BỘ GIÁO DỤC-BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP-TỔNG CỤC THÔNG TIN | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 590-TT/VP | Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 1966 |
Chỉ thị số 118-CT/TƯ ngày 23/12/1965 về việc tăng cường công tác thông tin và cổ động đã ghi rõ: “Trong sự nghiệp vĩ đại chống Mỹ cứu nước của toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay, công tác thông tin và cổ động thường xuyên phải được tăng cường nhằm góp phần đưa đường lối chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, những vẫn đề thời sự quan trọng trong nước và nước ngoài đến đông đảo quần chúng nhân dân một cách đúng đắn và nhanh nhất, phát huy mạnh mẽ khí thế cách mạng của các tầng lớp nhân dân, bảo đảm làm tốt mọi công tác sản xuất và chiến đấu, tận lực ủng hộ cách mạng miền Nam về mọi mặt và làm tròn trách nhiệm quốc tế”.
Chỉ thị cũng đề ra việc chú ý sử dụng lực lượng giáo viên, học sinh vào công tác thông tin.
Ngành giáo dục, với nhiệm vụ đào tạo thế hệ mới theo những đường lối, phương châm của Đảng đề ra, cũng đòi hỏi phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nói chung và công tác thông tin, cổ động thường xuyên nói riêng trong nhà trường để phục vụ cho yêu cầu giáo dục.
Trong công tác thông tin và cổ động trong nhân dân từ trước đến nay nhà trường cũng đã góp phần tích cực và có nhiều kinh nghiệm tốt. Đó cũng là một nhiệm vụ cấn thiết của nhà trường để có thể gắn liền việc giáo dục trong nhà trường với đời sống, để rèn luyện giáo viên và học sinh về lập trường, quan điểm,…
Để thi hành chỉ thị của Trung ương Đảng; liên Bộ Giáo dục - Đại học và trung học chuyên nghiệp - Tổng cục Thông tin đề ra một số điểm cụ thể về việc phối hợp giữa các ngành giáo dục và thông tin trong công tác này như sau:
Thường xuyên nhà trường cần kịp thời phổ biến tin tức, tài liệu thông tin rộng rãi trong quần chúng nhân dân cho tới các gia đình có học sinh đến học bằng nhiều cách như truyền tin miệng, viết bảng tin, phát thanh, kẻ khẩu hiệu, vẽ tranh tường, đọc báo, hoặc thông qua các lớp bổ túc văn hóa, v.v…
Tùy khả năng cụ thể, mỗi trường có thể giúp đỡ cơ quan thông tin địa phương đảm nhận một số hoạt động của một nhà thông tin.
Trong những đợt thông tin và cổ động tập trung cho các nhiệm vụ lớn, nhà trường cần giúp cơ quan thông tin địa phương mở những đợt hoạt động đột kích để có tác động mạnh mẽ trong nhân dân và đi sâu vào các gia đình bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động.
Để đảm bảo được chất lượng công tác thông tin tốt và có nhiều tác dụng giáo dục cho giáo viên, học sinh, sinh viên trong quá trình liên hệ với nhân dân lao động, cần chú ý bồi dưỡng cho họ nắm được những vấn đề thời sự, chính sách và tổ chức tốt việc tham gia vào các hoạt động thông tin và cổ động trong nhân dân.
a) Để hoạt động thông tin và cổ động trong nhà trường được thường xuyên, liên tục và có sự chỉ đạo chặt chẽ cũng như để quan hệ với cơ quan thông tin được mật thiết, các đồng chí phụ trách công tác chính trị và tư tưởng của chính quyền, công đoàn, thanh niên trong ngành giáo dục cho tới các trường, cần có sự thống nhất phương hướng, kế hoạch công tác từng thời gian, phân công cụ thể thực hiện và cử đại diện quan hệ thường xuyên với cơ quan thông tin địa phương.
b) Để nhà trường bảo đảm được nhiệm vụ chính là học tập tốt, không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục khoa học, kiến thức cơ bản và tránh bị động trong công tác, từng thời gian hàng tháng, ba tháng… cơ quan thông tin địa phương cần có quan hệ sớm với nhà trường để kịp thời đề ra kế hoạch công tác và yêu cầu cụ thể để nhà trường chủ động bố trí công việc và phân công giáo viên và học sinh tham gia một cách thích hợp.
c) Nhà trường có thể căn cứ vào khả năng và điều kiện tích cực của giáo viên và học sinh để phân công đi sát giúp đỡ các tổ, nhóm hoạt động thông tin và cổ động ở địa phương, có thể kết hợp các bộ môn thông tin và cổ động của nhà trường với các bộ môn đó của địa phương để giúp đỡ lẫn nhau hoạt động như tổ viết tin, tổ khẩu hiệu, tổ vẽ trang, tổ đèn chiếu, tổ bích báo, tổ đọc báo,… của nhà trường kết nghĩa với những tổ đó của địa phương hoặc tham gia vào các tổ chức đó ở địa phương.
Trong ban văn hóa và thông tin xã, nhà trường phổ thông nên cử người tham gia để có quan hệ chặt chẽ.
d) Để những công việc trên tiến hành được tốt, các cấp giáo dục và nhà trường cùng với cấp thông tin cần phát huy những kinh nghiệm tốt đã có và phối hợp làm thí điểm một vài nơi để rút kinh nghiệm và từng thời gian báo cáo công tác lên cấp trên.
Việc tăng cường công tác thông tin và cổ động trong nhà trường và ngoài nhà trường có ý nghĩa rất quan trọng. Liên bộ yêu cầu các cơ sở, Ty giáo dục và sở, Ty thông tin, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp nghiên cứu và bàn kế hoạch cụ thể thực hiện tốt thông tư này.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ ĐẠI HỌC | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Thông tư liên bộ 590-TT/VP năm 1966 về tăng cường công tác thông tin và cổ động trong nhà trường và nhà trường tích cực góp phần vào công tác thông tin và cổ động trong nhân dân do Bộ Giáo dục - Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp - Tổng cục thông tin ban hành
- Số hiệu: 590-TT/VP
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 26/09/1966
- Nơi ban hành: Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục, Tổng cục thông tin
- Người ký: Lê Liêm, Nguyễn Minh Vỹ, Hoàng Xuân Tùy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 13
- Ngày hiệu lực: 11/10/1966
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định