Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN - BỘ NỘI VỤ
BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

Số: 06/2006/TTLT-BCA-BNV-BTC

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2006 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 289/2005/QĐ-TTG NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TIỀN LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP ĐỐI VỚI SĨ QUAN, HẠ SĨ QUAN HƯỞNG LƯƠNG THUỘC CÔNG AN NHÂN DÂN CHUYỂN NGÀNH

Căn cứ Quyết định số 289/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về tiền lương và phụ cấp đối với sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương thuộc Công an nhân dân chuyển ngành; sau khi thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại công văn số 2497/LĐTBXH-TL ngày 24 tháng 7 năm 2006; Bộ Công an, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong lực lượng Công an nhân dân (sau đây gọi tắt là sĩ quan, hạ sĩ quan Công an) chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước) và công ty nhà nước.

II. TIỀN LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP KHI CHUYỂN NGÀNH

1. Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước: Thực hiện việc chuyển xếp lương theo công việc mới và bảo lưu lương (nếu có) kể từ ngày có quyết định chuyển ngành theo hướng dẫn tại khoản 6 và khoản 7, mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10 tháng 8 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

Ví dụ 1: Đồng chí Nguyễn Văn T, cấp bậc trung tá (hệ số lương 6,60). Từ ngày 01/12/2005 đồng chí T có quyết định chuyển ngành sang công tác tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh H và được xếp lương hệ số 5,42 (bậc 4, nhóm ngạch A2.1). Như vậy, kể từ ngày 01/12/2005 đồng chí T được hưởng bảo lưu tiền lương như sau:

Hệ số chênh lệch bảo lưu của đồng chí T là: 6,60 – 5,42 = 1,18

Thời gian bảo lưu tối thiểu 18 tháng (tối thiểu đến hết tháng 5/2007).

Ví dụ 2: Đồng chí Nguyễn Thị K, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hưởng lương hệ số 5,90 (bậc 10, nhóm 2 ngạch Trung cấp) + 5% phụ cấp thâm niên vượt khung. Từ ngày 01/7/2006 đồng chí K có quyết định chuyển ngành sang công tác tại ngành giáo dục và được xếp lương hệ số 4,06 (bậc 12, ngạch viên chức loại B). Như vậy, kể từ ngày 01/7/2006, đồng chí K được hưởng bảo lưu tiền lương như sau:

Hệ số lương trước khi chuyển ngành: 5,90 + (5,90 x 5%) = 6,20

Hệ số chênh lệch bảo lưu của đồng chí K là: 6,20 – 4,06 = 2,14

Thời gian bảo lưu tối thiểu 18 tháng (tối thiểu đến hết tháng 12/2007).

2. Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an chuyển ngành sang công tác tại các công ty nhà nước:

    a) Được xếp lương theo công việc mới kể từ ngày có quyết định chuyển ngành theo nguyên tắc: Chuyển xếp lương theo công việc và chức vụ đảm nhiệm. Cơ sở để xếp lương căn cứ vào công việc được giao; chức danh tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân; chức danh tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ; hạng công ty được xếp và thang lương, bảng lương công ty được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 205/2005/NĐ-CP, ngày 14/12/2004 của Chính phủ, cụ thể như sau:

- Nếu được bổ nhiệm giữ các chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị; Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc; Giám đốc Phó giám đốc; Kế toán trưởng: Căn cứ hạng của Tổng công ty, Công ty để xếp lương bậc 1 của chức vụ được bổ nhiệm.

- Nếu được bố trí công việc thuộc đối tượng viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành phục vụ: Việc xếp lương tham khảo quy định tại khoản 6 và khoản 7, mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10 tháng 8 năm 2005 của Bộ Nội vụ để thực hiện, theo nguyên tắc ngạch và hệ số lương được xếp không cao hơn ngạch và hệ số lương quy định tại Thông tư số 79/2005/TT-BNV.

- Nếu được xếp theo thang lương, bảng lương công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh: Việc xếp bậc lương căn cứ trình độ tay nghề, số năm công tác và tương quan chung trong đơn vị để thực hiện.

    b) Trường hợp hệ số lương mới đuợc xếp thấp hơn hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an trước khi chuyển ngành (sau đây gọi tắt là số số lương cũ) thì được bảo lưu hệ số chênh lệch giữa hệ số lương cũ với hệ số lương mới trong thời gian tối thiểu 18 tháng, kể từ ngày có quyết định chuyển ngành.

Ví dụ 3: Đồng chí Trần Văn P, cấp bậc thiếu tá (hệ số lương 6,00). Từ ngày 01/4/2006 đồng chí P có quyết định chuyển ngành sang công tác tại Công ty A và được xếp lương hệ số 4,51. Như vậy, kể từ ngày 01/4/2006 đồng chí P được hưởng bảo lưu tiền lương như sau:

Hệ số chênh lệch bảo lưu của đồng chí P là: 6,00 – 4,51 = 1,49

Thời gian bảo lưu tối thiểu 18 tháng (tối thiểu đến hết tháng 9/2007).

Ví dụ 4: Đồng chí Nguyễn Văn T, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hưởng lương hệ số 5,20 (bậc 10, nhóm 2 ngạch Sơ cấp) + 6% phụ cấp thâm niêm vượt khung. Từ ngày 01/8/2006 đồng chí T có quyết định chuyển ngành sang công tác tại Công ty M và được xếp lương hệ số 3,62. Như vậy, kể từ ngày 01/8/2006 đồng chí T được hưởng bảo lưu tiền lương như sau:

Hệ số lương trước khi chuyển ngành: 5,20 + (5,20 x 6%) = 5,51

Hệ số chênh lệch bảo lưu của đồng chí K là: 5,51 – 3,62 = 1,89

Thời gian bảo lưu tối thiểu 18 tháng (tối thiểu đến hết tháng 01/2008).

    c) Trong thời gian hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu, nếu được nâng bậc lương thì hệ số chênh lệch bảo lưu được giảm tương ứng; nếu hệ số lương được nâng bằng hoặc cao hơn hệ số lương trước khi chuyển ngành thì thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ khi được nâng bậc lương.

3. Hệ số chênh lệch bảo lưu được tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Tiền lương tính trên hệ số chênh lệch bảo lưu do cơ quan, đơn vị, công ty tiếp nhận sĩ quan, hạ sĩ quan Công an đến công tác chi trả vào cùng kỳ lương hàng tháng.

Trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan Công an chuyển ngành sang công tác tại các công ty nhà nước thì khoản tiền lương này được hạch toán vào giá thành sản phẩm hoặc chi phí kinh doanh.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Công an, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ T RƯỞNG
 
 
 
 
Trần Văn Tá

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
 
 
 
 
Nguyễn Trọng Điều

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
 
 
 
 
Trương Hòa Bình

 
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban Đảng ở Trung ương;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Website CP;
- BCA: BT, các TT, các Tổng cục, Vụ, Cục… trực thuộc Bộ;
  Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Nội vụ, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: Bộ Công an (V11, V19, X13), Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.
 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 06/2006/TTLT-BCA-BNV-BTC hướng dẫn Quyết định 289/2005/QĐ-TTg về tiền lương và phụ cấp đối với sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương thuộc Công an nhân dân chuyển ngành do Bộ Công An - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 06/2006/TTLT-BCA-BNV-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 10/10/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Trọng Điều, Trần Văn Tá, Trương Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 47 đến số 48
  • Ngày hiệu lực: 10/11/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản