Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38-TT-LB

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 1962 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 14-CP NGÀY 02-02-1962 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TRỢ CẤP CHO GIA ĐÌNH LIỆT SĨ, GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN, CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TỪ TRẦN HAY MẤT TÍCH GẶP KHÓ KHĂN TRONG ĐỜI SỐNG

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

Để giúp đỡ các gia đình liệt sĩ giữ được mức sinh hoạt bình thường và nâng cao dần mức sống, chính sách của Chính phủ là: đối với những gia đình còn lao động sản xuất được, thì giúp đỡ trong công việc làm ăn, thi hành đúng Chỉ thị số 445/TTg ngày 14-12-1959 của Thủ tướng Chính phủ về việc giúp đỡ các gia đình liệt sĩ trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp; đối với một số gia đình vì già yếu, bệnh tật thiếu hoặc mất sức lao động mà đời sống gặp nhiều khó khăn, thì ngoài sự giúp đỡ của nhân dân, Nhà nước có thể trợ cấp thêm.

Đối với những gia đình quân nhân từ trần hay mất tích, gia đình cán bộ, công nhân viên chức từ trần hay mất tích thì cũng dựa theo tinh thần chính sách trên đây mà có sự giúp đỡ thích hợp.

Nghị định số 14-CP ngày 02-02-1962 của Hội đồng Chính phủ sửa đổi chế độ trợ cấp khó khăn quy định ở thông tư Liên bộ Nội vụ - Tài chính số 50-TT/LB ngày 14-10-1959 cho thích hợp với tình hình mới, nhằm giúp đỡ các gia đình giải quyết những khó khăn về đời sống một cách tích cực hơn nữa.

Nhưng nếu chỉ dựa vào sự giúp đỡ của Nhà nước, thì không thể nào giải quyết hết những khó khăn của các gia đình trên. Vì vậy cùng với việc thi hành chế độ trợ cấp này, phải đẩy mạnh hơn nữa sự giúp đỡ của nhân dân và phát huy tinh thần tự lực cánh sinh của các gia đình để giải quyết khó khăn.

II. PHƯƠNG CHÂM VÀ NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Kết hợp chặt chẽ, đúng mức sự trợ cấp của Nhà nước với sự giúp đỡ của nhân dân và sự nỗ lực bản thân của các gia đình, tạo điều kiện cho các gia đình gặp khó khăn nâng dần mức sống ngang với mức sinh hoạt chung của nhân dân địa phương.

2. Tùy theo mức độ khó khăn nhiều hay ít mà xét trợ cấp hoặc không trợ cấp; sau khi được trợ cấp rồi, mức sinh hoạt của những gia đình được trợ cấp không cao hơn nhiều so với mức sinh hoạt của những gia đình không được trợ cấp ở cùng một địa phương.

3. Phải tiến hành một cách tích cực, thận trọng, đảm bảo đúng chính sách, đúng tiêu chuẩn, đảm bảo sự đoàn kết trong nhân dân, giữa các gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân, cán bộ, công nhân, viên chức từ trần hay mất tích.

III. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC XÉT TRỢ CẤP

Đối tượng trợ cấp nói ở điều 1 và điều 2 trong Nghị định số 14-CP  ngày 02-02-1962 của Hội đồng Chính phủ là gia đình của những liệt sĩ, gia đình của những quân nhân từ trần hay mất tích, gia đình của những cán bộ, công nhân, viên chức từ trần hay mất tích trước ngày thi hành điều lệ tạm thời về bảo hiểm xã hội (tức là ngày 31-12-1961 trở về trước) mà đời sống có nhiều khó khăn vì già yếu, bệnh tật, thiếu sức lao động hay vì tai nạn bất thường, Liên bộ giải thích thêm như sau:

1. Tiêu chuẩn liệt sĩ thì theo như quy định trong các văn bản đã ban hành. Cụ thể là những trường hợp hy sinh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công, hoặc đã được nhân dân địa phương xác nhận là liệt sĩ, Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh xét duyệt và đề nghị tặng bằng Tổ quốc ghi công.

2. Quân nhân từ trần và quân nhân mất tích, mà gia đình được xét trợ cấp khó khăn nói trong Nghị định số 14-CP, là những quân nhân tình nguyện chết vì ốm đau hay tai nạn hoặc mất tích trong khi còn tại ngũ. Đối với quân nhân làm nghĩa vụ quân sự mà chết hay mất tích, Bộ Quốc phòng sẽ nghiên cứu quy định cụ thể sau.

3. Cán bộ, công nhân, viên chức từ trần hay mất tích trước ngày thi hành điều lệ tạm thời về bảo hiểm xã hội, nếu có những điều kiện sau đây thì gia đình được xét trợ cấp khó khăn theo quy định trong Nghị định số 14-CP:

a) Là công nhân, viên chức làm việc trong biên chế ở các cơ quan, công trường, nông trường, xí nghiệp Nhà nước hoặc là cán bộ thoát ly của các đoàn thể cách mạng (kể cả các cán bộ hoạt động trước Cách mạng tháng Tám) hoặc là thanh niên xung phong thoát ly kinh tế gia đình có tổ chức thành đơn vị hẳn hoi.

b) Chết vì tai nạn lao động, hoặc chết do dịch gây ra, hoặc mất tin mất tích trong khi làm nhiệm vụ, trong thời kỳ kháng chiến hoặc chết vì bị xử trí oan trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức (có sự xác nhận của cơ quan quản lý cán bộ cũ, nếu cơ quan này đã giải thể, thì do Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh nơi gia đình cư trú xác nhận).

c) Chết vì ốm đau hay tai nạn rủi ro, nhưng phải có hai năm công tác liên tục trong kháng chiến, hoặc có năm năm công tác liên tục trong kháng chiến và hai năm trong hòa bình.

Đối với những cán bộ, công nhân, viên chức chết từ ngày thi hành điều lệ bảo hiểm xã hội trở về sau (kể cả những người đủ tiêu chuẩn xác nhận là liệt sĩ), gia đình hưởng theo chế độ bảo hiểm xã hội, không hưởng theo chế độ trợ cấp quy định ở Nghị định số 14-CP ngày 02-02-1962.

4. Gia đình của liệt sĩ, gia đình của quân nhân, cán bộ, công nhân, viên chức từ trần hay mất tích gồm những thân nhân gần nhất như sau:

- Vợ hay chồng (chưa lấy chồng hay lấy vợ khác);

- Các con;

- Cha mẹ đẻ.

Nếu không có vợ hay chồng, các con và cha mẹ đẻ, thì người nào công nuôi người chết hay mất tích từ nhỏ đến lớn như con đẻ, hay khi còn sống người chết có trách nhiệm phải nuôi dưỡng như: em nhỏ dưới 16 tuổi (hay 18 tuổi nếu còn đi học) không còn anh nào khác, ông bà nội không còn con cháu nào khác, cũng coi là thân nhân gần nhất. Các thân nhân khác không tính vào diện gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân, cán bộ, công nhân, viên chức từ trần, mất tích để được xét trợ cấp khó khăn nói trong Nghị định số 14-CP.

IV. TIÊU CHUẨN ĐỂ XÉT TRỢ CẤP

Chỉ những gia đình nào có người già yếu, bệnh tật, thiếu sức lao động, hay vì tai nạn bất thường mà đời sống gặp nhiều khó khăn thì mới được xét trợ cấp.

Tiêu chuẩn để phân biệt những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn là mức sinh hoạt của các gia đình thấp hơn mức sinh hoạt bình thường của nhân dân ở địa phương (xã, thành phố, thị xã, thị trấn) một cách rõ rệt. Cụ thể những gia đình ở vào một trong những trường hợp sau đây sẽ được xét trợ cấp:

1. Những gia đình có người già yếu, tàn tật đau ốm mất sức lao động, hoặc còn ít tuổi chưa đủ sức lao động, mà đời sống gặp khó khăn thường xuyên, bình quân thu nhập của các gia đình này chỉ bằng hay dưới 75% mức thu nhập bình quân của địa phương (thiếu ăn hoàn toàn từ 3 tháng trở lên trong một năm) thí dụ:

- Bố mẹ của liệt sĩ già yếu mất sức lao động, sống cô đơn hay sống với con cháu nhỏ, hoặc sống dựa vào các con lớn nhưng không đảm bảo, đời sống thiếu thốn khó khăn nhiều.

- Vợ liệt sĩ thường đau ốm hoặc bị tàn tật, mất sức lao động, sống cô đơn hay sống với cha mẹ già yếu, hoặc còn sức lao động nhưng một mình phải nuôi nhiều con nhỏ, đời sống thiếu thốn khó khăn nhiều.

- Con hay em của liệt sĩ dưới 16 tuổi (hay 18 tuổi nếu còn đi học) hoặc trên 16 tuổi nhưng bị tàn tật mất sức lao động, bơ vơ không nơi nương tựa, hoặc ở với những người thân thuộc khác, nhưng gia đình này cũng đông con, đời sống khó khăn, thiếu thốn nhiều, v.v…

2. Những gia đình bị tai nạn bất thường

Những trường hợp đau ốm, bệnh hoạn đột xuất, phải thuốc thang chạy chữa, do đó gia đình nhất thời có gặp nhiều khó khăn, thì cũng được xét trợ cấp theo tiêu chuẩn quy định.

V. MỨC ĐỘ VÀ THỜI HẠN TRỢ CẤP

1. Mức trợ cấp trong một tháng.

Đối với những gia đình đủ tiêu chuẩn trợ cấp như đã nói trên, khi tiến hành xét trợ cấp, chỉ căn cứ vào số thân nhân gần nhất của liệt sĩ, quân nhân, cán bộ, công nhân viên chức từ trần hay mất tích hiện có trong gia đình để tính mức trợ cấp trong một tháng như sau:

Gia đình liệt sĩ:

- Có một thân nhân gần nhất, được trợ cấp mỗi tháng 10đ

- Có hai thân nhân gần nhất, được trợ cấp mỗi tháng 20đ

- Có ba thân nhân gần nhất trở lên, được trợ cấp mỗi tháng 30đ

Gia đình quân nhân, cán bộ, công nhân viên chức từ trần hay mất tích

- Có một thân nhân gần nhất, được trợ cấp mỗi tháng 9đ

- Có hai thân nhân gần nhất, được trợ cấp mỗi tháng 18đ

- Có ba thân nhân gần nhất trở lên, được trợ cấp mỗi tháng 24đ

Trường hợp gia đình có thân nhân gần nhất ở nhiều hộ khác nhau (bố ở với con trai, mẹ ở với con gái, vợ con ở riêng v.v…) đều gặp khó khăn, thì căn cứ hoàn cảnh từng hộ mà xét trợ cấp, nhưng mức trợ cấp chung cho gia đình này cũng không quá 30đ trong một tháng (nếu là gia đình liệt sĩ), và 24đ trong một tháng (nếu là gia đình quân nhân, cán bộ, công nhân, viên chức, từ trần hay mất tích).

2. Thời hạn trợ cấp.

Việc định thời hạn trợ cấp mỗi năm cho mỗi gia đình phải căn cứ vào thực tế khó khăn nhiều hay ít, lâu dài hay tạm thời, khả năng giúp đỡ của nhân dân đến mức nào, thu nhập và mức sống của gia đình so với thu nhập và mức sống trung bình của nhân dân địa phương sút kém là bao nhiêu để xét trợ cấp cho thích hợp, theo hướng chung như sau:

a) Đối với những gia đình ở vào trường hợp khó khăn thường xuyên (như trường hợp khó khăn thứ nhất nêu ở trên), có thể trợ cấp 3 tháng hoặc 6 tháng (cho những trường hợp thông thường) và 9 tháng hoặc 12 tháng (cho những trường hợp đặc biệt).

b) Đối với những gia đình ở vào trường hợp khó khăn bất thường (như trường hợp khó khăn thứ hai nói ở trên), thì tùy theo khó khăn nhiều hay ít của gia đình mà có thể trợ cấp 3 tháng (cho những trường hợp thông thường) và tối đa là 6 tháng (cho những trường hợp đặc biệt).

c) Đối với những gia đình vừa ở vào trường hợp khó khăn thường xuyên vừa ở vào trường hợp khó khăn bất thường, thì cách giải quyết như sau:

- Nếu đã được trợ cấp như ở điểm a thì có thể được trợ cấp thêm, nếu xét thấy cần phải trợ cấp, nhưng tổng cộng hai lần trợ cấp không được quá 12 tháng trong một năm.

- Nếu chưa được trợ cấp như nói ở điểm a thì tính gộp cả hai trường hợp khó khăn mà định thời hạn trợ cấp cho thích hợp.

d) Đặc biệt, đối với những gia đình liệt sĩ, Anh hùng quân đội, gia đình có từ 2 con trở lên là liệt sĩ, quân nhân từ trần hay mất tích, các gia đình cán bộ cách mạng và nhân sĩ yêu nước có nhiều cống hiến đối với Cách mạng thì trong khi vận dụng tiêu chuẩn xét trợ cấp, cần có sự chiếu cố thích đáng về hoàn cảnh khó khăn, về mức độ và thời hạn trợ cấp, trên tinh thần chung là có rộng rãi hơn so với các gia đình thông thường khác để thể hiện chính sách của Đảng và Chính phủ đối với gia đình này. (Thí dụ: cùng thiếu ăn trên 2 tháng, thì những gia đình khác không đủ tiêu chuẩn được trợ cấp, nhưng các gia đình đặc biệt trên đây có thể được xét trợ cấp).

e) Nếu trợ cấp 3 tháng thì phát một lần, nếu trợ cấp 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng thì chia làm hai, ba hoặc bốn lần vào những quý xét thấy cần thiết như thời kỳ giáp hạt, giáp Tết, do cơ quan xét trợ cấp quyết định.

VI. THỦ TỤC VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH

1. Nghị định số 14-CP ngày 02-02-1962 của Hội đồng Chính phủ thay thế cho thông tư Liên bộ Nội vụ - Tài chính số 50-TT/LB ngày 14-10-1959. Những văn bản hướng dẫn trước đây trái với tinh thần nghị định và thông tư này đều hủy bỏ.

2. Các khoản trợ cấp cho gia đình đình liệt sĩ, gia đình đình quân nhân, cán bộ, công nhân viên chức từ trần hay mất tích, mà đời sống có khó khăn, quy định ở Nghị định số 14-CP đều chi vào ngân sách địa phương. Riêng năm 1962, các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh lập dự trù theo sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ trong công văn số 5217/CTLS ngày 07-11-1961. Địa phương nào dự trù chưa đủ thì tiếp tục dự trù thêm, bảo đảm đủ kinh phí trợ cấp cho các gia đình gặp khó khăn theo tiêu chuẩn quy định.

3. Để thực hiện tốt Nghị định số 14-CP trên đây, các địa phương cần tiến hành theo kế hoạch như sau:

- Phổ biến rộng rãi Nghị định số 14-CP và những điểm chính của thông thư này cùng với Chỉ thị số 445-TTg ngày 14-12-1959 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách giúp đỡ các gia đình liệt sĩ trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp đến tận cán bộ, nhân dân và gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân, cán bộ, viên chức từ trần, mất tích (chủ yếu là ở xã và hợp tác xã nông nghiệp) để mọi người thông suốt mục đích, ý nghĩa và nội dung của việc giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn mà chấp hành một cách tích cực và đầy đủ.

- Hướng dẫn các xã và hợp tác xã nông nghiệp xúc tiến ngay việc điều tra nắm tình hình đời sống của các gia đình, lập danh sách thống kê phân loại các gia đình gặp khó khăn và bàn bạc cách giúp đỡ thiết thực theo khả năng và điều kiện của từng hợp tác xã, đồng thời có dự kiến đề nghị trợ cấp cho những gia đình xét thấy cần thiết.

- Sau đó, Ủy ban hành chính xã làm bản kê danh sách chung gửi về huyện (hoặc châu) với đề nghị cụ thể của mình để huyện (hoặc châu) xét duyệt và đề nghị về tỉnh ra quyết định trợ cấp. Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh khi nhận được các bản danh sách và đề nghị của xã, huyện (hoặc châu) cần nhanh chóng giải quyết và chuyển các quyết định trợ cấp về cho Ủy ban hành chính huyện, châu cấp phát và thanh toán.

4. Trong lúc tiến hành lập danh sách, thống kê, phân loại và đề nghị trợ cấp cho các gia đình gặp khó khăn, Ủy ban hành chính các cấp cần có sự chỉ đạo sát sao từ đầu, (cần chỉ đạo riêng rút kinh nghiệm) đề phòng khuynh hướng chỉ ỷ lại vào việc trợ cấp mà xem nhẹ phần giúp đỡ của nhân dân, của hợp tác xã, làm cho diện trợ cấp tràn lan, không đúng với tiêu chuẩn chính sách, cũng như khuynh hướng ngại khó, không chịu đi sâu tìm hiểu kỹ đời sống khó khăn của từng gia đình, đề nghị trợ cấp quá chặt, hoặc bỏ sót những gia đình đủ tiêu chuẩn được trợ cấp.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
 
 


Nguyễn Thanh Sơn

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
 


 

Tô Quang Đẩu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 38-TT-LB năm 1962 hướng dẫn Nghị định 14-CP về việc trợ cấp cho gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân, cán bộ, công nhân, viên chức từ trần hay mất tích gặp khó khăn trong đời sống do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 38-TT-LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 01/08/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
  • Người ký: Tô Quang Đẩu, Nguyễn Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 30
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản