Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM – BỘ NỘI THƯƠNG
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 27-LB

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1964

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

GIẢI THÍCH VÀ BỔ SUNG THÔNG TƯ LIÊN BỘ SỐ 21-LB-NH-NT-TC NGÀY 12-12-1962 VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN GIỮA CÔNG TÁC CHO VAY THƯƠNG NGHIỆP CỦA NGÂN HÀNG VỚI NHIỆM VỤ NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ BẢO ĐẢM VỐN KINH DOANH CỦA CÁC ĐƠN VỊ MẬU DỊCH QUỐC DOANH

Ngày 12-12-1962, liên Bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Tài chính - Nội thương đã ban hành Thông tư liên Bộ số 21-LB-NH-NT-TC quy định nguyên tắc giải quyết một số vấn đề liên quan giữa công tác cho vay thương nghiệp của Ngân hàng với nhiệm vụ nộp ngân sách Nhà nước và việc bảo đảm vốn kinh doanh của các đơn vị mậu dịch quốc doanh.

Sau một thời gian thi hành ở những địa phương mà các đơn vị cơ sở ba ngành có sự phối hợp chặt chẽ và chấp hành nghiêm chỉnh dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính các cấp, Thông tư liên Bộ này đã có tác dụng đưa công tác quản lý kinh doanh, quản lý tài vụ của ngành nội thương đi dần vào nề nếp, công tác cho vay thương nghiệp của Ngân hàng Nhà nước, công tác cấp vốn và thu tích lũy ở khâu thương nghiệp của tài chính cũng đã bước đầu phát huy được tác dụng tăng cường giám đốc thúc đẩy các hoạt động của thương nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nội thương hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1963.

Tuy nhiên cho đến nay một số quy định trong Thông tư liên Bộ số 21, ở một số địa phương chưa thi hành đầy đủ như:

- Vấn đề trích phí, thuế, lãi: Hầu hết các đơn vị nội thương chưa thực hiện việc nộp thuế và lãi theo thực tế kinh doanh, mà vẫn nộp theo kế hoạch. Cuối tháng, quyết toán chậm, không điều chỉnh số nộp kịp thời theo thực tế nên đã xảy ra tình trạng nơi nộp thừa, nơi nộp thiếu thuế và lãi cho ngân sách. Một số đơn vị chưa thực hiện việc trích nộp thuế và lãi một tháng nhiều lần; sau mỗi lần trích tỷ lệ lại gộp từ khoản cho vay đặc biệt sang tài khoản tiền gửi thanh toán, một số đơn vị nội thương không trích nộp thuế và lãi vào ngân sách ngay, còn chiếm dụng làm vốn kinh doanh.

- Về nộp khoản chênh lệch gia công: Nói chung là chậm, thậm chí có nơi sau một quý lên xong quyết toán mới nộp.

- Về nộp và bù các khoản chênh lệch tăng giảm giá làm không kịp thời.

Mặt khác, năm 1963 công tác cải tiến quản lý kinh doanh và tài vụ kế toán trong ngành nội thương bước đầu được thực hiện nên có một số vấn đề có liên quan đến công tác của ba ngành nhưng chưa được quy định trong Thông tư liên Bộ số 21 như:

- Vấn đề giải quyết các trường hợp tăng giảm giá.

- Vấn đề chênh lệch giá cả khu vực, chênh lệch giữa giá chỉ đạo thu mua và giá thu mua thực tế;

- Về cấp vốn và thu hồi vốn hàng hóa ứ đọng;

- Vấn đề giải quyết tài sản thừa thiếu và nợ nần dây dưa;

- Thu lãi do giảm giá gia công và tiết kiệm nguyên vật liệu gia công.

Vì vậy liên Bộ thấy cần phải giải thích thêm những điểm đã quy định trong Thông tư liên Bộ số 21 và bổ sung những điểm mới phát sinh trong năm 1963 – 1964 chưa được quy định trong Thông tư số 21 để các địa phương, các ngành thống nhất thi hành.

A. VẤN ĐỀ TRÍCH PHÍ, THUẾ, LÃI BÁN HÀNG, THUẾ, LÃI ĂN UỐNG PHỤC VỤ, THUẾ, LÃI KINH DOANH NGHIỆP VỤ KHÁC

(sản xuất chăn nuôi…)

Trước hết, cần phải xác định và nhắc lại nguyên tắc thu nộp cho ngân sách Nhà nước là thu nộp theo thực tế, kết quả các hoạt động kinh doanh và sản xuất của các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh. Biện pháp thu nộp như vậy là đúng đắn nhất, không những có tác dụng đảm bảo việc thu nộp cho ngân sách khớp với kết quả thực tế kinh doanh của các đơn vị nội thương, tránh hiện tượng nộp thiếu hoặc nộp thừa mà còn có tác dụng tốt trong việc tăng cường giám đốc bằng đồng tiền các hoạt động thương nghiệp, thúc đẩy các đơn vị nội thương phải nâng cao trình độ hạch toán kinh tế, phải hạch toán chính xác và kịp thời các số liệu kế toán phù hợp với tình hình thực hiện hàng tháng, hàng quý và hàng năm.

Ở nhiều địa phương trong cả ba ngành Tài chính – Ngân hàng – Nội thương còn nhiều cán bộ chưa quan niệm rõ như vậy nên đã coi việc thu nộp theo kế hoạch là dĩ nhiên và đã mất nhiều thì giờ tính toán và tranh chấp nhau về các số liệu kế hoạch mà ít chú trọng tìm mọi biện pháp để lập các bản cân đối và quyết toán cho kịp thời, chính xác, trên cơ sở đó có điều kiện để thu nộp theo thực tế, kiểm tra công việc quản lý kinh doanh thương nghiệp được kịp thời và chính xác.

Liên Bộ xác định việc nộp lợi nhuận theo kế hoạch chỉ là biện pháp để đảm bảo việc thu nộp kịp thời cho ngân sách trong khi chờ đợi cuối tháng phải thu theo thực tế. Trong tháng vẫn tiến hành nộp theo kế hoạch và các đơn vị nội thương phải phấn đấu đảm bảo quyết toán hàng tháng, quý đúng thời hạn quy định, đảm bảo chính xác các số liệu kế toán để có căn cứ nộp theo thực tế. Các ngành tài chính và ngân hàng phải thúc đẩy và tạo mọi điều kiện giúp các đơn vị nội thương lập được quyết toán đúng thời hạn, chính xác, kiểm tra số liệu kế toán, phân tích tình hình kinh tế và điều chỉnh thu nộp ngân sách theo thực tế cho kịp thời.

- Cơ quan tài chính phải thoái thu bù lỗ kịp thời cho đơn vị nội thương nếu xét đơn vị đó nộp quá hoặc có lỗ thực tế. Nếu đơn vị nội thương nộp còn thiếu do Ngân hàng cho trích chưa đủ số mà đơn vị được trích thì Ngân hàng cho trích thêm số còn thiếu đó để nộp lãi và thuế cho ngân sách. Trường hợp Ngân hàng đã cho trích đủ rồi nhưng đơn vị nội thương không nộp đủ cho ngân sách, lại đem sử dụng vào việc khác thì các đơn vị nội thương phải trích phí trong tài khoản tiền gửi thanh toán để nộp thuế và lãi cho ngân sách. Nếu tài khoản tiền gửi thanh toán không còn thì kỳ trích sau Tài chính yêu cầu Ngân hàng trích đủ số lợi nhuận, thuế còn thiếu vào lãi gộp chuyển nộp cho ngân sách.

- Cơ quan ngân hàng phải thúc đẩy việc thanh toán tiền bán hàng nhanh chóng giữa các đơn vị bên mua và bên bán. Cụ thể là:

Ngân hàng bên mua khi nhận chứng từ hóa đơn của Ngân hàng bên bán gửi đến (xét đúng các điều khoản quy định của hợp đồng kinh tế mua bán hàng và chế độ thanh toán của Nhà nước ban hành) dù hàng còn đang đi trên đường chưa nhập kho, Ngân hàng vẫn cho đơn vị mua vay theo giấy đòi nợ để trả cho đơn vị bán, nhận được tiền đơn vị bán phải nộp đầy đủ thuế, lợi nhuận vào ngân sách Nhà nước.

Trường hợp Ngân hàng từ chối không cho vay, thì Ngân hàng phải kịp thời giải thích cho đơn vị nội thương và cơ quan tài chính địa phương rõ lý do. Nếu ba cơ quan không thống nhất với những lý do của Ngân hàng giải thích mà còn không bàn bạc tự giải quyết được thì phải báo cáo lên cho Bộ Nội thương, Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính giải quyết.

I. THU NỘP THEO KẾ HOẠCH

Các kế hoạch tài vụ của ngành nội thương phải đảm bảo số thu nộp cho ngân sách có căn cứ tương đối chính xác, kế hoạch tài vụ cũng như tỷ lệ gộp (phí, thuế, lãi) phải phân chia kế hoạch năm ra từng quý và kế hoạch quý ra từng tháng. Sau khi được các Sở, Ty Thương nghiệp hoặc Bộ Nội thương duyệt, có các ngành Ngân hàng và Tài chính tham gia ý kiến, thì hàng tháng, quý, các đơn vị lấy tỷ lệ đó nhân với tiền bán hàng đã gộp vào tài khoản đặc biệt của Ngân hàng để trích phí, thuế và lãi theo kế hoạch (nếu khi cần thiết phải điều chỉnh tỷ lệ gộp, thì phải lấy tỷ lệ điều chỉnh).

1. Cách tính tỷ lệ phí, thuế, lãi bán hàng.

a) Phí thuế ở đây là phí, thuế dùng để tính lỗ lãi. Vì vậy nội dung phí thuế như sau:

Phí tính lỗ lãi

=

Phí phân bổ hàng tồn kho đầu kỳ

+

Phí phát sinh trong kỳ

-

Phần phân bổ hàng tồn kho cuối kỳ

b) Thuế doanh nghiệp tính 2,5% trên doanh số bán buôn ngoài hệ thống nội thương và 2,5% trên doanh số bán lẻ (trừ doanh số đã tính thuế sát sinh và các mặt hàng đã thu quốc doanh như vải, diêm, thuốc lá, đường, v.v... )

Hiện nay các xí nghiệp bán lẻ huyện và thị xã đang nộp thay thuế doanh nghiệp cho các hợp tác xã và hợp tác xã tiểu thương nên khi các công ty cấp II giao hàng cho xí nghiệp bán lẻ huyện và thị xã, phải tính đủ các khoản thuế thu doanh nghiệp của bản thân các xí nghiệp bán lẻ, thuế nộp thay cho hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tiểu thương trong chiết khấu để xí nghiệp bán lẻ có đủ thuế nộp cho Phòng Tài chính huyện.

- Thuế sát sinh trước đây đã hoạch toán vào khâu thuế để tính tỷ lệ gộp, nay hạch toán vào giá thịt xô, các đơn vị thương nghiệp nộp ngay sau khi giết thịt. Ngân hàng sẽ cho vay theo giá thịt xô có thuế sát sinh. Vì vậy, trong tỷ lệ thuế tính kỳ này không có thuế sát sinh.

- Thuế hàng hóa của những loại hàng chịu thuế hàng hóa do xí nghiệp sản xuất phụ thuộc của ngành thương nghiệp tự sản xuất thì hạch toán vào giá chỉ đạo nhập kho, Ngân hàng cho vay theo giá chỉ đạo nhập kho (đã có thuế hàng hóa) sau khi được Ngân hàng cho vay, các xí nghiệp nội thương phải trích nộp ngay số thuế hàng hóa đó vào ngân sách.

c) Lãi ở đây là lãi bán hàng, vì vậy tỷ lệ lãi mà Ngân hàng cho trích chỉ mới  là lãi bán hàng. Còn các khoản lãi khác như: lãi sản xuất gia công chế biến, lãi chăn nuôi, lãi ăn uống phục vụ khách sạn, lãi kinh doanh nghiệp vụ khác, lãi ngoài doanh nghiệp và chênh lệch giá khu vực, sẽ tùy theo tính chất cụ thể của mỗi loại mà hạch toán và trích nộp cho thích hợp. Các khoản lãi này sẽ giải thích rõ ở phần sau.

2. Doanh số để tính tỷ lệ phí, thuế, lãi kế hoạch.

- Doanh số của cấp I nội thương là số tiền bán hàng cho cấp II, bán hàng cho các cơ quan, xí nghiệp, công trường và bán hàng cho xuất khẩu v.v...

Doanh số bán cho cấp II tính theo công thức:

Doanh số bán cho cấp II

=

Tổng trị giá bán ra theo giá bán lẻ của đơn vị cấp II mua hàng

-

Chiết khấu của bản thân công ty cấp II

+

Chiết khấu cho bản thân xí nghiệp bán lẻ

+

Hoa hồng và thuế doanh thu cho hợp tác xã mua bán xã và tổ hợp tác xã tiểu thương

- Doanh số của công ty bán buôn cấp II là số tiền bán hàng cho xí nghiệp bán lẻ, bán hàng cho cơ quan, công trường, xí nghiệp, bán hàng cho các Công ty bán buôn cấp II các tỉnh khác, bán hàng cho xuất khẩu…

Doanh số bán hàng cho xí nghiệp bán lẻ tính theo công thức:

Doanh số bán cho xí nghiệp bán lẻ

=

Tổng trị giá bán ra theo giá bán lẻ của xí nghiệp bán lẻ mua hàng

-

Chiết khấu của bản thân xí nghiệp bán lẻ

+

Hoa hồng và thuế doanh thu cho hợp tác xã mua bán xã và tổ hợp tác xã tiểu thương

- Doanh số của xí nghiệp bán lẻ là số tiền bán hàng trực tiếp cho nhân dân, tiền bán hàng cho các hợp tác xã mua bán xã và tổ hợp tác xã tiểu thương.

Doanh số bán hàng cho hợp tác xã mua bán xã và tổ hợp tác xã tiểu thương tính theo công thức:

Doanh số bán cho hợp tác xã mua bán xã và tổ hợp tác xã tiểu thương

=

Tổng trị giá bán ra cho hợp tác xã mua bán xã và tổ hợp tác xã tiểu thương theo giá lẻ

-

Hoa hồng và thuế cho hợp tác xã mua bán xã và tổ hợp tác xã tiểu thương

Trên đây là công thức tính doanh số bán cho hợp tác xã mua bán xã, tổ hợp tác tiểu thương, nhưng khi tính số tiền thực thu về thì xí nghiệp bán lẻ chỉ trừ cho hợp tác xã mua bán xã và tổ hợp tác tiểu thương hoa hồng, còn thuế doanh thu của hợp tác xã mua bán xã và tổ hợp tác tiểu thương, thì xí nghiệp bán lẻ giữ lại để nộp cho ngân sách. Công thức tính như sau:  

Tổng số tiền bán hàng cho hợp tác xã mua bán xã và tổ hợp tác xã tiểu thương thu về

=

Tổng trị giá bán ra cho hợp tác xã mua bán xã và tổ hợp tác xã tiểu thương theo giá lẻ

-

Hoa hồng để lại cho hợp tác xã mua bán xã và tổ hợp tác xã tiểu thương

Riêng các tổ hợp tác tiểu thương tự nộp thuế doanh thu thì được trừ cả hoa hồng và thuế (hoa hồng chỉ bao gồm chi phí lưu thông và lãi định mức của hợp tác xã tiểu thương).

3. Doanh số để trích tỷ lệ phí, thuế, lãi từng định kỳ.

Doanh số nói trên điều 2 là doanh số dùng để tính tỷ lệ phí, thuế và lãi kế hoạch. Còn doanh số dùng để trích phí, thuế lãi từng định kỳ là doanh số bán hàng đã thu về và nộp vào tài khoản đặc biệt của Ngân hàng cộng với số tiền bán hàng mà các xí nghiệp nội thương được phép tọa chỉ.

4. Doanh số để trích tỷ lệ phí, thuế lãi thực tế sau khi đã có quyết toán.

Như liên Bộ đã quy định việc thu nộp ngân sách phải dựa trên thực tế kinh doanh, nhưng vì trong tháng chưa có quyết toán nên việc trích nộp thuế và lãi theo định kỳ trên cơ sở tỷ lệ phí, thuế lãi kế hoạch nhân với doanh số bán hàng thực nộp vào Ngân hàng và số tiền cho phép đơn vị nội thương tọa chi.

Cuối tháng xí nghiệp nội thương lên được cân đối tài khoản, lập được bản chi tiết lỗ lãi thì xí nghiệp nội thưong phải căn cứ vào các tài liệu thực tế đó để xác định số thu nộp thuế và lợi nhuận cho ngân sách.

5. Cách nộp thuế và lãi bán hàng.

Cách trích nộp, liên Bộ quy định như sau:

Từng định kỳ từ một đến năm ngày, các đơn vị nội thương phải làm giấy xin trích tỷ lệ lãi gộp (phí, thuế lãi) kèm theo giấy nộp thuế và lợi nhuận gửi đến Ngân hàng. Căn cứ vào giấy xin trích tỷ lệ gộp, Ngân hàng sẽ cho trích phí, thuế lãi từ tài khoản đặc biệt sang tài khoản tiền gửi thanh toán cho đơn vị nội thương, đồng thời căn cứ vào giấy nộp lợi nhuận và thuế (số lợi nhuận và thuế phải đúng với số được Ngân hàng cho trích từng định kỳ) của đơn vị nội thương, Ngân hàng trích ngay tài khoản tiền gửi thanh toán để nộp vào ngân sách.

Mỗi lần đơn vị nội thương xin trích phí, thuế lãi phải có cả giấy nộp lợi nhuận và thuế của định kỳ đó gửi cho Ngân hàng và Tài chính. Nếu không có giấy nộp lợi nhuận và thuế kèm theo thì nhất thiết Ngân hàng không cho trích. Đồng thời Ngân hàng phải báo cáo cho Tài chính biết để đôn đốc đơn vị nội thương làm đầy đủ giấy tờ gửi cho Ngân hàng theo đúng chế độ đã quy định.

Cuối tháng, các đơn vị nội thương phải đối chiếu sổ trích nộp kế hoạch lãi và thuế từng định kỳ với số thực tế đã thực hiện (doanh số thực tế, tỷ lệ phí thuế, lãi thực tế). Sau khi đối chiếu giữa kế hoạch nếu Ngân hàng chưa cho trích đủ thì đơn vị nội thương phải đề nghị Ngân hàng cho trích thêm nộp ngân sách phần thuế và lãi còn thiếu. Nếu nộp thuế và lãi theo kế hoạch quá thực tế thì đơn vị nội thương đề nghị Tài chính thoái trả lại.

Các đơn vị Ngân hàng phải cho đơn vị nội thương trích đúng và đủ tỷ lệ phí, thuế lãi kế hoạch nhân với doanh số bán hàng đã nộp vào tài khoản đặc biệt cộng cả doanh số mà đơn vị nội thương được phép tọa chi. Cuối tháng có quyết toán thì đơn vị Ngân hàng phải điều chỉnh theo phí, thuế lãi thực tế.

Trong quá trình kinh doanh của thương nghiệp, các đơn vị Ngân hàng phải đẩy mạnh việc thanh toán để thu nhanh tiền bán hàng về cho đơn vị bán để đơn vị bán có tiền nộp thuế và lãi cho ngân sách, trả nợ vay Ngân hàng và đảm bảo các khoản chi phí của xí nghiệp.

Tình hình hiện nay, việc thanh toán tiền hàng của đơn vị nội thương đang gặp nhiều khó khăn cần được nghiên cứu giải quyết, nhưng hiện nay ở các địa phương còn có tình trạng tranh chấp nhau về thu nợ của Ngân hàng và thu nộp cho ngân sách, do đó liên Bộ quy định như sau:

- Giải quyết tốt vấn đề thu nộp và trả nợ Ngân hàng là đẩy mạnh việc thanh toán tiền hàng nhanh chóng. Trong điều kiện hiện nay, số tiền bán hàng về không đủ để nộp ngân sách và trả nợ Ngân hàng thì phải căn cứ vào số tiền đã thu được mà tính phí thuế lãi, phần còn lại là vốn vay Ngân hàng thì phải trả nợ Ngân hàng không được trừ phần nợ quá hạn vào phí thuế lãi được trích theo tỷ lệ kế hoạch.

Ví dụ: từ 1 đến ngày 5, đơn vị thương nghiệp thu tiền bán hàng nộp vào tài khoản đặc biệt là 100.000đ thì đơn vị nội thương được trích 20.000đ về phí, thuế lãi (tỷ lệ phí thuế lãi kế hoạch 20%), còn 80.000 trả nợ Ngân hàng. Trong số 20.000đ phí là 7% trên doanh số thì đơn vị nội thương được gửi lại tài khoản tiền gửi thanh toán là 7.000 để chi phí còn 13.000đ chuyển nộp vào ngân sách sau khi ngân hàng cho trích.

Các Sở, Ty Tài chính phải theo dõi, kiểm tra việc trích nộp thuế và lãi đúng chế độ, đúng tỷ lệ quy định và khi có quyết toán chính thức, phải kịp thời cho đơn vị nội thương điều chỉnh theo thực tế và phải bù lỗ kịp thời để khỏi ảnh hưởng đến vốn kinh doanh, thông báo tính thuế để nộp trước đây nay bãi bỏ không thi hành nữa.

6. Cách nộp thuế và lãi của các hoạt động kinh doanh nghiệp vụ khác và lãi ngoài doanh nghiệp

Trong ngành nội thương ngoài kinh doanh bán hàng, còn có các hoạt động về ăn uống phục vụ, xí nghiệp sản xuất công nghiệp, chăn nuôi, vận tải, kho tàng v.v... Những hoạt động kinh doanh này có đơn vị đã được hạch toán kinh tế hoàn toàn, có đơn vị còn phụ thuộc trong kinh doanh bán hàng. Nhưng về mặt hạch toán kế toán Bộ Nội thương đã quy định các hoạt động kinh doanh nghiệp vụ khác phải hạch toán riêng bằng một số tài khoản riêng để thể hiện được các chỉ tiêu bán hàng, giá vốn, chi phí, thuế, lãi v.v...

Căn cứ vào tính chất và trình độ hạch toán kinh tế của từng loại kinh doanh, từng đơn vị hoạt động Ngân hàng cho vay vốn và Tài chính cấp vốn, thu lợi nhuận, thuế, khấu hao.

Dưới đây là những quy định cụ thể cho từng loại kinh doanh:

1. Cách nộp thuế và lãi của các xí nghiệp ăn uống phục vụ đã hạch toán kinh tế hoàn toàn

Việc cấp vốn và cho vay đối với ngành ăn uống phục vụ đã hạch toán kinh tế, áp dụng như chế độ cấp vốn và cho vay công nghiệp hiện nay. Khi xí nghiệp thu được tiền bán hàng thì nộp vào tài khoản tiền gửi thanh toán để chi phí sản xuất, nộp lãi và thuế doanh nghiệp cho ngân sách và trích trả nợ Ngân hàng.

Lãi và thuế nộp theo kế hoạch một tháng ba kỳ và khi có quyết toán chính thức sẽ điều chỉnh theo thực tế.

2. Cách nộp thuế và lãi sản xuất phụ thuộc, chăn nuôi kinh doanh nghiệp vụ khác và ngoài doanh nghiệp:

a) Thuế và lãi sản xuất phụ thuộc:

- Đối với xí nghiệp sản xuất phụ thuộc đã hạch toán kinh tế hoàn toàn. Việc cấp vốn và cho vay đối với các xí nghiệp này áp dụng như chế độ cấp vốn và cho vay công nghiệp hiện nay. Khi xí nghiệp bán hàng, ngân hàng cho vay thanh toán gồm giá thành và thuế hàng hóa nếu có, khi xí nghiệp thu được tiền bán hàng, Ngân hàng sẽ thu hồi tiền cho vay thanh toán. Số tiền còn lại sẽ gửi vào tài khoản tiền gửi thanh toán để nộp lãi sản xuất và thuế doanh nghiệp cho ngân sách, lãi và thuế nộp theo kế hoạch một tháng ba kỳ và khi có quyết toán chính thức tháng sẽ điều chỉnh theo thực tế.

- Đối với xí nghiệp sản xuất phụ thuộc chưa hạch toán kinh tế hoàn toàn:

Việc cấp vốn và cho vay áp dụng như chế độ cấp vốn và cho vay thương nghiệp (Nhà nước cấp 30%, Ngân hàng cho vay 70%); sản phẩm hoàn thành nhập kho kinh doanh thương nghiệp thì Ngân hàng cho vay theo giá chỉ đạo nhập kho. Việc vay và trả nợ Ngân hàng của phần sản xuất phụ thuộc thì Bộ Nội thương và Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu và quy định sau.

Lãi của xí nghiệp sản xuất phụ thuộc (tức là khoản chênh lệch giữa giá thành thực tế và giá thành kế hoạch) đơn vị nội thương sẽ nộp theo kế hoạch mỗi tháng hai kỳ và sẽ điều chỉnh theo thực tế.

Chênh lệch sản xuất (tức là khoản chênh lệch giữa giá thành kế hoạch và giá chỉ đạo nhập kho trong đó có cả thuế) sẽ nộp vào ngân sách sau mỗi lần sản phẩm đã nhập kho và được Ngân hàng cho vay.

b) Thuế và lãi chăn nuôi:

- Đối với chăn nuôi dự trữ lâu dài đã hạch toán kinh tế hoàn toàn thì Nhà nước cấp thẳng 70% và chuyển 30% qua Ngân hàng cho vay. Lãi của khâu này do dôi cân và tăng cấp mà có… Hàng năm, đơn vị chăn nuôi căn cứ vào kế hoạch bán hàng và tỷ lệ lãi và thuế kế hoạch để tính kế hoạch nộp ngân sách. Kế hoạch năm có chia ra quý và tháng; nếu lỗ thì lập kế hoạch lỗ, cũng chia từng quý và tháng. Các đơn vị chăn nuôi căn cứ vào kế hoạch đã được duyệt hàng tháng nộp và ngân sách hai kỳ, kỳ thứ nhất từ 1 đến 15 nộp 40%, kỳ thứ hai từ 15 đến 30 nộp 60% còn lại. Nếu đơn vị chăn nuôi có lỗ kế hoạch, thì do các Ty Tài chính trực tiếp cấp bù kế hoạch hàng tháng. Cuối tháng lên xong quyết toán thì điều chỉnh theo thực tế.

Đối với chăn nuôi dự trữ giết thịt, nếu có một phần chăn nuôi phụ thuộc, thì cũng hạch toán vào kinh doanh thương nghiệp nên không trích nộp riêng.

- Đối với chăn nuôi lâu dài chưa hạch toán kinh tế hoàn toàn  thì việc cấp vốn và cho vay áp dụng như chế độ cấp vốn và cho vay thương nghiệp. Việc nộp lãi, nộp thuế áp dụng như kinh doanh thương nghiệp nghĩa là tiền bán hàng vẫn nộp vào tài khoản đặc biệt của ngân hàng. Khi tính tỷ lệ phí, thuế và lãi kế hoạch được cộng vào phí, thuế lãi bán hàng để trích nộp ngân sách.

c) Thuế và lãi kinh doanh nghiệp vụ kho tàng, vận tải, kinh doanh nghiệp vụ khác

Đối với các loại kinh doanh nghiệp vụ này, nếu hoạt động kinh doanh nào có quan hệ vay Ngân hàng, thì thu nhập của hoạt động kinh doanh đó sẽ nộp vào tài khoản cho vay đặc biệt của Ngân hàng; nếu hoạt động nào không vay Ngân hàng thì thu nhập của hoạt động đó được nộp vào tài khoản tiền gửi thanh toán để chi phí.

Việc trích nộp thuế và lãi của các hoạt động kinh doanh này quy định như sau:

- Những đơn vị thương nghiệp kiêm cả kinh doanh nghiệp vụ vận tải, kho tàng… vay vốn Ngân hàng, thì số doanh thu từng kỳ phải nộp vào tài khoản đặc biệt của Ngân hàng, khi lập kế hoạch tỷ lệ phí, thuế, lãi phần kinh doanh thương nghiệp phải cộng thêm cả phí, thuế, lãi của kinh doanh nghiệp vụ kho tàng vận tải… để nhân số tiền bán hàng đã nộp vào Ngân hàng. Từng tuần kỳ đơn vị nội thương trích phí thuế lãi từ tài khoản đặc biệt của Ngân hàng phải đồng thời nộp thuế lãi và ngân sách như đã quy định ở phần nộp lãi kinh doanh thương nghiệp.

- Những đơn vị thương nghiệp kiêm cả kinh doanh nghiệp vụ vận tải kho tàng… nhưng không vay vốn Ngân hàng thì không nộp tiền doanh thu vào tài khoản đặc biệt của Ngân hàng mà nộp vào tài khoản tiền gửi thanh toán để chi phí và nộp thuế và lãi cho ngân sách. Thuế và lãi của các nghiệp vụ vận tải, kho tàng... nộp một tháng hai kỳ theo kế hoạch. Cuối tháng có quyết toán phải nộp theo thực tế.

d) Các khoản thu ngoài doanh nghiệp:

Trong kinh doanh thương nghiệp, ngoài những khoản thu về bán hàng, khoản thu về kinh doanh nghiệp vụ khác còn có các khoản thu ngoài doanh nghiệp như tiền bán bao bì, phế liệu, phế phẩm, thu hồi số tàn dư của tài sản cố định, tiền thu về phạt vi phạm hợp đồng, tiền dôi thừa v.v… đều được nộp vào tài khoản tiền gửi thanh toán và hàng tháng đơn vị nội thương phải nộp cho ngân sách.

II. ĐIỀU CHỈNH SỐ NỘP THEO THỰC TẾ

1. Điều chỉnh doanh số theo thực tế:

Doanh số trích từng định kỳ trong tháng là số tiền bán hàng thực nộp vào tài khoản đặc biệt của Ngân hàng cộng với doanh số bán hàng mà đơn vị nội thương được phép tọa chi.

Nhưng nếu đem đối chiếu doanh số trong quyết toán và doanh số lấy ở tài khoản đặc biệt của Ngân hàng trong tháng thì sẽ chênh nhau, có khi doanh số trong quyết toán nhiều hơn hoặc ít hơn doanh số trong tài khoản đặc biệt của Ngân hàng và ngược lại. Sở dĩ có tình hình như vậy là vì doanh số trong quyết toán bao gồm cả một phần doanh số đã bán ra nhưng chưa thu được tiền về, nhưng doanh số trong tài khoản đặc biệt của Ngân hàng gồm phần lớn là doanh số bán ra trong tháng đã thu tiền về cộng với doanh số của tháng trước đến tháng này mới thu được tiền về.

Để giải quyết việc thu nộp đúng thực tế liên Bộ quy định như sau:

- Khi có quyết toán thì đơn vị nội thương phải lấy doanh số trong quyết toán để tính thuế và lãi nộp ngân sách thì liên Bộ nhận định rằng quyết toán hàng tháng lên xong cũng phải sau 10 đến 15 ngày, thời gian đó thì số tiền bán hàng tháng trước đã được thu về vào đầu tháng sau và các định kỳ đầu tháng đã trích nộp vào ngân sách. Vì vậy việc xác định doanh số trong tháng cũng chỉ để làm cơ sở điều chỉnh tỷ lệ phí thuế lãi thực tế.

- Công thức tính doanh số trong tháng như sau:

Doanh số bán ra trong tháng (theo quyết toán)

=

Doanh số thực thu đã nộp vào Ngân hàng

-

Doanh số của tháng trước còn lại

+

Doanh số chuyển sang tháng sau

2. Điều chỉnh phí thuế lãi theo thực tế

Phí thuế lãi dùng để tính từng định kỳ trong tháng là phí thuế lãi kế hoạch nên khi lập xong quyết toán tháng các đơn vị nội thương phải lấy phí thuế lãi thực tế để điều chỉnh.

Căn cứ vào tỷ lệ gộp kế hoạch (gồm phí thuế lãi) từng định kỳ Ngân hàng cho đơn vị nội thương trích từ tài khoản đặc biệt sang tài khoản tiền gửi thanh toán để chi phí lưu thông và nộp ngân sách các khoản thuế và lãi. Nay có tỷ lệ phí thuế lãi thực tế thì đơn vị nội thương phải báo cáo cho Tài chính và Ngân hàng để điều chỉnh theo thực tế.

Ở đây liên Bộ nói rõ quan hệ giữa đơn vị nội thương với Ngân hàng về tính tỷ lệ gộp và quan hệ giữa đơn vị nội thương với ngân sách về nộp thuế và lợi nhuận:

Quan hệ giữa Ngân hàng và đơn vị nội thương trong việc trích phí thuế lãi

- Khi lên quyết toán có tỷ lệ phí thuế lãi thực tế, nếu Ngân hàng cho trích chưa đủ thì Ngân hàng phải cho trích thêm để đơn vị nội thương có tiền chi phí nộp thuế và lãi cho ngân sách, nếu Ngân hàng đã cho trích quá thực tế thì đơn vị nội thương phải trích tài khoản tiền gửi thanh toán trả lại cho Ngân hàng số tiền đã trích quá đó.

Quan hệ giữa Tài chính và Nội thương trong việc trích nộp thuế lãi

Căn cứ vào quyết toán Tài chính cũng đối chiếu số thuế và lãi đã nộp theo kế hoạch với số lợi nhuận và thuế thực tế, nếu nộp chưa đủ thì đơn vị thương nghiệp phải trích tài khoản tiền gửi nộp cho đủ và ngân sách, nếu nộp lãi và thuế quá thực tế thì Tài chính thoái trả lại ngay. Trường hợp Ngân hàng đã trích đủ nhưng đơn vị thương nghiệp không nộp đủ thuế và lãi cho ngân sách mà lại đem chi dùng vào việc khác thì kỳ trích lần sau sẽ trừ vào phần phí của đơn vị nội thương, một lần trích không đủ thì lần khác sẽ trích thêm cho đến khi nộp đủ lợi nhuận và thuế cho ngân sách. Đồng thời các cơ quan tài chính sẽ kiểm điểm với đơn vị thương nghiệp có ghi biên bản để cuối năm làm cơ sở cho việc xét duyệt trích quỹ xí nghiệp.

3. Vấn đề thoái thu:

Những khoản mà các đơn vị nội thương đã nộp quá vào ngân sách, cần phải thoái thu thì năm ngày sau khi nhận được quyết toán tháng hoặc quý, các Sở, Ty tài chính phải thoái trả cho các đơn vị cấp II bán buôn và các xí nghiệp bán lẻ huyện, thị xã và hợp tác xã mua bán huyện phần đã nộp vào ngân sách địa phương. Còn phần đã nộp vào ngân sách trung ương của các đơn vị này cũng như của các đơn vị cấp I thuộc ngân sách trung ương thì Bộ Tài chính ủy nhiệm cho các Sở, Ty Tài chính thoái trả bằng cách trừ vào phần lãi kế hoạch phải nộp tháng sau, trường hợp còn thiếu thì được lấy lãi các đơn vị nội thương khác để bù. Số tiền được bù này phải trả nợ cho Ngân hàng. Thời gian hoàn thành thoái thu chậm nhất là một tháng sau khi nhận được quyết toán của đơn vị. Các Sở, Ty Tài chính phải báo cáo cho Bộ Tài chính biết những số thoái trả này.

4. Vấn đề bù lỗ kế hoạch :

Những khoản lỗ trong kế hoạch thì hàng tháng cơ quan tài chính được Bộ Tài chính ủy nhiệm cấp bù lỗ ngay, bằng cách trừ vào phần lãi phải nộp trong tháng của các đơn vị nội thương khác có lãi. Các Sở, Ty Tài chính phải báo cáo cho Bộ Tài chính biết số bù lỗ này.

5. Vấn đề bù lỗ ngoài kế hoạch và vượt kế hoạch

- Bù lỗ do nguyên nhân khách quan. Đối với đơn vị bán buôn cấp II và các xí nghiệp bán lẻ huyện, thị xã và hợp tác xã mua bán huyện thì cơ quan tài chính địa phương sẽ cho bù lỗ hoặc cho trừ kế hoạch nộp kỳ sau thuộc phần ngân sách địa phương. Các đơn vị bán buôn cấp II và các xí nghiệp bán lẻ huyện, thị xã và hợp tác xã mua bán huyện thuộc phần ngân sách trung ương, các đơn vị cấp I thuộc ngân sách trung ương, thì Bộ Tài chính ủy nhiệm cho các Sở, Ty Tài chính xét ký và quyết định mức phải bù lỗ thêm.

Để tiến hành bù lỗ, các Sở, Ty Tài chính có thể cho phép trừ vào phần lãi kế hoạch phải nộp tháng sau. Các Sở, Ty Tài chính phải kiểm tra kỹ lưỡng tình hình trước khi quyết định và làm báo cáo cụ thể cho Bộ Tài chính.

- Bù lỗ do nguyên nhân chủ quan: Đối với cấp II và xí nghiệp bán lẻ phần thuộc ngân sách địa phương, việc bù lỗ do nguyên nhân chủ quan gây ra sẽ do Ủy ban hành chính địa phương quyết định. Phần thuộc ngân sách trung ương của các đơn vị nói trên và các đơn vị cấp 1 phải do Bộ Tài chính xét và quyết định.

Trường hợp phải bù lỗ ngay để khỏi trở ngại cho kinh doanh, cơ quan tài chính có thể dùng điện khẩn báo cáo cho Bộ Tài chính, đồng thời gửi ngay báo cáo cụ thể hoặc cử cán bộ về báo cáo.

6. Vấn đề sử dụng nợ định mức:

Việc trích nộp các khoản lãi và thuế một tháng nhiều lần cho ngân sách sẽ làm cho việc sử dụng nợ định mức về lãi và thuế trong kế hoạch định mức vốn lưu động của các đơn vị nội thương giảm đi.

Ví dụ: Lãi và thuế của đơn vị nội thương mỗi tháng phải nội vào ngân sách 1.200.000đ. Thời gian nộp quy định trước là 15 ngày một lần, nay 6 ngày một lần thì nợ định mức sẽ thay đổi như sau:

- Nếu nộp một tháng hai lần thì nợ định mức là:

300.000đ =  X  ngày

- Nếu nộp một tháng sáu lần thì nợ định mức là:

120.000đ =  X  ngày

Các cơ quan tài chính phải xem xét lại cách tính nợ định mức của các đơn vị nội thương, tránh tính quá cao cũng như là không tính.

B. VẤN ĐỀ NỘP NGÂN SÁCH CÁC KHOẢN CHÊNH LỆCH GIA CÔNG, TĂNG GIÁ CHÊNH LỆCH KHU VỰC, CHÊNH LỆCH BÁN HÀNG CUNG CẤP VÀ GIẢI QUYẾT TÀI SẢN THỪA THIẾU, CÔNG NỢ DÂY DƯA KHÓ ĐÒI

I. CHÊNH LỆCH HÀNG GIA CÔNG

(tài khoản ...)

Thông tư số 21-LB đã quy định nguyên tắc và nội dung nộp khoản chênh lệch hàng gia công, nay liên Bộ giải thích rõ thêm:

1. Đối với đơn vị gia công đã hạch toán kinh tế hoàn toàn:

a) Việc cấp vốn và cho vay với các đơn vị gia công hạch toán kinh tế hoàn toàn được định mức riêng và tạm thời Nhà nước cấp 50%, Ngân hàng cho vay 50% bằng vốn tín dụng.

b) Hàng hóa gia công sau khi được kiểm nhận, đơn vị gia công hạch toán kinh tế có thể chuyển thẳng đến kho nội thương cấp I, hoặc tạm thời phải qua kho thu hóa một thời gian ngắn. Trường hợp chuyển thẳng khi giao hàng đi nhưng chưa thu tiền về thì Ngân hàng cho đơn vị gia công vay theo giá thành kế hoạch bao gồm thuế hàng hóa (nếu có) đồng thời Ngân hàng cho đơn vị bán buôn cấp I nội thương vay theo giá chỉ đạo nhập kho để thanh toán với các đơn vị gia công, khi nhận được tiền bán hàng thì Ngân hàng sẽ thu hồi nợi cho vay thanh toán, số còn lại đưa vào tài khoản tiền gửi thanh toán để đơn vị gia công nộp chênh lệch gia công và lãi gia công cho ngân sách.

c) Trường hợp tạm thời qua kho thu hóa của đơn vị gia công thì đơn vị chỉ được định mức dự trữ tối thiểu và khi hàng gia công nhập kho thu hóa, Ngân hàng cho vay theo giá thành kế hoạch bao gồm thuế hàng hóa (nếu có). Khi bán hàng cho đơn vị bán buôn cấp I nội thương thì việc cho vay của Ngân hàng cũng như việc nộp lãi gia công và chênh lệch gia công cho ngân sách giống như trường hợp hàng gia công chuyển thẳng cho kho nội thương cấp I.

d) Trong điều kiện hiện nay việc tính toán giá thành thực tế chưa làm được hàng tháng, số thu nộp ngân sách gặp nhiều khó khăn. Có đơn vị gia công đến ay vẫn chưa nộp lãi và chênh lệch gia công cho ngân sách.

Liên Bộ quy định:

Lãi gia công là khoản chênh lệch giữa giá thành kế hoạch và giá thành thực tế.

Các đơn vị gia công phải căn cứ vào tình hình thực tế mà sửa đổi giá thành kế hoạch cho sát thực tế, do đó mà không còn không còn rất ít khoản chênh lệch giữa giá thành kế hoạch và giá thành thực tế. Trong khi chờ đợi việc sửa đổi giá thành kế hoạch, các đơn vị gia công phải căn cứ vào tỷ lệ lãi gia công thực tế các năm trước mà định một tỷ lệ lãi kế hoạch trên giá thành kế hoạch để hàng tháng trích nộp vào ngân sách. Tỷ lệ lãi gia công kế hoạch của đơn vị gia công hạch toán kinh tế phải được cả ba ngành Tài chính – Ngân hàng – Nội thương thống nhất. Khi lên được quyết toán thì phải điều chỉnh số lãi theo thực tế. Nếu thuế phải nộp cho đủ và nếu thừa Tài chính phải thoái lại.

Chênh lệch gia công là khoản chênh lệch giữa giá thành kế hoạch và giá bán của đơn vị gia công (tức là giá chỉ đạo nhập kho của đơn vị bán buôn cấp 1). Mỗi lần giao hàng cho người mua, đơn vị gia công phải căn cứ vào số lượng hàng giao đi và mức chênh lệch giá gia công của mặt hàng hoặc nhóm hàng và tính số chênh lệch gia công kế hoạch để nộp vào ngân sách.

Những khoản lãi gia công, các đơn vị gia công phải nộp cho ngân sách một tháng ba kỳ. Những khoản chênh lệch gia công thì mỗi lần giao hàng cho người mua thu tiền về đơn vị phải nộp ngay vào ngân sách theo như tính toán trên.

Sau khi có quyết toán chính thức hoặc cân đối tài khoản tháng hoặc quý thì sẽ điều chỉnh. Nếu nộp chưa đủ, Ngân hàng tiếp tục cho trích tài khoản tiền gửi thanh toán để nộp thêm, nếu nộp quá, các Sở, Ty tài chính phải thoái trả kịp thời. Thủ tục thoái trả cũng giống như đối với việc thoái trả lãi nộp thừa nói trên.

2. Đối với các đơn vị gia công phụ thuộc:

a) Nguyên liệu đã có trong định mức tồn kho kinh doanh nội thương nên không cấp vốn và cho vay riêng.

b) Quá trình gia công, Ngân hàng cho đơn vị nội thương vay vốn mua nguyên liệu để gia công cho hợp tác xã còn chi phí gia công của hợp tác xã thì Ngân hàng cho hợp tác xã vay trực tiếp.

c) Khi hàng hóa được nhập kho nội thương, Ngân hàng cho vay theo giá nhập kho (trong đó có thuế hàng hóa nếu có, trừ khoản cho vay nguyên liệu). Số còn lại gửi vào tài khoản tiền gửi thanh toán để nộp lãi gia công và chênh lệch gia công, cách tính toán và thời gian nộp các khoản lãi gia công và chênh lệch gia công đã nói ở phần 1 – đơn vị gia công đã hạch toán kinh tế hoàn toàn.

3. Nói chung đối với đơn vị gia công đã hạch toán kinh tế hoặc chưa hạch toán kinh tế muốn vay vốn Ngân hàng phải có những giấy tờ cần thiết để Ngân hàng xét, đối với đơn vị hạch toán kinh tế phải có những chứng từ giao hàng cho người mua mới được vay thanh toán và đơn vị bán buôn cấp 1 phải có chứng từ bán hàng của đơn vị gia công, Ngân hàng mới cho vay để thanh toán tiền hàng.

Đối với đơn vị nội thương kiêm gia công phụ thuộc phải có bảng kê kèm theo chứng từ nhập kho số hàng gia công đã nhập ho thì Ngân hàng mới cho vay theo giá chỉ đạo nhập kho. Các đơn vị nội thương phải gia công những loại hàng tiêu thụ được, nhất thiế không được gia công những loại hàng cũ ứ đọng. Trong khi cho vay nếu Ngân hàng phát hiện ra đơn vị gia công những loại hàng đã ứ đọng thì Ngân hàng không cho vay để nhập kho những loại hàng đó và trích tài khoản tiền gửi thnh để thu về giá trị nguyên liệu nằm trong hàng gia công ứ đọng đó, nếu tài khoản thanh toán không có tiền thì chuyển qua nợ quá hạn. Việc xác định hàng hóa ứ đọng phải được ba ngành thống nhất kết luận.

Hiện nay Nhà nước có chủ trương giảm giá gia công tức là điều chỉnh giảm định mức nguyên liệu, vật liệu gia công và giảm định mức chi phí gia công. Như vậy sẽ tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu cho một đơn vị sản phẩm, giảm chi phí gia công cho một đơn vị sản phẩm và sẽ làm tăng thêm số chênh lệch gia công. Các địa phương và ngành thương nghiệp cần xúc tiến gấp việc tiến hành giảm giá gia công theo như chủ trương của Chính phủ đã định và làm đến đâu thì phải tính ngay số chênh lệch gia công để nộp thêm cho ngân sách.

II. CHÊNH LỆCH TĂNG GIẢM GIÁ

Hiện nay Nhà nước đã quyết định tăng giảm giá một số mặt hàng công nghệ phẩm và thực phẩm… Mỗi lần tăng hoặc giảm giá, Bộ Nội thương đã có hướng dẫn thi hành. Nhưng vì giá tăng giảm đều có quan hệ đến người mua, đến người bán, quan hệ đến vay vốn Ngân hàng, đến thu nộp và cấp vốn của ngân sách... Về tài vụ và kế toán của đơn vị nội thương, mỗi khi có quyết định tăng giảm giá cũng phải điều chỉnh và hướng dẫn hạch toán thống nhất từ cấp I xuống xí nghiệp bán lẻ.

Tuy vậy tình hình giải quyết tăng giảm giá ở các địa phương, các đơn vị nội thương chấp hành không thống nhất, có những quy định của liên Bộ về vấn đề này đến nay vẫn chưa được chấp hành triệt để. Các cơ quan Ngân hàng và Tài chính tỉnh cũng chưa tích cực đôn đốc kiểm tra giúp đỡ đơn vị thương nghiệp giải quyết.

Việc điều chỉnh tăng giảm giá như trên đã nói rất phức tạp. Vì vậy liện Bộ thấy cần phải có những quy định cụ thể để các đơn vị Nội thương, Ngân hàng, Tài chính thi hành cho thống nhất.

1. Các trường hợp tăng giảm giá được quy định dưới đây:

a) Tăng giá bán lẻ nhưng không tăng giá mua đối với xí nghiệp sản xuất công nghiệp và ngoại thương.

b) Giảm giá bán lẻ nhưng không tăng giá mua đối với xí nghiệp sản xuất công nghiệp và ngoại thương.

c) Tăng giá mua nhưng không tăng giá bán lẻ.

d) Tăng giá mua nhưng lại tăng giá bán lẻ.

2. Nguyên tắc chung trong việc giải quyết những loại hàng tăng giảm giá

Hiện nay thu quốc doanh đang tiến hành ở cấp I, nhưng số thu của Nội thương chưa dồn sang khâu sản xuất mà còn tạm thời để ở khâu thương nghiệp bán buôn cấp I. Vì vậy liên Bộ quyết định:

a) Mỗi lần Nhà nước quyết định tăng hoặc giảm giá đều dồn số thu tăng giá (lãi) và giảm thu do hạ giá (lỗ) cho công ty cấp I.

b) Các công ty cấp II mua hàng của công ty bán buôn cấp I thì được lấy giá bán lẻ mới trừ chiết khấu của cấp II (tỷ lệ chiết khấu không thay đổi).

Ví dụ: khi chưa có quyết định tăng giảm giá:

Cấp I bán cho cấp II một chiếc xe đạp giá lẻ là 400đ trừ 10% là 40đ = giá mua của cấp II đối với cấp I là 360đ.

Công thức tính:

Giá mua của cấp II đối với cấp I

=

Giá bán lẻ tại đơn vị cấp II

-

Chiết khấu của cấp II

360đ

=

400đ

-

40đ

(tỷ lệ 10%)

Khi có quyết định tăng giá:

Nhà nước quyết định tăng giá bán lẻ một chiếc xe đạp là 750đ

675đ = 750đ – 75đ (tỷ lệ 10%)

c) Tỷ lệ chiết khấu của cấp II được giữ nguyên nên số tuyệt đối về chiết khấu thay đổi:

- Nếu Nhà nước quyết định tăng giá bán lẻ thì chiết khấu tuyệt đối sẽ tăng:

Chiết khấu cũ:  = 40đ

Chiết khấu mới:  = 75đ

- Nếu Nhà nước quyết định giảm giá bán lẻ thì số chiết khấu tuyệt đối sẽ giảm:

Chiết khấu cũ cho 1m len :  = 8đ

Chiết khấu mới cho 1m len :  = 5đ

Để bảo đảm cho đơn vị nội thương có đủ phí tổn lưu thông hàng hóa tiếp tục kinh doanh, đảm bảo chế độ nộp thuế doanh thu cho Nhà nước và đảm bảo lỗ lãi theo thực tế, liên Bộ quy định mỗi khi thay đổi tăng giảm giá thì tỷ lệ phí thuế lãi trong chiết khấu sẽ áp dụng như sau:

-

Phí lưu thông hàng hóa

:

Số tuyệt đối giữ nguyên

Tỷ lệ phí so doanh số thay đổi

-

Thuế doanh thu

:

Số tuyệt đối thay đổi

Tỷ lệ giữ nguyên 2,5%

-

Lãi bán hàng

:

Số tuyệt đối và tỷ lệ đều thay đổi

Dưới đây liên Bộ hướng dẫn từng trường hợp tăng giảm giá để các đơn vị Nội thương, Ngân hàng, Tài chính thi hành:

a) Tăng giá bán lẻ nhưng không tăng giá mua đối với xí nghiệp sản xuất công nghiệp và ngoại thương

Ở cấp I: Tăng giá bán lẻ nhưng không tăng giá mua thì:

- Tỷ lệ và số chiết khấu tuyệt đối đều tăng.

- Trong chiết khấu thì tỷ lệ chiết khấu của cấp II giữ nguyên. Chiết khấu bản thân công ty cấp II thì số phí tuyệt đối được giữ nguyên, tỷ lệ phí sẽ giảm xuống (số phí tuyệt đối giữ nguyên lãi so với doanh số cao thì tỷ lệ phí sẽ giảm). Lãi của cấp I tăng cả về số tuyệt đối và tỷ lệ.

- Định mức vốn hàng hóa dự trữ không tăng, nhưng chiết khấu chưa thực hiện của cấp I sẽ tăng lên.

Ở cấp II: Tăng giá bán lẻ đồng thời lại tăng giá mua đối với cấp I. Do đó:

- Tỷ lệ chiết khấu không thay đổi, nhưng trong chiết khấu thì:

Số phí tổn lưu thông hàng hóa tuyệt đối giữ nguyên.

Tỷ lệ phí giảm xuống

Thuế giữ nguyên tỷ lệ 2,5% so với doanh số mới nên số thuế tuyệt đối tăng.

Số lãi tuyệt đối và tỷ lệ lãi tăng.

- Định mức vốn hàng hóa dự trữ tăng lên, nhưng tỷ lệ chiết khấu chưa thực hiện không tăng.

b) Giảm giá bán lẻ nhưng không giảm giá mua đối với xí nghiệp sản xuất công nghiệp và ngoại thương

Ở cấp I: Giảm giá bán lẻ nhưng không giảm giá mua đối với xí nghiệp sản xuất công nghiệp và ngoại thương, thì:

- Tỷ lệ và số chiết khấu tuyệt đối đều giảm.

- Trong chiết khấu thì tỷ lệ chiết khấu cấp II giữ nguyên.

Chiết khấu của bản thân cấp I thì: phí tuyệt đối giữ nguyên nên tỷ lệ phí tăng so doanh số mới. Lãi tuyệt đối và tỷ lệ lãi đều giảm.

- Định mức vốn hàng hóa dữ trữ không tăng nhưng chiết khấu chưa thực hiện giảm cả số tuyệt đối và tỷ lệ.

Ở cấp II: Giảm giá bán lẻ nhưng lại giảm giá mua. Do đó:

- Tỷ lệ chiết khấu giữ nguyên nhưng số chiết khấu tuyệt đối giảm.

- Trong chiết khấu thì:

Số phí tổn lưu thông hàng hóa tuyệt đối giữ nguyên riêng tỷ lệ phí tăng (phí tuyệt đối giữ nguyên lãi so với doanh số giảm nên tỷ lệ tăng).

Tỷ lệ thuế giữ 2,5% nên số tuyệt đối giảm.

Lãi tuyệt đối và tỷ lệ lãi đều giảm. Nếu Nhà nước quyết định giảm giá bán lẻ xuống dưới giá mua thì lỗ.

- Định mức vốn hàng hóa dự trữ của cấp II sẽ giảm. Chiết khấu chưa thực hiện giảm cả số tuyệt đối và tỷ lệ.

c) Tăng giá mua nhưng không tăng giá bán lẻ

Ở cấp I: Tăng giá mua nhưng không tăng giá bán thì:

- Tỷ lệ chiết khấu giảm

- Trong chiết khấu thì tỷ lệ chiết khấu cấp II không thay đổi. Chiết khấu cấp I thì :

- Số phí tuyệt đối và tỷ lệ không thay đổi.

- Số lãi và tỷ lệ đều giảm.

- Định mức vốn hàng hóa dự trữ tăng lên. Chiết khấu chưa thực hiện giảm cả tỷ lệ và số tuyệt đối.

Ở cấp II: giá bán lẻ và giá mua của cấp I không thay đổi. Do đó chiết khấu (phí, thuế, lãi) vốn không thay đổi.

d) Tăng giá mua đồng thời tăng giá bán lẻ:

Ở cấp I: Tăng giá mua đồng thời tăng giá bán lẻ thì:

- Số chiết khấu tuyệt đối giữ nguyên tỷ lệ chiết khấu giảm.

- Trong chiết khấu thì chiết khấu của cấp II giữ nguyên.

Trong chiết khấu của bản thân cấp I thì:

+ Số phí tuyệt đối giữ nguyên nhưng tỷ lệ phí giảm;

+ Số lãi tuyệt đối giữ nguyên nhưng tỷ lệ lãi giảm.

- Định mức vốn hàng hóa dự trữ tăng. Chiết khấu chưa thực hiện giữ nguyên số tuyệt đối nhưng tỷ lệ giảm.

Ở cấp II: Tăng giá mua và đồng thời tăng giá bán lẻ thì:

- Tỷ lệ chiết khấu giữ nguyên, nhưng số chiết khấu tuyệt đối tăng lên.

- Trong chiết khấu thì:

+ Số phí tuyệt đối giữ nguyên nhưng tỷ lệ phí giảm.

+ Thuế doanh thu giữ 2,5% trên doanh số mới nên số thuế tuyệt đối tăng.

+ Tỷ lệ lãi và số lãi tuyệt đối đều tăng.

- Định mức vốn dự trữ tăng lên, tỷ lệ chiết khấu chưa thực hiện không tăng nhưng số chiết khấu tuyệt đối tăng lên.

3. Biện pháp thi hành mỗi khi có quyết định tăng giảm giá ở các đơn vị Nội thương, Ngân hàng và Tài chính.

Mỗi khi Nhà nước có quyết định tăng giảm giá thì các đơn vị nội thương các cấp phải tính lại số thuế và số lãi của những mặt hàng tăng hoặc giảm giá, điều chỉnh lại tỷ lệ chiết khấu của cả đơn vị để đề nghị Ngân hàng cho trích theo tỷ lệ mới. Riêng cấp II không phải điều chỉnh tỷ lệ chiết khấu chung vì dù tăng giá hoặc giảm giá, tỷ lệ chiết khấu vẫn giữ nguyên, nhưng phải điều chỉnh lại tỷ lệ phí và tỷ lệ lãi để trích nộp cho ngân sách đúng với thực tế.

Đối với số hàng hóa tồn kho đến ngày tăng giảm giá phải kiểm kê tính theo giá bán lẻ và giá vốn mới. sau khi kiểm kê nếu trị giá vốn tồn kho tăng lên thì số chênh lệch tăng đó phải nộp và ngân sách đồng thời Nhà nước cấp lại cho Bộ Nội thương cả 100% số tăng đó để có đủ vốn tiếp tục kinh doanh. Đối với loại hàng tồn kho thuộc loại giảm giá bán lẻ cần phân biệt hai loại:

Nếu hạ giá bán lẻ nhưng chỉ mất lãi thì số hàng hóa tồn kho không phải giảm vốn mà chỉ giảm chiết khấu chưa thực hiện.

Nếu hạ giá bán lẻ mà mất đến giá vốn thì số hàng hóa tồn kho phải trị giá lại, số chênh lệch giảm đó là lỗ thì đơn vị thương nghiệp phải xin giảm 30% vốn tự có phần Nhà nước đã cấp và trích vào lãi nộp ngân sách thêm 70% số chênh lệch giảm để trả nợ Ngân hàng.

III. CHÊNH LỆCH GIÁ KHU VỰC

(Tài khoản...)

Khoản thu về chênh lệch giá khu vực thực chất là lợi nhuận nhưng được hạch toán trong tài khoản chênh lệch giá phải nộp ngân sách. Do đó trong tỷ lệ gộp không bao gồm khoản này, nhưng khi thu tiền bán hàng về đơn vị nội thương đã nộp cả vào tài khoản đặc biệt. Nếu muốn trích nộp khoản chênh lệch giá khu vực, đơn vị nội thương phải thống kê được số chênh lệch này để Ngân hàng có căn cứ cho trích trong tài khoản đặc biệt nộp vào ngân sách theo định kỳ hàng tháng do Sở, Ty Tài chính và đơn vị nội thương quy định. Vì vậy khi tài khoản chênh lệch giá khu vực phải hoàn trả cho Ngân hàng khoản tỷ lệ gộp phần chênh lệch giá đã tính trên doanh số thu tiền về.

IV. CHÊNH LỆCH HÀNG BÁN CUNG CẤP CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN

(Tiểu, khoản...)

Khoản chênh lệch hàng bán cung cấp này trước đây tính bù trừ trong khoản chênh lệch tăng giảm giá, nhưng thực chất phải trừ vào khoản lãi nộp mới đúng. Do đó nay quy định lại khoản chênh lệch hàng bán cung cấp cho cán bộ, công nhân viên phải hạch toán riêng và chuyển trừ vào lãi nộp (tức là chuyển vào khoản vốn trích khác).

V. VẤN ĐỀ TÀI SẢN THỪA THIẾU CHỜ GIẢI QUYẾT (Tài khoản 108 và 106). VẤN ĐỀ CÔNG NỢ DÂY DƯA KHÓ ĐÒI CỦA NGÀNH NỘI THƯƠNG

Hiện nay số tài sản thừa, thiếu chờ giải quyết, các khoản công nợ dây dưa khó đòi các đơn vị nội thương nhưng còn tồn tại nhiều. Nhiều khoản phát sinh từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết. Hàng năm, số tài sản thừa, thiếu, các khoản công nợ vẫn tiếp tục phát sinh đã làm cho việc kinh doanh, và tình hình tài vụ của các đơn vị nội thương gặp khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của ngành nội thương.

Để giải quyết các loại tài sản thừa, thiếu, các loại công nợ, liên Bộ quy định những điểm cụ thể sau đây:

- Các địa phương phải thành lập những Hội đồng xử lý tài sản tổn thất. Thành phần phải gồm đủ ba ngành Ngân hàng – Tài chính – Nội thương dưới sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính tỉnh, thành.

Đơn vị nội thương phải trình bày tình hình và nguyên nhân cụ thể từng trường hợp đã phát sinh tài sản thừa thiếu; về công nợ dây dưa khó đòi phải trình bày từng sự việc đã xảy ra cho hội đồng xử lý tài sản tổn thất địa phương xét.

Trong lúc chờ đợi ban hành một chế độ giải quyết tài sản tổn thất đầy đủ hơn, liên Bộ tạm thời quy định chế độ giải quyết các trường hợp tổn thất:

Giải quyết tài sản thừa thiếu nhất thiết không được lấy tổng số thừa trừ tổng số thiếu để tìm ra chênh lệch tăng hoặc giảm để đề nghị Hội đồng xử lý giải quyết.

Về biện pháp giải quyết sẽ áp dụng các nguyên tắc:

- Đối với tài sản thiếu do chủ quan gây nên phải truy nguyên trách nhiệm cá nhân và tập thể, bắt bồi thường ghi vào tài khoản phải thu (tài khoản 101) để thu hồi dần.

- Đối với tài sản thiếu do khách quan gây nên được Hội đồng xử lý địa phương duyệt y sẽ cho ghi vào lỗ (tiểu khoản 190,2)

- Đối với tài sản thừa do điều kiện khách quan như điều kiện vật lý hóa học hay không ai thừa nhận sau khi Hội đồng xử lý địa phương xét thì hạch toán số chênh lệch thừa vào lãi và nộp vào ngân sách (tiểu khoản 190,2). Số chênh lệch tài sản thừa này đơn vị thương nghiệp được tính vào hàng hóa dự trữ tồn kho để Ngân hàng tính đảm bảo cung cấp mà cho vay nộp ngân sách.

- Đối với tài sản thừa thiếu do hạch toán kế toán nhầm lẫn hoặc không hợp lý mà vẫn cứ ghi trên sổ sách mãi thì nay phải kiểm tra lại và điều chỉnh sổ sách rồi báo cáo cho Hội đồng xử lý các cấp biết.

Trong việc giải quyết tài sản thừa và tài sản thiếu nếu trong Hội đồng địa phương không nhất trí thì phải báo cáo lên Hội đồng trung ương xét mới được hạch toán vào lỗ lãi.

- Đối với công nợ dây dưa khó đòi gồm các khoản tạm ứng thu mua nông sản, thực phẩm, tạm ứng cho cán bộ, công nhân viên, các khoản phải thu, phải trả thì phải đối chiếu từng trường hợp, kết hợp với cuộc vận động 3 thu dưới sự lãnh đạo của chính quyền các cấp để thu hồi về.

- Đối với khoản tạm ứng, tạm vay của cá nhân phải giải quyết kiên quyết và dứt khoát để thu hồi về.

Những trường hợp không thể đòi được như khách nợ đã chết, đã mất tích hoặc không còn khả năng để trả nợ thì phải được chính quyền địa phương xác nhận và duyệt cụ thể mới hạch toán vào lỗ.

VI. VỀ CẤP VỐN VÀ THU HỒI VỐN HÀNG HÓA Ứ ĐỌNG

Hiện nay hàng hóa ứ đọng của ngành nội thương còn nhiều đã gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh và quản lý tài chính của ngành nội thương.

Số vốn hàng hóa ứ đọng năm 1963 của ngành nội thương đã được Nhà nước cấp vốn 100%. Năm 1964 Bộ Nội thương và các đơn vị phụ thuộc Bộ đã có kế hoạch tiêu thụ hàng hóa ứ đọng đến 31-12-1964. Đối với số hàng hóa ứ đọng còn lại đến 31-12-1964, được Nhà nước cấp vốn 100%, Bộ Nội thương phải có kế hoạch tiêu thụ để đưa các loại hàng hóa này vào mức dự trữ lưu chuyển bình thường cho kế hoạch năm 1965, đẩy mạnh bán ra và trên cơ sở ấy lập kế hoạch nộp lãi và vốn hàng hóa ứ đọng đã giải phóng cho ngân sách 100%. Bộ Nội thương phải tổng hợp số vốn mà Nhà nước đã cấp cho toàn ngành nội thương phân biệt loại vốn đã được cấp để dự trữ hàng hóa lưu chuyển bình thường và loại vốn hàng hóa ứ đọng được cấp 100%; Bộ Nội thương phải mở sổ theo dõi loại hàng hóa và vốn ứ đọng này và giải quyết đến đâu phải nộp hoàn vốn lại cho ngân sách trung ương ngay. Về việc quyết định cho hủy hàng hóa hoặc hạ giá hàng ứ đọng chỉ thị số 105-TTg ngày 22-10-1963 đã quy định thẩm quyền giải quyết của các Hội đồng trung ương và địa phương.

Liên Bộ lưu ý rằng: Hội đồng ở khu, thành phố, tỉnh có quyền quyết định cho hủy bỏ tới 20.000đ và hạ giá tới 10.000đ ở một cơ sở, có nghĩa là ở một đơn vị nội thương đã hạch toán kinh tế, Hội đồng chỉ được giải quyết toàn bộ hàng hóa ứ đọng một lần với trị giá hủy bỏ và hạ giá nói trên.

Hội đồng ở trung ương có quyền quyết định cho hủy bỏ tới 100.000đ và hạ giá tới 50.000đ ở một cơ sở có nghĩa là ở một đơn vị nội thương đã hạch toán kinh tế, Hội đồng chỉ được giải quyết toàn bộ hàng hóa ứ đọng một lần với trị giá hủy bỏ và hạ giá nói trên.

Hàng tháng, các đơn vị nội thương và tài chính phải báo cáo một lần về Bộ Nội thương và Bộ Tài chính tình hình giải quyết hàng hóa ứ đọng và tình hình nộp ngân sách trung ương.

Liên Bộ đề nghị các Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu, các Chi nhánh Ngân hàng, các Sở, Ty Tài chính, Thương nghiệp cần nghiên cứu kỹ thông tư này, mở hội nghị liên ngành phổ biến tận cơ sở để chấp hành được tốt, giải quyết ngay những vấn đề còn mắc mứu từ trước đến nay để thúc đẩy hoạt động thương nghiệp phát triển tốt hơn, tăng cường tích lũy cho Nhà nước, đảm bảo việc giám đốc bằng đồng tiền các hoạt động thương nghiệp được chặt chẽ và thường xuyên hơn.

Thông tư này chỉ áp dụng đối với ngành nội thương, còn các ngành khác phải có ý kiến của ngành chủ quản, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thỏa thuận và hướng dẫn thi hành.

K.T. TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Trần Dương

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Đào

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Đào Thiện Thi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 27-LB năm 1964 giải thích và bổ sung TTLB 21-LB-NH-NT-TC giải quyết vấn đề liên quan giữa công tác cho vay thương nghiệp của ngân hàng với nhiệm vụ nộp ngân sách nhà nước và bảo đảm vốn kinh doanh của các đơn vị mậu dịch quốc doanh do Bộ Tài Chính- Ngân Hàng Nhà Nước- Bộ Nội Thương ban hành

  • Số hiệu: 27-LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 10/12/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Nội thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Đào Thiện Thi, Nguyễn Văn Đào, Trần Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 47
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản