BỘ THUỶ LỢI-NGÂN HÀNG QUỐC GIA | VIỆT |
Số: 315-LB | Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 1958 |
VỀ VIỆC CHO VAY VỐN ĐỂ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
Nước, phân, cần, giống là những điều kiện căn bản không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Nhất là ở nước ta, do thời tiết khí hậu, nước lại là vấn đề quan trọng bậc nhất, giải quyết được nước cho cây trồng là khắc phục được khó khăn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp. Do đó nhiệm vụ xây dựng lãnh đạo, động viên quần chúng nông dân bỏ công bỏ của ra làm công tác thủy lợi, đồng thời chú ý giúp đỡ thích đáng để nông dân có thể dần dần tự mình làm chủ được nước, bảo đảm sản xuất phát triển không ngừng.
Để giúp nông dân xây dựng các công trình thủy lợi, ngành Thủy lợi có trách nhiệm lãnh đạo về đường lối phương châm, chủ trương công tác và hướng dẫn kỹ thuật, Ngân hàng quốc gia Việt-nam có trách nhiệm cho vay vốn trong trường hợp cần thiết để nông dân có đủ điều kiện xây dựng công trình.
Thực hiện chủ trương khôi phục kinh tế của Đảng và Chính phủ, trong 3 năm qua, Bộ Thủy lợi đã làm và giúp nông dân khôi phục 14 hệ thống nông giang lớn nhỏ tưới cho trên 30 vạn éc-ta (công mẫu). Ngân hàng quốc gia đã cho nông dân vay trên 3.000 triệu đồng để làm 50 công trình trung thủy nông, 276 công trình tiểu thủy nông, đắp 46 đập, xây 720 cống, mua 3.489 guồng và xe đạp nước, mua 11 máy bơm nước tất cả vừa tưới, rút nước và ngăn nước cho trên 20 vạn mẫu ta, biến ruộng 1 mùa thành 2 mùa, biến ruộng bị thiên tai uy hiếp thành ruộng bảo đảm chắc ăn.
Nhưng, trong mấy năm qua, chúng ta đã cho vay trong điều kiện và hoàn cảnh đặc biệt như đang tiến hành cải cách ruộng đất, quyền sở hữu ruộng đất của nông dân chưa rõ ràng, lại chưa điều tra nghiên cứu đầy đủ, hướng dẫn thiết kế thi công còn thiếu sót, chưa phối hợp kết hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan, nhất là chưa quy định trách nhiệm cụ thể giữa Ngân hàng và Thủy lợi, cho nên một số công trình đang làm phải bỏ dở hoặc làm xong nhưng không có tác dụng hay có tác dụng nhưng bị hư hỏng. Thậm chí có những phương tiện như guồng máy, máy bơm, xe đạp nước, không ai chịu trách nhiệm bảo quản. Những khuyết điểm ấy đã hạn chế một phần tác dụng của việc cho vay thủy lợi còn gây thêm khó khăn cho quần chúng nông dân, khó khăn cho việc thu hồi nợ của Ngân hàng.
Ba năm tới, công tác thủy lợi vẫn là công tác hàng đầu trong nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Trong 3 năm tới, theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước phải giải quyết cho 93 vạn éc-ta chiêm và 1 triệu 40 vạn éc-ta mùa có nước, phải căn bản diệt được hạn, thắng được lụt, đẩy lui úng và giải quyết được nạn nước mặn. Cho nên, cần khắc phục những khuyết điểm nói trên để việc cho vay trong những năm tới được đầy đủ và đúng đắn, góp phần vào việc hoàn thành tốt kế hoạch thủy lợi, bảo đảm chắc chắn cho nông nghiệp phát triển.
Vì những lý do trên, Liên Bộ Thủy lợi Ngân hàng quốc gia quy định chủ trương chính sách nguyên tắc và biện pháp cho vay thủy lợi như sau:
1) Chủ trương chính sách cho vay thủy lợi
Bộ Thủy lợi đã nghiên cứu và quy định thế nào là đại thủy nông, trung thủy nông và tiểu thủy nông, đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của mỗi cấp trong việc chủ trương và lãnh đạo thực hiện các công trình ấy. Đại thủy nông do ngân sách Nhà nước đài thọ, trung và tiểu thủy nông do nông dân bỏ công bỏ của ra làm theo sự hướng dẫn của Ty Thủy lợi địa phương. Nhà nước (chủ yếu là ngân sách địa phương) có thể trợ cấp một phần hay tất cả phí tổn để xây dựng những công trình trung thủy nông ở những vùng dân thiếu ăn, thường bị thiên tai, hay những vùng miền núi cần khuyến khích tăng vụ, tăng diện tích, Bộ hay Ủy ban hành chính tỉnh (dưới sự chỉ đạo của Bộ) có trách nhiệm lãnh đạo xây dựng các công trình đại thủy nông, Ủy ban hành chính tỉnh có trách nhiệm lãnh đạo xây dựng c1c công trình tiểu thủy nông.
Căn cứ vào sự quy định ấy, và căn cứ vào khó khăn thực tế của nông dân trong việc tự lực làm các công trình trung tiểu thủy nông, Ngân hàng quốc gia sẽ cho nông dân vay thêm vốn để đủ điều kiện làm các công trình trung tiểu thủy nông, gồm cả các phương tiện lấy nước như xe đạp nước, guồng, cọn, máy bơm nước v.v…
Việc cho vay để làm các công trình thủy lợi rất phức tạp nên cần quy định những điều kiện cụ thể đã bảo đảm làm được tốt. Các công trình thủy lợi được vay vốn phải qua điều tra nghiên cứu (lập được danh sách từng nông hộ có ruộng sẽ được hưởng mức) đảm bảo có lợi, phải được thiết kế và hướng dẫn thi công chu đáo giá thành phải chăng, nông dân đồng tình và quyết tâm làm, nhất trí vay và nhất trí trả nợ đúng hạn định. Đối với các phương tiện lấy nước như xe đạp nước, guồng, cọn, máy bơm, phải bảo đảm có người biết sử dụng mới được vay vốn.
Đường lối cho vay của Ngân hàng quốc gia là phục vụ cho phong trào hợp tác hóa. Nhưng hiện nay Hợp tác xã còn ít, phát triển lại không đều, miền núi chưa có phong trào hợp tác hóa, làm một công trình thủy lợi không có nghĩa là chỉ phục vụ cho ruộng đất của một hợp tác xã, của một tập đoàn mà là phục vụ chung cho cả một cánh đồng, trong đó có cả ruộng của hợp tác xã của tập đoàn, và của nông dân riêng lẻ.
Căn cứ vào tình hình thực tế trên đây, đối tượng cho vay thủy lợi quy định như sau:
- Đối với trung thủy nông ở miền núi cũng như miền xuôi, đối tượng cho vay là nông dân lao động được tổ chức lại và cử ra một Ban quản trị được sự công nhận của Ủy ban hành chính tỉnh, đại diện cho nông dân lao động trong việc trông coi làm các công trình thủy lợi đó và giao dịch với Ngân hàng trong việc vay vốn và trả nợ. Ban quản trị này có trách nhiệm cho đến khi trả xong nợ Ngân hàng. Nếu vì lý do đặc biệt Ban quản trị thiếu người thì phải cử lại và báo cho Ngân hàng biết để tiện việc giao dịch.
- Đối với máy bơm nước nếu ở những nơi đó chưa có hợp tác xã, tập đoàn, thì đối tượng cho vay áp dụng như cho vay trung thủy nông. Nếu ở những nơi đã có hợp tác xã, tập đoàn thì cho vay hợp tác xã và tập đoàn. Nông dân ở đó cần tưới nước thì thuê máy của hợp tác xã, tập đoàn với điều kiện giá cả phải chăng do đôi bên thỏa thuận.
- Đối với tiểu thủ nông gồm cả xe đạp nước, guồng, cọn đối tượng cho vay là các hợp tác xã, các tập đoàn tiến bộ và nếu những nơi chưa có hợp tác xã, tập đoàn mà cần thiết phải vay thì có thể cho vay tổ đổi công thường xuyên hay liên tổ đổi công thường xuyên dưới hình thức tổ chức lại, cử một ban quản trị để giao dịch với Ngân hàng trong việc vay vốn và trả nợ. Riêng về miền núi, ở những nơi mà quần chúng nông dân quá thiếu thốn, thì có thể cho vay theo biện pháp như đối với trung thủy nông.
Nguyên tắc cho vay của Ngân hàng quốc gia là nhằm giúp giải quyết những nhu cầu mấu chốt, nhưng trước hết nông dân phải tự lực là chính, phần còn thiếu thì Ngân hàng mới cho vay. Vì vậy mà Ngân hàng không thể cho vay khi mà nông dân chưa tận dụng khả năng tự lực của mình.
Dựa và nguyên tắc đó, Ngân hàng sẽ cho vay những số vốn cần thiết để làm những việc sau đây:
- Về trung thủy nông: cho vay để mua nguyên vật liệu, dụng cụ, tiền trả công thợ và trong những trường hợp cần thiết có thể cho vay để trả công làm đất.
- Về tiểu thủy nông: cho vay để mua nguyên vật liệu, dụng cụ, trả tiền công thợ, mua xe đạp nước, guồng, đào và xây giếng vĩnh viễn bằng gạch.
- Về máy bơm nước: cho vay để mua máy bơm nước, xăng dầu mỡ chạy máy, bơm nước, công thợ chạy máy, sửa chữa và mua đồ phụ tùng máy.
Trước đây quy định cho thủy lợi vay nói chung là dài hạn và áp dụng một lợi suất. Nay căn cứ vào tình hình thực tế cần quy định lại thời hạn và lợi suất cho thích hợp với từng loại công tác.
Cho vay dài hạn để mua nguyên vật liệu, dụng cụ, tiền trả công thợ và trả công làm đất để làm trung tiểu thủy nông và để mua máy bơm nước, xe đạp nước, guồng nước, đào và xây giếng vĩnh viễn. Thời hạn cho vay là từ trên một năm đến 3 năm. Lợi suất đối với hợp tác xã là 7% một năm, đối với các tập đoàn là 8% một năm, hợp tác xã ở miền núi là 6%, cá thể ở miền núi là 7% một năm.
Cho vay ngắn hạn để mua xăng dầu mỡ chạy máy bơm nước, tiền công thợ chạy máy và sửa chữa máy: thời hạn cho vay là 3 tháng tới 9 tháng. Lợi suất 0,5% một tháng đối với hợp tác xã miền xuôi, 0,4% một tháng đối với hợp tác xã miền núi.
Sau khi đã điều tra nghiên cứu và quyết định làm một công trình nào đó, kể cả trung và tiểu thủy nông, hoặc mua sắm các phương tiện như máy bơm nước thì phải lập đồ án thiết kế, thi công và kế hoạch sử dụng. Đồ án và kế hoạch ấy đem bàn với quần chúng nông dân để thông qua, và bầu Ban quản trị để phụ trách việc thi công và quản lý công trình đó. Nếu xét cần vay tiền của Ngân hàng, thì Ban quản trị phải đem những giấy tờ cấn thiết sau đây tới Ngân hàng:
- Đồ án thiết kế, kế hoạch thi công công trình thủy lợi định làm.
- Kế hoạch quản lý và khai thác
- Danh sách những người sẽ được hưởng nước.
- Biên bản họp nhân dân, hay hợp tác xã, tập đoàn và quyết nghị làm công trình đó hay mua sắm các phương tiện như xe đạp nước, máy bơm nước, v.v...
- Một đơn xin vay tiền.
Tất cả những giấy tờ trên phải được Ty thủy lợi và Ủy ban hành chính tỉnh chứng nhận.
Ngân hàng căn cứ vào quá trình nghiên cứu của mình và căn cứ vào các giấy tờ trên, xét lại, nếu đủ điều kiện thì quyết định cho vay và lập giấy tờ khế ước cho vay tiền, đồng thời mở cho các đối tượng được vay vốn, tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng để sau này rút ra dần tùy theo sự cần thiết của từng thời gian.
Sau khi cho vay và trong quá trình tiến hành làm các công trình đó, Ngân hàng cùng với nông hội giúp đỡ các Ban quản trị lập danh sách cụ thể những người được hưởng nước và phân bổ mức nợ cho từng người trong các tổ sản xuất. Nếu trong phạm vi khu vực được hưởng nước có ruộng của hợp tác xã, của tập đoàn thì phân bổ cho hợp tác xã và tập đoàn. Các hợp tác xã hay tập đoàn căn cứ vào mức nợ của mình sẽ trực tiếp thanh toán với Ban quản trị công trình khi đến hạn. Các tổ vay tiền của nông dân căn cứ vào mức nợ của từng người trong tổ mình mà đôn đốc kiểm tra thanh toán nộp cho Ban quản trị công trình để Ban quản trị thanh toán nợ với Ngân hàng đúng hạn định. Trường hợp công trình trung thủy nông đó nằm trên 2 huyện tiếp giáp thì cũng cho vay, nhưng Ban quản trị phải là Ban quản trị đại diện cho cả 2 huyện. Cách tính nợ cũng tính như trên. Trường hợp nằm trên 2 tỉnh tiếp giáp thì không cho vay mà các tỉnh sẽ trích quỹ địa phương đài thọ.
7) Nhiệm vụ của Ty Thủy lợi và chi nhánh Ngân hàng và Ủy ban hành chính địa phương
Công tác xây dựng các công trình thủy lợi dù to, dù nhỏ cũng phải có kỹ thuật và lãnh đạo chặt chẽ thì mới đảm bảo chắc chắn và việc cho vay vốn của Nhà nước mới có tác dụng thực sự. Do đó cần quy định cụ thể trách nhiệm của Ty thủy lợi, của Ngân hàng, của Ủy ban hành chính địa phương.
Ty thủy lợi có nhiệm vụ điều tra nghiên cứu, thiết kế và hướng dẫn xây dựng các công trình thủy lợi bậc trung, nghiên cứu giúp đỡ hướng dẫn các hợp tác xã, tập đoàn, xây dựng các công trình thủy lợi bậc tiểu, kể cả hướng dẫn sử dụng máy bơm nước, xe đạp nước và có trách nhiệm trong việc thành bại đối với sự hướng dẫn, chỉ đạo kỹ thuật của mình. Các việc điều tra nghiên cứu ấy phải được tiến hành trước khi định mức tiền cho vay vào năm sau.
Ngân hàng sau khi đã điều tra nghiên cứu và căn cứ vào sự đảm bảo chắc chắn của Ty thủy lợi, sự quyết định làm của Ủy ban hành chính, sự đồng tình của quần chúng nông dân địa phương và sự thỏa thuận mọi điều khoản đã quy định và thể lệ vay thì mới quyết định cho vay. Khi đã cho vay phải tiến hành kiểm tra chu đáo để bảo đảm sử dụng vốn đúng đắn, thu nợ kịp thời hạn.
Ủy ban hành chính địa phương (tỉnh) căn cứ vào những điều đã quy định trong thông tư này, có kế hoạch lãnh đạo chặt chẽ để đảm bảo thực hiện và có trách nhiệm trong việc thành bại của những công trình và việc đôn đốc phân phối nợ và trả nợ khi đến thời hạn đối với các công trình thủy lợi làm trong địa phương mình.
Đối với những trường hợp đặc biệt, cấp thiết chưa quy định trên đây như cần làm ngay một công trình ngoài kế hoạch, xin vay để làm những công tác cấp thiết (chống hạn, chống lụt, chống úng) thì tỉnh báo cáo lên Bộ Thủy lợi và Ngân hàng trung ương để xét và quyết định.
Nhận được thông tư này các Ủy ban hành chính tỉnh, Ty Thủy lợi và chi nhánh Ngân hàng địa phương chịu trách nhiệm nghiên cứu thi hành và thường xuyên báo cáo về Bộ Thủy lợi và Ngân hàng trung ương.
BỘ TRƯỞNG | K.T. TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT-NAM |
- 1Chỉ thị 02/1998/CT-NHNN1 về cho vay vốn để mua lúa xuất khẩu gạo và lúa dự trữ năm 1998 do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2Thông tư 51-LB năm 1961 biện pháp tạm thời cho vay máy bơm nước cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Liên bộ Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước và Bộ Thuỷ lợi và Điện lực ban hành.
- 1Chỉ thị 02/1998/CT-NHNN1 về cho vay vốn để mua lúa xuất khẩu gạo và lúa dự trữ năm 1998 do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2Thông tư 51-LB năm 1961 biện pháp tạm thời cho vay máy bơm nước cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Liên bộ Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước và Bộ Thuỷ lợi và Điện lực ban hành.
Thông tư liên bộ 315-LB năm 1958 về việc cho vay vốn để xây dựng các công trình thủy lợi do Ngân hàng Nhà nước- Bộ Thuỷ lợi ban hành
- Số hiệu: 315-LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 13/06/1958
- Nơi ban hành: Bộ Thuỷ lợi, Ngân hàng quốc gia
- Người ký: Tạ Hoàng Cơ, Trần Đăng Khoa
- Ngày công báo: 16/07/1958
- Số công báo: Số 26
- Ngày hiệu lực: 28/06/1958
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định