Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC-BỘ NỘI VỤ
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 41-TT/LB

Hà Nội, ngày 08 tháng 09 năm 1959 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TẠM THỜI ĐỐI VỚI SINH VIÊN NĂM THỨ 3 TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA ĐI THỰC TẬP VÀ CÔNG TÁC

Thủ tướng phủ đã quyết định cuối niên khóa 1958-1959, số sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Bách khoa sẽ đi thực tập và công tác ở các ngành để bồi dưỡng thực tế và góp phần vào việc thực hiện kế hoạch 3 năm. Sau thời gian thực tập và công tác 2 năm, số sinh viên ấy sẽ trở về trường bổ túc thêm về lý thuyết rồi thi tốt nghiệp.

Liên bộ quy định chế độ tạm thời sau đây, nhằm bảo đảm cho anh chị em có điều kiện tham gia thực tập và công tác được tốt.

I. TRONG THỜI GIAN CÔNG TÁC VÀ THỰC TẬP

1. Đối với những sinh viên là cán bộ, nhân viên, công nhân, quân nhân đủ tiêu chuẩn được cơ quan, đơn vị chọn, giới thiệu đi học.

a) Hưởng 100% mức lương của bậc đã được sắp xếp; nếu mức lương ấy (không kể phụ cấp khu vực) thấp hơn mức lương bậc dưới bậc khởi điểm của khung bậc quy định cho cán bộ chuyên môn kỹ thuật cao cấp thì hưởng theo mức lương của bậc dưới bậc khởi điểm.

Được hưởng phụ cấp khu vực nơi đến công tác và thực tập (nếu có).

Ví dụ: ông A được đi công tác và thực tập ở một xí nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp:

- Bậc lương cũ: 9/21... 64đ

- Bậc dưới bậc khởi điểm của kỹ thuật cao cấp: 6/14... 61đ (sản nghiệp 2).

Như vậy, ông A được hưởng theo mức lương cũ:

64đ

Nếu làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực 12% thì thêm:

7đ68

Cộng

71đ68

Ông B cũng đi thực tập và công tác ở một xí nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp:

- Bậc lương cũ: 7/21... 50đ

- Bậc dưới bậc khởi điểm của kỹ thuật cao cấp: 6/14... 61đ (sản nghiệp 2)

Như vậy, ông B được hưởng theo mức lương

61đ

Nếu làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực 10% thì thêm:

6đ10

Cộng

67đ10

b) Các quyền lợi khác: ốm đau, thai sản, nghỉ hàng năm, trợ cấp con v.v... đều được hưởng như cán bộ, công nhân trong biên chế tại chức.

2. Đối với sinh viên là cán bộ không đủ tiêu chuẩn thâm niên hưởng sinh hoạt phí:

Những cán bộ, nhân viên, công nhân, quân nhân trong kháng chiến có thời gian thoát ly, rồi về công tác ở xã, sau hòa bình được tái tuyển vào biên chế, nếu cộng cả 2 thời kỳ thoát ly có từ 3 năm trở lên và những cán bộ, nhân viên, công nhân, quân nhân đã công tác liên tục trong biên chế từ 2 năm trở lên, được cơ quan, đơn vị cho đi học (trừ số cơ quan không cho, nhưng tự ý xin thôi việc để đi) thì được hưởng các quyền lợi sau đây:

a) Hưởng sinh hoạt phí bằng bậc dưới bậc khởi điểm của khung bậc quy định cho cán bộ chuyên môn kỹ thuật cao cấp và phụ cấp khu vực (nếu có).

b) Các quyền lợi khác: trừ chế độ trợ cấp con, còn các quyền lợi khác (ốm đau, thai sản, nghỉ hàng năm v.v...) như cán bộ trong biên chế.

Đối với anh chị em miền Nam tập kết, khi hưởng mức sinh hoạt phí như trên thì không được cấp tiền trang phục nữa.

3. Đối với sinh viên và những người không đủ tiêu chuẩn định ở khoản 1 và 2 trên:

a) Được hưởng sinh hoạt phí bằng mức lương dưới bậc khởi điểm 2 bậc của khung bậc quy định cho cán bộ chuyên môn kỹ thuật cao cấp và phụ cấp khu vực (nếu có).

Ví dụ: ông C đi thực tập và công tác ở một xí nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp (sản nghiệp 2) được hưởng 54đ50 (bằng bậc 5/14); nếu làm việc nơi có phụ cấp khu vực 10% thì được thêm mỗi tháng 5đ45.

54đ50 + 5đ45 = 59đ95

b) Ngoài ra, được hưởng các chế độ: ốm đau, nghỉ hàng năm, công tác phí, thai sản, giữ trẻ như cán bộ, công nhân trong biên chế.

Sinh viên miền Nam tập kết, khi hưởng mức sinh hoạt phí này, không được cấp tiền trang phục nữa.

II. KHI TỐT NGHIỆP RA CÔNG TÁC

Mục đích của chế độ tập sự, chủ yếu là rèn luyện về đạo đức cách mạng cụ thể là tinh thần, thái độ công tác, ý thức tổ chức, kỹ luật quan điểm quần chúng, v.v... Những sinh viên này tuy chưa tốt nghiệp, nhưng đã qua công tác thực tế 2 năm, nên thời gian thực tập và công tác sẽ được xét để miễn, giảm thời gian tập sự sau khi tốt nghiệp. Bộ Giáo dục phối hợp với các  Bộ sử dụng có kế hoạch theo dõi chặt chẽ về tinh thần phục vụ v.v... kết hợp với quá trình học tập, công tác ở nhà trường mà quyết định, như thông tư số 143-TTg ngày 09-04-1959 của Thủ tướng phủ đã quy định.

III. THỜI GIAN THI HÀNH

Thông tư này thi hành kể từ ngày sinh viên bắt đầu đi thực tập và công tác. Bộ Giáo dục (Trường Đại học Bách khoa) căn cứ vào quy định trên mà giới thiệu sinh hoạt phí của từng người cho Bộ sử dụng cùng với hồ sơ lý lịch cần thiết. Mọi chi phí trong thời gian thực tập và công tác đều do Bộ sử dụng đài thọ.

Trên đây, Liên bộ quy định chế độ đãi ngộ tạm thời cho sinh viên trong thời gian thực tập và công tác, sau thời gian ấy khi sinh viên trở về trường tiếp tục học tập để thi tốt nghiệp thì hưởng theo chế độ chung ở trường.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG

 
 


Tô Quang Đẩu

BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC

 
 


Nguyễn Văn Huyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 41-TT/LB năm 1959 quy định chế độ tạm thời đối với sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Bách khoa đi thực tập và công tác do Bộ Giáo Dục- Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 41-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 08/09/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyên, Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 37
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản