Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2004/TTLT-BGTVT-BTC | Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2004 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHUYỂN GIAO QUYỀN THU PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ CÓ THỜI HẠN
Căn cứ Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP ngày 17/01/2003 của Chính phủ về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2003.
Căn cứ Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đấu thầu; Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 88/1999/NĐ-CP; Nghị định số 66/2003/NĐ-CP ngày 12/6/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 và Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 của Chính phủ.
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí và các văn bản có liên quan đến phí và lệ phí.
Liên Bộ Giao thông vận tải - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ có thời hạn và sử dụng nguồn thu từ việc giao quyền thu phí đường bộ như sau:
1/ Phạm vi áp dụng: Thông tư này hướng dẫn thực hiện chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ có thời hạn (gồm : Đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ) được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc do Nhà nước đầu tư bằng vốn vay và thu phí hoàn trả vốn và lãi vay. Thực hiện chuyển giao quyền thu phí toàn bộ tuyến đường hoặc từng đoạn đường được phép thu phí.
2- Tiền thu từ chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ được sử dụng để hoàn trả vốn và lãi vay (nếu đường chuyển giao được đầu tư, cải tạo, mở rộng bằng nguồn vốn vay); để đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng, sửa chữa bảo trì cho các công trình giao thông đường bộ (nếu đường chuyển giao được đầu tư, cải tạo, mở rộng bằng nguồn ngân sách) được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3- Đơn vị tham gia đấu thầu nhận quyền thu phí là các doanh nghiệp nhà nước, các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp.
4- Đơn vị được giao quyền thu phí phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về thu phí đường bộ; thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước theo quy định của các Luật, Pháp lệnh về thuế.
I- ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN:
1- Đường bộ được chuyển giao quyền thu phí là những tuyến đường hiện đang được nhà nước tổ chức thu phí, hoặc đã được đầu tư để thu phí gồm:
a) Đường đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước (ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương)
b) Đường đầu tư bằng vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: tiền viện trợ không hoàn lại, tiền hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.
c) Đường đầu tư bằng vốn vay đầu tư, ngân sách nhà nước trả nợ gốc và lãi vay, hoặc chỉ trả nợ gốc, còn phần lãi vay trả bằng tiền thu phí.
d) Đường đầu tư bằng vốn vay đầu tư và thu phí hoàn trả vốn và lãi vay.
e) Đường đầu tư bằng vốn liên doanh giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, thu phí hoàn vốn.
g / Đường bộ khác do nhà nước quản lý: Do chủ đầu tư BOT chuyển giao sau thời kỳ kinh doanh, chủ đầu tư BOT chuyển giao khi được nhà nước thanh toán vốn ...
2- Doanh nghiệp tham gia đấu thầu nhận quyền thu phí phải bảo đảm các điều kiện dưới đây:
a) Là doanh nghiệp thuộc đối tượng nêu tại điểm 3 phần I của Thông tư này.
b) Có nguồn tài chính bảo đảm cho việc thanh toán vốn đúng hạn khi trúng thầu chuyển giao quyền thu phí.
II- GIÁ VÀ THỜI HẠN CHUYỂN GIAO QUYỀN THU PHÍ :
Chuyển giao quyền thu phí đối với tuyến đường đầu tư xây dựng cải tạo để thu phí hoàn vốn đầu tư là hình thức nhà nước thu trước số vốn đã đầu tư và giao quyền thu phí có thời hạn tuyến đường đó cho đơn vị trúng thầu .
Giá để làm căn cứ đấu thầu chuyển giao quyền thu phí là toàn bộ chi phí đầu tư để xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường đó theo quyết toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt (giá này không bao gồm chi phí đầu tư xây dựng trạm thu phí). Trường hợp các tuyến đường đã xây dựng từ trước, giá làm căn cứ đấu thầu được xác định theo đơn giá xây dựng của tuyến đường cùng loại tại thời điểm xác định giao quyền thu phí.
Thời hạn chuyển giao quyền thu phí để làm căn cứ tổ chức đấu thầu được xác định theo tháng, trên cơ sở:
- Tổng mức vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư cho tuyến đường.
- Số phí thu được của năm trước liền kề trước khi thực hiện giao quyền thu phí có thời hạn sau khi đã trừ đi chi phí bảo đảm hoạt động tổ chức bộ máy thu phí (có loại trừ các chi phí đột xuất, không thường xuyên).
- Tốc độ tăng trưởng phương tiện cơ giới đường bộ hàng năm; lãi bỏ vốn của đơn vị trúng thầu giao quyền thu phí (tính bằng lãi suất tiền gửi có thời hạn 1 năm của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) tại thời điểm lập Đề án chuyển giao quyền thu phí.
Trường hợp tuyến đường chưa thực hiện thu phí, số tiền thu phí được xác định trên cơ sở:
- Số lượng phương tiện tham gia giao thông theo Dự án xây dựng, cải tạo, mở rộng tuyến đường đó và thống kê lưu lượng phương tiện tham gia giao thông thực tế khi tuyến đường đã vào khai thác trong thời gian ít nhất là 3 tháng để làm căn cứ xác định cho cả năm.
- Mức thu, đối tượng thu theo quy định hiện hành.
- Chi phí tổ chức thu được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) chi phí tổ chức thu với trạm đang thu có số lượng phương tiện tham gia giao thông tương ứng (có xem xét cụ thể điều kiện kinh tế xã hội của khu vực đó).
- Lãi bỏ vốn của đơn vị trúng thầu giao quyền thu phí tính bằng lãi suất tiền gửi có thời hạn 1 năm của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tại thời điểm lập Đề án giao quyền thu phí.
- Tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện cơ giới trên đường bộ theo từng năm.
Ví dụ:
- Tuyến đường quốc lộ A, tổng mức vốn NSNN đã đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo, mở rộng được xác định là 400 tỷ đồng; dự kiến thu hồi ngay số vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư thông qua hình thức giao quyền thu phí.
- Số phí thu được của năm trước liền kề (đối với tuyến đường đang thu phí) hoặc căn cứ vào lưu lượng phương tiện tham gia giao thông theo Dự án, số liệu thống kê thực tế qua 3 tháng, mức thu, đối tượng thu theo quy định hiện hành (đối với tuyến đường mới chưa thực hiện thu phí), đã xác định được tổng số tiền phí thu được năm đầu tiên là 120 tỷ đồng.
- Dự kiến tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện cơ giới trên quốc lộ A là 10%/ năm.
- Chi phí bảo đảm hoạt động bộ máy của tổ chức thu phí đối với tuyến đường đang thu phí hoặc của tuyến đường chưa thực hiện thu phí có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tương ứng được xác định là 5%
- Lãi suất tiền gửi 1 năm của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tại thời điểm lập Đề án là 8%.
Căn cứ vào các dữ liệu trên, cách xác định thời gian giao quyền thu phí như sau:
- Năm thứ nhất:
Số tiền phí thu được là: 120 tỷ đồng
Chi cho tổ chức thu phí: 120 tỷ x 5% = 6 tỷ đồng
Lãi bỏ vốn của đơn vị trúng thầu giao quyền thu phí:
400 tỷ x 8% = 32 tỷ đồng
Số tiền thu phí đơn vị trúng thầu thu hồi được năm thứ nhất là:
120 tỷ - 6 tỷ - 32 tỷ = 82 tỷ đồng
- Năm thứ hai:
Số tiền phí thu được là : 120 tỷ x 110% = 132 tỷ đồng
Chi cho tổ chức thu phí là: 132 tỷ x 5% = 6,6 tỷ đồng
Lãi bỏ vốn của đơn vị trúng thầu giao quyền thu phí:
(400 tỷ - 82 tỷ) x 8% = 25,44 tỷ đồng
Số tiền phí đơn vị trúng thầu thu hồi được năm thứ hai là:
132 tỷ - 6,6 tỷ - 25,44 tỷ = 99,96 tỷ đồng
- Năm thứ ba:
Số tiền phí thu được là: 132 tỷ x 110% = 145,2 tỷ đồng
Chi cho tổ chức thu phí : 145,2 tỷ x 5% = 7,26 tỷ đồng
Lãi bỏ vốn của đơn vị trúng thầu giao quyền thu phí :
(400 tỷ - 82 tỷ - 99,96 tỷ) x 8% = 17,44 tỷ đồng
Số tiền phí đơn vị trúng thầu thu hồi được năm thứ ba là:
145,2 tỷ - 7,26 tỷ - 17,44 tỷ = 120,50 tỷ đồng
- Năm thứ tư :
Số tiền phí thu được là : 145,2 tỷ x 110% = 159,72 tỷ đồng
Chi phí tổ chức thu phí : 159,72 tỷ x 5% = 7,99 tỷ đồng
Lãi bỏ vốn của đơn vị trúng thầu giao quyền thu phí :
(400 tỷ - 82 tỷ - 99,96 tỷ - 120,5 tỷ) x 8% = 7,8 tỷ đồng
Số tiền phí đơn vị trúng thầu thu hồi được năm thứ tư là:
159,72 tỷ - 7,99 tỷ - 7,8 tỷ = 143,93 tỷ đồng.
Tổng số tiền phí đơn vị trúng thầu thu được đến năm thứ 4 là 446,03 tỷ đồng, so với số vốn NSNN đã đầu tư là 400 tỷ đồng; thừa 46,03 tỷ đồng (tương đương với thời gian thu phí khoảng 4 tháng). Như vậy, để đơn vị trúng thầu thu hồi đủ 400 tỷ đồng, cần phải thu trong thời hạn là 3 năm 8 tháng (hay 44 tháng), đây là thời hạn thu phí để đưa ra đấu thầu.
Trong giá xét thầu trên đây chưa bao gồm chi phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ đường bộ. Tuy nhiên trong từng trường hợp cụ thể của đề án chuyển giao quyền thu phí đường bộ có thời hạn, giá chuyển giao có thể tính thêm chi phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ để làm căn cứ đấu thầu.
Trường hợp không giao quyền thu phí cả tuyến đường mà chỉ thực hiện giao quyền thu phí một phần tuyến đường đó, thì cách xác định thời hạn giao quyền thu phí cũng theo nguyên tắc tính toán trên đây nhưng với giá thu hồi tính theo tỷ lệ số vốn đã đầu tư cho phần tuyến đường đó.
Căn cứ vào từng tuyến đường cần chuyển giao quyền thu phí, Bộ Giao thông vận tải (Cục Đường bộ Việt Nam) lập Đề án chuyển giao quyền thu phí theo cách thức tính toán trên, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính để làm căn cứ đấu thầu giao quyền thu phí đường quốc lộ.
Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính (gọi chung là Sở Giao thông vận tải) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập Đề án chuyển giao quyền thu phí theo cách thức tính toán trên, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài chính, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt, để làm căn cứ đấu thầu giao quyền thu phí đối với đường bộ địa phương.
1/ Bộ Giao thông vận tải lựa chọn tuyến đường để thực hiện đấu thầu giao quyền thu phí sử dụng đường bộ đối với các tuyến đường quốc lộ. Sở Giao thông vận tải lựa chọn tuyến đường thực hiện tổ chức đấu thầu giao quyền thu phí sử dụng đường bộ đối với các tuyến đường bộ địa phương.
Sau khi chọn tuyến đường để thực hiện đấu thầu giao quyền thu phí sử dụng đường bộ, Bộ Giao thông vận tải thành lập hoặc Sở Giao thông vận tải trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Hội đồng đấu thầu giao quyền thu phí sử dụng đường bộ. Hội đồng đấu thầu giao quyền thu phí sử dụng đường bộ có nhiệm vụ:
- Xác định giá tuyến đường đã đầu tư để giao quyền thu phí sử dụng đường bộ làm căn cứ đấu thầu.
- Xác định số phí thu được hàng năm, số chi phí bảo đảm hoạt động của bộ máy tổ chức thu phí.
- Xác định lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong năm, tốc độ lưu lượng giao thông tăng hàng năm.
- Xác định thời hạn giao quyền thu phí sử dụng đường bộ làm căn cứ tổ chức đấu thầu.
- Xây dựng phương án đấu thầu.
- Xây dựng quy chế đấu thầu bao gồm: Tiêu chuẩn, điều kiện đối với đơn vị tham gia đấu thầu; thang điểm để chấm thầu, hồ sơ tham gia đấu thầu...
Tất cả các căn cứ trên Hội đồng đấu thầu phải trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (đối với đường quốc lộ) phê duyệt hoặc trình Giám đốc Sở Giao thông vận tải (đối với đường địa phương) để Sở Giao thông vận tải trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt làm căn cứ cho việc tổ chức đấu thầu.
- Tổ chức đấu thầu.
Quy trình, thủ tục tổ chức đấu thầu công bố kết quả đơn vị trúng thầu giao quyền thu phí sử dụng đường bộ thực hiện theo quy định hiện hành.
2- Đơn vị trúng thầu giao quyền thu phí là đơn vị có mức bỏ thầu với thời hạn giao quyền thu phí ngắn nhất được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kết quả đấu thầu (đối với đường quốc lộ), hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kết quả đấu thầu (đối với đường địa phương).
Thời hạn trúng thầu giao quyền thu phí sử dụng đường bộ không được dài hơn thời gian đã xác định được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt.
Trường hợp thời hạn bỏ thầu dài hơn thời hạn đã được phê duyệt, thì phải tổ chức đấu thầu lại.
3- Thời hạn trúng thầu giao quyền thu phí sử dụng đường bộ chỉ được điều chỉnh khi Nhà nước thay đổi mức thu phí, hoặc quy định lại các đối tượng chịu phí.
IV- QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI HOẶC SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI:
1/Tổ chức đấu thầu và ký kết hợp đồng giao quyền thu phí sử dụng đường bộ đối với đơn vị trúng thầu; có trách nhiệm quản lý, sử dụng tiền thu được từ chuyển giao quyền thu phí theo đúng quy định tại mục VI, phần II của Thông tư này.
Hợp đồng giao quyền thu phí sử dụng đường bộ phải theo đúng quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, đồng thời phải thể hiện được các nội dung cơ bản sau đây:
- Số tiền đơn vị trúng thầu phải trả cho nhà nước, thời hạn và số tiền trả lần đầu, thời hạn và số tiền trả đủ lần cuối.
- Thời hạn được thực hiện thu phí sử dụng đường bộ, thời gian bắt đầu thu, thời gian kết thúc thu phí.
- Đơn vị thu phí phải thực hiện thu đúng mức giá quy định, thực hiện miễn thu theo quy định và các quy định về tổ chức thu do Bộ Tài chính ban hành.
- Thời hạn bàn giao lại trạm thu phí.
- Quy định về trách nhiệm duy tu, sửa chữa đường của đơn vị trúng thầu (trong trường hợp được giao nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ).
2- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý sửa chữa thường xuyên và sửa chữa định kỳ đối với tuyến đường bộ chuyển giao quyền thu phí; hoặc tổ chức kiểm tra việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ (nếu giao cho đơn vị trúng thầu thực hiện).
3- Bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất, bộ máy quản lý và lao động thu phí hiện có cho đơn vị trúng thầu.
4- Phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất công tác tổ chức thu phí của đơn vị trúng thầu.
5- Thời điểm 6 tháng trước khi hết hạn hợp đồng giao quyền thu phí, cơ quan quản lý chuyên ngành giao thông vận tải phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị được giao quyền thu phi biết để chuẩn bị bàn giao; tổ chức tiếp nhận lại cơ sở vật chất, bộ máy quản lý và lao động thu phí khi hợp đồng hết hạn (trong trường hợp khi thực hiện hợp đồng có bàn giao lao động).
6- Trường hợp đến hạn thanh toán đơn vị trúng thầu không thanh toán đủ số tiền trúng thầu theo thời hạn quy định, Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra quyết định đình chỉ giao quyền thu phí (đối với đường quốc lộ), Sở Giao thông vận tải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định đình chỉ giao quyền thu phí (đối với đường địa phương). Việc xử lý trường hợp vi phạm này theo quy định xử lý vi phạm hợp đồng kinh tế theo Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Sau khi có quyết định đình chỉ giao quyền thu phí Cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải phải tổ chức thực hiện thu phí nhằm bảo đảm hoạt động bình thường của trạm thu phí để không gây lãng phí, thất thoát.
Trường hợp đặc biệt do thiên tai, địch hoạ phải ngừng thu phí đơn vị trúng thầu không có khả năng hoàn thành hợp đồng đã ký, Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (đối với đường quốc lộ), Sở Giao thông vận tải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (đối với đường địa phương) xem xét, giải quyết sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp.
V- QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA ĐƠN VỊ TRÚNG THẦU:
Đơn vị trúng thầu nhận quyền thu phí sử dụng đường bộ có quyền hạn, trách nhiệm sau:
1- Ký kết hợp đồng nhận quyền thu phí: Trả tiền trúng thầu chuyển giao quyền thu phí đúng thời gian quy định, cụ thể là: Trả lần thứ nhất ngay sau khi hợp đồng chuyển giao có hiệu lực (tối thiểu 50% giá trúng thầu) và trả lần thứ hai (trả hết) vào tháng thứ 6 kể từ khi trả lần thứ nhất.
2- Tổ chức thực hiện hoạt động thu phí theo đúng hợp đồng đã ký kết; thực hiện đúng các quy định hiện hành có liên quan đến hoạt động thu phí, như: Bán vé đúng giá quy định, miễn phí sử dụng đường bộ, quản lý vé và chứng từ thu phí sử dụng đường bộ... theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí sử dụng đường bộ.
3- Trường hợp được giao thực hiện việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ đường bộ, đơn vị trúng thầu có trách nhiệm tổ chức thực hiện và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
4- Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước theo quy định hiện hành.
5- Tiếp nhận cơ sở vật chất, bộ máy quản lý, lao động thu phí:
Đơn vị trúng thầu tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất, bộ máy quản lý, lao động thu phí hiện có của trạm thu phí trên tuyến đường bộ được giao (đối với tuyến đường đang thu phí hoặc tiếp nhận cơ sở vật chất của trạm (đối với tuyến đường mới đầu tư để thu phí). Thực hiện quản lý, sử dụng lao động, chi trả các khoản cho người lao động thu phí theo đúng quy định của Luật lao động và theo hợp đồng lao động. Thực hiện quản lý, sử dụng, sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, tài sản được giao theo quy định của nhà nước; trường hợp thiếu, mất tài sản do nguyên nhân chủ quan thì phải bồi thường cho nhà nước theo quy định. Đơn vị không được thay đổi vị trí trạm thu phí.
Đơn vị nhận thầu có quyền chủ động sắp xếp tổ chức lại bộ máy thu phí cho phù hợp, hiệu quả, nhưng phải đảm bảo quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật.
6- Khi hợp đồng hết hạn:
a) Đối với tuyến đường đang thu phí, nhà nước chuyển giao quyền thu phí: Đơn vị trúng thầu bàn giao lại toàn bộ cơ sở vật chất, bộ máy quản lý, lao động thu phí hiện có cho cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận. Số lao động bàn giao lại cho cơ quan tiếp nhận tối đa không được vượt quá số lao động đã tiếp nhận Trạm thu phí trước đây. Những lao động dôi ra không được tiếp nhận (nếu có) đơn vị trúng thầu có trách nhiệm bố trí công việc cho họ hoặc chi trả chế độ cho người lao động (nếu nghỉ việc) theo quy định của pháp luật.
b) Đối với tuyến đường đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp nhà nước chuyển giao quyền thu phí: Đơn vị trúng thầu bàn giao lại toàn bộ cơ sở vật chất hiện có cho cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận.
Trường hợp nhà nước tiếp tục duy trì trạm thu phí trên tuyến đường đã hết hạn chuyển giao quyền thu phí, khi có nhu cầu tuyển dụng lao động, đơn vị tiếp nhận có thể ký hợp đồng với người lao động đã thu phí cho đơn vị trúng thầu. Trường hợp người lao động không được tiếp nhận làm công tác thu phí, đơn vị trúng thầu có trách nhiệm bố trí công việc cho họ hoặc chi trả chế độ cho người lao động (nếu nghỉ việc) theo quy định của pháp luật.
7- Sau khi đã trả đủ tiền theo giá trúng thầu cho nhà nước, đơn vị được phép chuyển nhượng quyền thu phí cho các doanh nghiệp khác, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải (đối với đường quốc lộ), Sở Giao thông vận tải (đối với đường địa phương). Đơn vị nhận chuyển nhượng lại quyền thu phí có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các điều kiện của hợp đồng mà đơn vị chuyển nhượng đã ký với cơ quan quản lý chuyên ngành giao thông vận tải.
VI- QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN THU TỪ CHUYỂN GIAO QUYỀN THU PHÍ:
1- Tiền thu từ chuyển giao quyền thu phí được sử dụng :
a/ Đối với tuyến đường được đầu tư theo hình thức vay vốn đầu tư và thu phí hoàn trả vốn và lãi vay: Tiền thu được dùng để hoàn trả vốn và lãi vay, nếu còn được nộp vào tài khoản tiền gửi của Cục Đường bộ Việt Nam (đối với đường quốc lộ) hoặc tài khoản của Sở Giao thông vận tải (đối với đường địa phương) để đầu tư, cải tạo, duy tu sửa chữa nâng cấp, mở rộng tuyến đường bộ theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi thống nhất với cơ quan tài chính cùng cấp.
Trường hợp tiền thu được không trả đủ vốn và lãi vay, số nợ còn lại sẽ được trả bằng tiền thu được ở lần đấu thầu sau (trường hợp tuyến đường đó được tiếp tục đấu thầu ở giai đoạn sau) hoặc từ tiền thu phí thu được sau khi hết hạn hợp đồng.
b/ Đối với tuyến đường được đầu tư bằng vốn vay, ngân sách nhà nước trả nợ gốc, thu phí hoàn trả lãi vay: Số tiền thu được dùng để trả lãi vay, nếu còn được nộp vào tài khoản tiền gửi của Cục Đường bộ Việt Nam (đối với đường quốc lộ) hoặc tài khoản của Sở Giao thông vận tải (đối với đường địa phương) để một phần trả nợ gốc đầu tư hoặc cải tạo, duy tu sửa chữa nâng cấp, mở rộng tuyến đường bộ theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi thống nhất với cơ quan tài chính cùng cấp.
c/ Đối với tuyến đường được đầu tư bằng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương thu phí hoàn trả vốn đầu tư: Tiền thu được trả cho từng cấp ngân sách theo số vốn đã góp vào đầu tư. Phần còn lại (nếu có) được nộp vào tài khoản tiền gửi của Cục Đường bộ Việt Nam (đối với đường quốc lộ) hoặc tài khoản của Sở Giao thông vận tải (đối với đường địa phương) để đầu tư, cải tạo, duy tu sửa chữa nâng cấp, mở rộng tuyến đường bộ theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi thống nhất với cơ quan tài chính cùng cấp.
Trường hợp tiền thu được không trả đủ vốn đã đầu tư, số vốn đầu tư còn lại sẽ được trả bằng tiền thu được ở lần đấu thầu sau (trường hợp tuyến đường đó được tiếp tục đấu thầu ở giai đoạn sau) hoặc từ tiền thu phí thu được sau khi hết hạn hợp đồng.
d) Đối với đường đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước: Tiền thu được nộp vào tài khoản tiền gửi của Cục Đường bộ Việt Nam (đối với đường quốc lộ) hoặc tài khoản của Sở Giao thông vận tải (đối với đường địa phương) để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ, sửa chữa đường bộ theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi thống nhất với cơ quan tài chính cùng cấp .
2- Việc quản lý, cấp phát, quyết toán kinh phí sử dụng từ nguồn thu chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ thực hiện theo quy định hiện hành.
1/ Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải lựa chọn một số tuyến đường để thực hiện thí điểm đấu thầu giao quyền thu phí sử dụng đường bộ có thời hạn theo hướng dẫn tại Thông tư này để rút kinh nghiệm làm cơ sở thực hiện mở rộng đối với các tuyến đường khác.
2- Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
3- Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính để xem xét, sửa đổi cho phù hợp.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH | KT.BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT |
Nơi nhận: |
|
- 1Nghị định 88/1999/NĐ-CP về Quy chế Đấu thầu
- 2Nghị định 14/2000/NĐ-CP sửa đổi Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định 88/1999/NĐ-CP
- 3Nghị định 57/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh phí và lệ phí
- 4Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP về một số chủ trương giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2003 do Chính phủ ban hành
- 5Nghị định 66/2003/NĐ-CP sửa đổi Quy chế đấu thầu kèm theo Nghị định 88/1999/NĐ-CP và Nghị định 14/2000/NĐ-CP
Thông tư liên tịch 05/2004/TTLT-BGTVT-BTC hướng dẫn chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ có thời hạn do Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 05/2004/TTLT-BGTVT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 18/03/2004
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính
- Người ký: Huỳnh Thị Nhân, Phạm Duy Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 16
- Ngày hiệu lực: 12/04/2004
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra