Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TƯ PHÁP-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/TTLT | Hà Nội , ngày 19 tháng 6 năm 1997 |
Để bảo đảm quyền lợi chính đáng về tài sản cho các bên liên quan trong các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động và hành chính khi có sự thay đổi về giá cả hay trong các trường hợp bên có nghĩa vụ về tài sản chưa thực hiện, chậm thực hiện theo thoả thuận, chưa thi hành án gây nên; để thi hành nghiêm chỉnh các quy định của Bộ luật dân sự (có hiệu lực từ ngày 1-7-1996), Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính thống nhất hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản như sau:
I- TRƯỜNG HỢP ĐỐI TƯỢNG CỦA NGHĨA VỤ VỀ TÀI SẢN LÀ CÁC KHOẢN TIỀN, VÀNG
1- Đối với nghĩa vụ là các khoản tiền bồi thường, tiền hoàn trả, tiền công, tiền lương, tiền chia tài sản, tiền đền bù công sức, tiền cấp dưỡng, tiền vay không có lãi, tiền truy thu thuế, tiền truy thu do thu lợi bất chính thì giải quyết như sau:
a) Nếu việc gây thiệt hại hoặc phát sinh nghĩa vụ dân sự xảy ra trước ngày 1-7-1996 và trong thời gian từ thời điểm gây thiệt hại hoặc phát sinh nghĩa vụ đến thời điểm xét xử sơ thẩm mà giá gạo tăng từ 20% trở lên, thì Toà án quy đổi các khoản tiền đó ra gạo theo giá gạo loại trung bình ở địa phương (từ đây trở đi gọi tắt là "giá gạo") tại thời điểm gây thiệt hại hoặc phát sinh nghĩa vụ, rồi tính số lượng gạo đó thành tiền theo giá gạo tại thời điểm xét xử sơ thẩm để buộc bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán và chịu án phí theo số tiền đó.
Ví dụ: Tháng 1-1995 xảy ra việc tham ô khoản tiền 1 triệu đồng. Nếu tháng 10-1996 xét xử sơ thẩm và giá gạo trong thời gian này đã tăng quá 20%, thì Toà án phải quy đổi 1 triệu đồng ra gạo theo giá gạo vào tháng 1-1995. Giả định giá gạo vào tháng 1-1995 là 2.000 đồng/kg, thì số lượng gạo được quy đổi là 500 kg (1 triệu đồng): 2000 đồng/kg = 500 kg). Giả định giá gạo tại thời điểm xét xử sơ thẩm vào tháng 10-1996 là 4.000 đồng/kg, thì trong phần quyết định của bản án, Toà án buộc người bị kết án về tội tham ô phải bồi thướng số tiền là 2 triệu đồng (500 kg x 4000 đồng/ kg = 2 triệu đồng), phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 100.000 đồng (5% x 2 triệu đồng) = 100.000 đồng).
b) Nếu việc gây thiệt hại hoặc phát sinh nghĩa vụ xảy ra sau ngày 1-7-1996 hoặc tuy xảy ra trước ngày 1-7-1996, nhưng trong khoảng thời gian từ thời điểm gây thiệt hại hoặc phát sinh nghĩa vụ đến thời điểm xét xử sơ thẩm mà giá gạo không tăng hay tuy có tăng nhưng ở mức dưới 20%, thì Toà án chỉ xác định các khoản tiền đó để buộc bên có nghĩa vụ phải thanh toán bằng tiền. Trong trường hợp người có nghĩa vụ có lỗi thì ngoài khoản tiền nói trên còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm xét xử sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Ví dụ: Tháng 2 năm 1996, anh A vay của chị B 2.000.000 đồng không có lãi, với thời hạn vay là một tháng. Đến ngày 20-3-1996 là hạn phải trả nợ, nhưng anh A không trả được cho chị B. Do đòi nhiều lần không được nên vào tháng 8-1996 chị B khởi kiện yêu cầu Toà án buộc anh A trả số tiền đã vay và phải trả tiền lãi cho bị B theo quy định của pháp luật.
Trong vụ kiện này, toà án phải xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả nợ của anh A là ngày 20-3-1996. Giả sử, ngày 20-11-1996 toà án mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi nợ này và trong khoảng thời gian từ 20-3-1996 đến ngày 20-11-1996 giá gạo không tăng hoặc tuy có tăng nhưng ở dưới mức 20%, thì toà án không quy đổi số tiềnđó ra gạo như hướng dẫn ở điểm a, mà buộc anh A trả cho chị B số tiền nợ gốc là 2.000.000 đồng và khoản lãi theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật dân sự. Khoản lãi anh A phải trả cho chị B được tính như sau:
- Khoảng thời gian phải trả lãi tính từ ngày 20-3-1996 đến ngày 20-11-1996 là 8 tháng.
- Mức lãi phải trả là mức lãi suất nợ quá hạn của loại vay trung hạn (vì thời gian phải trả lãi quá 6 tháng) tại thời điểm xét xử sơ thẩm. Theo quy định tại Quyết định số 266-QĐ/NH1 ngày 27-9-1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì mức lãi suất đó là 2,025%/tháng (1,35% x 150% = 2,025%/tháng).
- Tổng số tiền lãi mà anh A phải trả chị B trong thời gian 8 tháng là 324.000 đồng (2,025%/tháng x 8 tháng x 2.000.000 đồng = 324.000 đồng).
Như vậy Toà án quyết định buộc anh A trả cho chị B số tiền là 2.324.000 đồng (2.000.000 đồng + 324.000 đồng = 2.324.000 đồng) và chịu án phí theo quy định của pháp luật.
2- Đối với các khoản tiền tịch thu, tiền phạt, tiền án phí thì khi xét xử toà án chỉ quyết định mức tiền cụ thể mà không áp dụng cách tính đã hướng dẫn tại khoản 1 nói trên.
3- Đối với các khoản tiền vay, gửi ở tài sản Ngân hàng, tín dụng, do giá trị của các khoản tiền đó đã được bảo đảm thông qua các mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định, cho nên khi xét xử, trong mọi trường hợp toà án đều không phải quy đổi các khoản tiền đó ra gạo, mà quyết định buộc bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán số tiền thực tế đã vay, gửi cùng với khoản tiền lãi, kể từ ngày khi giao dịch cho đến khi thi hành án xong, theo mức lãi suất tương ứng do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Ví dụ: Tháng 1-1996, A vay Ngân hàng 1.000.000 đồng với thời hạn vay là 6 tháng và với mức lãi suất là 1,75%/tháng theo Quyết định số 381-QĐ/NH1 ngày 28-12-1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Khi hết hạn hợp đồng A không trả tiền vay và tiền lãi cho Ngân hàng. Khi xét xử sơ thẩm vào tháng 10-1996 toà án quyết định A phải trả cho Ngân hàng 1.000.000 đồng nợ gốc cùng với các khoản tiền lãi của số tiền đã vay, bao gồm tiền lãi theo hợp đồng vay là 105.000 đồng (1.000.000 đồng x 1,75%/tháng x 6 tháng = 105.000 đồng) và tiền lãi do nợ quá hạn từ tháng 7-1996 đến tháng 10-1996 là 105.000 đồng (1.000.000 đồng x 1,75% x 150% x 4 tháng = 105.000 đồng). Toà án buộc A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo tổng số các khoản tiền phải thanh toán tại thời điểm xét xử sơ thẩm bao gồm 1.000.000 đồng tiền vay, 105.000 đồng tiền lãi theo hợp đồng và 105.000 đồng tiền lãi nợ quá hạn từ tháng 7-1996 đến tháng 10-1996. Trong trường hợp cụ thể này, án phí dân sự sơ thẩm là 60.5000 đồng (5% x 1.000.000 đồng + 105.000 đồng + 105.000 đồng = 60.500 đồng).
4- Đối với các khoản vay có lãi (kể cả loại có kỳ hạn và loại không có kỳ hạn) ở ngoài tổ chức Ngân hàng, tín dụng, do giá trị của các khoản tiền đó cũng đã được bảo đảm thông qua việc chịu lãi của bên vay tài sản, cho nên trong mọi trường hợp toà án đều không phải quy đổi số tiền đó ra gạo, mà chỉ buộc người vay phải trả số tiền nợ gốc chưa trả cùng với số tiền lãi chưa trả.
Trong việc tính tiền lãi cần phân biệt các trường hợp như sau:
- Đối với các hợp đồng vay tài sản giao kết trước ngày 1-7-1996 thì chỉ tính số tiền lãi chưa trả theo quy định của Bộ luật dân sự; đối với khoản tiền lãi đã trả thì không phải giải quyết lại.
- Đối với các hợp đồng vay tài sản giao kết từ ngày 1-7-1996 trở đi thì việc tính lãi phải tuân theo các quy định của Bộ luật dân sự, số tiền lãi đã trả cũng phải được giải quyết lại, nếu mức lãi suất mà các bên thoả thuận cao hơn mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 473 Bộ luật dân sự.
Theo quy định của Bộ luật dân sự thì lãi suất được tính như sau:
a) Về nguyên tắc, tiền lãi chỉ được tính trên số nợ gốc, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Ngoài nguyên tắc tiền lãi chỉ được tính trên số nợ gốc, các bên có thể thoả thuận về việc nhận lãi vào nợ gốc để tính lãi của thời hạn vay tiếp theo. Tuy nhiên, để tránh tình trạng bên cho vay có thể lợi dụng thoả thuận này để thu lợi trái pháp luật, thì toà án chỉ chấp nhận việc nhập lãi vào nợ gốc một lần đối với loại vay có kỳ hạn giữa các bên ở ngoài tổ chức Ngân hàng, tín dụng tại thời điểm đến hạn trả nợ mà người vay không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình. Các trường hợp khác đều phải tính theo lãi suất nợ quá hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật dân sự.
b) Nếu mức lãi suất do các bên thoả thuận vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại vay tương ứng tại thời điểm vay, thì toà án áp dụng khoản 1 Điều 473 Bộ luật dân sự buộc bên vay phải trả lãi bằng 150% mức lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại vay tương ứng.
Ví dụ: A vay của B 10.000.000 đồng vào ngày 30-12-1995 với thời hạn vay là 6 tháng và với lãi suất là 4%/tháng. Hàng tháng A đã phải trả lãi cho B. Tháng 7-1996 A ngừng trả lãi cho B. Do đòi nhiều lần không được, nên tháng 11-1996 B khởi kiện yêu cầu toà án buộc bên A phải trả cả nợ gốc và lãi cho B. Khi giải quyết vụ kiện này, toà án buộc A trả cho B tiền nợ gốc là 10.000.000 đồng và tiền lãi theo cách tính như sau:
- Thời điểm A vay B là tháng 12-1995. Theo Quyết định số 381-QĐ/NH1 ngày 28-12-1995 thì lãi suất cao nhất của loại vay trung hạn và dài hạn là 1,7%/tháng. Như vậy toà án chỉ chấp nhận mức lãi suất của hợp đồng vay nợ là 2,55%/tháng (1,7% + 1,7% x 50% = 2,55%/tháng).
- Số tiền lãi A đã trả B trước tháng 7-1996 toà án không xem xét đến nữa.
- Toà án buộc A trả B khoản tiền lãi từ tháng 7-1996 đến hết ngày xét xử sơ thẩm (giả sử là đầu tháng 2-1997) là 7 tháng. Như vậy số tiền lãi mà A còn phải trả B là 1.785.000 đồng (2,55% x 7 tháng x 10.000.000 đồng = 1.785.000 đồng).
c) Nếu mức lãi suất không vượt quá 50% mức lãi suất cao nhất của loại vay tương ứng do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm vay, thì toà án buộc bên vay phải trả lãi theo đúng mức lãi suất mà hai bên đã thoả thuận tại thời điểm này.
d) Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi trong việc vay nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất, thì áp dụng lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm xét xử sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 473 Bộ luật dân sự.
5- Trong trường hợp đối tượng hợp đồng vay tài sản là vàng, thì lai suất chỉ được chấp nhận khi Ngân hàng Nhà nước có quy định và cách tính lãi suất không phân biệt như các trường hợp đã nêu tại khoản 4 trên đây, mà chỉ tính bằng mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định.
II- TRƯỜNG HỢP ĐỐI TƯỢNG CỦA NGHĨA VỤ VỀ TÀI SẢN LÀ HIỆN VẬT
1- Trong các trường hợp đối tượng của nghĩa vụ về tài sản là hiện vật, thì khi giải quyết vụ án cần phải xem xét và xác định người có nghĩa vụ có thể thực hiện được nghĩa vụ giao vật hay không, người có quyền có chấp nhận tiếp nhận hiện vật hay không, để tuỳ từng trường hợp cụ thể mà giải quyết theo các hướng sau đây:
a) Nếu có đủ điều kiện buộc người có nghĩa vụ về tài sản thực hiện nghĩa vụ giao vật, thì toà án ra quyết định buộc người đó phải giao hiện vật theo quy định tại Điều 294 Bộ luật dân sự và trong bản án, quyết định phải ghi rõ tình trạng, số lượng, chất lượng, chủng loại... của hiện vật phải giao để việc thi hành án được rõ ràng, thuận lợi. Tuy nhiên, toà án vẫn phải xác định giá trị của hiện vật đó theo giá thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm để tính án phí.
Ví dụ: A cho B mượn chiếc xe đạp mini Nhật còn mới nguyên, B làm mất chiếc xe đạp này, nên A khởi kiện yêu cầu toà án buộc B phải trả lại chiếc xe đạp đó. Khi xét xử sơ thẩm toà án buộc B phải trả cho A chiếc xe đạp mini Nhật mới nguyên. Nếu giá chiếc xe đạp mini Nhật còn mới nguyên trên thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 2.500.000 đồng (5% x 2.500.000 đồng = 125.000 đồng).
b) Nếu bên có nghĩa vụ không thể có hiện vật để thực hiện nghĩa vụ giao vật, thì toà án quyết định buộc họ phải thanh toán giá trị của hiện vật theo giá thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm và bồi thường thiệt hại.
2- Theo quy định tại khoản 2 Điều 310, Điều 311 và khoản 1 Điều 313 Bộ luật dân sự thì người chậm thực hiện nghĩa vụ giao vật, không thực hiện nghĩa vụ giao vật phải bồi thường thiệt hại cho người có quyền.Thiệt hại trong trường hợp không giao hiện vật, chậm thực hiện nghĩa vụ giao vật, là thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút. Để tính thiệt hại cụ thể, có thể tính theo mức thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút cụ thể do bên bị thiệt hại chứng minh, nếu không xác định được thiệt hại cụ thể, thì tính bằng mức thu nhập bình quân (sau khi đã trừ các khoản chi phí) của 5 tháng liền kề (nếu chưa đủ 5 tháng thì tính bằng mức thu nhập bình quân của các tháng đó), trước thời điểm phát sinh nghĩa vụ giao vật.
Ví dụ: Theo hợp đồng A mua của B một máy xẻ gỗ và thời điểm giao nhận hàng là ngày 1-9-1996. Do đã mua máy mới nên cuối tháng 8-1996 A bán máy cũ của mình. Đến thời hạn theo hợp đồng B không giao máy cho A làm A không có máy để sản xuất. Cuối tháng 12-1996 A kiện B ra toà án đòi B phải trả máy xẻ gỗ và bồi thường thiệt hại. Giả định có căn cứ xác định được thu nhập của A trong tháng 4-1996 là 1.200.000 đồng, tháng 5-1996 là 1.700.000 đồng, tháng 6-1996 là 1.000.000 đồng, tháng 7-1996 là 1.800.000 đồng, tháng 8-1996 là 1.300.000 đồng, thì thu nhập bình quân hàng tháng của A là 1.400.000 đồng. Như vậy, nếu tháng 1-1997 xử sơ thẩm và chấp nhận yêu cầu của A thì toà án buộc B phải trả máy cho A (trong trường hợp B không trả được máy thì phải trả số tiền bằng giá trị của máy xẻ gỗ đó tại thời điểm xét xử sơ thẩm) và bồi thường thiệt hại cho a tiền thu nhập thực tế bị mất của 4 tháng (từ tháng 9-1996 đến tháng 1-1997 là 5.600.000 đồng (1.400.000 đồng x 4 tháng = 5.600.000 đồng).
Đối với thiệt hại loại này thì toà án buộc người gây thiệt hại phải bồi thường đến thời điểm người có quyền có đơn khởi kiện ra Toà án.
III- VIỆC BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHO BÊN ĐƯỢC THI HÀNH ÁN
1- Để bảo đảm quyền lợi cho bên được thi hành án, hạn chế việc bên phải thi hành án cố tình dây dưa, không tự nguyện thi hành án, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án, khoản tiền phải nộp để đưa vào ngân sách Nhà nước (tiền tịch thu, tiền truy thu thuế, tiền truy thu do thu lợi bất chính, tiền phạt), toà án phải quyết định rõ trong bản án hoặc quyết định là kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật dân sự, trừ trường hợp được hướng dẫn tại khoản 3 phần 1 Thông tư này về các khoản vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng. Khi tính lãi chỉ tính lãi số tiền còn phải thi hành án, mà không tính lãi của số tiền lãi chưa trả trong quá trình thi hành án.
Từ nay trở đi, toà án không tự ấn định trong bản án, quyết định thời điểm hoặc thời hạn bên có nghĩa vụ thi hành, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Ví dụ: Theo vụ kiện ở ví dụ được nêu ở điểm b khoản 1 phần này, toà án buộc anh A phải trả cho chị B tổng số tiền là 2.324.000 đồng (2.000.000 đồng tiền vay + 324.000 đồng tiền lãi = 2.324.000 đồng). Trong bản án, quyết định của toà án phải tuyên bố rõ: kể từ ngày chị B có đơn yêu cầu thi hành án, nêu anh A không chịu trả số tiền nêu trên thì hàng tháng anh A còn phải trả cho chị B số tiền lai theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Trong trường hợp bên phải thi hành án cố tình không giao hiện vật thì cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc bên thi hành án phải giao hiện vật.
Nếu qua xác minh có căn cứ xác định là hiện vật phải giao thực sự không còn hoặc người phải thi hành án mất khả năng giao hiện vật (hiện vật bị thất lạc; hiện vật cùng loại không còn có bán trên thị trường nữa; hiện vật là động sản bị hư hỏng nặng so với tình trạng khi toà án xét xử sơ thẩm, nên người được thi hành án không nhận...) thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án có quyền hoà giải để bên được thi hành án nhận giá trị hiện vật bằng tiền theo thời giá. Trong trường hợp bên được thi hành án không đồng ý nhận giá trị hiện vật bằng tiền và cơ quan thi hành án không cưỡng chế được người thi hành án giao vật vì lý do nêu trên, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án có quyền ra quyết định buộc người phải thi hành án nộp số tiền bằng giá trị của hiện vật phải giao theo giá đã được xác định trong bản án, quyết định của toà án và mời bên được thi hành án đến nhận, nếu bên được thi hành án không đến nhận, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục gửi số tiền đó vào Ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn mang tên của người được thi hành án và báo cho người được thi hành án biết là việc thi hành án đã chấm dứt, người được thi hành án chỉ có quyền nhận số tiền trong sổ tiết kiệm (cả tiền gốc và tiền lãi) đã đứng tên của họ.
IV- HƯỚNG DẪN VỀ HIỆU LỰC CỦA THÔNG TƯ
1- Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-7-1997.
2- Đối với các vụ án đã được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, nhưng bản án, quyết định đã bị kháng cáo, kháng nghị trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và chưa giải quyết xong, thì áp dụng Thông tư này để giải quyết.
3- Đối với bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và vụ án đã được giải quyết đúng theo các hướng dẫn trước đây, thì không áp dụng Thông tư này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
4- Việc thi hành án các bản án, quyết định của toà án có hiệu lực trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được quy định như sau:
a) Trong trường hợp tài sản phải thi hành án là hiện vật thì cơ quan thi hành án được áp dụng hướng dẫn tại phần III của Thông tư này để giải quyết việc thi hành án.
b) Đối với các trường hợp tài sản phải thi hành án không phải là hiện vật thì cơ quan thi hành án thi hành đúng theo quyết định của toà án, kể cả các khoản lãi mà bên phải thi hành án phải chịu do chậm thi hành án gây ra.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có gì vướng mắc, thì cần báo cáo ngay cho Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính để có hướng dẫn kịp thời.
Nguyễn Ngọc Hiến (Đã ký) | Trịnh Hồng Dương (Đã ký) |
Nguyễn Thị Tuyết (Đã ký) | Tào Hữu Phùng (Đã ký) |
- 1Quyết định 381/QĐ-NH1 năm 1995 điều chỉnh lãi suất tiền gửi và tiền vay đối với Tổ chức kinh tế và dân cư do Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành
- 2Bộ luật Dân sự 1995
- 3Chỉ thị 01/NCPL năm 1987 về việc xét xử và thi hành án đối với các khoản bồi thường, bồi hoàn, thanh toán tài sản, cấp dưỡng trong các bản án hình sự và dân sự do Toà án nhân dân tối cao ban hành
- 4Công văn 57/1999/KHXX của Toà án nhân dân tối cao về việc giải thích Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/06/1997
Thông tư liên tịch 01/TTLT năm 1997 hướng dẫn xét xử và thi hành án về tài sản do Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 01/TTLT
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 19/06/1997
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: Nguyễn Ngọc Hiến, Nguyễn Thị Tuyết, Tào Hữu Phùng, Trịnh Hồng Dương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra