Hệ thống pháp luật

BAN TÀI CHÍNH-QUẢN TRỊ TRUNG ƯƠNG-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/1997/TT-LB

Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 1997

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BAN TÀI CHÍNH - QUẢN TRỊ TRUNG ƯƠNG, BỘ TÀI CHÍNH SỐ 04/1997/TT-LB NGÀY 24 THÁNG 9 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐẢNG

Thi hành Thông báo số 74 TB/TW ngày 10-6-1997 và Thông báo số 85 TB/TW ngày 06-8-1997 của Thường vụ Bộ Chính trị về cơ chế quản lý tài chính Đảng; Căn cứ vào Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, sau khi trao đổi thống nhất, Ban Tài chính - Quản trị Trung ương và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Tài chính, tài sản của Đảng Cộng sản Việt Nam do Đảng thống nhất quản lý, điều hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ kết hợp với phân cấp quản lý, đảm bảo tính độc lập tự chủ trong công tác quản lý ngân sách của Đảng nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ của từng cấp uỷ Đảng và toàn Đảng.

2. Trung ương Đảng quy định thống nhất nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính, tài sản của Đảng, mức đóng đảng phí của đảng viên. Cấp uỷ các cấp chịu trách nhiệm quản lý tài chính, tài sản của cấp mình, và chịu sự chỉ đạo hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên trực tiếp. Cơ quan tài chính của cấp uỷ các cấp thừa uỷ quyền cấp uỷ làm chủ sở hữu tài sản của Đảng.

3. Căn cứ vào tổng mức dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm của Đảng được thường vụ cấp uỷ Đảng các cấp duyệt, cơ quan tài chính Nhà nước các cấp có trách nhiệm cấp phát kinh phí thường xuyên cho cơ quan Đảng bằng hình thức lệnh chi tiền và quyết toán kinh phí theo mục lục ngân sách Nhà nước như Luật Ngân sách quy định.

4. Ngân sách của Đảng được phân cấp quản lý tương ứng với các cấp ngân sách Nhà nước, bao gồm:

- Ngân sách Trung ương Đảng.

- Ngân sách các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc TW (gọi là ngân sách tỉnh uỷ).

- Ngân sách các quận, huyện, thị uỷ và các thành uỷ trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ (gọi là ngân sách huyện uỷ).

- Ngân sách đảng uỷ xã, phường, thị trấn (gọi là ngân sách Đảng uỷ xã).

Các cấp ngân sách Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cân đối kinh phí hoạt động cho các cơ quan Đảng ở 4 cấp nêu trên.

5. Cơ quan tài chính của cấp uỷ:

- Ban Tài chính - Quản trị TW là cơ quan tài chính của TW Đảng, là đơn vị dự toán cấp I của ngân sách Nhà nước TW. Các cơ quan Đảng trực thuộc TW là đơn vị dự toán cấp II.

- Ban Tài chính - Quản trị tỉnh, thành uỷ là cơ quan tài chính của tỉnh, thành uỷ, là đơn vị dự toán cấp I của ngân sách Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc TW.

- Văn phòng huyện uỷ là cơ quan tài chính của huyện uỷ, là đơn vị dự toán của ngân sách Nhà nước huyện.

- Văn phòng Đảng uỷ xã là cơ quan tài chính của Đảng uỷ xã.

II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Ngân sách Đảng cấp TW, tỉnh uỷ, huyện uỷ có các nguồn thu và các khoản chi sau đây:

1.1. Nguồn thu:

- Đảng phí: Mức đóng đảng phí của đảng viên do Bộ Chính trị quy định.

- Thu từ các doanh nghiệp do Đảng quản lý (trừ thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước theo luật định). Khoản thu này chỉ phát sinh ở cấp TW và cấp tỉnh uỷ.

- Thu sự nghiệp từ các đơn vị xuất bản và các đơn vị sự nghiệp có thu của Đảng.

- Thu khác: Thu thanh lý TSCĐ, các khoản thu ủng hộ... (nếu có).

- Thu kết dự năm trước.

- Thu từ ngân sách Nhà nước: Là khoản chênh lệch giữa tổng dự toán chi được duyệt và các khoản thu nêu trên.

1.2. Nhiệm vụ chi:

- Chi ngân sách thường xuyên của Đảng, đảm bảo hoạt động của cơ quan Đảng các cấp bao gồm:

+ Các khoản chi có tính chất thường xuyên đảm bảo hoạt động của bộ máy, các khoản chi đáp ứng cho hoạt động đối nội, đối ngoại, chi đào tạo huấn luyện, chi trợ giá xuất bản.

+ Các khoản chi ngoài định mức chi thường xuyên đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng.

+ Các khoản chi có tính chất đột xuất của cấp uỷ Đảng.

- Các khoản chi do Nhà nước đầu tư phân bổ trực tiếp ngoài ngân sách chi thường xuyên của Đảng bao gồm:

+ Chi đầu tư XDCB các công trình thuộc cơ quan Đảng các cấp được cân đối trong kế hoạch vốn XDCB tập trung của Nhà nước, chi đề tài nghiên cứu khoa học, chi chương trình mục tiêu, chi đào tạo lại CBCNVC... được cấp phát và quản lý kinh phí theo đúng các quy định hiện hành của Chính phủ.

2. Đảng uỷ xã có các nguồn thu và nhiệm vụ chi chủ yếu sau đây:

2.1. Nguồn thu:

- Thu đảng phí: Theo nghị quyết của Bộ Chính trị.

- Thu trợ cấp, ủng hộ (nếu có).

- Thu kết dư năm trước.

- Ngân sách xã cấp chênh lệch giữa dự toán chi được duyệt và các khoản thu nêu trên theo quy định tại Thông tư số 14-TC/NSNN ngày 28-3-1997 của Bộ Tài chính.

2.2. Nhiệm vụ chi:

- Chi thường xuyên: Chi hội nghị; chi nghiệp vụ phí; chi tiếp khách; chi mua sắm tài sản... Các khoản chi công tác xây dựng Đảng như chi đào tạo bồi dưỡng cán bộ, chi đại hội, chi triển khai nghị quyết, chi mua báo và tạp chí (đảm bảo mỗi chi bộ có một số báo Nhân dân và một số báo Đảng địa phương, mỗi Đảng bộ, Chi bộ cơ sở có một số Tạp chí Cộng sản và các Tạp chí xây dựng Đảng).

- Chi XDCB (nếu có xây dựng trụ sở và công trình khác của Đảng).

Chế độ quản lý và các tiêu chuẩn định mức thu, chi của Đảng uỷ xã sẽ có quy định riêng.

3. Về lập dự toán ngân sách Đảng.

Dự toán ngân sách Đảng các cấp hàng năm được lập theo niên độ ngân sách Nhà nước.

3.1. Những căn cứ lập dự toán:

Khi lập dự toán phải dựa vào nghị quyết, chủ trương của Đảng về tình hình và nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm tới, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn nhiệm vụ xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách. Trên cơ sở đó xem xét đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm trước để xây dựng dự toán ngân sách năm tới.

a) Về thu ngân sách: Theo các nguồn thu quy định ở điểm 1.1 - mục II. Các khoản thu của ngân sách Đảng phát sinh ở cấp nào được cân đối vào ngân sách Đảng cấp đó.

b) Về chi thường xuyên: Dự toán chi ngân sách thường xuyên của Đảng phải căn cứ vào:

- Tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách áp dụng đối với cơ quan hành chính Nhà nước cùng cấp.

- Yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cấp uỷ Đảng, đảm bảo mọi hoạt động đối nội, đối ngoại của các tổ chức Đảng.

- Có kinh phí dự phòng đáp ứng các yêu cầu chi đột xuất của Đảng. c) Về các khoản chi khác (ngoài chi thường xuyên): Căn cứ vào tiêu chuẩn định mức, chế độ hiện hành của Đảng và Nhà nước.

3.2. Dự toán ngân sách Đảng bao gồm:

a) Dự toán ngân sách chi thường xuyên: Dự toán chi thường xuyên của từng cấp uỷ gồm:

- Các khoản chi đảm bảo hoạt động của bộ máy: Trong khi chưa nghiên cứu, xây dựng được định mức chi ngân sách phù hợp với yêu cầu hoạt động của Đảng, trước mắt tạm tính trên cơ sở định mức chi ngân sách áp dụng cho các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp cộng thêm phần kinh phí đảm bảo các khoản chi có tính chất đặc thù của Đảng (chưa có trong chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi...) như chi đối ngoại, chi chuẩn bị và triển khai nghị quyết, chi đào tạo bồi dưỡng cán bộ, chi đại hội Đảng các cấp, chi trợ giá xuất bản, các khoản chi về chính sách cán bộ và lão thành cách mạng...

- Các khoản chi từ kinh phí dự phòng ngân sách Đảng: Kinh phí dự phòng được lập nhằm đáp ứng kịp thời các khoản chi đột xuất trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trung ương Đảng, các tỉnh uỷ, huyện uỷ và tương đương. Kinh phí dự phòng được trích lập bằng 5% tổng dự toán ngân sách chi thường xuyên được duyệt của mỗi cấp.

Dự toán ngân sách chi thường xuyên của từng cấp uỷ và đơn vị trực thuộc phải thể hiện đầy đủ các khoản thu, chi theo mục lục ngân sách Nhà nước áp dụng cho cơ quan Đảng có bổ sung phù hợp với yêu cầu thu chi đặc thù của Đảng do Ban Tài chính - Quản trị Trung ương ban hành sau khi trao đổi với Bộ Tài chính.

Trước khi trình Thường vụ cấp uỷ phê duyệt, cơ quan tài chính Đảng trao đổi với cơ quan tài chính Nhà nước cùng cấp về khả năng đảm bảo kinh phí cho cơ quan Đảng của ngân sách Nhà nước cùng cấp. Dự toán ngân sách Đảng sau khi được thường vụ cấp uỷ phê duyệt, cơ quan tài chính Nhà nước cùng cấp tổng hợp, cân đối và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền theo luật định.

Dự toán ngân sách được cấp uỷ phê duyệt phải báo cáo với cơ quan tài chính cấp uỷ cấp trên.

b) Dự toán kinh phí XDCB do ngân sách Nhà nước trực tiếp đầu tư ngoài ngân sách chi thường xuyên của Đảng: Căn cứ vào nhu cầu vốn XDCB trong năm, cơ quan tài chính Đảng trao đổi, thống nhất với cơ quan kế hoạch và đầu tư của Nhà nước các cấp về các công trình sẽ được ghi trong kế hoạch và mức phân bố vốn XDCB. Trình tự, thủ tục và thời gian lập kế hoạch vốn và cấp phát vốn XDCB thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

c) Dự toán kinh phí đề tài nghiên cứu khoa học và dự toán các nguồn kinh phí khác do ngân sách Nhà nước trực tiếp phân bổ ngoài ngân sách chi thường xuyên của Đảng: Cơ quan tài chính Đảng các cấp căn cứ vào nhu cầu nghiên cứu, triển khai các đề tài, căn cứ vào nhu cầu kinh phí cho các chương trình mục tiều, đào tạo lại CBCNVC... trong năm lập dự toán kinh phí, cơ quan tài chính Đảng và cơ quan được giao quản lý kinh phí và thực hiện đề tài... trao đổi thống nhất với cơ quan chức năng Nhà nước về mức kinh phí Nhà nước phân bổ trong năm kế hoạch. Trình tự, thủ tục, chế độ chi tiêu thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

d) Chi đầu tư cho các doanh nghiệp của Đảng: được thực hiện trên cơ sở định hướng sản xuất - kinh doanh của Đảng trong từng thời kỳ theo chế độ chung của Nhà nước.

4. Chấp hành ngân sách (Phần kinh phí chi thường xuyên của Đảng)

4.1. Ngân sách Đảng các cấp sau khi được thông báo chính thức, cơ quan tài chính cấp uỷ lập kế hoạch phân bổ báo cáo Thường vụ cấp uỷ và thông báo cho các đơn vị dự toán trực thuộc, đồng gửi cơ quan tài chính Nhà nước cùng cấp.

4.2. Cơ quan tài chính cấp uỷ lập dự toán ngân sách quý, gửi cơ quan tài chính Nhà nước cùng cấp; cơ quan tài chính Nhà nước cấp phát kinh phí thường xuyên (gồm cả kinh phí dự phòng) cho cơ quan tài chính cấp uỷ bằng hình thức lệnh chi tiền theo dự toán được duyệt. Kho bạc Nhà nước các cấp có trách nhiệm chuyển tiền theo lệnh của cơ quan tài chính Nhà nước.

4.3. Căn cứ vào thông báo phân bổ ngân sách của cơ quan tài chính cấp uỷ, đơn vị dự toán cấp II lập dự toán chi ngân sách quý (có chia ra tháng).

Cơ quan tài chính cấp uỷ xem xét, kiểm tra các yêu cầu chi, duyệt dự toán chi và đồng gửi kho bạc Nhà nước nơi đơn vị dự toán cấp II mở tài khoản. Kho bạc Nhà nước các cấp có trách nhiệm chuyển kinh phí từng tháng, quý cho đơn vị dự toán cấp II theo yêu cầu của cơ quan tài chính cấp uỷ.

4.4. Điều chỉnh và bổ sung dự toán ngân sách năm (nếu có):

Thủ trưởng cơ quan tài chính Đảng được điều chỉnh nhiệm vụ chi trong tổng mức ngân sách được duyệt để phục vụ kịp thời các hoạt động của cấp uỷ Đảng. Quyết định điều chỉnh được gửi cho cơ quan tài chính Nhà nước và kho bạc Nhà nước cùng cấp để thực hiện.

Để thực hiện nhiệm vụ chính trị đột xuất được giao, nếu dự toán ngân sách năm đã được duyệt và thông báo không đáp ứng được, cơ quan tài chính Đảng trao đổi với cơ quan tài chính Nhà nước cùng cấp về mức bổ sung kinh phí trình thường vụ cấp uỷ và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cùng cấp xét duyệt.

4.5. Các khoản thu nội bộ của Đảng: Thu đảng phí, thu từ các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp của Đảng, thu khác được quản lý, sử dụng theo các quy định hiện hành của Đảng.

4.6. Quản lý và sử dụng kinh phí dự phòng:

Đối với ngân sách TW, Ban Tài chính - Quản trị Trung ương trực tiếp quản lý kinh phí dự phòng. Căn cứ vào mức độ và tính chất quan trọng của yêu cầu chi, Thường vụ Bộ Chính trị quyết định hoặc uỷ quyền cho Trưởng Ban Tài chính - Quản trị Trung ương quyết định chi từ kinh phí dự phòng.

Đối với ngân sách tỉnh uỷ, huyện uỷ, cơ quan tài chính Đảng trực tiếp quản lý kinh phí dự phòng. Căn cứ vào mức độ và tính chất quan trọng của yêu cầu chi, thường vụ cấp uỷ quyết định, thủ trưởng cơ quan tài chính Đảng thực hiện chi từ kinh phí dự phòng.

5. Kế toán và quyết toán ngân sách

5.1. Kế toán ngân sách:

- Chứng từ kế toán; hệ thống tài khoản, sổ sách, mẫu biểu báo cáo kế toán, niện độ kế toán thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Một số thay đổi và bổ sung để phù hợp với tính chất đặc thù của ngân sách Đảng do Ban Tài chính - Quản trị Trung ương quy định sau khi thoả thuận với Bộ Tài chính.

- Cuối năm ngân sách số dự kinh phí trên tài khoản tiền gửi của cơ quan tài chính và đơn vị dự toán ngân sách Đảng các cấp được chuyển sang năm sau để chi. Thủ tục chuyển số dự theo quy định hiện hành của Nhà nước.

5.2. Quyết toán ngân sách:

Theo định kỳ (quý, năm) cơ quan tài chính cấp uỷ duyệt quyết toán ngân sách các đơn vị trực thuộc; tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách năm trình thường vụ cấp uỷ phê duyệt.

Cơ quan tài chính Đảng quyết toán với cơ quan tài chính Nhà nước cùng cấp khoản kinh phí ngân sách Nhà nước chuyển sang cho ngân sách Đảng theo mục lục ngân sách Nhà nước.

6. Chế độ báo cáo của hệ thống ngân sách Đảng:

- Cơ quan Tài chính Đảng các cấp và các đơn vị trực thuộc thực hiện thống nhất các quy định về kỳ báo cáo, mẫu biểu báo cáo dự toán, quyết toán ngân sách theo quy định của Ban Tài chính - Quản trị Trung ương.

- Cơ quan Tài chính Đảng các cấp thực hiện chế độ báo cáo tổng hợp dự toán, quyết toán ngân sách Đảng, tình hình quản lý và sử dụng tài sản với cấp uỷ, đồng gửi cơ quan tài chính cấp uỷ cấp trên theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Ban Tài chính - Quản trị Trung ương tổng hợp dự toán, quyết toán ngân sách năm của toàn Đảng báo cáo Bộ Chính trị, để Bộ Chính trị báo cáo trước ban Chấp hành TW theo Điều lệ Đảng quy định.

7. Kiểm tra tài chính Đảng:

- Uỷ ban Kiểm tra cấp uỷ chịu trách nhiệm kiểm tra tài chính của cấp uỷ cấp dưới và cơ quan tài chính cấp uỷ cùng cấp theo đúng quy định của Điều lệ Đảng. Các vi phạm pháp luật trong quản lý tài chính và ngân sách Đảng, ngoài việc xử lý bằng các hình thực kỷ luật của Đảng, phải được xem xét xử lý theo các quy định của pháp luật.

- Cơ quan Tài chính cấp uỷ cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với cơ quan tài chính cấp uỷ cấp dưới.

- Các doanh nghiệp của Đảng ngoài sự kiểm tra tài chính của Uỷ ban Kiểm tra và cơ quan Tài chính cấp uỷ còn chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng Nhà nước theo quy định hiện hành.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ban Tài chính - Quản trị Trung ương cùng Bộ Tài chính có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn định mức chi ngân sách trong các cơ quan Đảng trình Thường vụ Bộ Chính trị quyết định.

Thông tư này có hiệu lực từ năm ngân sách 1998.

Các quy định ban hành trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

Trần Lưu Vy

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 04/1997/TTLB-BTCQTTU-BTC hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính Đảng do Ban Tài chính, Quản trị trung ương - Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 04/1997/TT-LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 24/09/1997
  • Nơi ban hành: Ban Tài chính-Quản trị Trung ương, Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng, Trần Lưu Vỵ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản