Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG - BỘ NỘI VỤ - BỘ NGOẠI GIAO - BỘ QUỐC PHÒNG
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Số: 06/2006/TTLT-BTNMT-BNV-BNG-BQP

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2006

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ CÔNG TÁC ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ VỀ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH VÀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA

Căn cứ Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22/01/2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;
Để thống nhất quản lý công tác đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính và biên giới quốc gia trong toàn quốc; Liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Ngoại giao và Quốc phòng hướng dẫn như sau:

Mục 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về quản lý công tác đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính các cấp và biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, ranh giới phân chia các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan có chức năng quản lý nhà nước đối với công tác đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính và biên giới quốc gia.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc có liên quan đến địa giới hành chính các cấp và biên giới quốc gia.

3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Phần định địa giới hành chính là việc xác định đường địa giới hành chính cắm mốc địa giới hành chính trên thực địa và thể hiện lên bản đồ có xác nhận của các đơn vị hành chính có liên quan;

b) Điều chỉnh địa giới hành chính là việc thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính hoặc điều chỉnh diện tích tự nhiên và dân số của một hoặc một số đơn vị hành chính cho một hoặc một số đơn vị hành chính khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Tranh chấp địa giới hành chính là hành vi tranh chấp quyền quản lý đất đai, mặt nước, đảo, hải đảo liên quan đến địa giới hành chính của các đơn vị hành chính liền kề nhau;

d) Phân giới, cắm mốc là sự phân định đường biên giới và cắm các mốc quốc giới trên thực địa theo kết quả hoạch định đường biên giới giữa các nước có chung biên giới.

đ) Biển đảo là khái niệm bao hàm các yếu tố liên quan đến đường biên giới, ranh giới trên biển và các đảo, các quần đảo thuộc chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

e) Bản đồ chuyên đề đường biên giới quốc gia là bản đồ địa hình thể hiện kết quả giải quyết đường biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước láng giềng;

g) Sơ đồ chuyên đề đường biên giới quốc gia là sơ đồ được phóng vẽ từ bản đồ địa hình thể hiện kết quả giải quyết đường biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước láng giềng;

h) Hải đồ chuyên đề phân định biên giới, ranh giới trên biển là hải đồ thể hiện kết quả giải quyết đường biên giới, ranh giới trên biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước láng giềng;

i) Bộ bản đồ chuẩn về biên giới, biển đảo là bộ bản đồ thể hiện đầy đủ kết quả giải quyết đường biên giới trên đất liền, ranh giới trên biển và các yếu tố liên quan đến biển đảo giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước láng giềng hoặc thể hiện theo chủ trương của Nhà nước Việt Nam; bộ bản đồ này dùng để hướng dẫn và thẩm định việc thể hiện đường biên giới quốc gia, biển đảo trên bản đồ.

Mục 2:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ VỀ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác đo đạc bản đồ về địa giới hành chính

1.1. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Ban hành quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về phân định địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính;

b) Tham gia thẩm định hồ sơ địa giới hành chính các cấp;

c) Chủ trì thẩm định việc thể hiện đường địa giới hành chính trên các loại bản đồ quy định tại tiết a điểm 4.1 của Mục này trước khi xuất bán hoặc giao nộp để lưu trữ;

d) Thu thập các tài liệu đo đạc, bản đồ cần thiết và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết các tranh chấp địa giới hành chính;

đ) Thu thập, cập nhật các thông tin biến động về địa giới hành chính các cấp. Cung cấp tài liệu, bản đồ liên quan đến địa giới hành chính cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

1.2. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ:

a) Ban hành quy định về trình tự, thủ tục phân định, điều chỉnh địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, quản lý mốc địa giới hành chính;

b) Hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện việc phân định địa giới hành chính theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Chủ trì thẩm định hồ sơ địa giới hành chính các cấp;

d) Tham gia chỉ đạo thể hiện đường địa giới hành chính trên bản đồ ở các khu vực còn tranh chấp địa giới hành chính;

đ) Cung cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng các tài liệu về thay đổi địa giới hành chính các cấp ngay sau khi có quyết định về điều chỉnh địa giới hành chính của các cấp có thẩm quyền; cung cấp tài liệu về địa giới hành chính cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

1.3. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng:

Thể hiện đường địa giới hành chính các cấp lên các sản phẩm bản đồ do Bộ Quốc phòng thành lập phục vụ quốc phòng, an ninh theo các tài liệu, bản đồ địa giới hành chính do Bộ Nội vụ hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp.

1.4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp:

a) Lập hồ sơ phục vụ cho việc phân định, điều chỉnh địa giới hành chính (nếu có); tổ chức thực hiện việc phân định địa giới hành chính sau khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Cung cấp tài liệu, bản đồ liên quan phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp địa giới hành chính theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Cung cấp và hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân được phép thành lập, xuất bản bản đồ ở địa phương các tài liệu, bản đồ địa giới hành chính để thể hiện chính xác đường địa giới hành chính trên bản đồ.

2. Quản lý, sử dụng hồ sơ, mốc địa giới hành chính

2.1. Hồ sơ địa giới hành chính cấp nào được lưu trữ tại Ủy ban nhân dân cấp đó, Ủy ban nhân dân cấp trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ.

2.2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý mốc địa giới hành chính trên thực địa tại địa phương; trường hợp mốc địa giới hành chính bị xê dịch, hư hỏng phải kịp thời báo cáo bằng văn bản về Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) để lập phương án giải quyết.

2.3. Việc sử dụng hồ sơ địa giới hành chính thực hiện theo quy định tại Nghị định số 119/CP ngày 16/9/1994 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng hồ sơ địa giới, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp.

3. Thẩm định chất lượng hồ sơ địa giới hành chính các cấp

3.1. Thẩm quyền thẩm định

Bộ Nội vụ chủ trì và chịu trách nhiệm thẩm định về cơ sở pháp lý; Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan phối hợp, chịu trách nhiệm thẩm định về các nội dung kỹ thuật.

3.2. Đối tượng thẩm định

Hồ sơ địa giới hành chính do Ủy ban nhân dân các cấp lập mới hoặc bổ sung, chỉnh sửa theo các quyết định phân định, điều chỉnh địa giới hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

3.3. Hồ sơ địa giới hành chính

Hồ sơ địa giới hành chính bao gồm:

a) Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thành lập đơn vị hành chính hoặc điều chỉnh địa giới hành chính (nếu có);

b) Bản đồ địa giới hành chính;

c) Sơ đồ vị trí các mốc địa giới hành chính;

d) Bảng tọa độ các mốc địa giới hành chính, các điểm đặc trưng trên đường địa giới hành chính;

đ) Bản mô tả tình hình chung về địa giới hảnh chính;

e) Biên bản xác nhận mô tả đường địa giới hành chính;

g) Phiếu thống kê về các yếu tố địa lý có liên quan đến địa giới hành chính;

h) Biên bản bàn giao mốc địa giới hành chính;

i) Thống kê các tài liệu về địa giới hành chính của các đơn vị hành chính cấp dưới.

3.4. Nội dung thẩm định

Nội dung thẩm định bao gồm:

a) Tính đầy đủ của hồ sơ: Hồ sơ phải bảo đảm đầy đủ các thành phần quy định tại điểm 3.3 Mục này;

b) Tính pháp lý cua hồ sơ: Hồ sơ phải có đầy đủ chữ ký, dấu của đơn vị hành chính sở tại, các đơn vị hành chính liên quan và cơ quan hành chính cấp trên;

c) Tính chính xác của hồ sơ: Các nội dung mô tả về đường địa giới và mốc địa giới phải phù hợp với sơ đồ vị trí mốc, bản đồ địa giới hành chính và phù hợp với thực địa;

d) Tính thống nhất của hồ sơ: Việc thể hiện đường địa giới và vị trí mốc địa giới trong hồ sơ của đơn vị hành chính cấp dưới phải thống nhất với đường địa giới và vị trí mốc địa giới trong hồ sơ của đơn vị hành chính liền kề và đơn vị hành chính cấp trên.

3.5. Trình tự thẩm đỉnh

Việc thẩm định được thực hiện theo trình tự sau:

a) Sau khi hoàn thành việc lập mới hoặc bổ sung, chỉnh sửa bộ hồ sơ địa giới hành chính các cấp theo quyết định về phân định, điều chỉnh địa giới hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo bằng văn bản gửi về Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định.

b) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thẩm định, Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định.

c) Kết quả thẩm định được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thẩm định lập thành ba (03) bản, một bản gửi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, một bản lưu tại Bộ Nội vụ, một bản lưu tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

d) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản  thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ địa giới hành chính và báo cáo bằng văn bản về Bộ Nội vụ. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo, Bộ Nội vụ xem xét, ra quyết định đưa hồ sơ địa giới hành chính vào lưu trữ, quản lý và sử dụng.

3.6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm bổ sung, chỉnh sửa đầy đủ các nội dung theo ý kiến của cơ quan thẩm định.

4. Thẩm định việc thể hiện đường địa giới và các yếu tố liên quan đến đường địa giới hành chính trên bản đồ trước khi xuất bản hoặc giao nộp để lưu trữ

4.1. Thẩm quyền thẩm định và đối tượng thẩm định

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định các loại bản đồ địa hình và bản đồ nền tỷ lệ 1/50.000 và các tỷ lệ lớn hơn in trên giấy hoặc bản đồ số hoàn chỉnh, bản đồ hành chính toàn quốc và bản đồ hành chính cấp tỉnh.

b) Bộ Quốc phòng thẩm định các loại bản đồ do Bộ Quốc phòng thành lập, xuất bản phục vụ quốc phòng, an ninh.

c) Ngoài các bản đồ quy định tại tiết a điểm này, tổ chức, cá nhân đo đạc thành lập bản đồ hoặc xuất bản bản đồ (gọi chung là đơn vị xuất bản bản đồ) chịu trách nhiệm về việc thể hiện đường địa giới hành chính các cấp lên bản đồ và phải ghi chú rõ nguồn tài liệu sử dụng.

4.2. Hồ sơ thẩm định

Hồ sơ thẩm định bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định;

b) Các loại bản đồ đề nghị thẩm định nêu tại tiết a điểm 4.1 Mục này.

4.3. Nội dung thẩm định

Nội dung thẩm định bao gồm:

a) Đường địa giới, mốc địa giới hành chính thể hiện trên bản đồ;

b) Các yếu tố địa hình, địa vật, địa danh, thủy hệ, khu dân cư có liên quan đến đường địa giới, mốc địa giới hành chính các cấp thể hiện trên bản đồ.

4.4. Trình tự thẩm định

Việc thẩm định được thực hiện theo trình tư sau:

a) Đơn vị xuất bản bản đồ nộp cho cơ quan thẩm định hai (02) bộ hồ sơ quy định tại điểm 4.2 Mục này để thẩm định.

b) Trong thời hạn hai mươi lăm (25) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thẩm định phải hoàn thành việc thẩm định. Kết quả thẩm định được gửi cho đơn vị xuất bản bản đồ một (01) bộ một (01) bộ lưu tại cơ quan thẩm định.

Trường hợp bản đồ không co sai sót thì cơ quan thẩm định xác nhận cho xuất bản hoặc nộp lưu trữ; trường hợp bản đồ có sai sót thì cơ quan thẩm định yêu cầu đơn vị xuất bản bản đồ phải chỉnh sửa, bổ sung.

4.5. Trách nhiệm của đơn vị xuất bản bản đồ

a) Liên hệ với cơ quan thẩm định để được hướng dẫn và cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến địa giới hành chính.

b) Bổ sung, chỉnh sửa đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của cơ quan thẩm định; trường hợp có ý kiến khác thì báo cáo cơ quan thẩm định để thống nhất giải quyết.

c) Sản phẩm sau khi xuất bản phải gửi cho cơ quan thẩm định một (01) bộ để lưu trữ.

Mục 3:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ VỀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA

1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia, biển đảo đối với công tác đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia

1.1. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Ban hành quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật cho các hoạt động đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia, biển đảo;

b) Chủ trì thực hiện công tác đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia, biển đảo bảo đảm độ chính xác về tọa độ, độ cao các mốc quốc giới, các điểm phân chia ranh giới trên biển và các điểm cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải;

c) Tham gia phân giới, cắm mốc trên đất liền, phân định biên giới, ranh giới trên biển bảo đảm độ chính xác việc thể hiện đường biên giới, mốc quốc giới trên sơ đồ, bản đồ và hải đồ;

d) Tổ chức đàm phán với cơ quan chịu trách nhiệm về kỹ thuật của nước láng giềng để thống nhất các nội dung tiêu chuẩn kỹ thuật đo đạc và bản đồ phục vụ cho công tác biên giới quốc gia, biển đảo;

đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan đánh giá độ chính xác của các loại bản đồ, hải đồ phục vụ cho công tác biên giới quốc gia, biển đảo;

e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng, cập nhật bộ bản đồ chuẩn về biên giới, biển đảo;

g) Chủ trì thẩm định về kỹ thuật việc thể hiện đường biên giới, biển đảo trên các loại bản đồ, hải đồ trước khi xuất bản hoặc giao nộp để lưu trữ;

h) Hướng dẫn và cung cấp thông tin về biên giới, biển đảo cho các đơn vị xuất bản bản đồ theo quy định của pháp luật.

1.2. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

a) Chủ trì đàm phán với các nước láng giềng để thống nhất cơ sở pháp lý triển khai công tác đo đạc và bản đồ về biên giới, biển đảo;

b) Bảo đảm cơ sở pháp lý về các số liệu tọa độ mốc quốc giới, tọa độ các điểm phân chia đường biên giới trên đất liền, trên biển và các điểm cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải;

c) Bảo đảm cơ sở pháp lý về đường biên giới quốc gia trên bản đồ, sơ đồ, hải đồ đính kèm Điều ước quốc tế về phân định đường biên giới trên đất liền, trên biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng;

d) Chủ trì tổ chức thực hiện việc phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền và phân định biên giới, ranh giới trên biển;

đ) Thông báo kịp thời cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan các thông tin mới về biên giới, biển đảo phục vụ công tác đo đạc và xuất bản bản đồ, hải đồ;

e) Tham gia xây dựng bộ bản đồ chuẩn về biên giới; biển đảo; trường hợp đường biên giới chưa được phân giới, cắm mốc theo các Điều ước quốc tế hoặc chưa được phân định với các nước láng giềng, thì Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất thể hiện đường biên giới, biển đảo theo chủ trương của Nhà nước; tham gia thẩm định cơ sở pháp lý để giải quyết những vướng mắc liên quan đến thể hiện đường biên giới, biển đảo trên bản đồ, hải đồ.

1.3. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

a) Ban hành quy định về trình tự, thủ tục, cấp phép và giám sát việc thực hiện công tác đo đạc và bản đồ trong khu vực biên giới, biển đảo thuộc phạm vi Bộ Quốc phòng quản lý;

b) Tổ chức thực hiện công tác đo đạc và bản đồ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh trong khu vực biên giới, biển đảo thuộc phạm vi Bộ Quốc phòng quản lý;

c) Bảo đảm an ninh cho các tổ chức thực hiện công tác đo đạc và bản đồ trong khu vực biên giới, biển đảo.

1.4. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ

Cung cấp địa danh hành chính khu vực biên giới và địa danh biển đảo.

1.5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia và biển đảo

a) Tham gia phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền, khảo sát các đảo, quần đảo thuộc phạm vi địa phương mình quản lý;

b) Tạo điều kiện cho các tổ chức thực hiện công tác đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia và biển đảo trong phạm vi địa phương mình quản lý;

2. Quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia

2.1. Quản lý tài liệu đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia

a) Bộ bản đồ, sơ đồ và hải đồ đính kèm Điều ước quốc tế về đường biên giới quốc gia trên đất liền và trên biển do Bộ Ngoại giao quản lý; Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu trữ một (01) bộ để phục vụ quản lý nhà nước.

b) Tài liệu khảo sát, đo đạc và bản đồ về biên giới, biển đảo có liên quan đến đường biên giới quốc gia trên đất liền và biển đảo được lưu trữ tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

c) Phim, ảnh chụp từ máy bay, phim biên tập chế in bản đồ có liên quan đến đường biên giới quốc gia trên đất liền và biển đảo được lưu trữ tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2.2. Khai thác, sử dụng tài liệu đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia

a) Các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu khai thác, sử dụng các tài liệu, bản đồ, sơ đồ, hải đồ chuyên đề về đường biên giới quốc gia, biển đảo phải được Bộ Ngoại giao đồng ý bằng văn bản.

b) Việc cung cấp các thông tin, tài liệu đo đạc và bản đồ về biên giới, biển đảo cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật.

c) Cơ quan, tổ chức không được sử dụng các bản đồ, hải đồ có sai sót về biên giới, biển đảo để treo nơi công sở hoặc dùng làm việc với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

3. Thẩm định việc thể hiện đường biên giới và các yếu tố liên quan đến biên giới, biển đảo trên các loại bản đồ, hải đồ trước khi xuất bản hoặc giao nộp để lưu trữ

3.1. Thẩm quyền thẩm định và đối tượng thẩm định

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao thẩm định đường biên giới quốc gia, biển đảo trên các xuất bản phẩm in trên giấy hoặc bản đồ số hoàn chỉnh trước khi xuất bản hoặc giao nộp để lưu trữ theo bộ bản đồ chuẩn về biên giới, biển đảo.

b) Bộ Quốc phòng thẩm định các bản đồ, sơ đồ, hải đồ do Bộ Quốc phòng xuất bản phục vụ quốc phòng, an ninh.

3.2. Hồ sơ thẩm định

Hồ sơ thẩm định bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định đường biên giới, biển đảo;

b) Bản đồ, sơ đồ, hải đồ in trên giấy hoặc bản đồ số hoàn chỉnh có liên quan đến đường biên giới quốc gia trên đất liền và biển đảo cần được thẩm định.

3.3. Nội dung thẩm định

Nội dung thẩm định bao gồm:

a) Đường biên giới, mốc biên giới, biển đảo thể hiện trên bản đồ, hải đồ, sơ đồ;

b) Các yếu tố địa hình, địa vật, thủy hệ, khu dân cư và địa danh có liên quan đến đường biên giới, mốc biên giới, biển đảo thể hiện trên bản đồ, hải đồ, sơ đồ.

3.4. Trình tự thẩm định

Việc thẩm định được thực hiện theo trình tự sau:

a) Đơn vị xuất bản bản đồ nộp cho cơ quan thẩm định hai (020 bộ hồ sơ quy định tại điểm 3.2 Mục này để thẩm định;

b) Trong thời hạn hai mươi lăm (25) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thẩm định phải hoàn thành việc thẩm định. Kết quả thẩm định được gửi cho đơn vị xuất bản bản đồ một (01) bộ, lưu tại cơ quan thẩm định một (01) bộ;

Trường hợp bản đồ không có sai sót thì cơ quan thẩm định xác nhận cho xuất bản hoặc nộp lưu trữ; trường hợp bản đồ có sai sót thì cơ quan thẩm định yêu cầu đơn vị xuất bản bản đồ phải chỉnh sửa, bổ sung.

3.5. Trách nhiệm của đơn vị xuất bản bản đồ

a) Liên hệ với cơ quan thẩm định để được hướng dẫn và cung cấp thông tin tư liệu liên quan đến biên giới, biển đảo.

b) Bổ sung, chỉnh sửa đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của cơ quan thẩm định; trong trường hợp có ý kiến khác thì báo cáo cơ quan thẩm định để thống nhất giải quyết.

c) Sản phẩm sau khi xuất bản phải gửi cho cơ quan thẩm định một (01) bộ để lưu trữ.

Mục 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành và lưu hành các sản phẩm bản đồ có sai sót về địa giới hành chính, biên giới quốc gia, biển đảo thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có các hoạt động đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính và biên giới quốc gia có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì phản ánh kịp thời về liên bộ để giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG




Phùng Quang Thanh

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
THỨ TRƯỞNG





Vũ Dũng

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Trần Hữu Thắng

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG




Đặng Hùng Võ

 

Nơi nhận:                                                                         
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; 
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;                                                                
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;                                              
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Lưu VT Bộ TNMT, Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 06/2006/TTLT-BTNMT-BNV-BNG-BQP hướng dẫn quản lý công tác đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính và biên giới quốc gia do Bộ Tài nguyên môi trường - Bộ nội vụ - Bộ ngoại giao - Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 06/2006/TTLT-BTNMT-BNV-BNG-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 13/06/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Đặng Hùng Võ, Phùng Quang Thanh, Vũ Dũng, Trần Hữu Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1 đến số 2
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản