Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/TTLT | Hà Nội , ngày 24 tháng 5 năm 1993 |
Căn cứ vào Nghị định số 15-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Căn cứ vào Quyết dịnh số 168-HĐBT ngày 16-5-1992 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi một số điểm trong Nghị quyết 186-HĐBT về phân cấp Ngân sách địa phương và thông tư số 15a-TC/NSNN ngày 28-5-1992 của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết định trên.
Để tạo điều kiện cho ngành Y tế sắp xếp lại mạng lưới y tế cơ sở và thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho sự nghiệp y tế, Liên bộ Tài chính - Y tế hướng dẫn một số điểm cụ thể về quản lý Ngân sách Ngành Y tế như sau:
1. Từ năm 1993, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xây dựng kế hoạch tài chính toàn ngành Y tế để trình Chính phủ. Kế hoạch tài chính ngành phải phản ánh toàn bộ các nguồn thu, chi của ngành Y tế, kể cả thu, chi bằng nguồn viện trợ, thu, chi viện phí, bảo hiểm y tế và các nguồn khác.
2. Bộ Tài chính và Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm cấp phát đầy đủ và kịp thời kinh phí cho bộ Y Tế, các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhà nước - gọi tắt là các Bộ, cơ quan TW (phần do ngân sách Trung ương chi) và cho Sở Y tế các tỉnh thành phố (phần do ngân sách địa phương chi) theo chỉ tiêu kế hoạch ngân sách Nhà nước giao hàng năm.
Riêng đối với các chương trình mục tiêu của ngành Y tế do trung ương quản lý: Sau khi nhận được kế hoạch do chính phủ giao, bộ Y tế thống nhất với Bộ Tài chính phân phối cho từng Bộ, địa phương. Căn cứ kế hoạch đã thống nhất phân bổ Bộ Tài chính cấp trực tiếp cho Bộ Y tế (đối với cơ sở Trung ương thuộc Bộ Y tế quản lý) và cấp uỷ quyền cho Sở Tài chính - vật giá địa phương (đối với phần do địa phương thực hiện).
3. Ngành y tế có trách nhiệm quản lý, điều hành và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí đầu tư cho sự nghiệp Y tế, và báo cáo tình hình sử dụng kinh phí cho cơ quan tài chính đồng cấp để theo dõi cấp phát và kiểm tra. Mọi khoản thu chi của sự nghiệp Y tế phải được quản lý ghi vào hệ thống Ngân sách Nhà nước, bao gồm:
- Ngân sách nhà nước cấp phát.
- Các nguồn viện trợ, ủng hộ, quyên tặng của các nước, các tổ chức quốc tế, cá nhân ở nước ngoài cho ngành y tế.
- Các khoản thu viện phí, bảo hiểm y tế.
- Các nguồn khác
Việc xây dựng kế hoạch, phân bổ, cấp phát, quản lý và sử dụng Ngân sách đầu tư cho ngành Y tế được quy định cụ thể như sau:
1. Lập kế hoạch và giao kế hoạch ngân sách:
Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn lập kế hoạch kinh tế xã hội hàng năm của Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và hướng dẫn lập kế hoạch thu, chi Ngân sách hàng năm của bộ Tài chính, việc lập và gửi kế hoạch tài chính theo trình tự như sau:
Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh và hành chính sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế quản lý: lập kế hoạch thu, chi tài chính năm gửi về Bộ Y tế và Bộ Tài chính.
- Đối với các Bộ, ngành Trung ương: lập kế hoạch thu chi về Y tế thuộc phạm vi mình quản lý gửi về Bộ Y tế và Bộ Tài chính.
- Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh và hành chính sự nghiệp thuộc ngành Y tế địa phương quản lý (bao gồm các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và các phòng y tế quận, huyện, thị xã): lập và gửi kế hoạch thu, chi tài chính năm cho Sở Y tế và Sở Tài chính. Sở Y tế sau khi thống nhất với Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch thu - chi tài chính của địa phương mình gửi cho bộ Y tế và Bộ Tài chính.
- Bộ y tế có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch thu - chi toàn ngành Y tế gửi Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước theo đúng tiến độ thời gian quy định và phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trình Chính phủ và trình Quốc hội phê duyệt.
Sau khi kế hoạch chi ngành Y tế được Quốc hội phê chuẩn thông báo, bộ Y tế cùng Bộ tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước thống nhất phân bổ Ngân sách sự nghiệp y tế cho từng Bộ, địa phương theo kế hoạch đã được phê duyệt để trình chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền thông báo chính thức cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương. Riêng kế hoạch thu đối với ngành Y tế sẽ do Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xem xét trên cơ sở đề nghị của Bộ y tế để trình Chính phủ giao nhiệm vụ thu cho Bộ Y tế và các địa phương.
2. Điều hành và cấp phát ngân sách sự nghiệp Y tế:
a) Đối với Trung ương: Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch tài chính do Chính phủ (hoặc Bộ Tài chính được uỷ quyền) thông báo Bộ Y tế và các Bộ, cơ quan Trung ương chịu trách nhiệm phân phối và quản lý Ngân sách đối với các đơn vị trực thuộc. Trong trường hợp cần thiết có quyền điều chỉnh chi tiết để thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng không được vượt quá tổng mức kế hoạch tài chính được thông báo và có trách nhiệm thông báo lại cho Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.
Đối với các chương trình mục tiêu Y tế thuộc Ngân sách Trung ương giao cho Bộ Y tế trực tiếp quản lý: Bộ y tế có trách nhiệm phân bổ, đảm bảo đúng nội dung chi tiêu theo các văn bản hướng dẫn về chương trình mục tiêu cho các địa phương;
- Phòng chống sốt rét
- Phòng chống bướu cổ và đần độn
- Tiêm chủng mở rộng
- Chương trình phòng chống SIDA.
- Chống xuống cấp.
Căn cứ vào kế hoạch phân bổ hàng quý, hàng năm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính sẽ thực hiện việc cấp phát kinh phí bằng hình thức "Kinh phí uỷ quyền" qua hệ thống kho bạc Nhà nước vào tài khoản 936 "Tiền gửi kinh phí uỷ quyền thuộc Ngân sách Trung ương" của Sở Tài chính - Vật giá mở tại chi cục kho bạc Nhà nước địa phương thuộc chương 99 loại 13 khoản 01 hạng 1 "Phần trung ương hỗ trợ cho chương trình mục tiêu y tế do bộ Y tế duyệt". Riêng phần Ngân sách của các mục tiêu trên đặt tại các cơ sở trung ương, thuộc Bộ Y tế quản lý, Bộ Tài chính sẽ cấp thẳng về Bộ Y tế quản lý và điều hành theo mục lục Ngân sách Nhà nước hiện hành.
Căn cứ vào kinh phí uỷ quyền được trung ương cấp, Sở Tài chính - Vật giá các địa phương thống nhất với Sở Y tế và cấp lại cho Sở Y tế để Sở Y tế cấp cho các cơ sở y tế trực thuộc.
b) Đối với địa phương: Để đảm bảo việc quản lý kinh phí gắn liền với công tác quản lý sự nghiệp y tế, tạo điều kiện cho việc sắp xếp màng lưới khám chữa bệnh phù hợp với từng địa phương, hàng năm căn cứ kế hoạch đã thống nhất phân bổ và giao chỉ tiêu chính thức, Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính Vật giá thống nhất dự kiến phân bổ ngân sách cho từng cơ sở và đề xuất phương thức cấp phát hợp lý để trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố xem xét, quyết định giao kế hoạch ngân sách Nhà nước cho các cơ sở sự nghiệp y tế của tỉnh, thành phố và giao cho Sở Y tế quản lý, điều hành sử dụng.
3. Hàng quý, hàng năm các đơn vị, địa phương có trách nhiệm báo cáo quyết toán chi sự nghiệp y tế cho cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính đồng cấp theo đúng chế độ báo cáo kế toán hiện hành.
4. bộ Tài chính, Sở Tài Chính - Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp cùng với bộ Y tế các bộ, Tổng cục, các Uỷ ban Nhà nước, các Sở Y tế để kiểm tra việc quản lý và sử dụng Ngân sách chi cho sự nghiệp Y tế Trung ương, Sự nghiệp y tế ngành và sự nghiệp y tế địa phương; thẩm tra quyết toán của Bộ Y tế, Sở Y tế và Y tế ngành theo chế độ Nhà nước quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các đơn vị, các địa phương báo cáo để Liên Bộ nghiên cứu giải quyết.
Hồ Tế (Đã ký) | Nguyễn Trọng Nhân (Đã ký) |
- 1Quyết định 168-HĐBT năm 1992 sửa đổi Nghị quyết 186-HĐBT về việc phân cấp quản lý ngân sách do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Nghị định 15-CP năm 1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ
- 3Quyết định 398-TTg bổ sung biện pháp điều hành Ngân sách Nhà nước năm 1994 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 861/TTg năm 1995 về cơ chế, biện pháp quản lý và điều hành ngân sách Nhà nước năm 1996 do Thủ tướng chính phủ ban hành
Thông tư liên bộ 40/TTLB năm 1993 về việc quản lý và điều hành ngân sách Nhà nước đầu tư cho ngành y tế do Bộ Tài chính - Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 40/TTLT
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 24/05/1993
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Y tế
- Người ký: Hồ Tế, Nguyễn Trọng Nhân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/05/1993
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra