Hệ thống pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
BỘ NỘI VỤ - BỘ TƯ PHÁP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-BNV-TANDTC-BTP/TTLT

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 1989 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Để áp dụng thống nhất các quy định của bộ luật tố tụng hình sự về hiệu lực thi hành, thẩm quyền xét xử các tội phạm hình sự của các Tòa án nhân dân cấp huyện và các Tòa án quân sự khu vực, các biện pháp ngăn chặn, truy nã bị can, bị cáo và bảo vệ phiên tòa. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp hướng dẫn như sau:

I- VỀ HIỆU LỰC THI HÀNH BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Bộ luật tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-1989. Kể từ ngày đó các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án các cấp đều phải áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành các bản án hình sự. Tuy nhiên:

- Đối với những vụ án mà tính từ ngày khởi tố đến ngày 1-1-1989 đã hết hoặc sắp hết hạn điều tra theo quy định tại điều 97 Bộ luật tố tụng hình sự thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh trở lên được gia hạn thêm không quá 3 tháng.

- Đối với những vụ án mà tính từ ngày thụ lý đến ngày 1-1-1989 đã hết hoặc sắp hết hạn truy tố theo quy định tại điều 142 Bộ luật tố tụng hình sự thì Viện trưởng Viện kiểm sát được gia hạn thêm không quá 2 tháng.

- Đối với những vụ án mà tính từ ngày 1-1-1989 đã hết hoặc sắp hết hạn chuẩn bị xét xử quy định tại điều 151 hoặc điều 215 Bộ luật tố tụng hình sự thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực được gia hạn thêm không quá 2 tháng; Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự cấp cao và Chánh tòa các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao được gia hạn thêm không quá 3 tháng.

Các thời hạn gia hạn nói trên đều tính từ ngày 1-1-1989. Các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải giải quyết cho xong những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình trong các thời hạn đó.

Đối với các bị can hoặc bị cáo trong các vụ án đã được phép gia hạn thêm nói trên, khi hết thời hạn tạm giam theo quy định tại các điều 71, 142 và 152 Bộ luật tố tụng hình sự thì nói chung phải trả tự do hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Tuy nhiên, đối với người phạm tội là phần tử nguy hiểm cần phải tiếp tục tạm giam, nếu vụ án đang ở giai đoạn điều tra, truy tố thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp gia hạn tạm giam, nếu vụ án đang ở giai đoạn xét xử thì Chánh án Tòa án gia hạn tạm giam, nhưng không được vượt quá thời hạn đã được gia hạn thêm để giải quyết vụ án như đã nêu ở trên. Thí dụ: Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã quyết định gia hạn thêm 3 tháng để xét xử vụ án thì cũng được quyết định gia hạn tạm giam bị cáo không quá 3 tháng đó.

II- THẨM QUYỀN XÉT XỬ VỀ HÌNH SỰ CỦA CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN VÀ TÒA ÁN QUÂN SỰ KHU VỰC

(Gọi tắt là Tòa án cấp huyện)

Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự quy định là các Tòa án cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những tội phạm mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định hình phạt từ 7 năm tù trở xuống, trừ những tội sau đây:

a) Các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia;

b) Các tội quy định tại các điều 89, 90, 91, 92, 93, 101 (khoản 30), 102, 179, 231, 232 Bộ luật Hình sự.

Khi thi hành điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự cần lưu ý một số điểm như sau:

1- Mức hình phạt 7 năm tù trở xuống là mức hình phạt do luật quy định chứ không phải mức hình phạt do Tòa án quyết định. Do đó, các tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng mà mức hình phạt cao nhất do luật quy định là từ 7 năm tù trở xuống (trừ các tội phạm được nêu ở các điểm a, b của khoản 1 điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự) đều thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện.

2- Nếu một điều luật có nhiều khoản thì những trường hợp phạm tội thuộc khoản có mức hình phạt cao nhất từ 7 năm tù trở xuống là thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện, không kể thuộc khoản thứ mấy của điều luật. Thí dụ: Điều 109 Bộ luật Hình sự về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” có 4 khoản, mức hình phạt cao nhất của khoản 1 và 3 năm tù, của khoản 2 là 7 năm tù, của khoản 3 là 20 năm tù và của khoản 4 là 2 năm tù, thì Tòa án cấp huyện được xét xử những trường hợp phạm tội quy định ở các khoản 1, 2 và 4. Điều 101 Bộ luật Hình sự về tội giết người có 4 khoản, trong đó mức hình phạt cao nhất của khoản 4 là 2 năm tù, thì trường hợp phạm tội quy định ở khoản 4 thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện. Riêng khoản 3 của điều 101 Bộ luật Hình sự có mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù, nhưng theo quy định của điểm b khoản 1 điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự thì trường hợp này không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện.

3- Tòa án cấp huyện có thẩm quyền xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, nếu các tội đó đều có mức hình phạt do luật quy định là 7 năm tù trở xuống (trừ các tội quy định tại các điểm a, b khoản 1 điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự).

Tòa án cấp huyện cũng có thẩm quyền xét xử người đang phải chấp hành một bản án (không kể đó là bản án của Tòa án cấp nào) mà lại bị truy tố về một tội thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện, không kể là tội phạm này được thực hiện trước hay sau khi có bản án đang phải chấp hành. Tuy nhiên, đối với những người đã bị phạt tử hình, hoặc bị phạt tù chung thân mà chưa được giảm thời hạn chấp hành hình phạt, thì Viện kiểm sát nhân dân tỉnh hoặc Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu truy tố tội phạm mới của họ để Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử:

Trong khi thực hiện thẩm quyền trên, nếu cần phải tổng hợp hình phạt thì phải theo đúng các quy định tại các điều 41, 42, và 43 Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn về tổng hợp hình phạt của Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời cần chú ý là:

Tòa án cấp huyện quyết định hình phạt chung theo điều 41 Bộ luật Hình sự không vượt quá 7 năm tù. Hình phạt chung cho các bản án theo khoản 1 điều 42 Bộ luật Hình sự không được vượt quá 7 năm tù nếu tội phạm (hoặc các tội phạm) của các bản án đang phải chấp hành thuộc khung hình phạt có mức cao nhất từ 7 năm tù trở xuống (*) và có thể vượt quá 7 năm tù nếu tội phạm (hoặc các tội phạm) của bản án đang phải chấp hành thuộc khung hình phạt có mức cao nhất trên 7 năm tù. Hình phạt chung cho các bản án theo khoản 2 điều 42 Bộ luật Hình sự có thể vượt quá 7 năm tù.

4- Khoản 2 điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự quy định là Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu (gọi tắt là Tòa án cấp tỉnh) có quyền lấy vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện lên để xét xử, nhưng không nói là loại vụ án nào, do đó, Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát và Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh cần căn cứ vào khả năng thực tế của các thẩm phán, kiểm sát viên và điều tra viên của cấp huyện ở địa phương mình mà xác định những loại vụ án cần lấy lên để điều tra, truy tố và xét xử ở cấp tỉnh. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án cấp tỉnh nên lấy lên để điều tra, truy tố và xét xử các vụ án sau đây:

- Vụ án phức tạp (có nhiều tình tiết khó đánh giá thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cầp, nhiều ngành).

- Vụ án mà bị cáo là thẩm phán, kiểm sát viên, sĩ quan công an, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, người nước ngoài, người có chức sắc cao trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.

- Khi có vụ án thuộc các loại trên đây, cơ quan điều tra cấp huyện trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp và chuyển hồ sơ lên cơ quan điều tra cấp tỉnh để điều tra. Nếu hồ sơ đã chuyển sang Viện kiểm sát cấp huyện thì Viện kiểm sát cấp huyện chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cấp tỉnh để Viện kiểm sát cấp tỉnh truy tố trước Tòa án cấp tỉnh. Nếu Viện kiểm sát cấp huyện đã truy tố để xét xử ở Tòa án cấp huyện, thì Tòa án cấp huyện trả hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát chuyển hồ sơ lên Viện kiểm sát cấp tỉnh để truy tố trước Tòa án cấp tỉnh.

Đối với những vụ án mà Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp tỉnh thấy cần được xét xử ở cấp tỉnh thì phải chuyển ngay lên cấp tỉnh để truy tố và xét xử ở cấp tỉnh.

Nếu vụ án do Viện kiểm sát cấp tỉnh truy tố ở Tòa án cấp tỉnh, nhưng Tòa án cấp tỉnh thấy vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện và không thuộc trường hợp cần thiết xét xử ở cấp tỉnh thì Tòa án cấp tỉnh trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp để nếu Viện kiểm sát nhất trí, thì Tòa án cấp tỉnh chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp huyện xét xử và Viện kiểm sát cấp tỉnh ra quyết định ủy quyền cho Viện kiểm sát cấp huyện thực hành quyền công tố tại phiên tòa mà không phải làm lại cáo trạng; Nếu Viện kiểm sát không nhất trí thì không chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp huyện xét xử.

Thông tư liên ngành số 01/TT-LB ngày 26-7-1986 về thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp kể từ ngày 1-1-1989 không áp dụng nữa.

III- ÁP DỤNG BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN TRONG GIAI ĐOẠN TRUY TỐ VÀ XÉT XỬ

Khi áp dụng các điều 62, 70, 141, 142, 152, 201 và 202 Bộ luật tố tụng hình sự cần lưu ý một số điểm sau đây:

1- Sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kiểm sát viên phải kiểm tra về biện pháp ngăn chặn đối với bị can để đề xuất với Viện trưởng quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp này.

Trong trường hợp bị can đang bị tạm giam mà thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành cáo trạng thì Viện kiểm sát có thể ra lệnh tạm giam, nhưng không được quá 30 ngày.

2- Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, thẩm phán được phân công xét xử vụ án phải quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Riệng việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam phải do Chánh án hoặc phó Chánh án quyết định.

3- Đối với các bị can đang bị tam giam mà Tòa án cấp sơ thẩm thấy cần tiếp tục tạm giam để xét xử, thì dù thời hạn tạm giam theo lệnh cũ còn hay hết, Tòa án vẫn phải ra lệnh tạm giam mới. Thời hạn tạm giam là 45 ngày (nếu vụ án do Tòa án cấp huyện thụ lý), 3 tháng (nếu vụ án do Tòa án cấp tỉnh thụ lý) tính từ ngày nhận hồ sơ. Trong trường hợp đặc biệt cần gia hạn tạm giam, thì trước khi hết hạn tạm giam, Tòa án cấp dưới phải báo cáo sớm để Chánh án Tòa án cấp trên kịp thời quyết định. Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp được gia hạn tạm giam một lần và không được quá một tháng.

Trường hợp đặc biệt nói trên là trường hợp thời hạn tạm giam bị cáo đã hết mà không thể cho bị cáo tại ngoại (vì bị cáo là phần tử nguy hiểm hoặc có căn cứ chứng tỏ bị cáo có thể trốn hoặc gây khó khăn cho việc xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội) mà chưa thể xét xử được ngay vì có lý do chính đang (như có bị cáo trong cùng vụ án đang bị truy nã hoặc có việc đột xuất phải hoãn mở phiên tòa).

Đối với vụ án do Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao hoặc Tòa án quân sự cấp cao thụ lý để xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm thì thời hạn tạm giam cũng chỉ là 3 tháng. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm 1 tháng.

Vì chỉ trong trường hợp đặc biệt mới được gia hạn tạm giam bị cáo và chỉ được gia hạn tạm giam 1 lần, cho nên Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án trong thời gian đó (*).

4- Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất, cho nên VKS hoặc Tòa án chỉ áp dụng đối với các bị can phạm tội trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng hoặc phạm một trong những tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên một năm và có căn cứ để cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội “tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 1 năm” là tội có mức cao nhất của khung hình phạt trên 1 năm tù. Nếu bị can phạm các tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt từ 1 năm tù trở xuống (như các tội quy định tại các điều 121, 123, 125, 126… BLHS) thì không được tạm giam họ. Đối với những điều luật có nhiều khoản thì những trường hợp bị can phạm tội quy định ở khoản có mức cao nhất của khung hình phạt từ 1 năm trở xuống (thí dụ: khoản 1 của điều 120; khoản 1 và 2 của điều 124 BLHS) cũng không được tạm giam họ.

Đối với các bị can được tại ngoại thì VKS chỉ tạm giam để truy tố và Tòa án chỉ tạm giam để xét xử trong những trường hợp thật cần thiết. Trái lại đối với các bị can đang bị tạm giam thì VKS hoặc Tòa án cần xem xét để nếu không còn cần thiết phải tiếp tục tạm giam nữa hoặc thời hạn tạm giam đã hết, thì phải ra lệnh trả tự do ngay hoặc nếu cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Đối với bị can là phụ nữ có thai hoặc đang phải nuôi con dưới 12 tháng, là người già yếu, người đang bị bệnh nặng mà có nơi cư trú rõ ràng, thì không tạm giam, mà nếu cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác (như bắt phải làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú hoặc cho bảo lĩnh); chỉ trong trường hợp đặc biệt (như họ là phần tử nguy hiểm hoặc có thể trốn, hoặc cản trở việc xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội) thì mới tạm giam họ (điều 70 Bộ luật tố tụng hình sự).

Đối với những trường hợp quy định tại điều 201 Bộ luật tố tụng hình sự thì Hội đồng xét xử phải tuyên trong bản án là trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo đang bị tạm giam nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác, mặc dù bản án có thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Những người được Hội đồng xét xử tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa thì được cấp ngay một bản trích lục bản án. Trại giam không được tiếp tục tạm giam họ.

5- Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm phạt tù giam với thời hạn tù dài hơn thời gian đã tạm giam, thì Tòa án phải tuyên trong bản án sơ thẩm là tiếp tục giam bị cáo để bảo đảm cho việc thi hành án.

6- Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thể quyết định bắt ngay bị cáo để bảo đảm cho việc thi hành án, nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục gây án, và quyết định này phải được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng nghị án và được nêu rõ trong phần nhận định cũng như phần quyết định của bản án (khoản 2 điều 173, điều 202 Bộ luật tố tụng hình sự).

7- Đối với bị cáo được tại ngoại thì Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên tình trạng của họ như khi hồ sơ được chuyển đến. Tuy nhiên, đối với những bị cáo đang bị giam mà khi chuẩn bị xét xử phúc thẩm có nhiều khả năng là họ bị oan hoặc không đến mức phải bị phạt tù, hoặc bị cáo cần được ra ngoài để chữa bệnh, sinh đẻ, thì Chánh án hoặc phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, thẩm phán Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao hoặc Tòa án quân sự cấp cao được phân công chủ tọa phiên tòa phúc thẩm có thể quyết định trả tự do hoặc nếu cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác để chở xét xử phúc thẩm.

8- Cơ quan công an thi hành các quyết định về bắt, tạm giữ, tạm giam, gia hạn tạm giam và trả tự do của Tòa án cũng như của Viện kiểm sát.

IV- TRUY NÃ, ÁP GIẢI BỊ CAN, BỊ CÁO VÀ BẢO VỆ PHIÊN TÒA

1- Truy nã bị can, bị cáo (điểm c khoản 3 điều 141, khoản 1, điều 162 Bộ luật tố tụng hình sự) Khi nhận được công văn yêu cầu truy nã bị can, bị cáo, cơ quan điều tra ra quyết định truy nã. Quyết định truy nã được thông báo theo quy định của điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự và sao gửi cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án đã yêu cầu truy nã. Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu truy nã, cơ quan điều tra phải thông báo cho cơ quan đã yêu cầu truy nã biết kết quả.

2- Áp giải bị cáo đến phiên tòa (khoản 1 điều 162 Bộ luật tố tụng hình sự).

Bị cáo tại ngoại đã được giao giấy triệu tập hợp lệ mà vắng mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng, thì thẩm phấn chủ tọa phiên tòa ra lệnh áp giải đến phiên tòa (trong ngày hoặc vào ngày khác) để xét xử. Việc vắng mặt tại phiên tòa được coi là lý do chính đáng nếu bị cáo gặp trở ngại mà không thể có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án (như ốm nặng đột xuất hoặc gặp tai nạn phải cấp cứu ở bệnh viện…). Lý do chính đáng phải được báo cho Tòa án biết trước khi khai mạc phiên tòa.

Quyết định áp giải được gửi cho Thủ trưởng cơ quan công an cùng cấp. Cơ quan công an áp giải bị cáo đến phiên tòa theo đúng thời gian và địa điểm ghi trong quyết định áp giải và bảo đảm bị cáo có mặt tại phiên tòa cho đến khi xét xử xong. Nếu hết giờ làm việc mà chưa xét xử xong thì Hội đồng xét xử có thể quyết định tạm giam bị cáo để buổi sau hoặc ngày hôm sau xét xử tiếp.

3- Bảo vệ phiên tòa (điều 172 BLTTHS).

Tòa án gửi lịch phiên tòa cho Thủ trưởng cơ quan công an cùng cấp trước 7 ngày, nếu có phiên tòa xử lưu động thì phải báo trước ít nhất là 2 tuần lễ. Theo lịch phiên tòa của Tòa án, cơ quan công an cử cảnh sát nhân dân đến Tòa án để bảo vệ phiên tòa. Đối với những trường hợp gây rối trật tự xảy ra trong khu vực cơ quan Tòa án hoặc trong khu vực xử án, cảnh sát nhân dân có trách nhiệm giải quyết. Đối với người có hành động hành hung hoặc xúc phạm đến kiểm sát viên, thành viên của Hội đồng xét xử, người bào chữa hoặc người tham gia tố tụng khác thì cảnh sát nhân dân phải áp dụng ngay các biện pháp thích hợp. Nếu thuộc trường hợp phạm pháp quả tang thì cảnh sát nhân dân phải bắt ngay theo quy định tại điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự.

 


(*) Điểm này được thay bằng TTLN số 02 ngày 15/2/90.

(*) Điểm này đã sửa đổi lại tại luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLTTHS.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 02-BNV-TANDTC-BTP/TTLT năm 1989 thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự do Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ - Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 02-BNV-TANDTC-BTP/TTLT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 12/01/1989
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản