Điều 230a Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này. Nếu chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy nhưng không có mục đích nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy theo quy định tại Điều 221 Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này. Trường hợp người thực hiện một trong các hành vi chiếm giữ tài sản, làm hư hại tài sản, nếu không nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự hoặc tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm đó.

9. Trường hợp nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà bịa đặt, cố ý loan truyền thông tin giả về khủng bố (ví dụ bịa đặt, cố ý loan truyền tin giả có chất nổ, bom trên tàu bay, tàu hỏa, về dịch bệnh nguy hiểm…) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo Điều 230a Bộ luật Hình sự mà tùy từng trường hợp cụ thể sẽ bị xử lý theo quy định khác của pháp luật.

Điều 2. Về tội tài trợ khủng bố (Điều 230b)

1. Về mặt chủ quan, hành vi phạm tội tài trợ khủng bố được thực hiện với lỗi cố ý; động cơ, mục đích của hành vi tài trợ khủng bố không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

2. Mặt khách quan của tội tài trợ khủng bố được biểu hiện ở hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố. Hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản được thực hiện dưới các hình thức tặng, cho, cho vay, mượn tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc dưới bất kỳ hình thức nào bao gồm cả việc vận động, kêu gọi, hỗ trợ cung cấp tiền, tài sản cho tổ chức khủng bố hoặc cá nhân khủng bố.

3. Tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản, bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản.

4. Huy động, hỗ trợ tiền, tài sản quy định tại khoản 1 Điều 230b Bộ luật Hình sự phải không nhằm giúp sức cho việc thực hiện các hành vi khủng bố cụ thể mới cấu thành tội tài trợ khủng bố. Trường hợp huy động, hỗ trợ tiền, tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố nhằm giúp sức cho việc chuẩn bị thực hiện hoặc thực hiện một hoặc một số vụ khủng bố cụ thể thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 84 hoặc tội khủng bố quy định tại Điều 230a Bộ luật Hình sự với vai trò là đồng phạm nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm đó. Nếu không biết trước, mà huy động, hỗ trợ tiền, tài sản để giúp cá nhân khủng bố bỏ trốn sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội che dấu tội phạm quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng pháp luật

Việc điều tra, truy cố, xét xử đối với tội khủng bố và tội tài trợ khủng bố phải tuân thủ quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, hướng dẫn của Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên quan; trường hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó.

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 6 năm 2012.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để có hướng dẫn kịp thời.

 

KT. VIỆN TRƯỞNG VKSND TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Hoàng Nghĩa Mai

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG




Trung tướng Phạm Quý Ngọ

KT. CHÁNH ÁN TAND TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN THƯỜNG TRỰC




Đặng Quang Phương

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Nguyễn Thành Cung

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Thế Liên

KT. THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đặng Thanh Bình

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Bộ Công an;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Tư pháp;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Website Chính phủ;
- Lưu: VT, BCA, VKSNDTC, TANDTC, BTP, BQP, NHNN.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 06/2012/TTLT/BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng Bộ luật hình sự về tội khủng bố và tài trợ khủng bố do Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 06/2012/TTLT/BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 05/05/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Đặng Quang Phương, Đặng Thanh Bình, Hoàng Thế Liên, Hoàng Nghĩa Mai, Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Thành Cung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản