Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI THƯƠNG-TỔNG CỤC THỐNG KÊ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 400-TCTK/TN | Hà Nội, ngày 10 tháng 03 năm 1969 |
Công tác vận động phát triển chăn nuôi và thu mua thịt lợn có một vị trí rất quan trọng vì có tác dụng trực tiếp đến việc cung cấp thực phẩm cho các nhu cầu của sản xuất, chiến đấu và đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến việc khuyến khích chăn nuôi, góp phần thực hiện thâm canh tăng năng suất cây trồng.
Trong những năm qua nhờ có chính sách đúng đắn của Trung ương Đảng và Chính phủ về thu mua và để lại thịt lợn cho người chăn nuôi tiêu dùng nên nhân dân đã hăng hái, tự nguyện bán lợn cho Nhà nước.
Nhưng từ khi có chính sách thu mua thịt lợn đến nay ngành trực tiếp quản lý thu mua thịt lợn cũng như các ngành có liên quan đều chưa có văn bản hướng dẫn việc tính toán tỷ lệ thu mua và tỷ lệ để lại thịt lợn cho người chăn nuôi tiêu dùng, nên mỗi nơi tính một cách khác nhau.
Do phương pháp tính toán không thống nhất nên số liệu thống kê chưa phản ánh đúng thực tế, ảnh hưởng đến việc nhận định, đánh giá tình hình thực hiện chính sách thu mua và mức độ hoàn thành kế hoạch thu mua thịt lợn.
Để khắc phục tình trạng trên, để thi hành Thông tư số 35-TTg ngày 06 tháng 05 năm 1963, Chỉ thị số 83-TTg ngày 20 tháng 08 năm 1963, chỉ thị số 34-TTg ngày 19 tháng 02 năm 1966 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thu mua thịt lợn ; sau khi trao đổi và thống nhất ý kiến với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng một số ngành có liên quan. Liên bộ Nội thương - Tổng cục Thống kê ra thông tư quy định phương pháp tính một số chỉ tiêu chủ yếu về thu mua và để lại thịt lợn cho người chăn nuôi, gồm các điểm như sau :
I. XÁC ĐỊNH CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU ĐỂ TÍNH TỶ LỆ THU MUA THỊT LỢN
Về tỷ lệ thu mua và tỷ lệ để lại thịt lợn cho người chăn nuôi, Thông tư số 35-TTg ngày 06 tháng 05 năm 1963 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định như sau :
“Xã viên và nông dân nuôi lợn khi bán cho Nhà nước được giữ lại khoảng 30% thịt để sử dụng ; ở miền núi có thể giữ lại nhiều hơn”.
Chỉ thị số 83-TTg ngày 20 tháng 08 năm 1963 bổ sung thêm : “Số lợn 70% Nhà nước thu mua là tính trên cơ sở tổng số lợn thịt chăn nuôi nói chung và khi lớn đủ tiêu chuẩn ra chuồng giết thịt”.
Để vận dụng tinh thần của chỉ thị trên vào thực tế công tác thu mua, việc tính toán tỷ lệ thực hiện thu mua thịt lợn phải dựa trên cơ sở của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng.
Khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng là một chỉ tiêu cơ bản và chủ yếu để đánh giá khả năng thực tế về thịt lợn của người chăn nuôi, trên cơ sở khả năng đó, Nhà nước sẽ định kế hoạch thu mua và chỉ đạo thực hiện kế hoạch thu mua.
Khi thu mua lợn, nhân viên trực tiếp thu mua có phát trả phiếu thịt (30%) cho người chăn nuôi, như vậy về phương diện chấp hành chính sách, ngành thực phẩm đã thực hiện thu mua theo tỷ lệ quy định (hiện nay là 70%). Nhưng thực tế việc tổ chức trả lại thịt lợn cho người chăn nuôi còn có một số nhược điểm chưa khắc phục được nên khối lượng thịt lợn Nhà nước sử dụng sử dụng thường chênh lệch so với khối lượng thịt lợn thu mua tính theo tỷ lệ quy định.
Để phương pháp tính tỷ lệ thu mua thịt lợn phục vụ được cho việc đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện kế hoạch thu mua, quan hệ giữa việc thực hiện kế hoạch thu mua và chính sách thu mua, cần phải tính toán hai chỉ tiêu về tỷ lệ thu mua thịt lợn sau đây :
1. Khối lượng thịt lợn thu mua (tính theo tỷ lệ quy định) so với khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng.
2. Khối lượng thịt lợn Nhà nước sử dụng so với khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng.
Các chỉ tiêu trên đều được tính toán theo năm dương lịch.
II. PHƯƠNG PHÁP TÍNH CÁC CHỈ TIÊU
1. Khối lượng thịt lợn thu mua (tính theo tỷ lệ quy định) so với khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng trong năm.
Công thức tính:
Tỷ lệ thu mua thịt lợn (%) | = | Khối lượng thịt lợn thu mua tính theo tỷ lệ quy định (70%) | x 100 |
Khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng trong năm |
a) Khối lượng thịt lợn thua mua tính theo tỷ lệ quy định hiện nay bằng 70% khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng ngành thực phẩm đã quản lý được trong năm.
Cách tính cụ thể : Khối lượng thịt lợn thu mua tính theo tỷ lệ quy định bằng (=) tổng số khối lượng thịt lợn người chăn nuôi đã bán cho Nhà nước trong năm cộng (+) với khối lượng thịt của số lợn mổ tại chỗ để trả cho người chăn nuôi trừ (-) đi khối lượng thịt lợn phải trả cho người chăn nuôi (tính theo số phiếu thịt 30% đã phát ra trong năm).
Tổng số khối lượng thịt lợn người chăn nuôi đã bán cho Nhà nước là toàn bộ khối lượng thịt lợn ngành thực phẩm (Bộ Nội thương) đã thu mua có trả tiền cho người bán lợn (trừ lợn sữa và lợn giống).
Ở một số nơi hợp tác xã nông nghiệp bán lợn cho các đơn vị bộ đội chưa kịp thông qua ngành thực phẩm, nhưng có giấy tờ hợp lệ và theo giá quy định của Nhà nước thì cũng được tính vào chỉ tiêu bán lợn cho Nhà nước.
Khối lượng thịt của số lợn mổ trả ngay tại chỗ cho người chăn nuôi không thông qua thu mua, bán giữa Nhà nước và nhân dân, nhưng nằm trong diện quản lý (thông qua hình thức tem, phiếu thịt) của Nhà nước thì vẫn được tính.
b) Khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng trong năm :
Từ trước đến nay chưa có văn bản quy định trọng lượng của lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng. Để có cơ sở tính toán thống nhất, căn cứ vào yêu cầu thâm canh tăng năng suất cây trồng hiện nay, Bộ Nội thương và Tổng cục Thống kê tạm quy định trọng lượng của lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng phải là loại lợn có trọng lượng từ 41kg trở lên.
Phương pháp tính khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng trong năm là lấy khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng có đến cuối năm (31 tháng 12) cộng (+) với khối lượng thịt của số lợn thực tế đã ra chuồng trong năm.
Nhưng hiện nay chưa có điều tra chăn nuôi lợn ngày 31 tháng 12 mà chỉ có điều tra ngày 01 tháng 10 hàng năm, vì vậy khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng trong năm được tính bằng cách lấy khối lượng thịt của số lợn đã ra chuồng trong 09 tháng cộng (+) với khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng trong quý IV năm báo cáo.
- Khối lượng thịt của số lợn đã ra chuồng trong 09 tháng bằng (=) tổng số khối lượng thịt lợn người chăn nuôi đã bán cho Nhà nước trong 09 tháng cộng (+) với khối lượng thịt của số lợn mổ trả cho người chăn nuôi tại chỗ trong 09 tháng cộng (+) với khối lượng thịt của số lợn người chăn nuôi tự giết thịt trong 09 tháng.
Số lợn người chăn nuôi tự giết thịt là số lợn các gia đình chăn nuôi tự giết thịt để ăn và số lợn bị giết (ngoài tiêu chuẩn cung cấp) để chỉ dùng cho các hội nghị, các buổi liên hoan tại địa phương.
Trong khối lượng thịt của số lợn người chăn nuôi tự giết thịt có phần đóng thuế sát sinh và phần không đóng thuế sát sinh (lậu thuế). Số lợn giết thịt không đóng thuế sát sinh hiện nay chưa tính được vì cơ sở số liệu thiếu vững chắc. Nhưng không có số liệu đó cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc tính toán chỉ tiêu thu mua vì phần lớn số lợn giết thịt không đóng thuế sát sinh là loại lợn dưới tiêu chuẩn ra chuồng. Vì lý do đó, chỉ tiêu khối lượng thịt của số lợn người chăn nuôi tự giết thịt ở đây chỉ tính phần có đóng thuế sát sinh, không ước tính phần lậu thuế.
Trong số lợn người chăn nuôi tự giết thịt có đóng thuế sát sinh không bao gồm số lợn nông trường, cơ quan, trại chăn nuôi của ngành thực phẩm chăn nuôi và giết thịt.
Khi thu thuế sát sinh, cơ quan tài chính chỉ ghi số đầu lợn đã nộp thuế mà không ghi trọng lượng của từng con. Muốn có khối lượng thịt của số lợn người chăn nuôi tự giết có đóng thuế phải đem số đầu lợn đã nộp thuế nhân với trọng lượng bình quân một con lợn đã bán cho Nhà nước (vì loại lợn được phép mổ thịt thường phải có trọng lượng bằng trọng lượng lợn đã bán cho Nhà nước).
Trọng lượng bình quân của một con lợn người chăn nuôi bán cho Nhà nước bằng (=) tổng số khối lượng thịt đã bán cho Nhà nước chia (:) cho số đầu lợn đã bán cho Nhà nước.
- Khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng trong quý IV bằng (=) số đầu lợn từ 31kg trở lên có đến ngày 01 tháng 10 năm báo cáo trừ (-) đi phần toi dịch (nếu có) nhân (x) với trọng lượng bình quân một con lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng.
Trọng lượng bình quân một con lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng giết thịt quy định thống nhất bình quân là 45kg.
2. Khối lượng thịt lợn Nhà nước sử dụng so với khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng trong năm.
Công thức tính :
Tỷ lệ thịt lợn Nhà nước sử dụng (%) | = | Khối lượng thịt lợn Nhà nước sử dụng | x 100 |
Khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng trong năm |
a) Khối lượng thịt lợn Nhà nước sử dụng :
Khối lượng thịt lợn người chăn nuôi bán cho Nhà nước được chia làm hai phần : môt phần bán trả lại cho người chăn nuôi theo phiếu 30% (kể cả phiếu thịt (30%) của các năm trước), phần còn lại là khối lượng thịt lợn Nhà nước sử dụng.
Cách tính cụ thể : Khối lượng thịt lợn Nhà nước sử dụng bằng (=) tổng số khối lượng thịt lợn người chăn nuôi đã bán cho Nhà nước cộng (+) với khối lượng thịt của số lợn mổ trả cho người chăn nuôi tại chỗ trừ (-) đi toàn bộ khối lượng thịt lợn đã trả cho người chăn nuôi theo phiếu thịt (30%) của năm báo cáo và các năm trước.
b) Khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng tính theo công thức đã nêu ở phần trên :
Các chỉ tiêu về khối lượng thịt lợn dùng trong các công thức trên đây đều thống nhất tính theo trọng lượng hơi. Công thức tính quy thịt xô ra thịt hơi là 0,7kg thịt lợn xô = 1kg thịt lợn hơi.
III. PHƯƠNG PHÁP TÍNH MỘT SỐ CHỈ TIÊU KHÁC CÓ LIÊN QUAN
1. Để có tài liệu tham khảo tình hình thực hiện chính sách huy động thịt lợn trong từng năm phải tính tỷ lệ giữa khối lượng thịt lợn Nhà nước đã thu mua với khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng giết thịt trong năm.
Công thức tính :
Tỷ lệ thịt lợn đã thu mua (%) | = | Khối lượng thịt lợn đã thu mua | x 100 |
Khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng giết thịt trong năm |
a) Khối lượng thịt lợn đã thu mua là khối lượng thịt lợn đã huy động của người chăn nuôi trong năm, bao gồm số thịt lợn thu mua tính theo tỷ lệ quy định và số thịt (30%) còn nợ lại chưa trả hết cho người chăn nuôi theo phiếu thịt của năm báo cáo.
Cách tính cụ thể : Khối lượng thịt lợn đã thu mua bằng (=) tổng số khối lượng thịt lợn người chăn nuôi đã bán cho Nhà nước cộng (+) với khối lượng thịt của số lợn mổ trả cho người chăn nuôi tại chỗ trừ (-) đi khối lượng thịt lợn đã trả cho người chăn nuôi theo phiếu thịt (30%) của năm báo cáo.
Khối lượng thịt lợn đã trả cho người chăn nuôi theo phiếu 30% dùng trong công thức trên chỉ bao gồm khối lượng thịt lợn bán theo phiếu của năm báo cáo, không kể số thịt lợn bán trả theo số phiếu của các năm trước.
b) Khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng tính như công thức đã nêu ở phần trên.
2. Để kiểm tra việc chấp hành chính sách trả lại thịt lợn (30%) cho người chăn nuôi và phản ánh tình hình thực tế tiêu dùng thịt lợn của người chăn nuôi cần phải tính tỷ lệ giữa khối lượng thịt lợn người chăn nuôi đã tiêu dùng với khối lượng thịt của số lợn đã ra chuồng trong năm.
a) Khối lượng thịt lợn người chăn nuôi đã tiêu dùng là khối lượng thịt lợn Nhà nước bán trả lại tại các cửa hàng thực phẩm, mổ lợn trả thịt tại chỗ theo phiếu 30% của năm báo cáo và khối lượng thịt của số lợn người chăn nuôi tự giết thịt.
Hiện nay trong số phiếu thịt 30% thu vào hàng năm có lẫn cả những phiếu thịt của các năm trước. Để kiểm tra việc trả lại thịt lợn (30%) cho người chăn nuôi và tình hình thực tế tiêu dùng thịt lợn của người chăn nuôi theo từng năm cần phải loại trừ số thịt trả cho người chăn nuôi theo phiếu thịt (30%) của năm trước ra khỏi khối lượng thịt lợn người chăn nuôi đã tiêu dùng trong năm.
Xuất phát từ mục đích phục vụ cho công việc quản lý khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng, nên chỉ tiêu khối lượng thịt của số lợn người chăn nuôi đã giết thịt nêu trong phương pháp này, như đã giải thích ở trên, chỉ bao gồm phần có đóng thuế sát sinh (tức là số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng người chăn nuôi đã giết thịt).
Tuy nhiên, để phản ánh đầy đủ số thịt lợn nhân dân đã tiêu dùng, địa phương nào có số liệu về số lợn người chăn nuôi giết thịt không đóng thuế sát sinh thì tính thêm vào công thức nhưng phải ghi chú rõ ràng để làm tài liệu tham khảo :
b) Khối lượng thịt của số lợn đã ra chuồng trong năm được tính như phương pháp tính khối lượng thịt của số lợn đã ra chuồng trong 09 tháng.
Khối lượng thịt của số lợn đã ra chuồng trong năm như đã giải thích trong phương pháp tính khối lượng thịt của số lợn đã ra chuồng trong 09 tháng, không bao gồm số lợn nhân dân tự giết không đóng thuế. Nhưng nếu trong khối lượng thịt lợn người chăn nuôi đã tiêu dùng có tính cả số lợn người chăn nuôi tự giết không đóng thuế (để làm tài liệu tham khảo) thì trong khối lượng thịt của số lợn đã ra chuồng cũng phải tính cả phần đó.
3. Để phục vụ cho việc chỉ đạo trả lại thịt lợn cho người chăn nuôi cần phải có các chỉ tiêu về khối lượng thịt lợn còn lại của người chăn nuôi trong năm báo cáo và từ những năm trước đến cuối năm báo cáo.
a) Khối lượng thịt lợn Nhà nước còn nợ lại của người chăn nuôi trong năm báo cáo bằng (=) số thịt Nhà nước phải trả cho người chăn nuôi theo số phiếu thịt 30% phát ra cho năm báo cáo trừ (-) đi số thịt Nhà nước đã trả lại cho người chăn nuôi theo tiêu chuẩn năm báo cáo (tính theo số phiếu thịt 30% của năm báo cáo đã thu vào).
b) Khối lượng thịt lợn Nhà nước còn nợ lại của người chăn nuôi từ những năm trước đến cuối năm báo cáo bằng (=) số thịt còn nợ lại từ những năm trước cộng (+) với số thịt tính theo phiếu 30% phát ra trong năm báo cáo trừ (-) đi tổng số khối lượng thịt lợn đã trả trong năm báo cáo (kể cả khối lượng thịt trả theo tiêu chuẩn của những năm trước).
Trên đây là phương pháp tính toán các chỉ tiêu áp dụng cho cả năm. Để phục vụ cho yêu cầu chỉ đạo thu mua trong từng thời gian ngắn, cần có phương pháp tính các chi tiêu áp dụng cho từng quý.
Phương pháp tính các chỉ tiêu thu mua thịt lợn áp dụng cho hàng quý.
Về khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng trong từng quý có hai phương pháp tính :
Phương pháp thứ nhất : Khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng trong quý bằng (=) số đầu lợn từ 31kg trở lên có đến ngày 01 tháng đầu quý nhân (x) với trọng lượng bình quân một con lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng.
Phương pháp thứ hai : Khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng trong quý bằng (=) khối lượng thịt của số lợn đã ra chuồng trong quý cộng (+) với khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng có đến cuối quý;
Khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng có đến cuối quý bằng (=) số đầu lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng có đến cuối quý nhân (x) với trọng lượng bình quân một con lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng.
Phương pháp tính khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng từng quý chỉ có thể áp dụng ở những địa phương đã tiến hành điều tra chăn nuôi hàng quý.
Từng địa phương sẽ căn cứ vào khả năng số liệu thu thập được để lựa chọn một trong hai phương pháp tính toán đó.
Các chỉ tiêu về khối lượng thịt lợn thu mua tính theo tỷ lệ quy định, khối lượng thịt của số lợn đã ra chuồng, khối lượng thịt lợn người chăn nuôi đã tiêu dùng, tỷ lệ thu mua thịt lợn (tính theo tỷ lệ quy định) tỷ lệ thịt lợn Nhà nước sử dụng... đều được tính theo các phương pháp áp dụng cho toàn năm. Riêng khối lượng lợn Nhà nước đã trả lại cho người chăn nuôi theo tiêu chuẩn từng quý và khối lượng thịt lợn đã thu mua trong từng quý không thể tính được vì số thịt 30% của mỗi quý thường được trả sau.
Số liệu về tổng số khối lượng thịt lợn người chăn nuôi đã bán cho Nhà nước, khối lượng thịt của số lợn mổ trả lại cho người tiêu dùng tại chỗ, số phiếu thịt 30% phát ra, thu vào... lấy theo báo cáo của các nhân viên thu mua thịt lợn và các cửa hàng thực phẩm. Số liệu về khối lượng thịt của số lợn người chăn nuôi tự giết có đóng thuế sát sinh lấy ở báo cáo của cơ quan tài chính (phần thuế sát sinh của nhân dân). Số liệu về đầu lợn thịt có đến ngày 01 tháng 10 hàng năm lấy theo tài liệu điều tra chăn nuôi lợn của ngành thống kê nông nghiệp.
Phương pháp tính toán trên đây được áp dụng thống nhất cho các đơn vị chăn nuôi là các hợp tác xã nông nghiệp, cho các đơn vị thu mua thịt lợn từ các cửa hàng thực phẩm trở lên và các đơn vị hành chính từ cấp xã trở lên.
Các đơn vị của ngành thực phẩm (Bộ Nội thương) và tổ chức thống kê Nhà nước có trách nhiệm áp dụng phương pháp này để phục vụ cho việc tính toán, phân tích các chỉ tiêu thực hiện thu mua thịt lợn theo phương thức thu mua hiện nay, nếu địa phương nào có thay đổi theo phương thức thu mua (Mậu dịch quốc doanh chỉ làm nhiệm vụ thu mua lợn cho Nhà nước sử dụng còn số thịt lợn để lại cho người chăn nuôi tiêu dùng do chính quyền địa phương tự phân phối điều hoà trong địa phương mình) thì sẽ áp dụng tính theo công thức sau đây :
Tỷ lệ thịt lợn Nhà nước đã thu mua (%) | = | Khối lượng thịt lợn Nhà nước đã thu mua trong năm |
Khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng giết thịt trong năm |
Khối lượng thịt lợn Nhà nước thu mua trong năm tính bằng khối lượng thịt lợn đã nhập chuồng của mậu dịch trong năm (không kể lợn giống, lợn sữa).
Phương pháp tính khối lượng thịt của số lợn đủ tiêu chuẩn ra chuồng giết thịt trong năm về căn bản không có gì thay đổi.
- Tỷ lệ giữa khối lượng thịt lợn người chăn nuôi đã tiêu dùng với khối lượng thịt của số lợn đã ra chuồng trong năm vẫn được duy trì để tính toán nhưng cần chú ý : Khối lượng thịt lợn người chăn nuôi đã tiêu dùng là khối lượng thịt lợn (30%) do xã mổ điều hoà cho người chăn nuôi (trước kia do mậu dịch quốc doanh cho mổ điều hoà và có thu phiếu) và khối lượng thịt của số lợn người chăn nuôi tự giết thịt.
- Các công thức tính khối lượng thịt lợn Nhà nước còn nợ lại của người chăn nuôi không cần dùng nữa.
- Trong nguồn số liệu cần sử dụng để tính toán không có nguồn số liệu và số phiếu 30% phát ra thu vào nữa, thay vào đó cần bổ sung thêm số liệu về khối lượng thịt lợn do xã mổ điều hoà cho người chăn nuôi lấy theo báo cáo của thống kê xã và của cơ quan tài chính.
Liên bộ Nội thương - Tổng cục Thống kê yêu cầu Uỷ ban hành chính các thành phố, tỉnh tổ chức phổ biến thông tư này, đồng thời có kế hoạch chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ việc thi hành những điều đã quy định trong thông tư.
K.T TỔNG CỤC TRƯỞNG | K.T BỘ TRƯỞNG |
Thông tư liên bộ 400-TCTK/TN năm 1969 về phương pháp tính một số chỉ tiêu chủ yếu về thu mua thịt lợn của hợp tác xã nông nghiệp và gia đình chăn nuôi do Bộ Nội Thương - Tổng cục thông kê ban hành
- Số hiệu: 400-TCTK/TN
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 10/03/1969
- Nơi ban hành: Bộ Nội thương, Tổng cục Thống kê
- Người ký: Trần Hải Bằng, Vũ Tuân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 5
- Ngày hiệu lực: 25/03/1969
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra