0BỘ CÔNG AN – BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ - BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2008/TTLT-BCA-BKHCN-BTC | Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2008 |
Căn cứ Nghị định số 169/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an (sau đây viết gọn là Nghị định số 169/2007/NĐ-CP); sau khi có sự thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tại công văn số 5795/BKH-QPAN ngày 11 tháng 8 năm 2008); Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính thống nhất hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện việc xây dựng, điều chỉnh kế hoạch huy động; quyết định huy động; trình tự, thủ tục chuyển giao, hoàn lại đối tượng huy động; kinh phí bảo đảm kế hoạch huy động; chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân được huy động; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.
3. Tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an
a) Tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an: là khả năng về khoa học và công nghệ có thể huy động để giải quyết những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Công an nhân dân để bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bao gồm: tổ chức khoa học và công nghệ; tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; công dân Việt Nam, người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam hoạt động khoa học và công nghệ; tài chính bảo đảm cho hoạt động khoa học công nghệ; cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm cho hoạt động khoa học công nghệ; thông tin khoa học và công nghệ; thành tựu khoa học và công nghệ; hệ thống thông tin truyền thông.
b) Tổ chức khoa học và công nghệ: tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các trường đại học, học viện, trường cao đẳng; tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ; các tổ chức khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp Nhà nước; doanh nghiệp khoa học và công nghệ thuộc Nhà nước và không thuộc Nhà nước.
c) Công dân Việt Nam, người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam hoạt động khoa học và công nghệ: là những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ, vào quá trình tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ.
d) Cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm cho hoạt động khoa học và công nghệ: bao gồm toàn bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhà xưởng, trang thiết bị máy móc, nguyên vật liệu, phụ liệu, phòng thí nghiệm, thư viện khoa học, phần mềm và cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ phục vụ cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
đ) Thông tin khoa học và công nghệ: là các dữ liệu, số liệu, dữ kiện, tin tức, tri thức khoa học và công nghệ (bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn).
II. XÂY DỰNG, ĐIỀU CHỈNH KẾ HOẠCH HUY ĐỘNG
1. Xây dựng kế hoạch huy động 5 năm, hàng năm
a) Căn cứ chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chỉ thị, kế hoạch công tác hàng năm của Bộ Công an; nhu cầu tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ Công an nhân dân, Bộ Công an xây dựng kế hoạch huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an 5 năm, hàng năm gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/7 hàng năm và năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b) Nội dung kế hoạch huy động bao gồm các nội dung sau:
- Mục tiêu và nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần huy động;
- Đối tượng huy động;
- Phương thức huy động;
- Kinh phí và điều kiện bảo đảm cho kế hoạch huy động;
- Thẩm quyền quyết định huy động;
- Trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch huy động;
- Thời gian và tiến độ huy động;
- Kết quả huy động;
- Thời gian, địa điểm, phương thức bàn giao kết quả huy động.
c) Bộ Công an trao đổi với các cơ quan, tổ chức, cá nhân được huy động bằng văn bản trong quá trình xây dựng kế hoạch huy động.
2. Xây dựng kế hoạch huy động trong trường hợp đột xuất
a) Các trường hợp đột xuất:
- Tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội (chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp) cần thiết phải huy động để hạn chế và khắc phục hậu quả;
- Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm (chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp) do Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an xử lý.
b) Khi có trường hợp đột xuất, Bộ Công an lập kế hoạch huy động theo quy định tại khoản 4 Điều 12 của Nghị định số 169/2007/NĐ-CP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thông báo tới các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
3. Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch huy động
a) Những trường hợp điều chỉnh, bổ sung:
- Đối tượng huy động không còn phù hợp với kế hoạch huy động;
- Điều chỉnh dự toán kinh phí chi cho các nhiệm vụ trong kế hoạch đã được phê duyệt;
- Mục tiêu và nhiệm vụ trong kế hoạch huy động đã được phê duyệt phải thay đổi so với kế hoạch;
- Phát sinh yêu cầu của công tác công an cần phải huy động;
b) Thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung:
Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Bộ Công an điều chỉnh, bổ sung kế hoạch huy động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thông báo tới các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan. Việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch 5 năm được thực hiện ngay trong kế hoạch hàng năm.
1. Thẩm quyền quyết định huy động
a) Bộ trưởng Bộ Công an quyết định huy động theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b) Tổng cục trưởng các tổng cục thuộc Bộ Công an quyết định huy động theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an.
c) Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định huy động đối với các đối tượng huy động trên địa bàn theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an.
d) Mẫu Quyết định huy động do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
2. Điều chỉnh thời hạn trong quyết định huy động
a) Điều chỉnh thời hạn trong quyết định huy động là trường hợp kéo dài hoặc rút ngắn thời gian huy động.
b) Người có thẩm quyền huy động quy định tại khoản 1 Mục III của Thông tư này ban hành quyết định điều chỉnh thời hạn huy động và thông báo đến tổ chức, cá nhân được huy động về việc điều chỉnh thời hạn huy động trước 1/3 thời gian kết thúc thời hạn huy động.
c) Mẫu Quyết định điều chỉnh thời hạn huy động do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
IV. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHUYỂN GIAO, HOÀN LẠI ĐỐI TƯỢNG HUY ĐỘNG
1. Trình tự, thủ tục chuyển giao đối tượng huy động
a) Trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày ban hành quyết định huy động, cơ quan có thẩm quyền quyết định huy động phải gửi quyết định huy động tới tổ chức, cá nhân được huy động.
b) Tổ chức, cá nhân được huy động có trách nhiệm thực hiện Quyết định huy động.
c) Việc chuyển giao đối tượng huy động có sự chứng kiến của đại diện hợp pháp của tổ chức, cá nhân được huy động.
d) Mẫu Biên bản chuyển giao đối tượng huy động do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
2. Trình tự, thủ tục hoàn lại đối tượng huy động
a) Trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày kết thúc huy động, cơ quan có thẩm quyền quyết định huy động có trách nhiệm hoàn lại đối tượng huy động cho tổ chức, cá nhân được huy động.
b) Việc hoàn lại đối tượng huy động phải có sự chứng kiến của đại diện hợp pháp của tổ chức, cá nhân được huy động.
c) Mẫu Biên bản hoàn lại đối tượng huy động do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HUY ĐỘNG
1. Nguồn kinh phí
a) Dự toán ngân sách nhà nước giao cho Bộ Công an, gồm:
- Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ;
- Chi an ninh thường xuyên.
b) Các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật gồm:
- Các quỹ hợp pháp theo quy định của Chính phủ;
- Tài trợ, đóng góp tự nguyện hợp pháp, không vì mục đích lợi nhuận của các tổ chức hợp pháp, cá nhân trong và ngoài nước.
- Các nguồn kinh phí khác của Bộ Công an.
Trong trường hợp đột xuất cần huy động kinh phí từ các quỹ phát triển khoa học và công nghệ; cơ quan ra quyết định huy động có trách nhiệm tổng hợp số kinh phí đã huy động vào dự toán ngân sách của mình để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định hoàn trả số kinh phí đã huy động cho các quỹ từ nguồn ngân sách nhà nước.
2. Nội dung chi
a) Mua, nhận chuyển giao công nghệ và kết quả, thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
b) Trưng mua công nghệ, kết quả, thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
c) Trả tiền lương, tiền công, phụ cấp, làm thêm giờ, ngày nghỉ, ngày lễ, chế độ chính sách khi có thiệt hại về thân thể và các chế độ ưu đãi khác do cơ quan công an huy động chi trả cho cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được huy động quy định tại Điều 23 của Nghị định số 169/2007/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn.
d) Chi trả đền bù cơ sở vật chất kỹ thuật được huy động (nếu có).
đ) Các chi phí khác có liên quan đến công tác huy động.
3. Lập, chấp hành và quyết toán kinh phí
Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an được thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
VI. CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐƯỢC HUY ĐỘNG
1. Đối với tổ chức được huy động
Trong thời gian được huy động phục vụ công tác công an, cơ quan, tổ chức được huy động được hưởng các chế độ, chính sách sau:
a) Được áp dụng chính sách thuế theo quy định hiện hành đối với quốc phòng – an ninh;
b) Được áp dụng chính sách tín dụng, chính sách ưu đãi đối với việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật theo quy định hiện hành của nhà nước;
c) Được cử người của tổ chức mình tham gia các khóa đào tạo, tập huấn phục vụ cho nhiệm vụ huy động do Bộ Công an tổ chức. Kinh phí đào tạo, tập huấn do Bộ Công an chi trả;
d) Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, nếu có công trình khoa học và công nghệ có giá trị khoa học cao, được cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ thuộc Bộ Công an xét, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng theo Luật Thi đua khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Đối với cá nhân được huy động
Trong thời gian được huy động phục vụ công tác công an, cá nhân được huy động được hưởng các chế độ, chính sách sau:
a) Được áp dụng các chế độ, chính sách quy định tại Điều 23 của Nghị định số 169/2007/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn thi hành;
b) Được đăng ký xét và đề nghị tặng các giải thưởng về khoa học và công nghệ của Bộ Công an và Nhà nước đối với các công trình nghiên cứu khoa học và giải pháp công nghệ có giá trị theo quy định như cá nhân thuộc Bộ Công an; được tính thành tính để xét phong chức danh khoa học và đào tạo theo quy định pháp luật hiện hành.
VII. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN HUY ĐỘNG
1. Bộ Công an:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan lập kế hoạch huy động, tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm, 5 năm của Bộ Công an, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; lập biểu mẫu chi tiết về kế hoạch huy động để thống nhất cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm tra định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất để đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ huy động; tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ huy động của các cơ quan chủ quản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
c) Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kế hoạch huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an.
2. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tổng hợp dự toán ngân sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định kế hoạch huy động tiềm lực khoa học và công nghệ trong kế hoạch chung về khoa học và công nghệ 5 năm, hàng năm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo thực hiện kế hoạch huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an.
4. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Báo cáo tiềm lực khoa học và công nghệ của các đơn vị thuộc quyền theo nội dung, yêu cầu của Bộ Công an phục vụ xây dựng kế hoạch huy động.
b) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cần huy động cho các đơn vị thuộc quyền.
c) Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Công an) về tình hình thực hiện kế hoạch huy động.
Trường hợp không đảm bảo tiến độ huy động theo kế hoạch đã được phê duyệt phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Công an), giải trình nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
5. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch huy động của cơ quan có thẩm quyền.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính để có hướng dẫn kịp thời.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG | |
Nơi nhận: |
| ||
Thông tư liên tịch 05/2008/TTLT-BCA-BKHCN-BTC hướng dẫn Nghị định 169/2007/NĐ-CP về huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an do Bộ Công an - Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 05/2008/TTLT-BCA-BKHCN-BTC
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 14/11/2008
- Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Công Nghiệp, Trần Quốc Thắng, Đặng Văn Hiếu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 622 đến số 623
- Ngày hiệu lực: 16/12/2008
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực