Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC-BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 9-TT/LB

Hà Nội,, ngày 25 tháng 3 năm 1981

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ GIÁO DỤC - LAO ĐỘNG - TÀI CHÍNH SỐ 9-TT/LB NGÀY 25 THÁNG 3 NĂM 1981 QUY ĐỊNH NÂNG GIÁ BIỂU PHỤ CẤP DẠY THÊM GIỜ, THÊM BUỔI ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Thi hành Quyết định số 15-CP ngày 14-1-1981 của Hội đồng Chính phủ, liên Bộ Giáo dục - Lao động - Tài chính quy định việc nâng giá biểu phụ cấp dạy thêm giờ, thêm buổi đối với giáo viên các trường phổ thông trong cả nước như sau:

I. GIÁ BIỂU

Giáo viên được phân công dạy quá số giờ (đối với giáo viên cấp II, cấp III), số buổi (đối với giáo viên cấp I), số ngày (đối với giáo viên mẫu giáo) theo chế độ công tác đã quy định cho từng cấp học sẽ được trả phụ cấp như sau:

- Mẫu giáo: 4,50 đồng một ngày.

- Cấp I: 4,50 đồng một buổi.

- Cấp II và sư phạm sơ cấp: 1,60 đồng một giờ.

- Cấp III: 2 đồng một giờ.

- Trung học sư phạm đào tạo giáo viên cấp I, cấp II: 2,50 đồng một giờ.

II. NGUYÊN TẮC VÀ THỂ THỨC TRẢ PHỤ CẤP DẠY THÊM

1. Quy định số giờ, số buổi, số ngày dạy thêm cho mỗi giáo viên:

Trước hết, phải phân công và bố trí để mỗi giáo viên dạy đủ số ngày, số buổi, số giờ theo định mức lao động đã quy định.

Khi phân công dạy thêm, hiệu trưởng cần sắp xếp sao cho số giờ, số buổi, số ngày dạy thêm của mỗi giáo viên không nên thường xuyên vượt quá 50% số giờ, số buổi, số ngày tiêu chuẩn đã quy định.

Quy định số giờ, số buổi dạy thêm như trên là để bảo đảm cho người giáo viên không dạy quá nhiều giờ, nhiều buổi, nhiều ngày, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đến chất lượng giờ dạy trên lớp và việc hoàn thành nhiệm vụ của người giáo viên.

2. Nguyên tắc thanh toán:

a) Thanh toán tiền dạy thêm theo từng tháng.

Tháng nào người giáo viên có dạy thêm đều được thanh toán đầy đủ, không bù trừ tháng trước sang tháng sau. Tiền phụ cấp dạy thêm của tháng trước phải được thanh toán xong trong tháng liền sau, vì vậy khi phân công số giờ dạy trên lớp cho giáo viên, hiệu trưởng cần phân công với phương án tối ưu. Trong cùng một tổ chuyên môn cấp II, một tổ bộ môn cấp III cần phân công giáo viên giảng dạy hợp lý, không nên để giáo viên này đảm nhiệm quá nhiều giờ (bao gồm cả giờ dạy trên lớp và giờ làm công tác kiêm nhiệm), giáo viên khác lại quá ít giờ.

b) Thanh toán tiền dạy thêm cho từng giáo viên.

Cá nhân giáo viên nào có dạy thêm giờ, thêm buổi, thêm ngày trong tháng đều được trả phụ cấp kịp thời trong tháng liền sau, để có điều kiện bồi dưỡng sự hao phí sức lao động trong khi phải dạy thêm. Phụ cấp dạy thêm trả trực tiếp cho từng giáo viên được bố trí dạy thêm quá giờ tiêu chuẩn, không căn cứ giờ bình quân của giáo viên trong trường hoặc tỷ lệ giáo viên của trường đó (vì còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau như trường có nhiều nữ giáo viên hơn nam, tỷ lệ ốm đau, sinh đẻ nhiều ít khác nhau...).

c) Không kể giáo viên đào tạo ở trình độ sư phạm nào (sơ học, trung học...) được phân công giảng dạy ở cấp học nào thì hưởng phụ cấp dạy thêm theo giá biểu quy định cho cấp học đó.

3. Xác định giờ dạy thêm, buổi dạy thêm, ngày dạy thêm:

Những giờ, những buổi, những ngày giáo viên được hiệu trưởng phân công dạy thêm cho giáo viên nghỉ ốm, sinh đẻ, đi họp, nghỉ phép, đi học, đi bồi dưỡng chuyên đề, đi hướng dẫn nghiệp vụ bộ môn, đi làm công tác thanh tra chuyên môn, hoặc vì trường đó thiếu giáo viên mà dạy quá giờ tiêu chuẩn của mình, thì những buổi, những giờ dạy quá ấy được coi là những giờ, những buổi dạy thêm của giáo viên đó.

Thí dụ: Một giáo viên cấp II ở trường phổ thông cơ sở, hàng tuần được phân công dạy trên lớp 16 giờ và làm chủ nhiệm một lớp (được tính 4 giờ). Trong tháng có một giáo viên nghỉ ốm 4 tuần, giáo viên này được phân công dạy thay mỗi tuần 2 giờ, thì số giờ xác định như sau:

16 giờ + 4 giờ chủ nhiệm + 2 giờ dạy thay = 22 giờ (một tuần).

So với giờ tiêu chuẩn hàng tuần của giáo viên cấp II (20 giờ), thì giáo viên cấp II này được tính 2 giờ dạy thêm mỗi tuần, 4 tuần là 8 giờ, và được thanh toán 1,60 đ x 8 = 12,80 đồng.

Trường hợp giáo viên dạy lại một tiết học nào mà trong giờ dạy trước chưa đạt yêu cầu hoặc dạy giúp giáo viên khác nghỉ vì việc riêng thì không coi là giờ dạy thêm.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Các Sở, Ty Giáo dục - Lao động - Tài chính cần phối hợp chặt chẽ để đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra ban giáo dục, phòng (ban) Tài chính ở các huyện, quận, thị xã và các đơn vị trực thuộc thực hiện chế độ trả phụ cấp dạy thêm cho giáo viên theo đúng quy định ở thông tư này, đồng thời có kế hoạch dự trù kinh phí ngay từ đầu năm học để bảo đảm tốt việc thanh toán kịp thời và đầy đủ cho cô giáo, thầy giáo.

2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1- 4 -1981, những buổi, những giờ dạy thêm trước ngày 1 - 4 - 1981 vẫn thanh toán theo giá biểu cũ quy định tại Thông tư số 1-TT/LB ngày 13-1-1978 của liên Bộ Giáo dục - Tài chính. Những quy định về chế độ phụ cấp dạy thêm giờ, thêm buổi đối với giáo viên các cấp phổ thông, mẫu giáo, bổ túc văn hóa, sư phạm sơ cấp, và sư phạm trung cấp trái với Thông tư này đều hết hiệu lực.

Đào Thiện Thi

(Đã ký)

Võ Trí Cao

(Đã ký)

Nguyễn Thị Bình

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 9-TT/LB năm 1981 quy định nâng biểu giá dạy thêm giờ, thêm buổi đối với giáo viên các trường phổ thông do Bộ Giáo dục - Bộ Tài chính - Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 9-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 25/03/1981
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục, Bộ Lao động, Bộ Tài chính
  • Người ký: Đào Thiện Thi, Nguyễn Thị Bình, Võ Trí Cao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 01/04/1981
  • Ngày hết hiệu lực: 20/05/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản