- 1Nghị định 54/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
- 2Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
- 3Thông tư liên tịch 08/2005/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành
BỘ CÔNG AN - BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ NỘI VỤ - BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2009/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BNV-BTC | Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2009 |
Căn cứ Nghị định số 169/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an (sau đây viết tắt là Nghị định số 169/2007/NĐ-CP). Sau khi trao đổi với Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính thống nhất hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được huy động phục vụ công tác công an:
Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được huy động phục vụ công tác công an.
Công dân Việt Nam, người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được huy động phục vụ công tác công an (sau đây gọi chung là người được huy động).
Điều 3. Đối tượng không áp dụng
1. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức trong Công an nhân dân;
2. Người được huy động trong trường hợp Nhà nước ban bố tình trạng khẩn cấp.
CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐƯỢC HUY ĐỘNG
Điều 4. Tiền lương và phụ cấp đối với người được huy động
1. Người được huy động là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng nguyên lương, các chế độ, chính sách như khi làm việc tại cơ quan, tổ chức của Nhà nước trước khi huy động và do cơ quan, tổ chức của Nhà nước trước khi huy động chi trả. Đồng thời, còn được hưởng phụ cấp huy động quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 169/2007/NĐ-CP, cụ thể như sau:
a) Bằng 30% mức tiền lương ngạch bậc, phụ cấp chức vụ, các chế độ phụ cấp lương và các chế độ trợ cấp khác (nếu có) đang hưởng trước khi được huy động trong trường hợp thời gian được huy động dưới 6 tháng;
b) Bằng 50% mức tiền lương ngạch bậc, phụ cấp chức vụ, các chế độ phụ cấp lương và các chế độ trợ cấp khác (nếu có) đang hưởng trước khi được huy động trong trường hợp thời gian được huy động từ 6 tháng đến dưới 1 năm;
c) Bằng 80% mức tiền lương ngạch bậc, phụ cấp chức vụ, các chế độ phụ cấp lương và các chế độ trợ cấp khác (nếu có) đang hưởng trước khi được huy động trong trường hợp thời gian được huy động từ 1 năm trở lên;
Các chế độ phụ cấp lương tại điểm a, b, c nêu trên bao gồm các chế độ phụ cấp lương quy định tại Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 17/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do cơ quan, tổ chức Nhà nước đang chi trả trước khi huy động.
Các chế độ trợ cấp khác tại điểm a, b, c nêu trên là các khoản trợ cấp có tính chất lương do cơ quan, tổ chức của Nhà nước đang chi trả trước khi huy động.
Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A, Trưởng phòng thuộc Cục X, Bộ Khoa học và Công nghệ, đang hưởng hệ số lương 5,42, bậc 4, ngạch chuyên viên chính và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, hệ số 0,50. Tháng 05/2009, ông A được Bộ Công an quyết định huy động phục vụ công tác công an trong thời gian 12 tháng. Trong thời gian được huy động, ông A được hưởng nguyên lương, phụ cấp như khi đang làm việc tại Cục X và do Cục X chi trả; đồng thời, hàng tháng được hưởng phụ cấp huy động mức 80% do Bộ Công an chi trả. Với mức tiền lương tối thiểu chung là 650.000 đồng/tháng thì phụ cấp huy động một tháng của ông A được hưởng là:
((5,42 + 0,50) x 650.000 đồng/tháng) x 80% = 3.078.400 đồng/tháng.
Ví dụ 2: Bà Lê Thị H, thuộc Viện Y, Bộ Khoa học và Công nghệ; đang hưởng hệ số lương 4,98, bậc 9, ngạch chuyên viên và 7% phụ cấp thâm niên vượt khung. Bà H được Bộ Công an quyết định huy động phục vụ công tác công an trong thời gian 6 tháng (từ tháng 7 đến hết tháng 12 năm 2009). Trong thời gian được huy động, bà H được hưởng nguyên lương, phụ cấp như khi đang làm việc tại Viện Y và do Viện Y chi trả; đồng thời, hàng tháng được hưởng phụ cấp huy động mức 50% do Bộ Công an chi trả. Với mức tiền lương tối thiểu chung là 650.000 đồng/tháng thì phụ cấp huy động một tháng của bà H được hưởng là:
((4,98 + 4,98 x 0,7%) x 650.000 đồng/tháng) x 50% = 1.731.795 đồng/tháng.
2. Người được huy động không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong thời gian được huy động phục vụ công tác công an nếu được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quản lý trả nguyên lương và các chế độ, chính sách như khi làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó thì tuỳ thuộc vào thời gian huy động dược hưởng một trong các mức phụ cấp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này do Bộ Công an chi trả. Phụ cấp huy động được tính trên cơ sở mức tiền lương do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang chi trả.
Ví dụ 3: Ông Phạm Xuân Th, kỹ sư điện tử của Tập đoàn kinh tế F, được Bộ Công an huy động phục vụ công tác công an trong thời gian 12 tháng (từ tháng 4/2009 đến hết tháng 3/2010). Trong thời gian Bộ Công an huy động, ông Th được Tập đoàn kinh tế F trả nguyên lương là 6.500.000 đồng/tháng. Như vậy trong thời gian huy động ngoài mức lương do Tập đoàn kinh tế F chi trả, mỗi tháng ông Th còn được Bộ Công an chi trả phụ cấp huy động mức 80%, cụ thể như sau:
6.500.000 đồng/tháng x 80% = 5.200.000 đồng/tháng
3. Người được huy động không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (trừ đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này) và người đang hưởng lương hưu hàng tháng khi được huy động phục vụ công tác công an, được Bộ Công an chi trả mức tiền lương (tiền công) theo thoả thuận giữa người được huy động với Bộ Công an (đơn vị quản lý người được huy động) trên cơ sở trình độ đào tạo, thời gian, kinh nghiệm công tác nhưng không vượt quá mức tiền lương, tiền công của cán bộ, công chức, viên chức có ngạch bậc tương đương theo quy định hiện hành của Nhà nước. Đồng thời, căn cứ mức tiền lương (tiền công) thoả thuận trên và thời gian huy động để tính hưởng một trong các mức phụ cấp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này.
Ví dụ 4: Ông Nguyễn Văn C, là kỹ sư tin học, có thời gian kinh nghiệm công tác thực tế 24 năm, được Bộ Công an quyết định huy động phục vụ công tác công an trong thời gian 15 tháng (từ tháng 5/2009 đến hết tháng 7/2010). Bộ Công an thoả thuận mức tiền lương trả cho ông C trong thời gian huy động tương đương với lương của công chức loại A1, bậc 9, hệ số lương 4,98. Với mức lương tối thiểu chung 650.000 đồng/tháng thì trong thời gian huy động ông C được hưởng tiền lương và phụ cấp huy động như sau:
a) Lương hàng tháng = 4,98 x 650.000 đồng/tháng = 3.237.000 đồng/tháng
b) Phụ cấp huy động = 3.237.000 đồng/tháng x 80% = 2.589.600 đồng/tháng
Tổng cộng (a + b) = 5.826.600 đồng/tháng
4. Trường hợp người huy động có khả năng đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công an dự kiến mức tiền lương đối với người được huy động báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến bằng văn bản trước khi quyết định huy động.
5. Phụ cấp huy động do Bộ Công an (đơn vị quản lý người được huy động) chi trả hàng tháng và không dùng để đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tiền lương và phụ cấp đối với người được huy động quy định tại Thông tư này được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định trong thời gian được huy động.
Điều 5. Tiền lương làm việc vào ban đêm và làm thêm giờ
Trong thời gian được huy động do yêu cầu công việc cần bố trí làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ, thì người được huy động được hưởng chế độ làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ.
Điều 6. Chế độ, chính sách khác
1. Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
a) Người được huy động nêu tại khoản 1, 2 Điều 4 Thông tư này thì cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trước khi huy động và người được huy động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định.
b) Người được huy động nêu tại
c) Trong thời gian được huy động phục vụ công tác công an:
Nếu người được huy động bị ốm đau, tai nạn lao động, bị thương, từ trần hoặc hy sinh thì được hưởng các chế độ tương ứng theo pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Trường hợp người huy động từ trần hoặc hy sinh, Bộ Công an (cơ quan huy động) phối hợp với cơ quan, tổ chức trước khi huy động tổ chức tang lễ theo quy định của Nhà nước.
2. Chính sách đối với người được huy động hy sinh hoặc bị thương
Trong thời gian được huy động, nếu người được huy động hy sinh hoặc bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 3, Điều 11 của Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được công nhận là liệt sĩ hoặc thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Điều 7. Thẩm quyền thực hiện chế độ, chính sách
Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương được Bộ trưởng Bộ Công an uỷ quyền quyết định huy động có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người được huy động:
1. Chi trả tiền lương (trừ đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 của Thông tư này) và phụ cấp huy động cùng kỳ lương của tháng. Riêng tiền lương làm việc vào ban đêm và làm thêm giờ được trả cùng kỳ lương của tháng liền kề.
2. Thu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 Điều 4 của Thông tư này).
3. Lập hồ sơ, giải quyết hoặc đề nghị giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
4. Lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh, gửi về Bộ Công an để thực hiện theo quy định.
Điều 8. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn về chế độ, chính sách đối với người được huy động.
2. Lập kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm, 5 năm đảm bảo kinh phí chi trả các chế độ theo quy định tại Thông tư này và quyết toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Thẩm định, quyết định, thực hiện hoặc đề xuất giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người được huy động quy định tại Thông tư này.
4. Xem xét, quyết định việc khen thưởng, xử lý vi phạm đối với người được huy động theo quy định.
Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Hướng dẫn và chỉ đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ và thực hiện đầy đủ chế độ ưu đãi đối với người được huy động hy sinh hoặc bị thương đã được công nhận là liệt sĩ, thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh do Bộ Công an chuyển đến.
Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an để thực hiện chi trả lương, phụ cấp huy động và các chế độ làm thêm giờ cho người được huy động phục vụ công tác công an.
Điều 11. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có người được huy động
1. Thực hiện đầy đủ chính sách đối với người được huy động quy định tại Thông tư này.
2. Sắp xếp, bố trí đúng vị trí công tác, công việc cho người được huy động khi hết thời gian huy động phục vụ công tác công an trở về làm việc tại cơ quan, tổ chức.
Điều 12. Trách nhiệm của người được huy động
1. Thực hiện nghiêm túc quyết định huy động; chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật và các quy định của Bộ Công an trong thời gian được huy động.
2. Thực hiện kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối với người được huy động
1. Kinh phí chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội.
2. Kinh phí chi trả lương, phụ cấp huy động, chế độ làm thêm giờ từ nguồn kinh phí dự toán chi an ninh thường xuyên giao cho Bộ Công an hàng năm.
3. Kinh phí chi trả chế độ đối với người được huy động hy sinh, bị thương từ nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Thông tư này nếu có vướng mắc các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về liên Bộ (qua Bộ Công an) để nghiên cứu, hướng dẫn giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LĐ - TB VÀ XÃ HỘI | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
- 1Nghị định 54/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
- 2Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
- 3Thông tư liên tịch 08/2005/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành
- 4Nghị định 169/2007/NĐ-CP về việc huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an
Thông tư liên tịch 03/2009/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BNV-BTC hướng dẫn chế độ, chính sách đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được huy động phục vụ công tác công an do Bộ Công an - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 03/2009/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BNV-BTC
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 09/04/2009
- Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
- Người ký: Đàm Hữu Đắc, Nguyễn Công Nghiệp, Đặng Văn Hiếu, Nguyễn Duy Thăng
- Ngày công báo: 16/05/2009
- Số công báo: Từ số 255 đến số 256
- Ngày hiệu lực: 24/05/2009
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết