Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN VÀ TRUYỀN THANH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 027-TT-LB

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 1964 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

QUY ĐỊNH VIỆC KIỂM DỊCH CÁC THỰC VẬT VÀ SẢN PHẨM THỰC VẬT XUẤT NHẬP KHẨU QUA ĐƯỜNG BƯU ĐIỆN

Thi hành Nghị định số 1045-TTg ngày 15-09-1956 của Thủ tướng Chính phủ ấn định việc kiểm nghiệm hay kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu, Nghị định số 262-TTg ngày 09-09-1959 của Phủ Thủ tướng chuyển giao công tác kiểm dịch thực vật, động vật và các sản phẩm động thực vật xuất nhập khẩu từ Bộ Ngoại thương sang Bộ Nông lâm;

Căn cứ Quyết định số 59-NN-QĐ ngày 16-12-1961 của Bộ Nông nghiệp về việc thành lập các phòng kiểm dịch thực vật;

Bộ Nông nghiệp và Tổng cục Bưu điện và truyền thanh quy định việc kiểm dịch các thực vật và sản phẩm thực vật xuất nhập qua đường bưu điện như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Để ngăn ngừa các sâu bệnh, cỏ dại có tác hại đến cây cối và nguy hiểm cho nền nông nghiệp có thể từ nước ngoài xâm nhập vào nước ta hoặc từ nước ta lan ra nước ngoài, đồng thời để đảm bảo hàng hóa của nhân dân được chuyển phát không bị khó khăn, trở ngại dọc đường, tất cả các thực vật và sản phẩm thực vật có khả năng mang lại sâu bệnh; cỏ dại thuộc đối tượng kiểm dịch xuất nhập khẩu qua đường bưu điện đều phải được kiểm dịch tại một trong các bưu cục Hà nội, Hải phòng, Lạng sơn, Đồng đăng (Lạng sơn), Lào cai, Móng cái (Quảng ninh), Thanh thủy (Hà giang).

Công việc kiểm dịch phải do các phòng kiểm dịch thực vật liên tỉnh Hà nội, Hải phòng, Lạng sơn, Lào cai phụ trách.

Để việc xử lý các bưu phẩm, bưu kiện được nhanh chóng và việc phối hợp giữa các ngành được chặt chẽ, mỗi phòng kiểm dịch thực vật, phải xem xét các thực vật hoặc sản phẩm thực vật mà hải quan địa phương mình có trách nhiệm kiểm soát. Các thực vật hoặc sản phẩm thực vật thuộc phạm vi kiểm hóa của hải quan địa phương khác do các phòng kiểm dịch nơi đó chịu trách nhiệm kiểm dịch.

Các bưu phẩm, bưu kiện đã được kiểm dịch đều được dán một lá nhãn theo thể lệ do Bộ Nông nghiệp quy định.

II. THỰC VẬT VÀ SẢN PHẨM THỰC VẬT XUẤT KHẨU

Các phòng kiểm dịch thực vật chỉ kiểm dịch các thực vật và sản phẩm thực vật có khả năng mang sâu bệnh, cỏ dại thuộc đối tượng kiểm dịch của nước nhận đã quy định trong các tài liệu liên bưu quốc tế.

Nếu phát hiện có sâu bệnh hoặc cỏ dại thì phòng kiểm dịch tiến hành việc khử trùng hoặc khử cỏ dại.

Trường hợp cần thiết, các thực vật và sản phẩm thực vật có thể chuyển trả cho người gửi.

III. THỰC VẬT, SẢN PHẨM THỰC VẬT NHẬP KHẨU

Các phòng kiểm dịch thực vật chỉ kiểm dịch các thực vật hoặc sản phẩm thực vật có khả năng mang sâu bệnh, cỏ dại thuộc đối tượng kiểm dịch ghi ở bảng đính theo (do Bộ Nông nghiệp quy định). Các thực vật, sản phẩm thực vật nói trên nếu chưa được kiểm dịch ở nước gửi và chưa dán lá nhãn kiểm dịch thì hoàn trả lại các nước gửi. Trường hợp đặc biệt không thể trả lại được thì phải tiến hành giám định và khử trùng, khử cỏ dại khi cần thiết.

Nếu phát hiện ở các bưu phẩm, bưu kiện có đối tượng kiểm dịch thực vật của nước Việt nam dân chủ cộng hòa thì phải xử lý theo quy định của Bộ Nông nghiệp.

IV. PHỐI HỢP GIỮA PHÒNG KIỂM DỊCH VÀ BƯU ĐIỆN

Công tác kiểm dịch nói chung phải tiến hành tại các bưu cục ghi ở phần 1. Khi mở bưu phẩm, bưu kiện vắng mặt người gửi hay người nhận (đối với loại mà thể lệ bưu điện quy định được mở vắng mặt người gửi hay người nhận) và khi kiểm lại, đều phải có mặt nhân viên của hai ngành, nếu cần xử lý theo quy định của Bộ Nông nghiệp thì sau khi xử lý phải lập biên bản có chữ ký của nhân viên hai ngành và báo cho người có hàng.

Khi phòng kiểm dịch thực vật thấy cần mang hàng về cơ quan mình để có đầy đủ phương tiện xét nghiệm kỹ hơn thì trong vòng 48 tiếng đồng hồ phải trả lại cho bưu điện, nhưng trường hợp đặc biệt phải giữ lại thời gian lâu hơn, phòng kiểm dịch thực vật phải báo cho bưu điện biết để tin cho người có hàng. Mỗi lần giao hàng giữa hai bên phải ghi rõ ràng vào sổ sách: số lượng, trọng lượng, trạng thái, phẩm chất các loại hàng đựng trong mỗi bưu phẩm, bưu kiện để ký nhận.

Nếu khi phòng kiểm dịch trả hàng cho bưu điện mà phát hiện hao hụt về trọng lượng, số lượng và phẩm chất thì phòng kiểm dịch phải chịu trách nhiệm. Trường hợp hao hụt vì nhu cầu xét nghiệm thì cần phải có giấy xác nhận kèm theo.

Các bưu cục (ghi ở phần 1) không được chuyển hoặc phát các bưu phẩm, bưu kiện thuộc phạm vi kiểm dịch của phòng kiểm dịch địa phương mình, nếu bưu phẩm, bưu kiện ấy chưa được dán lá nhãn kiểm dịch. Căn cứ vào các quy định của Thông tư này, các phòng kiểm dịch và các bưu cục ghi ở phần 1 sẽ cùng nhau bàn bạc để quy định cụ thể cách thức làm việc.

Tùy hoàn cảnh địa phương, sau khi thỏa thuận với bưu điện, phòng kiểm dịch cử người đến làm việc vào những ngày nhất định tại bưu cục để giải quyết kịp thời việc chuyển phát bưu kiện.

Khi nhân viên kiểm dịch không đến làm việc tại bưu điện người gửi hàng có thể trực tiếp đến phòng kiểm dịch để xin kiểm dịch.

Để phục vụ kịp thời và thuận tiện cho nhân dân, hai cơ quan kiểm dịch và bưu điện cần có sự phối hợp chặt chẽ trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm và hợp tác xã hội chủ nghĩa.

Bưu điện có nhiệm vụ sắp xếp chỗ làm việc và tạo mọi điều kiện cần thiết để nhân viên kiểm dịch làm việc được thuận tiện.

Thông tư này thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1965.

 

TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN VÀ TRUYỀN THANH

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG

TỔNG CỤC PHÓ

 

 

Ngô Huy Văn

BỘ NÔNG NGHIỆP

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

Phan Văn Chiêu

 
 

 

BẢN ĐỐI TƯỢNG KIỂM DỊCH THỰC VẬT ĐỐI NGOẠI CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

(ban hành kèm theo Thông tư liên Bộ Nông nghiệp - Tổng cục Bưu điện và truyền thanh số 17-TT-LB ngày 30-10-1964).

 

Nhóm I

Cấm không được nhập vào nước Việt nam dân chủ cộng hòa những hạt giống, cây giống của cây cảnh, cây nông nghiệp, cây rừng và các nông, lâm sản bị nhiễm sâu, bệnh ghi trong nhóm này hoặc được sản xuất trong những vùng có các sâu bệnh đó:

 

A. SÂU

 

1. Ruồi Địa trung hải

Ceratitis capitata Wied

2. Bướm trắng Mỹ

Hyphantria cunea Drury

3. Sâu cánh cứng khoai tây

Leptinotarsa decemlineata Say

4. Mọt lạc

Pachymerus pallidus Olivier

5. Mọt cà phê

 Stephanoredes hampei Ferr

 6. Bọ dừa viền trắng

Pantomorus leucoloma Boh

                                    

B. BỆNH

 

7. Tuyến trùng lúa

Ditylenchus angustus (Butler) Fil.

8. Tuyến trùng khoai tây

Heterodera rostochiensis Woll.

9. Bệnh đen khoai lang

Ceratostomella fimbriata(E. et H.) Elliot

10. Bệnh ung thư khoai tây

Synchytrium endobioticum (Schilb.) Perc.

11. Bệnh rũ ngô

Bacterium stewarti E. F. Smith

12. Bệnh khô cành cam quít

Deuterophoma tracheiphila Petri

13. Bệnh vàng cam quít

Quick declin

                                         

Nhóm II

Những hạt giống, cây giống của các cây cảnh, cây nông nghiệp, cây rừng và các nông, lâm sản bị nhiễm sâu bệnh ghi trong nhóm này thì trước khi chuyên chở vào nước Việt nam dân chủ cộng hòa đều phải xông thuốc khử trùng và áp dụng mọi biện pháp kiểm dịch thực vật nhằm ngăn ngừa sự lây lan của chúng.

A. SÂU

 

14. Bọ dầu dài Bông

Anthomonus grandis Boh.

15. Rệp sáp dâu

Pseudaulacaspis pentagona Targ

16. Ruồi lớn cam quít

Tetradacus citri Ch.

17. Rệp sáp dài

Leucaspis japonica Ckll

18. Rệp sáp Com-tốc-ki

Pseudococcus comstocki Kuw.

19. Mọt thóc tạp

Tribolium confusum Duval

20. Bọ dừa Nhật bản

Popillia japonica Newm

21. Sâu đục quả đào

Carposina sasakii Mats

22. Sâu đục quả lê

Laspeyresia molesta Busek

23. Mọt cứng đốt

Trogoderma granarium Everst

24. Bướm củ khoai tây

Gnorimoschema operculella Zell

25. Mọt đậu nành

Acanthoscelides Obtectus  Say.

26. Rệp sáp lê 

Diaspidiotus perniciosus Comst

  27. Mọt to vòi 

Caulophilus latinasus Say.

28. Rệp sáp hồng dẹp

Céroplastes rusci L.

29. Sâu hồng bông

Pectinophora gossypiella Saund

B. BỆNH

 

30. Bệnh thối rễ bông

Phymatotrichum Omnivorum (Shear) Duggar

31. Bệnh ghẻ khoai tây

Spongospora subterranea (wal). Lay

32. Bệnh khô ngọn lúa

Aphelenchoides Oryzae Yokoo.

33. Bệnh ung thư cà chua

Corynebacterium michiganense(E.F Smith) Jensen

34. Bệnh phấn đen lúa mì

Tilletia Indica Mitra

35. Bệnh héo vàng bông

Verticillium albo – atrum Reinke et Berth.

36. Bệnh khô rũ bông

 Fusarium vasinfeetum ALK

 37. Bệnh cây hương lúa

 Ephelis oryzae zyd.

38. Bệnh phấn đen ngô

Ustilazo zeae Unger

            

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP

THỨ TRƯỞNG

 

 

Phan Văn Chiêu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 27-TT-LB năm 1964 về việc kiểm dịch các thực vật và sản phẩm thực vật xuất nhập khẩu qua đường bưu điện do Liên bộ Bộ Nông nghiệp, Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh ban hành

  • Số hiệu: 027-TT-LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 30/10/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp, Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh
  • Người ký: Phan Văn Chiêu, Ngô Huy Văn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 45
  • Ngày hiệu lực: 14/11/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản